Góc nhìn văn hóa

Đức thánh Trần vẫn là Đức thánh Trần

Dường như qua lâu rồi cái thời người ta vẫn tin và vẫn hằng khuyên nhau tin rằng lịch sử là một thứ túi khôn chứa đầy những kinh nghiệm bổ ích mà tiền nhân, dù vô tình hay hữu ý, đã để lại cho hậu thế. (“Bài học lịch sử”, đó chẳng phải là cụm từ quá đỗi quen thuộc hay sao?). Chính xác thì, bao giờ cũng vậy, con người luôn đối diện với lịch sử và luôn ứng xử với nó như đối tượng của sự diễn giải và tái diễn giải liên tục. Có “bài học” hay không, và là “bài học” nào từ những sự kiện đã xảy ra, từ những con người đã hành động trong quá khứ, đó hoàn toàn là vấn đề của những chủ thể diễn giải. Không hề có một lịch sử “vật tự nó”, mà chỉ có những lịch sử “vật cho ta”, và lịch sử của những diễn giải về lịch sử.

Tôi phải phi lộ lòng vòng như vậy chỉ cốt để xác quyết được một điều căn bản: tiểu thuyết lịch sử đầu tay của nhà văn Trần Thanh Cảnh chính là diễn giải của tác giả về vương triều Trần với võ công lẫy lừng ba lần kháng Nguyên toàn thắng, nhất là về cuộc đời và sự nghiệp của một trong những nhân vật hiển hách nhất thời đại: Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Diễn giải ấy thể hiện tinh thần cốt yếu của nó ngay trong nhan đề tác phẩm: “Đức thánh Trần”. “Đức thánh Trần”, nghĩa là Trần Thanh Cảnh thần thánh hóa nhân vật lịch sử Trần Quốc Tuấn. Hay nói cho chính xác hơn, là tác giả nhấn mạnh và khẳng định phẩm chất thần thánh, vị thế thần thánh, uy vọng thần thánh của Hưng Đạo Đại Vương. Quả thật, trong sự miêu tả của Trần Thanh Cảnh thì nhân vật Trần Quốc Tuấn, dù ở bất cứ nơi đâu và trong bất cứ thời điểm nào của cuộc đời, từ ý nghĩ đến diện mạo, thần thái, hành động, đều luôn là sự vượt lên trên tất cả, là ngời ngợi một vẻ đẹp thần thánh. Khi lâm trận đối địch trên chiến trường, ngài là một “thiên tướng”, là “người nhà trời phái xuống” để thực hiện sứ mệnh bảo quốc an dân cho vương triều Trần và cho nước Đại Việt, là nỗi khiếp đảm đến tột cùng của quân xâm lược phương Bắc. Trong những mối quan hệ tình ái với đàn bà, ngài là nguồn “thiên ân” dạt dào, là phúc lạc to lớn đến mức bất cứ người đàn bà nào, vợ (công chúa Thiên Thành) hay người tình (Quế Lan, người con gái xinh đẹp ở Bãi Soi), dù chỉ được hưởng một lần cũng đủ thấy mãn nguyện cho cả một kiếp. Mang ánh hào quang rực rỡ của thần thánh, Trần Quốc Tuấn - qua miêu tả của Trần Thanh Cảnh, dĩ nhiên - là nhân vật có sức lan tỏa và quyến dụ đến kỳ lạ: ai cũng bị hút về phía ngài, dù đó là đàn ông hay đàn bà, người già hay trẻ nhỏ, người trong hoàng tộc hay kẻ thuộc khối bách tính lê dân. Cái sức lan tỏa và quyến dụ kỳ lạ ấy của Trần Quốc Tuấn là của thần chứ không phải của người. Nó khiến cho, ở phạm vi gần, cả loạt nhân vật xung quanh ngài, người thân và những tùy tướng tâm phúc, như công chúa Thiên Thành, nàng Quế Lan, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Địa Lô, Yết Kiêu, Dã Tượng v.v… đều ít nhiều được nhuốm màu sắc bất phàm. (Lấy một ví dụ: nàng Quế Lan, người con gái Bãi Soi. Tồn tại một cách ngắn ngủi trong cuộc đời dài lâu của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, nhưng từ sự xuất hiện cho đến sự ra đi của Quế Lan, tất cả đều mang dáng dấp mô hình xuống trần/về trời của những nhân vật tiên nữ trong các câu chuyện cổ tích. Giọt máu nàng để lại thế gian với Trần Quốc Tuấn - tức Trần Hưng Hồng, thượng thư Bộ Hộ sau này - cho phép ta nghĩ đến kết quả của một thiên chức mà nàng phải thực hiện: chuẩn bị cho Quốc công Tiết chế của triều Trần một người giỏi việc quân nhu quân lương trong các cuộc kháng Nguyên tiếp theo). Thậm chí, không những người, mà đến cả những đồ vật được Trần Quốc Tuấn dùng qua tay cũng trở nên thiêng hóa, như ngọn giáo Pháp Lôi, hay cây gậy trúc một đầu bịt sắt… Tác giả cực tả sức mạnh của thần giáo Pháp Lôi trong trận chiến năm Nguyên Phong: “Trần Quốc Tuấn vung tay phóng mạnh. Ngọn thần giáo Pháp Lôi lao xuống như một đạo sấm sét. Xuyên qua chiếc xe chở Ngột Lương, ầm một tiếng, cắm sâu xuống đất. Xe vỡ tung. Đất rung chuyển. Như có sét đánh bên tai. Ngột Lương Hợp Đài mặt xám ngoét, nhìn cây giáo sắt vẫn đang rung lên bần bật bên cạnh mình, không thốt lên được lời nào”. Còn đây là uy lực của nó trong trận Bạch Đằng giang vang danh sử sách: “Vương nâng cây thần giáo Pháp Lôi, nhằm thuyền của Ô Mã Nhi phóng thẳng xuống. Cây giáo lao như một tia chớp, nổ bùng một tiếng chói tai, xuyên qua thuyền của Ô Mã Nhi. Thuyền vỡ toang một mảng lớn, nước tràn vào réo ầm ầm, tròng trành chực chìm”. Xuống sông, nhưng ngọn giáo vẫn chưa lắng dừng dư chấn, nó còn làm thành “một hõm nước sâu thăm thẳm dưới đáy sông. Yết Kiêu thả dây xuống thăm dò hàng trăm trượng mà không thấy đáy”. (Đến đây thì, không biết có nằm trong chủ ý tác giả hay không, Hưng Đạo đại vương đã thể hiện rõ bản lĩnh ông tổ Nội đạo tràng của mình khi ngài không hề ngạc nhiên trước sự lạ, mà điềm nhiên giải thích với bộ hạ rằng đó là vũ khí tổ tiên ban cho để đánh giặc, giặc tan, tổ tiên lấy lại, đừng mò tìm để khỏi mất công!).

