Góc nhìn văn hóa

Lịch sử: Chân lý và hư cấu trong Đức Thánh Trần của Trần Thanh cảnh

Lịch sử và diễn giải lịch sử luôn là mối quan tâm của con người, nhất là khi có một độ lùi nhất định về thời gian;và con người có nhu cầutái khẳng định,nhận thức, “định giá”lạiquá khứ. Sự diễn giải ấy bao hàm thái độ, ứng xử và đặc biệt là sự lựa chọn điểm nhìn cá nhân hay cộng đồng trước những di sản kí ức.Những diễn giải đa dạng, thậm chí trái ngược nhau, không phải để triệt tiêu nhau, mà là bổ trợ nhau trong việc hình thành một nhận thức có thể chấp nhận được. Bởi lịch sử là một thực thể khả biến, không ngừng vận động và luôn mở với mọi cách tiếp cận, mọi lối diễn giải và mọi tâm thế thụ hưởng. Và con người hôm nay hoàn toàn có thể “bắt” lịch sử tái diễn bằng những con đường, giả thuyết, khả năng khác nhau. Với cảm thức như vậy, có thể nói Đức Thánh Trần của Trần Thanh Cảnh là một diễn giải lịch sử mang đậm dấu ấn cá nhân nhà văn. Ở đó tồn tại bình đẳng các loại hình diễn ngôn (diễn ngôn chiêm bái, ngưỡng vọng; diễn ngôn đời tư, thế sự; diễn ngôn thân xác, tính dục), và các cảm thức lịch sử (cảm thức khẳng định, ngợi ca; cảm thức phân tích, giả định; cảm thức luận giải, đối thoại). Bằng tài năng, bản lĩnh, sự cẩn trọng, kỹ lưỡng trên tinh thần khai phóng, Trần Thanh Cảnh đã làm “sống lại” lịch sử bằng việc khám phá, phục hiện, luận giải những sự kiện, biến cố, nhân vật của một thời đã qua; khỏa lấp, làm sáng những “khoảng trắng”, “khoảng trống”, “vùng mờ” bị lịch sử bỏ quên; từ đó tìm ra sợi dây kết nối các vấn đề của/từ lịch sử với đời sống hiện tại.

Qua tiểu thuyết lịch sử đầu tay của mình, tác giả đã cho thấy sức mạnh của chân lý lịch sử và quyền năng của hư cấu nghệ thuật trong quá trình kiến tạo diễn ngôn mới về lịch sử. Một mặt, tác giả khẳng định những hằng số lịch sử bất biến, vững bền đã được minh định trong tâm thức cộng đồng; mặt khác, cho thấy biên độ của sự hư cấu, tưởng tượng trong việc sáng tạo một sinh thể nghệ thuật vừa chân thực, sinh động, vừa quyến rũ, hấp dẫn.

Sức mạnh của chân lý lịch sử

Chân lý lịch sử và những biên độ, giới hạn hư cấu vẫn là vấn đề trăn trở của mỗi nhà văn khi viết về đề tài lịch sử, bởi lẽ lằn ranh giữa sự sáng tạo, luận giải và sự bịa đặt, tùy tiện vô cùng mong manh. Họ được ví như người đi trên dây, một bên là sự thật còn phía bên kia là hư cấu, chỉ cần tuyệt đối hóa về phía nào cũng dễ khiến cho tác phẩm rơi vào các nguy cơ: hoặc là minh họa giản đơn; hoặc là xuyên tạc méo mó. Người viết có quyền hư cấu, mở rộng biên độ sáng tạo, nhưng không được phép thay đổi bản chất của sự kiện và nhân vật lịch sử, nhất là khi sự kiện và nhân vật ấy đã được ghi chép, đánh giá (tương đối) thống nhất trong chính sử, cũng như được minh định, khắc sâu trong hiểu biết và kinh nghiệm cộng đồng. Và quan trọng hơn cả, thông qua việc tái hiện các sự kiện, nhân vật, nhà văn cần khám phá, luận giải những vấn đề được đặt ra trong lịch sử.

