Những góc nhìn Văn hoá

Tư tưởng Hồ Chí Minh về tinh thần trách nhiệm và việc vận dụng vào hoàn cảnh hiện nay

Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh Tư Liệu

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về việc nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Chính phủ, trước Tổ quốc, Nhân dân, trước mọi nhiệm vụ được giao. Đồng thời, Người cũng thường xuyên nhắc nhở, căn dặn, yêu cầu các cán bộ, đảng viên, công chức và mọi người nói chung phải luôn luôn có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc của mình.

Trước hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rõ tinh thần trách nhiệm là gì? Theo người, “Tinh thần trách nhiệm là khi Đảng, Chính phủ hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ việc to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi, đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công. Ngược lại, nếu làm một cách cẩu thả, làm cho qua loa, dễ làm, khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy là không có tinh thần trách nhiệm” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, trang 345).

Người còn nói rõ thêm rằng: “Khi nói tinh thần trách nhiệm ta không chỉ bó hẹp để nói về những người có chức trách, những người lãnh đạo, mà theo nghĩa rộng là để chỉ về bất cứ ai, làm bất cứ công việc gì. Tinh thần trách nhiệm của mỗi người, mỗi cán bộ, đảng viên luôn gắn liền với phẩm chất đạo đức, với truyền thống dân tộc. Quần chúng Nhân dân có trách nhiệm đối với gia đình, xã hội, Tổ quốc. Cán bộ, đảng viên là những người tiên phong thì phải có tinh thần trách nhiệm cao hơn để làm gương cho quần chúng Nhân dân noi theo và phải hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, trang 347). Nhiều lần Người đã nhấn mạnh rằng tinh thần trách nhiệm của mỗi người không phải tự nhiên mà có, mà tinh thần trách nhiệm là kết quả của một quá trình rèn luyện, quá trình nhận thức và hành động đúng đắn, tích cực, tự giác trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về tinh thần trách nhiệm bao gồm những nội dung sau đây:

Một là, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người đều phải tích cực, tự giác thực hiện nhiệm vụ được giao dù đó là nhiệm vụ lớn hay nhiệm vụ nhỏ. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao phải chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để có kết quả cao nhất: “Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người, phải làm tròn trách nhiệm của mình một cách tự giác, theo lương tâm, lương tri của mình” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, trang 349).

Hai là, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người phải luôn luôn có ý thức đúng đắn về trách nhiệm của mình trên mọi cương vị, mọi vị trí công tác: “Tất cả mọi người ở mọi địa vị, vị trí công tác, trong mọi hoàn cảnh đều phải nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình. Trong xã hội thì mỗi người một nghề, không có nghề cao sáng, nghề thấp kém mà nghề nào cũng vinh quang. Mỗi người làm việc gì cũng phải cố gắng, chuyên tâm, không chủ quan, đại khái” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, trang 347).

Ba là, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người phải tự nghiên cứu, hiểu rõ, nắm vững và thấm nhuần các đường lối, chính sách, nghị quyết của Đảng, từ đó mà điều tra, nghiên cứu, nắm chắc hoàn cảnh thiết thực của cơ quan, đơn vị mình, của địa phương mình. Tiếp đó, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người phải tự đặt kế hoạch rõ ràng, tỉ mỉ, thiết thực để giải thích, tuyên truyền, động viên quần chúng Nhân dân, làm cho quần chúng hiểu rõ, ủng hộ các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, từ đó phát động quần chúng thi đua thực hiện tốt các chủ trương, chính sách ấy: “Tóm lại là phải đi đúng đường lối, quần chúng, làm như vậy là có tinh thần trách nhiệm đối với Đảng, Chính phủ và Nhân dân” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, trang 119).

Bốn là, tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người phải được thể hiện trong phong cách nêu gương: “Mỗi đảng viên phải nêu gương trên ba mối quan hệ: đối với mình, đối với người, đối với công việc. Đối với mình, không được tự cao, tự đại, tự mãn, không được tự đề cao cá nhân mình, không được coi thường quần chúng. Đối với người, phải chân thành, thật thà, gần gũi, khiêm tốn, đoàn kết, bao dung, độ lượng. Đối với công việc thì phải nhiệt tình, tận tụy, tìm mọi cách để hoàn thành tốt, phải biết đặt việc chung lên trên hết” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, trang 96).

Năm là, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người phải nêu cao tinh thần trách nhiệm gắn với tự phê và phê bình. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phê bình và tự phê bình phải có mục đích tốt đẹp, động cơ trong sáng, phê bình và tự phê bình phải có tổ chức (nghĩa là phải phê bình và tự phê bình trong cuộc họp của cơ quan, đơn vị chứ không được phê bình bừa bãi hoặc nói xấu sau lưng làm nội bộ mất đoàn kết), phải phê bình và tự phê bình với thái độ chân thành, trung thực, thẳng thắn, khách quan, thiết thực, công khai, không nể nang, không né tránh, không “dĩ hòa vi quý”, phê bình, tự phê bình phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, có hiệu quả, phê bình, tự phê bình phải thấu tình đạt lý, không đao to búa lớn, v.v…

