Góc nhìn văn hóa

Bài học nào từ các vùng dịch Covid-19?

Nguồn: tuoitre

Thảm họa virus Corona chủng mới (Covid-19) với điểm xuất phát chỉ là chợ hải sản Vũ Hán đã phủ kín rất nhanh Hồ Bắc và lây lan ra khắp thế giới. Số ca nhiễm mới và tử vong không ngừng tăng lên vùn vụt. Nó đã nhanh chóng trở thành tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, và giờ đây phiên bản Vũ Hán đang có nguy cơ nhân rộng ở Hàn Quốc (tp Daegu), Nhật Bản (du thuyền Diamond Princess), và Italy (vùng Lombardy phía Bắc). Tính đến 8h10’ ngày 25/02/2020, trên thế gới đã có 80.113 ca nhiễm virus Corona, 2.700 ca tử vong. Dịch Covid-19 đã lan rộng ở 37 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Trung Quốc: 77.658 ca nhiễm, 2.663 ca tử vong; Hàn Quốc: 893 ca nhiễm, 8 ca tử vong; Iran: 66 ca nhiễm, 12 ca tử vong, Ý: 229 ca nhiễm, 7 ca tử vong, Nhật: 147 ca nhiễm, 01 ca tử vong,…

Trông người mà ngẫm đến ta, như vậy Việt Nam cần khẩn cấp rút ra bài học kinh nghiệm đắt giá, "xương máu" từ các nước có vùng dịch là "nạn nhân" đi trước đó.

- Bài học từ Trung Quốc

Lẽ ra, "quả bom" Covid-19 đã không "phát nổ" ở Vũ Hán nếu giới chức ở đây tôn trọng phản ánh thực tế  khách quan của 1 bác sỹ mà dập tắt ngay ngòi nổ của nó kịp thời. Nhưng vì "bệnh thành tích" quen "tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại", nên chỉ đến khi nước đến chân mới nhảy, bầu không khí Vũ Hán tràn ngập mầm bệnh Covid-19 thì chính quyền mới ý thức được tình hình nghiêm trọng để ra tay thì đã trễ, dịch bệnh đã trở nên mất kiểm soát. Lúc này, nCoV đã lan nhanh hệt như cháy rừng ra toàn Hồ Bắc và rải rác khắp Trung Quốc.

Như vậy cách quản trị duy ý chí, phản khoa học đã khiến Vũ Hán trả giá quá đắt, tới nay đã hơn 2.000 người tử vong cùng vô số thiệt hại về kinh tế chưa đo đếm hết được.

Lịch sử dịch tễ của nhân loại đã cho thấy trong khi thế giới vi sinh không ngừng tiến hóa, thì dịch bệnh là một phần tất yếu của xã hội nhiều thành phần dân cư với những lối sống phức tạp xô bồ đan xen lẫn nhau, tạo điều kiện cho dịch bệnh mới có thể phát sinh bất cứ lúc nào.

Trong các loại dịch bệnh thì dịch bệnh lây qua đường hô hấp là nguy hiểm nhất vì dễ lây lan nhất, nên cần phải có kho dự trữ quốc gia các thiết bị vật tư sẵn sàng phòng chống loại bệnh này khi có dịch.

Thế nhưng qua cú sốc về trang thiết bị bảo hộ y tế thiếu thốn ở Trung Quốc đã cho thấy nơi đây chưa có kịch bản chuẩn bị sẵn sàng cho 1 dịch bệnh xảy ra. Đến nỗi ngay chiếc khẩu trang đơn giản rẻ tiền nhất ngày thường vẫn phổ biến mà cũng thiếu thốn, nhiều địa phương phải tranh giành nhau. Mặc dù quá khứ nơi đây đã có dịch SARS về hô hấp xảy ra với 5.327 người mắc, trong đó có 349 tử vong..., nhưng đến lần dịch Covid-19 này Trung Quốc lại vẫn chưa có kịch bản phòng bị.