Tôn trọng, trung thành với những hằng số/sự thật lịch sử, Đức Thánh Trần của Trần Thanh Cảnh không phải là sự mô tả giản đơn, một chiều về quá khứ, mà là quá trình khám phá, phân tích, luận giải lịch sử có chiều sâu từ điểm nhìn văn hóa, triết học lịch sử và tinh thần nhân bản. Ngay từ phần Mở chuyện, nhà văn đã cho thấy tư duy, lối tiếp cận lịch sử khá rõ nét. Phần lớn các sự kiện được tác giả tái hiện ở tiểu thuyết của mình đều dựa vào những ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư - một điểm tựa lịch sử khả tín. Ông thấy ở bộ chính sử này, dù được biên soạn/ghi chép bởi sử quan triều đại nào, hay được đánh giá bởi nhãn quan/tư tưởng của ai, thì sự kiện ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông của quân dân Đại Việt và vai trò, vị thế của nhân vật Trần Quốc Tuấn được nhìn nhận, khẳng định thống nhất. Không những thế, trong sự ngưỡng vọng của dân gian từ bao đời, Hưng Đạo Đại Vương được tôn vinh là vị thánh duy nhất, và được đạo Mẫu thờ Cha, một con người bằng xương bằng thịt hiển linh oai thánh. Chính sử và dã sử, cái thực và cái hư là các căn cứ vững chắc để nhà văn trình hiện những thức nhận, suy nghiệm lịch sử của mình.

Ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông, trong khoảng thời gian 43 năm (1257 - 1300) - một giai đoạn lịch sử đầy biến động gắn với sự tồn vong của dân tộc được Trần Thanh Cảnh khám phá, phục hiện một cách sinh động, sắc nét. Trước đó có không ít tác giả đã dày công miêu tả khá chi tiết thời kỳ này (Hà Ân với Bên bờ Thiên Mạc, Trăng nước Chương Dương, Trên sông truyền hịch, Người Thăng Long; Nguyễn Huy Tưởng với bộ ba Nhà Trần; Hoàng Quốc Hải với Thăng Long nổi giận), đến Đức Thánh Trần, nhà văn đã kiếm tìm cho mình một nẻo đi riêng. Để không lặp lại dễ gây nhàm chán, nhưng vẫn đảm bảo tính khách quan, trung thực, không bỏ sót bất kỳ một chi tiết quan trọng nào, nhà văn họ Trần đã lựa chọn tái hiện các sự kiện tiêu biểu nhất, phục hiện những chân dung ưu tú của thời đại (Trần Thủ Độ, Trần Quốc Tuấn, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông...). Đây là ý hướng và cách làm khôn ngoan của tác giả. Ôngđã biến các sự kiện khô khan được ghi trong sử sách thành những câu chuyện sống động, luận giải những vấn đề được đặt ra từ lịch sử, qua đó truyền cảm hứng và tình yêu dân tộc cho độc giả.

Bằng mạch truyện được triển khai nhanh, gọn, nhiều điểm nhấn, với lối kết cấu linh hoạt, đa tầng, nhiều chiều của không - thời gian, cùng sự dịch chuyển, gấp bội điểm nhìn, tác giả không chỉ bao quát, tái hiện chân thực bối cảnh và không khí thời đại, mà còn thể hiện quan điểm, sự đánh giá sâu sắc các vấn đề đặt ra trong lịch sử đằng sau mỗi sự kiện và nhân vật: sự thăng trầm, lẽ tồn vong của dân tộc trong cơn biến động; sự đồng lòng nhất trí muôn dân như một cùng tài năng, đức độ của người lãnh đạo tạo nên sức mạnh kì diệu giúp đất nước kiêu hãnh vượt qua những thời khắc cam go; vai trò của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp sáng tạo lịch sử; số phận những sinh linh nhỏ bé, vô danh trong sự chuyển vần của thời cuộc;vấn đề kế sách bang giao với nước lớn để giữ được hòa hiếu lâu dài…Trung tâm của sự khám phá, luận giải ấy là câu chuyện được Trần Thanh Cảnh tập trung nhiều bút lực nhất đó là võ nghiệp lẫy lừng và tình yêu bất diệt của Trần Quốc Tuấn.

