Người xứ Nghệ

Lương Tuyển - Nhạc sĩ của núi rừng

 

“Lương Tuyển đúng là con người của núi rừng, anh có năng khiếu âm nhạc thực sự. Chỉ cần anh ơ a là thành nốt nhạc, là chất miền núi ùa vào mà không lẫn với bất cứ ai”. Nhạc sĩ Phan Thanh Chương, đồng nghiệp của nhạc sĩ Lương Tuyển đánh giá.

 

 

 

       Từng là diễn viên múa trong Đoàn Văn công Quân khu 2, và được đi học biên đạo múa, nhưng Lương Tuyển là người đa tài. Anh biết chơi các nhạc cụ dân tộc, biết hát và sáng tác nhạc. Ra quân, anh trở về quê hương Con Cuông, công tác tại Trung tâm Văn hóa huyện nhà. Có năng khiếu về văn nghệ, lại sẵn niềm đam mê văn hóa, văn nghệ của đồng bào miền núi, thôi thúc anh đeo đuổi nghiệp văn hóa và sáng tác âm nhạc. Có lẽ cuộc đời đã ưu ái cho anh được sống ở Môn Sơn, vùng quê đầy chất thơ với con sông Giăng mênh mang vừa lãng mạn vừa dữ dội giữa núi rừng hùng vĩ; với những ngày hội làng cồng chiêng vang động núi rừng. Anh lại có ông ngoại là một thầy mo Thái - một kho tàng sống về văn học nghệ thuật, dân ca, dân vũ. Những điều kiện vô cùng thuận lợi ấy đã tưới tắm, bồi dưỡng cho tâm hồn nghệ sĩ của anh. Hạt mầm đầy khát vọng sáng tạo âm nhạc là anh được gieo đúng mảnh đất phì nhiêu, màu mỡ ấy cứ thế mà sinh sôi nảy nở, vươn lên. Bời vậy, anh đã sớm có cơ hội bộc lộ năng khiếu văn nghệ; sớm thực hiện được niềm khát khao dâng hiến cho quê hương những những tác phẩm âm nhạc đặc sắc, đậm đặc chất liệu dân ca lăm, nhuôn, xuối của dân tộc Thái; Cự Xia của dân tộc H’Mông, Tơm của người Khơ vùng miền Tây Nghệ An.  

