Ống kính văn hoá

Từ khoán hộ đến đổi mới trong nông nghiệp

Đất nước đã thống nhất được gần 40 năm, công cuộc đổi mới đất nước đã trải qua gần 30 năm. Thời gian chưa phải là dài cho sự phát triển của một đất nước, với biết bao thăng trầm, khó khăn, nguy cơ và thách thức, nhưng cho đến nay, Việt Nam đã từng bước vượt qua, từng bước khẳng định vị thế của mình trong khu vực và trên thế giới. Đó là một sự chuyển mình vô cùng ngoạn mục. Nhưng để có được sự chuyển mình đó, Việt Nam đã phải trải qua không ít những khó khăn, sai lầm nhưng rồi chúng ta đã từng bước nhận ra và điều chỉnh, để đạt được kết quả như ngày hôm nay.

Một trong những lĩnh vực đấu tranh để đi đến đổi mới tiên phong nhất và cũng cam go nhất, đó chính là quá trình đổi mới trong nông nghiệp. Từ chủ trương hợp tác hoá nông nghiệp với tư duy quản lý tập thể, cơ chế hoá trong nông nghiệp, với hình thức khoán việc, đến sự ra đời của hình thức khoán hộ. Từ khoán hộ ở một xã, huyện một cách công khai đến khoán chui, khoán lùi, rồi khoán sản phẩm, khoán lúa, khoán 100 và khoán 10 là cả một chặng đường ghệp ghềnh, gian nan, đi từ thử nghiệm này đến thử nghiệm khác và từng bước điều chỉnh để tìm ra con đường phát triển đúng đắn và phù hợp cho nông nghiệp nước ta. Từ một nước nông nghiệp thiếu đói triền miên, chỉ sau vài năm đổi mới, Việt Nam đã tự lực được lương thực và vươn lên trở thành nước đứng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu gạo.

Bài học về khoán hộ và sự thăng trầm của khoán hộ là một thực tế đáng suy ngẫm trong quá trình đi đến đổi mới ở Việt Nam. Khoán hộ không chỉ là vấn đề của quá khứ, nó còn nhiều bài học nóng hổi cho giai đoạn phát triển đất nước hiện  nay.

1. Quá trình đi đến đổi mới của nông nghiệp Việt Nam

1.1.Từ khoán việc đến khoán hộ

1.1.1. Khoán việc

Với nhận thức: “…còn chế độ sở hữu tư nhân  về  tư  liệu sản xuất và lối làm ăn riêng lẻ thì vẫn còn cơ sở  vật  chất  và điều kiện xã hội cho khuynh hướng tư bản chủ nghĩa  tự  phát  nảy nở” [[1]], sau khi thực hiện cải cách ruộng đất và cải tạo nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước đề mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Trong nông nghiệp chủ trương thực hiện phong trào hợp tác hoá, thành lập các hợp tác xã nông nghiệp, hô hào nông dân tham gia hợp tác xã. Tính đến cuối tháng 3-1959, toàn miền Bắc đã có 6.830 hợp  tác  xã  sản xuất nông nghiệp bao gồm 7% nông hộ và gần 70%  nông  hộ  vào tổ đổi công (21% nông hộ vào tổ đổi công thường  xuyên). Trong  số 6.830 hợp tác xã đã có 119 hợp tác xã cấp cao và có một ít xã đã thu hút trên 90% nông hộ vào hợp tác xã. Số xã viên của từng hợp tác xã cũng đông hơn. Trung bình  mỗi  hợp  tác xã gồm 30 hộ. Cá biệt có hợp tác xã gồm tới 100  hộ  và  kinh doanh nhiều mặt: nông nghiệp, thủ công nghiệp, mua bán (như hợp tác xã Vũ La, Hải Dương).

 Ở miền núi đã có 239 hợp  tác xã nông nghiệp. Dân đánh cá cũng hăng hái tham gia vào  hợp  tác xã ngư nghiệp; tính đến tháng 2-1959 số hợp tác xã  ngư  nghiệp  và nông - ngư nghiệp đã lên tới 102 hợp tác xã.

Đến cuối 1960, phong trào hợp tác hoá nông nghiệp đã cơ bản thành công với 85,8% số hộ nông dân và 68,1% diện tích đất canh tác ở miền Bắc được đưa vào 40.422 hợp tác xã nông nghiệp [[2]]. Nguyên tắc của hợp tác xã là: tập thể hoá tư liệu sản xuất và sức lao động, quản lý theo cơ chế tập trung, phân phối tư liệu và sản phẩm một cách thống nhất.

Khi vào hợp tác xã, hộ nông dân đóng góp tất cả tư liệu sản xuất mà mình có được bao gồm: ruộng đất, trâu, bò, cày, cuốc… để sơ hữu chung, dưới sự quản lý của Ban chủ nhiệm hợp tác xã và các Đội sản xuất. Mọi việc làm và kết quả thu hoạch được đều do Ban chủ nhiệm và các Đội sản xuất quản lí, điều hành và phân phối. Hình thức tổ chức sản xuất ở các hợp tác xã là khoán việc. Đơn vị sản xuất là tổ đội sản xuất chứ không còn là hộ gia đình, vai trò kinh tế hộ nông dân bị xoá bỏ. Khoán việc không quy trách nhiệm cho ai, xã viên không hề thấy quyền lợi mà mình sẽ được hưởng trên cánh đồng chung. Xã viên làm việc theo tiếng kẻng, buổi sang theo kẻng đủng đỉnh ra đồng, làm việc cầm chừng đợi kẻng hết giờ ra về, không quan tâm đến chất lượng công việc.