Viết về cuộc đời, sự nghiệp, công trạng của Hưng Đạo Đại Vương - nhân vật lịch sử đã “sống” trong lòng dân tộc từ lâu, tưởng chừng dễ mà lại vô cùng khó. Dễ vì vị thế của nhân vật đã được định vị, minh chứng qua thời gian; khó là làm sao để người đọc nhận diện được chân dung Trần Quốc Tuấn và hơn nữa, một Trần Quốc Tuấn với những phát hiện, kiến giải mới. Từ chân dung lịch sử đến sáng tạo nghệ thuật, hình tượng kì vĩ này trong diễn ngôn của Trần Thanh Cảnh vừa gần gũi, quen thuộc vừa độc đáo, mới lạ. Có thể nói, tác giả đã hình dung, xây dựng một Trần Quốc Tuấn của riêng mình, không lẫn với nhân vật của lịch sử hay hình tượng nghệ thuật trong nhiều sáng tác trước và cùng thời nhà văn. Từ ngoại hình, thần thái, dáng vẻ đến lời nói, suy nghĩ, hành động trong bất kì thời điểm nào của cuộc đời hay ở bất cứ hoàn cảnh nào của lịch sử, trong sự miêu tả của nhà văn, Ngài luôn toát lên ánh hào quang thần thánh, những phẩm chất hơn người của một “thiên tướng nhà trời”, một “thánh nhân” mang “thiên mệnh cứu giúp hộ trì cho muôn dân vượt qua cơn binh lửa tàn khốc”. Với võ công cái thế, sức mạnh phi thường, thần thái uy nghiêm, tài đức vẹn trọn, vị tướng nhà Trần vừa có sức hút kì lạ với những người xung quanh, vừa là nỗi khiếp sợ kinh hoàng cho quân xâm lược. Trong cuộc chiến một mất một còn với quân xâm lược, Hưng Đạo Đại Vương chính là kết tinh cho vẻ đẹp, sức mạnh bất diệt của dân tộc, là linh hồn, điểm tựa tinh thần giúp quân dân Đại Việt vượt qua những khó khăn, thử thách, chiến thắng quân Nguyên Mông. Ngài sẵn sàng quên đi “thù riêng”, chủ động hòa giải sự đối kháng ngầm giữa hai chi trưởng - thứ, bỏ ngoài tai những lời gièm pha, tập trung mọi sức lực, tâm trí vì lợi ích quốc gia dân tộc, vì bình yên, hạnh phúc của bách tính muôn dân.

Ngay cả ở những khía cạnh đời thường, thầm kín nhất - mối quan hệ tình ái, Trần Quốc Tuấn cũng thể hiện phẩm chất thần thánh của mình. Mối tình của Ngài với hai người đàn bà, dù diễn ra ở không gian nào, bãi dâu xanh bên bờ sông Thiên Đức trữ tình (với Quế Lan) hay lễ hội Mo Nang nhục dục (với công chúa Thiên Thành), cũng đều được phủ lên chất màu nhiệm, huyền bí. Ở đó có sự giao hòa của vũ trụ, đất trời, cây cỏ, cùng sự thăng hoa tình yêu thần thánh, vừa chân thực, trần tục vừa thiêng liêng, ảo diệu. Tất cả được ví như mối nhân duyên trời định, là nguồn “thiên ân” bất tận, dù chỉ một lần nhưng cũng đủ làm thỏa nguyện cho một kiếp người ngắn ngủi.