       Thời điểm anh bắt đầu có những tác phẩm âm nhạc lay động lòng người, nhất là bà con vùng miền núi là khi anh trở về quê hương Con Cuông công tác trong ngành Văn hóa (1985). Năm 1979 anh đã có ca khúc Em về làm dâu núi rừng tặng vợ, nhưng phải đến sau năm 1985 các ca khúc Hội Cầu mùa, Hội Xăng khan tên tuổi của anh mới thực sự được giới âm nhạc cũng như bà con miền Tây phải nhớ, phải yêu. Rồi một loạt tác phẩm cũng gắn với núi với rừng với nghi lễ, phong tục văn hóa, những sinh hoạt đời thường của bà con miền núi ra đời: Xến bản xến mường, Âm vang điệu xến; Trai Mông Lềnh gái Mông Đơ, Ngẫu hứng cồng xuân... Từ đó cho tới khi từ giã cõi trần, anh say mê dâng hiến cho âm nhạc. Anh cũng thử lấn sang các “địa hạt” khác để bày tỏ cái “Nghĩa tình muôn phương”, nhưng thành công nhất, đúng chất “Lương Tuyển” nhất vẫn là âm nhạc về miền núi Nghệ An. Với nhạc sĩ Lương Tuyển đó hoàn toàn là âm nhạc của miền núi Nghệ An. Mọi cái hay cái đẹp của văn hóa, của âm nhạc các dân tộc thiểu số miền Tây, mọi ngóc ngách trong cuộc sống của đồng bào miền Tây dường như đã là máu, thịt trong anh. Nhờ vậy, anh viết mộc mạc, tự nhiên như chính hơi thở, như mở mắt ra là thấy núi thấy rừng, thấy dòng sông, là nghe thấy tiếng suối reo, tiếng chim hót, tiếng cồng chiêng, tiếng nhuôn, tiếng xuối. Đồng nghiệp, bạn bè của anh đều bảo: Lương Tuyển sống giản dị, mộc mạc, chân chất, thủy chung. Những phẩm chất đẹp và rất bản năng nó dường như đều phản chiếu trong sáng tác của anh. Gần 200 tác phẩm trong đó những tác phẩm ghi dấu tên tuổi của anh như Hội Cầu mùa, Hội Xăng khan, Xến bản xến mường, Âm vang điệu xến, Trai Mông Lềnh gái Mông đơ, Âm điệu Tăng boong bu, Tìm về bên nhau, Vũ hội rượu cần... đều không hề trau chuốt về ca từ, nó được anh viết ra một cách rất tự nhiên, như chính cuộc sống đang diễn ra vậy. Nhưng không vì thế mà ca từ trong các tác phẩm anh viết kém phần hấp dẫn, bởi như nhạc sĩ Lê Hoàng cho biết: “Ngôn ngữ thường ngày của đồng bào Thái vốn giàu chất thơ. Tắm trong dòng sông ấy, nên ca từ của anh Lương Tuyển cũng rất đẹp, đậm chất thơ. Các bài hát của anh dễ dàng và nhanh chóng được bà con yêu quý một phần là vì vậy”. Hãy nghe anh nói trong Hội Cầu mùa: “Po then ơi. Mường mùa lúa chín bản mường câu Xến. Đất trời gặp nhau cho cây lúa trên nương dưới ruộng trĩu bông”, hay trong Ru hồn mường: “Dơ... lời của rừng ngàn đời còn mãi ngân xanh ru bản ru mường về đêm Pù mát ta sớm hôm. Hồn của bản mường còn vương hạt lúa trên nương vẫy vùng. Từ cái chõ hông xôi nuôi ta lớn lên là hồn của mường, bao núi tựa hông xôi, sương bay tựa hương nếp thơm, dòng suối là sữa mẹ, ngọn núi là dáng cha, thành ngọn nguồn hồn mường”. Những câu hát mộc mạc như lời ăn tiếng nói của bà con, nhưng vẫn rất duyên vì nó đầy hình ảnh, giàu chất thơ.

       Lương Tuyển là con chim đầu đàn viết về miền núi Nghệ An. Anh luôn tạo cho mình một màu sắc riêng, không ai bắt chước được. Dường như trong anh luôn có một năng lực lôi kéo mọi người đến với nhau, hòa vào nhau trong âm nhạc. Bất cứ bài hát nào của anh cũng như reo lên, kéo mọi người lại với nhau, hòa vào núi, vào rừng. Anh thấm, hiểu và khai thác rất tốt những giá trị từ văn hóa ứng xử, từ tín ngưỡng, phong tục, hội hè... của đồng bào các dân tộc thiểu số. Những Hội Cầu mùa, Hội Xăng Khan, Vũ hội rượu cần, Âm vang điệu xến, Lời của rừng... buộc  người ta buông bỏ hết muộn phiền, lo toan, quyện vào nhau say sưa múa hát. Dù ai đó có thờ ơ thì cũng bị âm nhạc Lương Tuyển thúc dục, lôi cuốn hòa vào cuộc vui sôi động. Bởi vậy mà người ta bảo,  âm nhạc của Trần Vương - một trong những nhạc sĩ khá thành công về đề tài miền núi, luôn sâu lắng trữ tình, còn nhạc Lương Tuyển tràn đầy sức trẻ và không khí sôi động.

        Anh không ôm đồm những đề tài to lớn và cũng không viết một cách chung chung. Từng được sống và sau này xuống Vinh công tác tại Nhà Văn hóa tỉnh, rồi Trung tâm Văn hóa - Thông tin Nghệ An, nhưng anh vẫn miệt mài vào bản, vào mường tìm tòi, sống cùng đời sống của bà con, vậy nên ca khúc của anh luôn đi thẳng vào từng vấn đề, khai thác từ chính những sinh hoạt rất đời thường, rất cụ thể trong cuộc sống của bà con các dân tộc miền Tây. Đó là nghi lễ cầu cho mùa màng tươi tốt, là lễ hội của những thầy mo Thái - hội Xăng khan; là vũ hội rượu cần diễn ra bất cứ lúc nào khi bà con có sự kiện vui; là điệu xến; điệu tăng boong bu - âm thanh của những cây nứa gõ xuống đất rồi vỗ vào nhau... Anh say mê tìm tòi, nghiên cứu các phong tục tập quán, lễ hội của đồng bào các dân tộc miền ngược, đưa nó vào tác phẩm cũng bằng chính sự kế thừa từ và phát triển âm nhạc của đồng bào. Bời vậy người ta cho rằng, anh là người có công sưu tầm và phát triển dân ca miền núi.