Theo chế độ khoán việc, công sức lao động của xã viên được qui thành công, điểm (công là ngày công, còn điểm là 1/10 ngày công). Từ cấy hái, chăm bón đến họp hành đều tính thành công điểm mà người ghi điểm là cán bộ thôn, xã. Cán bộ thôn, xã được bầu theo quan điểm giai cấp nên hầu hết là những bần, cố nông – những người còn nhiều hạn chế về khả năng và trình độ quản lí. Ngày công được tính cho mỗi lao động khi thực hiện một công việc theo tiêu chuẩn hợp tác xã đề ra. Cuối mỗi vụ đều dựa vào công điểm để chia hoa lợi. Đây chính là điểm sơ hở đẻ ra rất nhiều sâu mọt, quan tham ngay từ cơ sở. Kẻ ghi công điểm thì không phải lao động và có quyền ban phát công điểm cho nông dân. Còn nông dân thì một nắng hai sương nhưng chẳng được bù đắp gì vì mọi thứ đều là của chung và rơi vào tình trạng “cha chung không ai khóc”. Tình trạng “dong công, phóng điểm” ngày càng phát triển tràn lan. Chính vì vậy mà sau một thời gian hợp tác hoá, nông nghiệp nước ta rơi vào tình trạng lụn bại.

Trong thời kì 1961-1965, diện tích trồng trọt của miền Bắc tuy đã tăng thêm khoảng 20 vạn hecta do khai hoang, nhưng năng suất lúa giảm chỉ còn 17-18 tạ/hecta. Năm 1961, mức bình quân lương thực đầu người là 24kg/tháng, đến năm 1965 giảm chỉ còn 14kg/tháng.

1.1.2. Khoán hộ

Với cơ chế khoán việc, chỉ đạo của hợp tác xã, người nông dân không thiết tha với công việc của hợp tác xã, cha chung không ai khóc, làm việc chỉ vì công điểm, không vì chất lượng nên chỉ sau một thời gian ngắn, nông nghiệp bị giảm sút nghiêm trọng. Riêng tỉnh Vĩnh Phúc, năm 1966, diện tích và sản lượng một số cây trồng không đạt kế hoạch, đặc biệt, cây lương thực bị giảm sút nhiều, nhất là lúa. Tổng sản lượng qui ra thóc bị tụt 37.000 tấn, riêng lúa tụt 32.000 tấn so với năm 1965. Phần nghĩa vụ với nhà nước cũng giảm 22.000 tấn so với năm 1965” [3]. Trong lúc khó khăn, một số địa phương, hợp tác xã đã chủ động nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân và tìm cách làm ăn mới hiệu quả hơn. Theo điều tra lúc bấy giờ, nông dân không mặn mà với đất đai của chung hợp tác xã vì hiệu quả ngày công không cao nên họ tập trung đầu tư vào mảnh đất 5% (thường được gọi là ruộng phần trăm), vì công lao chăm bón, cày cấy và thu  hoạch trên mảnh ruộng này hoàn toàn thuộc về hộ gia đình, làm được bao nhiêu họ hưởng cả, vì thế mà họ ra sức chăm bón, cày cấy, quay vòng để nuôi gia đình. Tức là khi hộ nông dân được tự chủ, họ có thể toàn tâm, toàn ý, bỏ hết công sức để đạt được năng suất cao nhất có thể. Vậy nếu khoán việc tới hộ nông dân thì sẽ khắc phục được những hạn chế trên và thúc đẩy người lao động hăng hái tham gia sản xuất, tăng năng suất lao động.

Vĩnh Phúc là địa phương đầu tiên trong cả nước xuất hiện và thực hiện cơ chế “khoán việc tới hộ”, thường được gọi là khoán hộ.

Từ năm 1963 đến năm 1965, ở Vĩnh Phúc đã xuất hiện việc khoán hộ rải rác ở các hợp tác xã Văn Quan, Đa Phúc, Hoà Loan, Tứ Kỳ [[4]] dưới các hình thức khoán nuôi trâu, bò đẻ, nuôi lợn, khoán trồng rau… Đây chính là những cơ sở thực tiễn ban đầu để hình thành chủ trương khoán hộ của Tỉnh uỷ tỉnh Vĩnh Phúc. Ngày 10/09/1966, Ban thường vụ Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc ra nghị quyết về “Một số vấn đề quản lý lao động trong hợp tác xã hiện nay”. Theo nghị quyết này, đối với một số khâu trong quá trình canh tác mà xã viên có thể đảm nhiệm hiệu quả như cấy, chăm bón lúa (làm cỏ, bón phân, tát nước…) và thu hoạch, thì giao cho xã viên diện tích phải làm, kèm theo mức khoán số công điểm được ăn chia, sản lượng phải đạt và nộp cho hợp tác xã. Với cách làm như vậy, xã viên làm tốt, vượt mức khoán thì họ được hưởng lợi hoàn toàn, nên xã viên hăng hái, chăm chỉ tham gia sản xuất. Khả năng tự chủ của hộ gia đình lại được phát huy, mọi tiềm năng lao động lại được tận dụng.