Không chỉ tài năng, bản lĩnh, khí phách, Trần Quốc Tuấn còn mang vẻ đẹp tâm hồn và tinh thần nhân văn. Ông yêu thương, gần gũi các tướng lĩnh của mình như con cháu; chăm lo, sẻ chia những nỗi nhọc nhằn, lầm than của muôn dân; ngậm ngùi, đau đớn khi chứng kiến những hi sinh, mất mát của binh lính. Không những thế, ở Ngài còn toát lên phẩm chất của bậc trí giả - trăn trở, xót thương cho những sinh linh nhỏ bé dù đó là kẻ thù. Hình ảnh vị tướng nhà trời oai hùng, lẫy lừng khiến quân xâm lược phương Bắc run rẩy đặt bên cạnh hình ảnh “đứng lặng phắc như pho tượng” khi chứng khiến hàng vạn sinh linh bỏ mạng nơi chiến trường đẫm máu càng tôn lên vẻ đẹp của một bậc thánh nhân. Hay sự kiện Trần Quốc Tuấn bí mật sai tướng tâm phúc Yết Kiêu theo thuyền dìm chết Ô Mã Nhi khi hắn đã đầu hàng, giong thuyền bỏ chạy cũng được Trần Thanh Cảnh khơi mở, luận giải hợp lý. Trong sự diễn giải của nhà văn, hành động đó không phải là sự bất tín, bất nhân, mà nó có căn nguyên sâu xa. Một mặt nó xuất phát từ việc Ô Mã Nhi ngông cuồng xâm phạm đến Chiêu Lăng, tàn phá hết nhà cửa cây cối - mảnh đất linh thiêng của gia tộc, nơi lưu giữ nhiều kí ức ngọt ngào; mặt khác, quan trọng hơn, đó là cách trừ mối họa xâm lược cho quân dân Đại Việt. Lịch sử đã minh chứng hành động chấp nhận làm điều ác nhỏ vì điều thiện lớn ấy của Trần Quốc Tuấn là sáng suốt, giúp dân tộc tránh được nạn binh đao.

Nhằm tránh ca ngợi một chiều, thần thánh hóa, khiến nhân vật trở nên xa lạ, không thật, Trần Thanh Cảnh đã có những luận giải sâu sắc về cội rễ sức mạnh của Trần Quốc Tuấn; xa hơn làkiếm tìm, lí giải những giá trị cùng những yếu tố bền vững đảm bảo cho sự trường tồn của dân tộc trong mối xung đột, đe dọa của ngoại xâm.Bên cạnh những phẩm chất vốn có của một vị tướng nhà trời, nhà văn còn phân tích vị trí, tầm ảnh hưởng của những con người bình dị, thân thuộc lên võ nghiệp lẫy lừng và đời tư sinh động của Trần Quốc Tuấn. Qua hình tượng công chúa Thụy Bà (mẹ nuôi), công chúa Thiên Thành (vợ), và Quế Lan (tình nương), tác giả đã cho thấy dấu ấn của những người đàn bà trong cuộc đời người anh hùng. Nhà văn đã nâng họ lên tầm biểu tượng cho Thiên tính Nữ vĩnh hằng, vẻ đẹp bất diệt của Mẫu: sự cưu mang, nuôi dưỡng, chở che (Thụy Bà), đức hi sinh, sẻ chia, bao dung (Thiên Thành), cái trong trẻo, nồng nàn, mê đắm (Quế Lan). Bên cạnh đó là công trạng của các tỳ tướng tâm phúc (Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu, Nguyễn Địa Tô, Yết Kiêu, Dã Tượng), được ví như những trụ cánh giúp sự nghiệp oanh liệt của Trần Quốc Tuấn thành công. Ở một khía cạnh khác, những con người ấy, một khi được ánh hào quang thần thánh soi chiếu, tài năng và đức độ dẫn đường, ít nhiều cuộc đời của họ đều nhuốm màu phi thường, huyền diệu. Rõ ràng, đây là cái nhìn về thần tượng dân tộc mang đậm chất triết học lịch sử và tinh thần nhân văn của Trần Thanh Cảnh. Bởi, trong cuộc đời của mỗi con người, dù đó có là bậc thánh, nhưng trong sâu thẳm nguồn cội của họ là những gương mặt người rất đỗi bình dị nhưng vô cùng thiêng liêng.

Quyền năng của hư cấu nghệ thuật

Để phục hiện bức tranh lịch sử vĩ đại của vương triều Trần, Trần Thành Cảnh đã tốn không ít công sức để sưu tầm, nghiền ngẫm tư liệu, kết hợp với những chuyến thực địa dài ngày; đồng thời tận dụng nguồn dã sử, giai thoại, truyền thuyết dân gian. Nhà văn đã dám mạo hiểm xông vào những địa hạt vô cùng trống vắng sử liệu, trở thành “nhà thám hiểm cuộc sống”, nhìn vào “bề sâu, bề sau, bề xa”, thiết kế lại quá khứ. Những khuất lấp của lịch sử, những bí ẩn trong đời sống nội tâm, những “vùng mờ” trong cuộc đời và số phận nhân vật được nhà văn khơi mở, phân tích bằng cái nhìn khách quan, và trên tinh thần nhân bản sâu sắc.