Như vậy là đủ để thấy, với tiểu thuyết “Đức thánh Trần”, nhà văn Trần Thanh Cảnh dường như không băn khoăn tra vấn nhiều lắm về tính nguyên khối và tính thuần khiết của nhân vật lịch sử Trần Quốc Tuấn. Tất cả bút lực của tác giả chủ yếu là giành để thể hiện và ngợi ca những phẩm chất thần thánh của nhân vật, từ đó lý giải việc tại sao Hưng Đạo đại vương lại trở thành linh hồn, thành nguồn tập trung sức mạnh to lớn của quân dân Đại Việt trong cả ba lần chiến thắng trước quân xâm lược Nguyên Mông. Trong tác phẩm, Trần Thanh Cảnh cũng có vài lần đặt nhân vật của mình trong mối ưu tư về di ngôn của thân phụ, tức An Sinh vương Trần Liễu, và sự đối kháng ngầm giữa hai chi trưởng, thứ của vương triều Trần. Nhưng ông không khuấy nó lên thành giông bão, không khai thác nó thành một phản đề. Mà ngược lại, ông dùng nó như một vật liệu để trang sức thêm cho Trần Quốc Tuấn, tựu thành trọn vẹn chân dung của người anh hùng đã vì lợi ích quốc gia dân tộc mà bỏ qua hết mọi bận tâm riêng tư. (Vận động theo hướng này, viết lịch sử của Trần Thanh Cảnh là một đối lập với viết lịch sử của nhiều tác giả cùng thời khác, chẳng hạn, Lưu Sơn Minh. Trong tiểu thuyết lịch sử “Trần Khánh Dư” (NXB Văn học & Cty Đông A, 2016) Lưu Sơn Minh nhấn mạnh nhân vật của mình không phải ở bất kỳ một phương diện tính cách nào: sự kiêu hùng của một võ tướng họ Trần, sự liều lĩnh của một khách đa tình, hay sự bạt mạng bất cần của một kẻ bị gạt xuống chiếu dưới… mà là ở xung đột dai dẳng giữa các phương diện tính cách vốn sẵn có trong ông tướng bán than Trần Khánh Dư, khi âm thầm, khi cuồng loạn, không bao giờ chịu nằm yên. Nói cách khác, Trần Khánh Dư của Lưu Sơn Minh, đó là kết quả của một nỗ lực đến cùng nhằm “phàm” hóa nhân vật). Với Trần Thanh Cảnh, Đức thánh Trần vẫn mãi là Đức thánh Trần. Cách viết ấy, rất có thể, chính là một lời đáp của Trần Thanh Cảnh - nhà văn, trước những nhận định táo bạo đến mức gây sốc về Trần Quốc Tuấn mà Tạ Chí Đại Trường - sử gia, đã trình bày trong tiểu luận “Hành trình khởi phát của một anh hùng - Trần Quốc Tuấn” (in trong “Chuyện phiếm sử học”, Nhã Nam & NXB Tri Thức, 2016). Diễn giải văn chương đối đầu với diễn giải sử học, đó là điều không lạ. Trong trường hợp này, nó chỉ càng tô đậm thêm sự thật rằng: cái gọi là “lịch sử” không hề đứng yên, mà luôn là tập hợp mở của những diễn giải khả thể về lịch sử.