Kết quả: khoán hộ đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ở Vĩnh Phúc. Năm 1965: Vĩnh Phúc có 131 hợp tác xã (chiếm 9,4% tổng số hợp tác xã), đạt 5 tấn lúa/ha với ruộng hai vụ lúa. Năm 1967 có 348 hợp tác xã (chiếm 21,4%) đạt sản lượng này, gấp đôi so với năm 1965. Năm 1967, Vĩnh Phúc huy động thóc làm nghĩa vụ chỉ đạt 99,5% kế hoạch nhưng các loại nông sản khác lại vượt mức: hoa màu, rau xanh đứng thứ 3 toàn miền Bắc, thuốc lá thu mua vượt 14%, thịt bán cho nhà nước vượt 31,5%. Một số xã như Cao Trào, Yên Lập đàn trâu đã tăng gấp 3 lần so với năm 1963. Hợp tác xã Đông Nam năng suất lúa tăng từ 520kg vụ chiêm, 840 vụ mùa (năm 1967) lên 602kg vụ chiêm, 980 kg vụ mùa (năm 1968), diện tích canh tác tăng thêm 100 mẫu bãi. Năm 1967, tổng đàn lợn trong tỉnh là 307.000 con, tăng 20% so với năm 1966.[5]Vĩnh Phúc là một trong 14 đơn vị ở miền Bắc vượt kế hoạch thu mua thịt lợn hơi.

Kết quả đó cho thấy hiệu quả rõ rệt của khoán hộ ở Vĩnh Phúc, vì trong giai đoạn này khoán hộ chủ yếu được thực hiện với hoa màu, rau và chăn nuôi. Với nhiều hình thức khoán khác nhau, phù hợp với tâm lý, khả năng lao động, trình độ quản lý điều hành của cán bộ và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất lúc bấy giờ nên khoán hộ ở Vĩnh Phúc đã huy động và tận dụng được các lực lượng lao động, khuyến khích xã viên hăng hái sản xuất, nâng cao năng suất lao động, hạn chế đáng kể các hiện tượng tiêu cực trong các hợp tác xã lúc bấy giờ.

1.2.Từ khoán hộ đến khoán chui, khoán lùi

Tuy nhiên, việc triển khai “khoán hộ” ở Vĩnh Phúc trong hoàn cảnh đó không được sự đồng thuận, và bị coi là sự vượt rào. Thông tri số 224-TT/TW ngày 12/12/1968 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về chấn chỉnh công tác ba khoán và quản lý ruộng đất của hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ở một số địa phương” đã chấn chỉnh việc triển khai khoán hộ ở Vĩnh Phúc. Khoán hộ bị coi là buông lỏng quản lý, khoán trắng ruộng đất, khoán trồng trọt, khoán chăn nuôi, khoán cả công cụ sản xuất cho hộ dẫn đến tư hữu hoá tư liệu sản xuất, “trái với đường lối hợp tác hoá nông nghiệp của Đảng”, phá vỡ nguyên tắc quản lý XHCN, phục hồi kinh tế cá thể…, vì vậy việc khoán hộ ở Vĩnh Phúc không được ủng hộ. Bí thư Đảng uỷ tỉnh Vĩnh Phúc là ông Kim Ngọc sau đó đã “Quyết tâm sửa chữa khuyết điểm, đưa phong trào hợp tác hoá xã và sản xuất nông nghiệp của tỉnh Vĩnh Phú vững bước tiến lên” (tháng 6/1969).

Sau khi khoán hộ ở Vĩnh Phúc được chấn chỉnh, khoán việc tiếp tục được bảo vệ và thắng thế qua nhiều hội nghị và đại hội Đảng. Hội nghị nông nghiệp tại Thái Bình (tháng 8/1974), Đại hội Đảng lần thứ IV (04/1976) mặc dù phát động phong trào đẩy mạnh việc cải tiến quản lý trong các hợp tác xã nhằm cứu vãn phong trào hợp tác hoá nông nghiệp đang lâm vào khủng hoảng nhưng cơ chế quản lý theo khoán việc vẫn được duy trì, và sau khi thống nhất đất nước, lại được triển khai trên toàn quốc. Khoán việc tiếp tục kéo dài dẫn đến tình trạng “sản xuất chậm phát triển, có mặt trì trệ, sút kém, không đảm bảo nhu cầu thiết yếu của nhân dân. Nhà nước phải đưa thóc về cứu tế cho nông dân, đời sống nông dân sa sút… sản xuất mang nặng tính chất tự cấp, tự túc, khép kín, phường hội, nhiều tiêu cực mới phát sinh, quản lý mất dân chủ, tham ô, lãng phí…)[6]

Trước tình trạng nông dân thiếu đói trầm trọng, nông nghiệp sa sút, một số địa phương đã lặng lẽ, kín đáo chuyển sang thực hiện khoán sản phẩm và khoán hộ nên thời kì này thường được gọi là khoán chui vì khoán hộ bị cấm, cán bộ thực hiện khoán hộ có thể bị kỷ luật nhưng hoàn cảnh lúc đó, “khoán chui hay là chết” đã buộc một số địa phương, một số hợp tác xã không còn sự lựa chọn khác.