Sáu là, tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên biểu hiện ở việc thực hiện nguyên tắc “nói đi đôi với làm”. Người khẳng định: “Nói và làm là hai mặt, không thể tách biệt nhau, là một trong những tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá tinh thần trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên. Nếu người cán bộ, đảng viên nói mà không làm hoặc nói một đàng làm một nẻo thì nhất định sẽ mất uy tín trước quần chúng” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, trang 182). Theo Người thì việc thống nhất giữa nói và làm là điều không dễ dàng, nó đòi hỏi cần có sự quyết tâm, cố gắng và bền bỉ bởi với bất kỳ công việc nào, dù lớn hay nhỏ, khó hay dễ nếu mà không ra sức phấn đấu thì không thể thành công được. Kết quả của công việc là thước đo của mỗi người. Với những người lãnh đạo, với mỗi cán bộ, đảng viên, thì việc nói đi đôi với làm càng quan trọng vì cán bộ, đảng viên là những tấm gương để quần chúng noi theo. Nói đi đôi với làm, nói được làm được sẽ mang lại hiệu quả lớn, từ đó sẽ được quần chúng hưởng ứng và làm theo: “Nếu nói nhiều mà làm ít hoặc nói mà không làm thì sẽ phản tác dụng. Nếu chính mình tham ô mà bảo người khác phải liêm khiết là không được” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, trang 135).

Bảy là, tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên còn thể hiện ở việc kiên quyết đấu tranh chống bệnh quan liêu. Theo Người, quan liêu là bệnh trái ngược với tinh thần trách nhiệm. Quan liêu là xa rời thực tế, xa rời quần chúng Nhân dân, xa rời mục tiêu lý tưởng của Đảng: “Bệnh quan liêu là nguy cơ của Đảng cầm quyền, là nguyên nhân của những căn bệnh khác. Quan liêu là kẻ thù của chúng ta, nó không mang gươm, không mang súng mà nó nằm trong các tổ chức của ta để làm hỏng công việc của ta. Quan liêu là bạn đồng minh của thực dân, phong kiến. Người mắc bệnh quan liêu là người vô trách nhiệm với Đảng, với dân. Vì vậy, người có tinh thần trách nhiệm phải cương quyết chống bệnh quan liêu” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, trang 105).

Trên đây là những luận điểm chính trong tư tưởng Hồ Chí Minh về việc nêu cao tinh thần trách nhiệm. Trong suốt cuộc đời, Người là tấm gương sáng về tinh thần trách nhiệm với Đảng, với Tổ quốc, Nhân dân. Trong giai đoạn hiện nay, để việc học tập và làm theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc nâng cao tinh thần trách nhiệm có hiệu quả thiết thực, chúng tôi nghĩ rằng cần chú ý một số vấn đề sau đây:

Thứ nhất, học và làm theo tinh thần trách nhiệm của Bác, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người cần nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm với công việc trên cương vị của mình. Học tập và làm theo gương Bác Hồ không phải là bằng những điều cao siêu, to lớn mà nên bắt đầu bằng những lời nói, việc làm bằng cách ứng xử trong việc xử lý, giải quyết những công việc hàng ngày. Mỗi người phải tự ý thức trách nhiệm của mình trong công việc chung, cố gắng vượt mọi khó khăn để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của mình, xứng đáng là người đầy tớ trung thành của Nhân dân.

Cần lưu ý rằng học tập tinh thần trách nhiệm của Bác cần xuất phát từ tinh thần tự giác, từ danh dự, lương tâm của chính bản thân mỗi người, với mong muốn được đóng góp một phần nhỏ bé vào sự phát triển của cơ quan, đơn vị mà mình là một thành viên, nói rộng ra là đóng góp một phần nhỏ bé vào sự phát triển của xã hội, của đất nước.

Thứ hai, học và làm theo tinh thần trách nhiệm của Bác, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người phải luôn luôn thực hiện tốt nguyên tắc “nói đi đôi với làm”, lý luận gắn với thực tiễn, biết thấu hiểu, chia sẻ, thông cảm với những khó khăn, gian khổ của người dân, biết vui mừng với những niềm vui của người dân. Việc biết chia sẻ với những niềm vui, nỗi buồn của nhân dân sẽ giúp mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người luôn suy nghĩ, tìm tòi để giải quyết những công việc vừa ích nước, vừa lợi dân.

Thứ ba, học và làm theo tinh thần trách của Bác, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người phải kiên quyết đấu tranh chống những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, tư tưởng cục bộ, óc bè phái, v.v… “Do chủ nghĩa cá nhân mà không có tinh thần trách nhiệm, ngại khó khăn, gian khổ, thích địa vị, quyền hành, tham danh, trục lợi, xa rời quần chúng, mất đoàn kết, chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù bên trong của mỗi chúng ta, phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, trang 135). Chống chủ nghĩa cá nhân cũng sẽ chống lại sư suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chống lại việc “tự diễn biến, tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Thứ tư, học và làm theo tinh thần trách nhiệm của Bác, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người phải tự mình nêu gương cho mọi người nói theo. Nêu gương phải được coi là bổn phận, nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên. Phải nêu gương về mọi mặt: nêu gương về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, nêu gương về chuyên môn, nghiệp vụ, nêu gương trong việc phê bình, tự phê bình. Không những thế, mỗi cán bộ, đảng viên còn phải nêu gương trong việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chống bệnh quan liêu,...

Đó là một số vấn đề cần chú ý trong việc học tập và làm theo tinh thần trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

53 năm đã trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa nhưng tấm gương sáng về tinh thần trách nhiệm của Người vẫn trường tồn theo thời gian. Hiện nay, trong hoàn cảnh đất nước đổi mới toàn diện, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng và trong tình trạng một bộ phận trong nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, thiếu ý thức tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu,… thì việc học tập và làm theo tinh thần trách nhiệm của Bác Hồ lại càng phải được đặt ra một cách kịp thời./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434894

Hôm nay

2165

Hôm qua

2349

Tuần này

21544

Tháng này

211942

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434894