       Anh từng tâm sự với anh Lê Hoàng, một đồng nghiệp làm văn hóa và rất tâm huyết với anh trong sáng tác, thử làm Rock “Thái”. Anh đã làm được. Hội Xăng khan là thử nghiệm đầu tiên, và đã được giới thiệu trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Ca khúc này đã rất nhanh chóng được bà con ở tất thảy các huyện miền Tây Nghệ An yêu thích, say sưa hát trong các cuộc liên hoan văn nghệ quần chúng, trong các cuộc vui, vượt qua cả những lực cản do nhận thức sai lệch về vấn đề mê tín và tín ngưỡng trong mấy năm đầu nó mới ra đời. Kỹ thuật đảo phách, đảo nhịp được anh tiếp tục đưa vào rất nhiều tác phẩm sau đó đã tái hiện hiệu quả không khí hội hè rạo rực, sôi động đến cuồng nhiệt mà hiếm có nhạc sĩ nào ở tỉnh nhà làm được. Đây chính là sự kế thừa cách đảo nhịp liên tục trong khắc luống, cồng chiêng mà đồng bào dân tộc miền núi thường dùng để kích thích sự hứng khởi của người nghe. Nhạc sĩ Lương Tuyển đã vận dụng thuần thục sự độc đáo này trong rất nhiều sáng tác của mình. Chẳng hạn như bài Tăng boong bu, anh vận dụng sự đảo phách từ chính trong cách gõ ống nứa xuống đất rồi vỗ vào nhau để tránh sự nhàm chán và gây không khí rộn ràng. Ở một góc độ nào đó có thể nói, âm nhạc của Lương Tuyển là âm nhạc của hội hè bởi anh khai thác thành công đề tài này ở khá nhiều ca khúc. Hầu như tất cả các cuộc liên hoan văn nghệ quần chúng của các huyện miền núi, hoặc bất cứ một ngày hội nào ở bản, ở mường dân bản đều hát các ca khúc của anh. Sức sống mạnh mẽ ấy được khẳng định từ hàng chục năm nay. “Hữu xạ tự nhiên hương”, những đĩa hát của anh chẳng cần quảng cáo gì, tự nó đã phủ khắp các bản mường, đâu đâu cũng mở đĩa Lương Tuyển, cuộc vui nào người ta cũng hát ca khúc của Lương Tuyển. Anh Trần Đình Đức, nguyên cán bộ Văn hóa huyện Con Cuông cho rằng: “Các bài hát của anh Tuyển rất phù hợp với sở thích của đồng bào miền núi. Bởi nó phản ánh đúng con người, cuộc sống và âm nhạc của đồng bào”. Không những thế, tác phẩm của anh còn được các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp dàn dựng. Như Đoàn Ca, Múa, Kịch Nghệ An cũng đã dàn dựng nhiều tiết mục khá thành công từ ca khúc của anh.

       Một niềm đau đáu với quê hương khiến cho anh không khi nào thôi hướng về quê. Khi sống, anh mê mải đi và viết cho bà con miền núi, ngay cả nửa đêm cũng gọi vợ dậy hát thử những nốt nhạc chợt ào đến. Khi gần xa rời cõi tạm dương gian, anh thao thiết bảo vợ: Hãy cho anh về Con Cuông.

       Quê hương đã cho anh trái ngọt để anh làm nên một nhạc sĩ Lương Tuyển của núi rừng miền Tây không trộn lẫn với ai. Và anh cũng đã trọn tình với quê khi đền đáp bằng cả cuộc đời mộc mạc, chân thành, dâng hiến cho âm nhạc.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441343

Hôm nay

260

Hôm qua

2283

Tuần này

21247

Tháng này

216517

Tháng qua

112676

Tất cả

114441343