Khoán chuiđược thực hiện ở một số hợp tác xã tại Vĩnh Phú, hợp tác xã Sơn Công huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Sơn Bình, (từ 1978). Ở Hải Phòng, hàng loạt hợp tác xã thực hiện khoán chui: xã Minh Tân huyện An Thuỵ thực hiện khoán chui từ năm 1972, xã Bắc Hà và Đoàn Xá (huyện Kiến An) khoán chui từ năm 1977. Ngay cả một số hợp tác xã nổi tiếng, được coi là lá cờ đầu trong phong trào hợp tác hoá nông nghiệp lúc bấy giờ như Định Công (huyện Thiệu Yên, Thanh Hoá) hay Vũ Thắng (huyện Vũ Thư, Thái Bình) cũng kín đáo chuyển sang khoán chui [Xem Thái Duy, tr.314,315]. Tại Nam Bộ, khoán chui xuất hiện sớm nhất ở xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai (từ năm 1979), sau đó là thành phố Hồ Chí Minh, Hậu Giang, Tiền Giang. Tỉnh lúa lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long là Hậu Giang (nay là Sóc Trăng và Cần Thơ) cũng về Hải Phòng học tập cách thực hiện khoán sản phẩm.

Trước hiệu quả thực sự của khoán chui ở các địa phương, Hội nghị lần thứ VI Ban chấp hành trung ương Đảng (tháng 09/1979) ra Nghị quyết số 20 –NQ/TW ngày 20/09/1979 “Về tình hình và nhiệm vụ cấp bách”, thừa nhận sự tồn tại khách quan của các thành phần kinh tế, cho phép các hộ xã viên mượn đất sản xuất, ổn định nghĩa vụ lương thực, bãi bỏ việc phân phối định suất, thực hiện phân phối theo lao động, khuyến khích phát triển kinh tế gia đình, nởi lỏng quyền tự do lưu thông và trao đổi nông sản, thực phẩm… Đây được coi là nghị quyết có ý nghĩa mở đầu cho quá trình đổi mới.

Tuy nhiên, quá trình đổi mới còn trải qua nhiều bước thăng trầm, quanh co và phức tạp. Tuy đã có sự đổi mới về nhận thức như trên, thấy được lợi ích rõ rệt của khoán chui nhưng một số cán bộ lãnh đạo lại cho rằng khoán chui chỉ là một bước lùi tạm thời, về lâu dài và căn bản vẫn phải là khoán việc mới là làm ăn tập thể, mới là xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, nhiều người mới gọi khoán chuikhoán lùi.

"Khoán chui", một mặt, phản ánh sự bắt đầu đổ vỡ khó tránh khỏi của mô hình tập thể hoá triệt để ruộng đất, sức lao động và tư liệu sản xuất khác của nông dân; mặt khác, phản ánh tính tất yếu kinh tế - khôi phục lại chức nǎng kinh tế hộ nông dân. Khoán 100 bước đầu đáp ứng được yêu cầu khách quan này.

1.3. Từ khoán chui đến khoán 100khoán 10

Sau Vĩnh Phúc, Hải Phòng là địa phương thứ 2 công khai thực hiện khoán hộ, khoán sản phẩm, bỏ khoán việc. Tháng 06/1980, huyện uỷ Đồ Sơn ra nghị quyết số 05 giao ruộng đến xã viên, ngày 27/06/1980, Thành uỷ Hải Phòng ra nghị quyết số 24, công khai chuyển 06 huyện ngoại thành sang khoán sản phẩm, bỏ khoán việc.

Ngày 21/10/1980, Ban Bí thư trung ương Đảng ra nghị quyết số 22 TB-TW cho ý kiến về công tác khoán trong hợp tác xã và đội sản xuất, ghi nhận và đánh giá những tác dụng tích cực của hình thức khoán mới, cho phép các địa phương thử nghiệm các hình thức khoán sản phẩm với cây lúa. Dựa trên một những kinh nghiệm thực tiễn với hiệu quả tích cực ở một số địa phương và Báo cáo của một số cơ quan chuyên ngành nghiên cứu về các hình thức khoán trong nông nghiệp, tháng 12 năm 1980, Hội nghị Trung ương 9 khóa IV đã họp bàn về việc thực hiện và hoàn thiện khoán sản phẩm trong nông nghiệp,

Báo cáo của Ban Quản lý hợp tác xã trung ương, Bộ Nông nghiệp ngày 18/12/1980 đã chỉ rõ những nhược điểm của khoán việc:“Hình thức khoán việc…nhìn chung không phù hợp với trình độ tổ chức, quản lý và điều kiện sản xuất của đa số hợp tác xã ở nước ta hiện nay. Hình thức khoán việc còn nhiều nhược điểm không những khó làm nên 70% hợp tác thuộc loại trung bình và yếu kém chưa làm được tốt hoặc không làm được mà còn làm cho người lao động ít quan tâm đến sản phẩm cuối cùng họ làm ra, chỉ lo chạy theo công điểm, không đảm bảo qui trình kĩ thuật, tình trạng dong công phóng điểm, không tiết kiệm chi phí sản xuất diễn ra khá phổ biến”[7]

Báo cáo cũng khẳng định sự tiến bộ của khoán sản phẩm so với khoán việc. Khoán sản phẩm vừa nâng cao được ý thức trách nhiệm của tập thể và mỗi cá nhân, cụ thể hoá chế độ làm chủ tập thể, vừa đảm bảo nguyên tắc phân phối công bằng cho người lao động nên khuyến khích được hợp tác xã và xã viên tích cực tận dụng lao động, đất đai, thâm canh, tăng vụ, phát triển sản xuất, tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, tăng năng suất lao động.