Sự mở rộng biên độ hư cấu, sáng tạo cho phép Trần Thanh Cảnh tiếp cận, soi rọi, giải mã những nhân vật tưởng chừng như đã “đóng đinh” trong kinh nghiệm, hiểu biết của cộng đồng. Từ điểm nhìn đời tư - thế sự - nhân văn, Trần Thanh Cảnh đã soi rọi, khám phá nhiều khía cạnh mới mẻ trong cuộc đời Đức Thánh Trần - thần tượng dân tộc, huyền thoại tôn giáo. Ông thấy được ở con người vĩ đại này không chỉ mang phẩm chất thần thánh, sứ mệnh thiên định, mà còn có những giây phút rất đời, rất người. Bên cạnh diễn ngôn chiêm bái, ngưỡng vọng, tác giả đã kiến tạo diễn ngôn đời tư, thế sự, nhân văn, khiến những diễn giải của ông về Trần Quốc Tuấn trở nên hấp dẫn, cuốn hút.Ngòi bút của tác giả đã chạm vào những rung động tế vi tình yêu đầu đời, cháy bỏng đam mê của chàng trai trẻ Trần Quốc Tuấn trước công chúa Thiên Thành; sẻ chia mọi cảm giác trần tục, đắm say của người anh hùng dân tộc Đại Việt với người con gái hái dâu Quế Lan; thấu cảm trước những ngậm ngùi nhớ thương, khắc khoải cô đơn của vị tướng già khi những người yêu thương đã ra đi. Suy cho cùng, dẫu là các vĩ nhân, anh hùng dân tộc, thì trước tiêntrong hình dung của Trần Thanh Cảnh,họ cũng là con người, mà đã là con người, tất cả luôn bị tác động bởi muôn vàn mối quan hệ phức tạp, hội tụ những cảm xúc đa chiều, bị bủa vây bởi những giới hạn thường tìnhcủa kiếp nhân sinh.

Cũng nhờ quyền năng sáng tạo, lịch sửtrong sự hư cấu của Trần Thanh Cảnhtrở thành đối tượngtrong cảm nhận cá nhân, được nhà văn thụ hưởng trên tinh thần nhân văn hiện đại.Lễ hội Mo Nang và hình tượng An Tư trong hình dung của Trần Thanh Cảnh có thể gây shock với hiểu biết và kinh nghiệm cộng đồng. Ông đã dũng cảm thách thức cộng đồng diễn giải, vẫy gọi họ tham gia vào cuộc chơi đầy hiểm nguy, nhưng cũng rất hấp dẫn của mình. Có thể những trang miêu tả thấm đẫm nhục dục trong lễ hội Mo Nang khiến độc giả phản ứng, song đó là cách ông tìm kiếm “điểm neo” cho những luận giải lịch sử của mình. Lễ hội Mo Nang phần nào phản ánh lối sống phóng túng, tự do tình ái của vương triều Trần, và cũng là đặc trưng cho văn hóa Kinh Bắc. Đó cũng là cái cớ giúp ông khám phá khía cạnh hoa tình tràn đầy đam mê, hừng hực sức sống của vị thánh Hưng Đạo Vương; cũng như bản năng nhục dục, đẫm màu phồn sinh phồn thực nơi công chúa An Tư. Nhà văn đã phóng tay, nhưng không tùy tiện; đưa người đọc vào một chuyến phiêu lưu có thể nói là táo bạo, chứa đựng nhiều bất trắc nhất từ trước đến nay. Một nẻo đường riêng được khai mở, dù chông chênh, nhưng rõ ràng không phải không có những hạt nhân hợp lý của nó.