- Bài học từ Hàn Quốc:

Lẽ ra mầm dịch Covid-19 mới le lói ở Daegu Hàn Quốc đã sớm bị dập tắt, nếu như chính quyền TP. Daegu nghiêm khắc với công dân hơn. Hàn Quốc ghi nhận ca xâm nhập đầu tiên ngày 20/01/2020, nhưng vẫn không cấm các hoạt động đông người, để đến ngày 18/02/2020 có người mắc bệnh thứ 31 là một người phụ nữ 61 tuổi theo đạo Tân Thiên Địa, thì đã muộn. Bà cụ nhiễm bệnh này đã tham gia hoạt động đông người là các ngày lễ của giáo phái và đã làm lây lan kinh hoàng  tại các buổi lễ. Đáng tiếc, chính quyền đã không kiên quyết cưỡng chế đi cách ly và xét nghiệm ngay khi có triệu chứng nhiễm Covid-19 của bà cụ này. Chỉ vì chút mềm mỏng, giới chức Daegu đã để bà cụ bất tuân, để sổng ổ dịch trong bà cụ đó vào cộng đồng với nhiều hoạt động đông người. Và bây giờ con số người nhiễm Covid-19 tăng lên vùn vụt là cái giá phải trả quá đắt cho người dân và Chính phủ Hàn Quốc.

- Bài học từ Nhật Bản:

Du thuyền Diamond Princess đáng lẽ đã không biến thành "lò ấp" Covid-19 như thế, khi từ một người Hong Kong mắc bệnh ban đầu chỉ trong 2 tuần đã lây lan đến hơn 600 người trên du thuyền. Lẽ ra giới chức Nhật phải đưa tất cả lên bờ có không gian rộng rãi để cách ly từng người nhằm tách riêng kịp thời người nhiễm và chưa nhiễm không để lây nhiễm chéo. Nhưng đáng tiếc họ lại ủ chung tất cả người nhiễm và chưa nhiễm trên du thuyền với các hoạt động đông người liên tục diễn ra, tạo điều kiện cho Covid-19 lây nhiễm chéo khắp du thuyền, nâng số người nhiễm lên gấp bội.

- Bài học từ Italy:

Italy là trường hợp điển hình bác bỏ thẳng thừng lý thuyết lâu nay vẫn cho rằng dịch bệnh chỉ có thể bắt đầu từ người ở vùng dịch tới và chỉ nên cách ly với đối tượng này. Vùng Lombardy xuất hiện người đàn ông 38 tuổi nhiễm bệnh trong khi người này lại không hề có lịch sử đi lại tới Trung Quốc, chứ chưa nói tới Vũ Hán. Và trong khi giới chức Italy còn đang ngỡ ngàng thì người này đã kịp lây nhiễm ra xung quanh chớp nhoáng, nâng số người nhiễm tăng vọt lên hơn 100 người ở phía Bắc nước này và chưa có dấu hiệu dừng.

Tuy nhiên xét lại lịch sử dịch tễ của Italy gần đây thì hồi cuối tháng 1 tại Rome đã có hai du khách Trung Quốc đến từ Vũ Hán cho kết quả dương tính với virus. Và mặc dù Italy là nước đầu tiên của khu vực đồng euro đình chỉ mọi chuyến bay đi và đến Trung Quốc, nhưng số ca nhiễm hiện tại ở Italy đã phản ánh có vẻ như giới chức chậm chân hơn mầm dịch Covid-19 từ du khách nước ngoài.

Vậy tập hợp lại bài học rút ra từ các vùng dịch ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Italy nêu trên, chúng ta cần đúc kết lại kinh nghiệm quý báu và có các biện pháp thật hiệu quả, sát thực tế, kỷ luật chống dịch nghiêm khắc, kiên quyết nhưng tránh duy ý chí, phản khoa học.

Đối diện với dịch bệnh, chúng ta cần phải xác định cho được điều rất quan trọng là: Luật của tự nhiên vô cùng nghiêm khắc! Và khoa học ra lệnh cho tất cả chúng ta!

                          

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443922

Hôm nay

2173

Hôm qua

2307

Tuần này

21735

Tháng này

219096

Tháng qua

112676

Tất cả

114443922