Ngày 13 tháng 1 năm 1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị 100-CT/TW về Cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp chính thức công nhận khoán sản phẩm. Chỉ thị này cho phép áp dụng chế độ khoán trong toàn bộ nền nông nghiệp cả nước. Chế độ khoán này thường được gọi tắt là Khoán sản phẩm, hay khoán 100.

Chỉ thị 100 nêu rõ ba mục đích của khoán sản phẩm là: bảo đảm phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế (trên cơ sở lôi cuốn được mọi người hăng hái lao động, kích thích tăng nǎng suất lao động, sử dụng tốt đất đai, tư liệu hiện có), củng cố và tăng cường quan hệ sản xuất XHCN ở nông thôn, nâng cao thu nhập của người lao động.

Nguyên tắc khoán sản phẩm:quản lý và sử dụng có hiệu quả tư liệu sản xuất, trước hết là ruộng đất, quản lý và điều hành lao động phải trên cơ sở gắn với kết quả cuối cùng của sản xuất, thực hiện khoán theo 5 khâu và 3 khâu; trong phân phối giải quyết hài hoà mối quan hệ lợi ích người lao động.

Phạm vi khoán sản phẩm:áp dụng đối với mọi loại cây trồng và vật nuôi.

Khoán 100có tác dụng phân chia lại chức nǎng kinh tế giữa tập thể và hộ gia đình cả về quan hệ sở hữu, quan hệ quản lý và phân phối, mở đầu cho quá trình dân chủ hoá về mặt kinh tế, bằng việc gắn bó trở lại lao động với ruộng đất, mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân, tạo ra động lực kích thích phát triển sản xuất. Xét về mặt cơ chế quản lý kinh tế, khoán 100 đã phá vỡ cơ chế tập trung quan liêu trong sản xuất nông nghiệp. Trong thời gian đầu, khoán 100 đã có tác dụng làm sống động nền kinh tế nông thôn và tạo ra một khối lượng nông sản lớn hơn so với thời kỳ trước.

Sau khi chỉ thị 100 được ban hành, như được cởi trói, khoán sản phẩm đã được triển khai, thực hiện phổ biến ở các hợp tác xã và các tổ, đội sản xuất. Nhìn chung, năng suất lúa sau khi thực hiện khoán sản phẩm ở các hợp tác xã đều tăng lên, nơi tăng ít khoảng 4-5%, tăng vừa từ 15-20%, cá biệt có nơi tăng 50%.[8]

Tuy vậy, khoán 100 cũng chỉ có tác dụng trong một thời gian, sau đó giảm dần vì cơ chế tập trung quan liêu vẫn còn được duy trì trong hợp tác xã, cũng như toàn bộ hệ thống tái sản xuất xã hội trong nông nghiệp. Hệ thống này cùng tính chất mệnh lệnh hành chính, mà hậu quả của nó đè lên vai người nông dân, trước hết là hộ nhận khoán. Mức khoán không ổn định, được điều chỉnh theo từng năm, ngày càng cao hơn khiến xã viên vượt khoán được hưởng lợi rất ít, người nông dân chỉ còn lại khoảng 16-20% sản lượng khoán, không bù đắp được vốn và sức lao động bỏ ra, vì vậy, động lực vừa mới được tạo ra đã dần bị triệt tiêu. Hộ nông dân không đủ khả nǎng bảo đảm tái sản xuất và nhu cầu đời sống nên đã phải trả lại bớt ruộng đất. Khoán việc quay trở lại và xã viên không hào hứng với các công việc do hợp tác xã huy động. Năm 1987, sản xuất lương thực giảm gần 1 triệu tấn, đã dẫn đến nạn đói tháng 03 năm 1987, tháng 03/1988 ở một số vùng. Vụ giáp hạt năm 1988, nạn đói xảy ra ở 21 tỉnh thành phía Bắc với hơn 9,3 triệu người đói ăn, bằng 39% số nhân khẩu trong nông nghiệp, trong đó, số người đói gay gắt, đứt bữa là 3,6 triệu người.[9]

Trước tình hình khủng hoảng nghiêm trọng, hầu hết các hợp tác xã lâm vào tình trạng kiệt quệ về lương thực mà nguyên nhân chủ yếu là cơ chế quản lý lạc hậu không khuyến khích được sản xuất. Tất cả đều có  một mong muốn được chuyển sang khoán hộ, chỉ có khoán hộ mới cứu đất nước thoát khỏi nạn đói trầm trọng đang đe doạ.