Với ý thức đòi quyền bình đẳng giữa kinh nghiệm cá nhân bên cạnh hiểu biết cộng đồng, diễn ngôn cá nhân bên cạnh diễn ngôn tập thể, Trần Thanh Cảnh và tác phẩm của ôngđã cung cấp cho người đọc thêm nhiều gócnhìn mới về các sự kiện, nhân vật.Cuộc đời và số phận của An Tư vẫn luôn là màn sương bí ẩn chưa có lời đáp. Sử liệu ghi chép về nàng công chúa họ Trần vô cùng ít ỏi, để lại những khoảng trống lớn trong hiểu biết của cộng đồng. Trước Trần Thanh Cảnh, Hà Ân, Nguyễn Huy Tưởng hay Hoàng Quốc Hải đã dựa trên những ghi chép tản mác, vụn vặt, hư cấu, tưởng tượng nên chân dung, cuộc đời và số phận của An Tư, tạo nên bản anh hùng ca ca ngợi vẻ đẹp, đức hi sinh cao cả của nàng… Các nhà văn chủ yếu khai thác ở hình tượng này vẻ đẹp của con người anh hùng, liệt nữ, dám hi sinh tất cả: trinh tiết, phẩm giá, thân thể, thậm chí là tính mạng, góp công vào chiến thắng quân Nguyên lần thứ hai. Đến Trần Thanh Cảnh, nhờ trí tưởng tượng phong phú, ông đã bổ khuyết, “bù đắp lịch sử”, sáng tạo nên chân dung nghệ thuật sinh động, đầy sức sống. Khác với các nhà văn tiền bối, tác giả gần như đã tước bỏ khía cạnh liệt nữ trong những diễn giải của mình về cuộc đời của An Tư. Ông kéo nhân vật này trở về kích cỡ của người đàn bà bình thường, với những đòi hỏi, khát khao nhục dục cháy bỏng. Những trang viết về nàng công chúa họ Trần có thể “gây hấn” với hiểu biết và kinh nghiệm cộng đồng; nhưng với nhà văn, đó là cách ông hình dung, thụ hưởng lịch sử.

Trong nỗ lựchoàn nguyên các giá trị, trả lại cho lịch sử chiều sâu nhân bảncùng những biểu hiện đa dạng, phức tạp của tính người trọn vẹn, tác giảkhi miêu tả An Tư đã không ngần ngại sử dụng chất liệu thân thể gợi cảm, biểu tượng Nữ tính vĩnh hằngđể kiến tạo nên diễn ngônthân xác. Nàng công chúa nhà Trần trong sự hư cấu của Trần Thanh Cảnh hiện lên là một cô gái xinh đẹp nhất kinh thành Thăng Long. Nàng mang vẻ đẹp lồ lộ của sự cám dỗ, gợi tình - hiện thân của cái trần tục, nguyên sơ nơi bản thể con người; đặc biệt là một người đàn bà nổi tiếng đa tình, phóng túng, hừng hực đam mê, và rất điêu luyện trong chốn phòng the.