Trần Thanh Cảnh khởi thảo “Đức thánh Trần” sau khi đã cho ra mắt độc giả hai tập truyện ngắn mang đậm chất hoa tình, thậm chí là tinh thần “phóng dục”, khá đặc trưng cho đất và người Kinh Bắc. Cái “nếp” ấy vẫn được ông giữ lại trong cuốn tiểu thuyết lịch sử đầu tay này, qua những trường đoạn viết về ái tình hừng hực nhựa sống và tràn trề đam mê của những đàn ông đàn bà Việt Nam thế kỷ thứ XIII. Đọc những trường đoạn ấy và, nếu tiện, thử làm một vài so sánh, ta sẽ thấy nhân vật của Trần Thanh Cảnh khác với nhân vật của các nhà tiểu thuyết lịch sử tiền bối đến thế nào. An Tư công chúa chẳng hạn. Trong truyện lịch sử của Nguyễn Huy Tưởng, An Tư công chúa là điển hình cho kiểu liệt nữ phải/chấp nhận hy sinh tất cả: danh tiết, phẩm giá, thân thể, cuộc đời… vì sự tồn vong của vương triều và quốc gia. Đó là một diễn ngôn dân tộc chủ nghĩa. Còn trong tiểu thuyết lịch sử của Trần Thanh Cảnh, con người liệt nữ của An Tư công chúa đã trở nên rất mỏng và nhẹ, rồi bay mất lúc nào không hay. Thế chỗ, là một An Tư vô cùng say đắm và điêu luyện chốn phòng the, một An Tư đã chủ động đảo ngược tình thế, biến Trấn Nam vương Thoát Hoan từ một chiến tướng kiêu dũng thành kẻ chỉ biết mải miết đáp ứng nhu cầu tình dục bất tận của nàng. An Tư công chúa của Trần Thanh Cảnh, có thể nói, chính là một diễn ngôn thân xác: “An Tư vẫn dịu dàng kiên nhẫn lau khô những giọt mồ hôi cho Thoát Hoan. Trong khi chăm sóc Thoát Hoan, lòng nàng hình như mơ hồ rung lên một sợi tơ đàn bí ẩn. Nàng không còn nhớ gì đến lời dặn của hai ông anh. Nàng chẳng nhớ đến cuộc chiến đang gào thét trên quê hương đất nước nàng. Trước mắt nàng chỉ là một người đàn ông trẻ tuổi đẹp đẽ cường tráng. Nàng muốn hưởng thụ tất cả những niềm vui thú mà chỉ người nam và người nữ mới mang đến cho nhau, trong những cuộc giao hoan long trời lở đất”.

Phải chăng, đó cũng chính là một diễn giải lịch sử khả thể?  

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441167

Hôm nay

2167

Hôm qua

2287

Tuần này

21071

Tháng này

216341

Tháng qua

112676

Tất cả

114441167