Trước đòi hỏi của cuộc sống, nhiều cấp uỷ đảng ở địa phương đã chủ động chuyển sang khoán gọn. Ngày 05/04/1988, Bộ Chính trị ra nghị quyết số 10 NQ-TW về Đổi mới quản lý nông nghiệp, Khoán 10 ra đời. Khoán 10 thừa nhận “hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ”, thực hiện giao ruộng khoán cho hộ dài ngày (15-20 năm) đối với đất trồng cây ngắn ngày, 1 đến 2 chu kì đối với cây dài ngày, ổn định sản lượng khoán, bảo đảm cho người trồng lúa có lãi không dưới 40%. Hộ nông dân được tự quyết định việc canh tác trên diện tích được giao, chỉ có nghĩa vụ đóng thuế, được tự do lưu thông sản phẩm làm ra ở nơi có lợi nhất sau khi hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với nhà nước. Cùng với việc thực hiện khoán 10 là sự đổi mới toàn bộ cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp, đổi mới hoạt động kinh tế - xã hội ở nông thôn theo hướng xoá bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp. Từ đây, chức nǎng kinh tế của hộ nông dân được xác lập trở lại.

Hội nghị Ban chấp hành trung ương Đảng lần thứ 6 (khoá VI) tháng 3-1989 và Đại hôi đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng tiếp tục khẳng định hộ nông dân là một đơn vị kinh tế tự chủ sản xuất hàng hoá. Đổi mới hình thức và nội dung hoạt động của các hợp tác xã nhằm khai thác có hiệu quả các tiềm nǎng kinh tế hộ nông dân và nông nghiệp, từng bước chuyển nền kinh tế tự cấp tự túc sang sản xuất hàng hoá theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tác dụng của cơ chế Khoán 10 cùng với những thành tựu về thủy lợi, cải tạo giống, thâm canh tăng năng suất ở đồng bằng Bắc Bộ và mở rộng diện tích đất canh tác ở đồng bằng sông Cửu Long đã đưa nền nông nghiệp Việt Nam sang trang sử mới. Từ chỗ thiếu ăn triền miên, đến năm 1988 vẫn còn phải nhập khẩu hơn 450.000 tấn gạo, nhưng từ năm 1989, Việt Nam vừa bảo đảm nhu cầu lương thực trong nước, có dự trữ, vừa xuất khẩu gạo mỗi năm từ 1 đến 1,5 triệu tấn và tiến dần lên tới 4 đến 4,5 triệu tấn những năm sau đó, làm cho cả thế giới phải kinh ngạc.

2. Từ khoán hộ đến khoán 10 – Những suy ngẫm về một quá trình

Khoán hộ là cách làm khoán trực tiếp đến mỗi người lao động. Giao ruộng cho người lao động. Hợp tác xã chỉ cung cấp giống, kỹ thuật, phân bón, thuốc trừ sâu và đến vụ thu hoạch thì người lao động chia lại một phần lúa cho hợp tác xã từ năng suất lúa mà họ thu hoạch được. Hạt lúa đã gắn với công sức và quyền lợi của người nông dân. Nếu họ chăm chỉ thì lúa sẽ tốt và hứa hẹn vụ mùa đó họ sẽ thu hoạch được nhiều cho mình hơn. Một chân lý đơn giản như vậy nhưng đã phải trải qua biết bao sóng gió, thăng trầm để có thể trở thành sự thực.

Thứ nhất, qua quá trình thăng trầm từ khoán hộ đến khoán 10, có thể khẳng định khoán hộ ở Vĩnh Phúc chính là sự khởi đầu đúng đắn và là sự tập dượt đầu tiên cho sự ra đời và triển khai khoán 10 sau này.

Khoán hộ manh nha ở một số hợp tác xã thuộc tỉnh Vĩnh Phúc đầu những năm 1960, nhưng chính thức được Tỉnh uỷ tỉnh Vĩnh Phúc Nghị quyết hoá năm 1966, (Nghị quyết số 68-NQ/TW) và triển khai những năm 1966-1968.

Khoán hộ được thể hiện trong Nghị quyết của Đảng uỷ tỉnh Vĩnh Phúc khi đề cập đến 5 nhiệm vụ cụ thể trong việc quản lý lao động nông nghiệp trong hợp tác xã lúc đó, trong đó đặc biệt chú trọng tới nhiệm vụ thứ 2 là: kiên quyết thực hiện đúng và tốt chế độ 3 khoán: khoán việc cho nhóm, cho lao động và cho hộ nhằm bảo đảm sử dụng hợp lý sức lao động và tăng năng suất. Nghị quyết khẳng định khi lao động nông nghiệp có xu hướng ngày càng giảm, vấn đề tổ chức hợp lý hoá sản xuất có tầm đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lao động đó là thực hiện tốt chế độ ba khoán: Ba khoán sẽ giải quyết được vấn đề tăng năng suất một cách thiết thực, tạo động lực kích thích, chủ động nâng cao năng suất của từng người, từng nhóm người lao động, từ đó tránh được sự ỷ lại, dựa dẫm, lười biếng, tự do, tuỳ tiện. Nhờ đó, lao động sẽ được quản lý chặt chẽ, có kỷ luật tự giác, tiết kiệm sức lao động, tận dụng khả năng sức lao động phụ, lao động nhàn rỗi trong các gia đình, đồng thời khắc phục tình trạng quan liêu, thoát ly sản xuất, xa rời quần chúng, tham ô, tư lợi của cán bộ cơ sở. Tuy chưa đề cập hoàn toàn tới khoán hộ nhưng trong Nghị quyết và triển khai, Vĩnh phúc đã nhận thất rất rõ những hạn chế của cơ chế khoán việc và cơ bản chuyển sang thực hiện khoán hộ. Đó chính là cơ sở thực tiễn đầu tiên để đi đến việc ban hành khoán 10 sau này.