Trần Thanh Cảnh đã rất tinh tế khi sử dụng hai biểu tượng Lửa và Nước để miêu tả về mối tình oan nghiệt của công chúa nhà Trần An Tư và hoàng tử thứ chín nhà Nguyên Thoát Hoan. Trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông của quân dân Đại Việt, lửa và nước mang ý nghĩa của sự hủy diệt khốc liệt: Lửa đốt cháy kinh thành Thăng Long, nước vùi dập quân Nguyên xâm lược. Riêng với An Tư, lửa biểu tượng cho niềm đam mê ngút ngàn và nước biểu tượng cho sự ái ân nhục dục tràn trề. Trở thành con bài trong cuộc chiến cam go, An Tư mang sứ mệnh giăng bẫy tình khiến chủ soái đoàn quân chinh chiến nhà Nguyên mê mẩn sắc dục, quên việc quân để vua tôi nhà Trần có thời gian chuẩn bị lực lượng, kế sách mới. Bẫy tình do Trần Quốc Tuấn sắp đặt trong ván bài chiến tranh, nay lại trở thành cuộc chơi giường chiếu mà chính nàng là người chủ động nhập cuộc, hưởng thụ. Nàng dường như quên hết sứ mệnh, bỏ qua mọi ràng buộc lễ nghi, mọi định kiến thù địch, mọi đau khổ chết chóc, mọi khác biệt ngôn ngữ, để tấu lên khúc nhạc thân thể hòa nhịp mê đắm, tận hưởng mọi lạc thú giường chiếu bên người đàn ông khỏe mạnh, kẻ khát tình hoang dã. Và không phải vô cớ, Trần Thanh Cảnh đã sáng tạo hai trường diễn ngôn đối chọi nhau khi miêu tả về cuộc tình giữa Thoát Hoan và An Tư. Với An Tư, tác giả đã tạo dựng trường diễn ngôn mang biểu tượng của Nước: “cái lạch suối thần không bao giờ cạn nước”, “nguồn suối ái ân”, “dòng nước thần thánh”, “dòng nước thần tình ái”, “nguồn nữ tính tràn trề như một cái giếng thân”… Còn Thoát Hoan, ông dùng những động từ mạnh để thể hiện sự bạo liệt, hung tàn, hoang dại của Lửa: “lao vào xé tung”, “ăn tống ăn táng”, “hùng hục như một con ngựa đực hoang dã”… Một bên là sức mạnh của sự chiếm đoạt, áp chế; còn bên kia là niềm vui thỏa thuê của sự hưởng thụ, nếm trải. Nguồn nữ tính tràn trề, bất tận, dịu dàng (An Tư) đã xoa dịu, hóa giải cái hung tợn, hoang dã, bạo liệt (Thoát Hoan) khiến vị tướng trẻ kiêu dũng nhà Nguyên trở nên yếu đuối, ngờ nghệch, mải mê đáp ứng nhu cầu tình dục của bạn tình; đặc biệt biết rung động những cảm xúc trong trẻo, lạ lẫm trước nàng công chúa Đại Việt. Trần Thanh Cảnh ở một khía cạnh nào đóđã khai thác thành công đời sống tình dục của nhân vật ở giá trị cứu rỗi, điều hòa, thức tỉnh; đồng thời giải mã hợp lý những điểm mờ mà lịch sử bỏ sót khi chép về cuộc đời và số phận bí ẩn của An Tư.

Rõ ràng, chân lý lịch sử dù có bất biến, khách quan đến đâu cũng không thể thay thế được chân lý nghệ thuật. Ở chiều kích ngược lại, nhà văn mặc sức thả trí tưởng tượng bay bổng như thế nào cũng phải kiếm tìm cho mình một điểm bám giữ phù hợp với bản chất lịch sử và logic đời sống. Đặc biệt, nhà văn phải biết cách hướng đến khai thác vẻ đẹp của đời sống, khám phá những giá trị nhân văn ẩn chìm đằng sau mỗi sự kiện, nhân vật. Có thể nói, với Trần Thanh Cảnh, lịch sử chỉ là cái cớ, phông nền để ông phân tích, luận giải, khám pháý nghĩa mới, đem lại cách nhìn khác/mới về hiện thực lịch sử và bản chất con người.Ông đã biết cách dung hòa hợp lý, tinh tế giữa chân lý và hư cấu trong diễn ngôn về lịch sử.Và ở một phương diện nào đó, ông đã tự tạo cho riêng mình một chân lý - chân lý của/nơi tưởng tượng, hư cấu. Đó là sự kết tinh của sự am tường, hiểu biết sâu sắc về quá khứ;cần mẫn, nghiêm túc trong việc xử lí tư liệu; sự dũng cảm,bản lĩnh trong sáng tạo nghệ thuật;lòng tự tôn dân tộc và đặc biệt là văn hóa ứng xử với những giá trị truyền thống. Và công chúng độc giả có đầy đủ niềm tin để chờ đợi, hi vọng thêm nhiều sinh thể nghệ thuật độc đáo, hấp dẫn từ nhà văn tài năng Trần Thanh Cảnh.

An Hòa, 3.2018

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441591

Hôm nay

2308

Hôm qua

2283

Tuần này

21495

Tháng này

216765

Tháng qua

112676

Tất cả

114441591