Thứ hai, từ khoán hộ đến khoán 10 là quá trình đi đến đổi mới của nông nghiệp Việt Nam.Con đường đó bắt đầu từ cơ sở, từ thực tiễn sản xuất, trải qua nhiều thử nghiệm, đúc rút những bài học và kinh nghiệm mới đi đến thành công. Có người còn nhận định, khoán hộ, khoán lùi, khoán 100 chính là những cuộc đổi mới từng phần, để đi đến sự đổi mới hoàn toàn là khoán 10. Tính từ khoán hộ được thực hiện ở Vĩnh Phúc năm 1966, đến khoán 10 năm 1988, chặng đường đó dài hơn 20 năm. Có người nuối tiếc nếu khoán hộ được chấp nhận và triển khai ngay sau khi thực hiện ở Vĩnh Phúc thì kết quả nền kinh tế nước ta sẽ rất thay đổi. Nhưng lịch sử là không thể thay đổi và nuối tiếc, có chăng chỉ là những bài học từ khoán hộ được rút ra cho hôm nay và mai sau mà thôi.

Thứ ba, từ sự thành công của khoán 10 đã khẳng định vai trò quan trọng của cơ chế quản lý trong nền kinh tế

Khoán 10 ra đời trong thời cơ chín muồi vì đã trải qua giai đoạn tập dượt khoán hộ ở Vĩnh Phúc, khoán chui ở Hải Phòng cùng một số địa phương và sự hạn chế của khoán 100 bị bộ lộ. Các giai đoạn thực hiện các hình thức khoán đều chỉ phát huy tác dụng trong một thời gian nhất định, sau đó lại rơi vào suy giảm, bế tắc, không mang lại kết quả như mong muốn vì vẫn nằm trong tình trạng cải cách nửa vời, chưa giải quyết được khâu căn bản về cơ chế quản lý trong nông nghiệp. Chỉ khi khoán 10 đánh vào khâu đột phá nhất, đó là khẳng định vai trò kinh tế tự chủ của hộ nông dân, cởi bỏ cơ chế quản lý quan liêu, bao cấp, chấp nhận sự điều tiết của nền kinh tế thị trường thì điều kỳ diệu đã đến với nông nghiệp Việt Nam chỉ trong một thời gian ngắn.

Hiệu quả nhanh chóng sau khi thực hiện khoán 10 cho thấy tầm quan trọng của cơ chế quản lý tác động tới nền kinh tế như thế nào. Cũng với đất nước ấy, những con người ấy, điều kiện khoa học kĩ thuật ấy, nhưng chỉ cần thay đổi chính sách, cơ chế quản lý, thì không cần đầu tư tốn kém tiền của mà vẫn nhanh chóng chuyển bại thành thắng. Từ chỗ thiếu ăn, đứt bữa, phải nhập khẩu gạo để cứu đói đến đủ ăn, có dự trữ và xuất khẩu chỉ trong vòng có một năm. Đó cũng chính là bài học cho công cuộc đổi mới tiếp tục ngày hôm nay, không chỉ trong nông nghiệp mà còn các lĩnh vực khác.

Thứ tư,khoán 10 đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt vì đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, phù hợp với những điều kiện lịch sử đương thời.

Yêu cầu của thực tiễn lúc bấy giờ là: hạn chế được cách làm nặng về hình thức của khoán việc, sự quan liêu và lạm quyền của Ban quản lý hợp tác xã cả về tổ chức, điều hành, quản lý sản xuất và phân phối sản phẩm, đòi hỏi sự công bằng về quyền lợi của người lao động… tất cả chứa đựng trong cơ chế làm ăn tập thể, “cha chung không ai khóc”. Trong khi đó, khoán 10 giao đất cho người nông dân, công nhận vai trò tự chủ của hộ gia đình trong nền kinh tế, đã mang lại động lực cho người nông dân trong sản xuất, làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, tạo ra mối quan hệ tự nhiên gắn kết giữa hiệu quả và quyền lợi của người lao động, hiệu quả cao thì quyền lợi nhiều, vì thế tạo động lực cho người nông dân làm ăn chăm chỉ, tìm mọi cách để nâng cao năng suất lao động.

Điều kiện cơ sở vật chất, con người cũng như trình độ quản lý lúc bấy giờ chưa phù hợp với việc tập thể hoá triệt để tư liệu sản xuất, việc thành lập các hợp tác xã bậc cao, vì vậy, khi khoán 10 trao lại quyền sử dụng đất cho nông dân, tư hữu hoá trở lại tư liệu sản xuất là phù hợp với điều kiện kinh tế, cơ sở vật chất và trình độ quản lý lúc bấy giờ nên lập tức phát huy được hiệu quả.

Tuy nhiên, phải chăng đã đến lúc phải có sự điều chỉnh khoán 10 cho phù hợp với tình hình và điều kiện phát triển kinh tế xã hội hiện nay?

Từ khi thực hiện khoán 10 đến nay đã gần 30 năm. Trong tình hình hiện tại, đã có một số vấn đề nảy sinh sau một thời gian thực hiện khoán 10: đó là tình trạng người nông dân sản xuất manh mún, cá thể, điều đó có thể hạn chế việc áp dụng những tiến bộ của khoa học kĩ thuật ngày nay có thể mang lại cho nông nghiệp hiệu quả cao hơn. Việc canh tác manh mún đó làm cho chúng ta khó có thể áp dụng cơ giới hoá, hiện đại hoá để có được hạt gạo có chất lượng cao, nên khi xuất khẩu không mang lại giá trị kinh tế cao. Và vì vậy, nông nghiệp chỉ dừng ở việc đủ ăn, có dự trữ, có xuất khẩu nhưng lại chưa tạo được sự bứt phá cấn thiết để thúc đẩy nền kinh tế như buổi đầu thực hiện khoán 10.

Việc canh tác manh mún sẽ tác động đến lối suy nghĩ và cách tư duy của người nông dân, vẫn chiếm đa số trong dân số Việt Nam, đó là tư duy tiểu nông. Với tư duy tiểu nông, khó có thể xây dựng một nền kinh tế nông nghiệp hiện đại, áp dụng những thành tựu tiên tiến nhất của khoa học kĩ thuật ngày nay để tạo nên một nền nông nghiệp năng suất cao, chất lượng sản phẩm đồng đều. Trên thực tế, gần đây ở một số địa phương đã xuất hiện việc liên kết giữa các hợp tác xã và sự thâu tóm của các chủ vựa để có thể áp dụng cơ giới và khoa học kĩ thuật, nâng cao chất lượng hạt gạo, xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Ở Nam Bộ đã xuất hiện các cánh đồng mẫu lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nông dân, đưa nông dân thực sự tiến vào thời kì công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Khoán 10 ra đời và có giá trị lịch sử bởi nó đáp ứng đúng yêu cầu của thực tiễn, của nông dân trong hoàn cảnh lúc bấy giờ. Giờ đây, một số điều kiện lịch sử đã thay đổi, nên chăng có những sự nghiên cứu, điều chỉnh để thực hiện những cơ chế sản xuất và quản lý phù hợp hơn, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn và tạo sự bứt phá cho nền kinh tế Việt Nam.

Bài học về khoán hộ và sự thăng trầm của khoán hộ là một thực tế đáng suy ngẫm trong quá trình đi đến đổi mới ở Việt Nam. Khoán hộ không chỉ là vấn đề của quá khứ, nó còn nhiều bài học nóng hổi cho giai đoạn phát triển đất nước hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban chấp hành Đảng bộ Vĩnh Phú, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phú, tập II.

2. Báo cáo tại Hội nghị lần thứ 16 (mở rộng) Ban Chấp hành Trung ương khóa II, từ ngày 16 đến 30 tháng 4 và ngày 1 đến 10 tháng 6 năm 1959.

3. Thái Duy, Từ “khoán” đến hộ nông dân tự chủ, Đổi mới ở Việt Nam-nhớ lại và suy ngẫm, Nxb Tri thức, H.2008.

4. Vũ Thị Hoà, Tìm hiểu khoán hộ ở Vĩnh Phúc 1966-1968, Nghiên cứu Lịch sử số 5, 2012.

5. Kiên quyết đưa nông thôn miền Bắc nước ta qua con đường hợp tác hóa nông nghiệp tiến lên chủ nghĩa xã hội, Văn kiện Đảng  Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.20.

6. Lịch sử Đảng bộ Vĩnh Phúc (1930-2005), Nxb CTQG. H.2007.

7. Nguyễn Thị Hồng Mai –Tìm hiểu khoán hộ trong nông nghiệp ở Vĩnh Phúc trước đổi mới, Tạp chí Lịch sử Đảng, số 5, 2008.

 


[1] Báo cáo tại Hội nghị lần thứ 16 (mở rộng) Ban Chấp hành Trung ương khóa II, từ ngày 16 đến 30 tháng 4 và ngày 1 đến 10 tháng 6 năm 1959

[2]Thái Duy, Từ “khoán” đến hộ nông dân tự chủ, Đổi mới ở Việt Nam-nhớ lại và suy ngẫm, Nxb Tri thức, tr.291

[3]Ban chấp hành Đảng bộ Vĩnh Phú, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phú, tập II, tr.123.

[4]Vũ Thị Hoà, Tìm hiểu khoán hộ ở Vĩnh Phúc 1966-1968, Nghiên cứu Lịch sử số 5, 2012, tr.46.

[5]Lịch sử Đảng bộ Vĩnh Phúc (1930-2005), Nxb CTQG. H.2007, tr.361

[6][Thái Duy, sđd tr.296]

[7][Thái Duy, sđd, tr.329]

[8]Nguyễn Thị Hồng Mai –Tìm hiểu khoán hộ trong nông nghiệp ở Vĩnh Phúc trước đổi mới, Tạp chí Lịch sử Đảng, số 5, 2008-tr.64

[9][Thái Duy, sđd, tr.342]

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434733

Hôm nay

24

Hôm qua

2349

Tuần này

21383

Tháng này

211781

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434733