Góc nhìn văn hóa

“Phố Hoài” trong tôi

“Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài,

Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống.

Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp.

Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thành.” (Trang 206)

Bài thơ của đức cha Francois Nguyen lắng lại trong tôi thông điệp mà “Phố Hoài” trao gửi: Hãy một lần nhìn lại con đường dài, nhìn lại đời sống này để ngộ ra, để bước tiếp với những “chấm đúng” trên hành trình vạn dặm, để sống tốt từng phút giây trên cõi tạm này. Bởi trên đời, thực ra chẳng có gì quan trọng hơn SINH TỬ. Và chúng ta sống để làm gì nếu không phải để kiếm tìm hạnh phúc?
Hai câu đầu là ĐƯỜNG ĐỜI. Câu thứ 3 là hãy bằng trí tuệ để SỐNG cho đúng. Câu cuối là hãy bằng trái tim, bằng đạo đức để sống. Hội tụ những yếu tố như vậy, cuộc sống sẽ thật tuyệt vời.

Mỗi bạn đọc từ góc nhìn của mình có thể sẽ rút ra những thông điệp không giống nhau từ “Phố Hoài” của Nhà văn Trần Thị Trường. Sau 1 ngày rưỡi đọc nghiến ngấu, tôi tự nhủ mình hãy chờ đợi, chờ đợi một chút để cảm xúc lắng lại rồi hãy viết gì đó. Tôi là người nguyên tắc và kỷ luật. Tuy nhiên, tôi đã không thể chờ cho những cảm xúc trong tôi lắng lại, để viết một cái gì đó sâu hơn, có sức nặng hơn về tác phẩm này. Tôi đã vi phạm lời nhắn nhủ với bản thân. Và tôi viết,…

1. “Phố Hoài”, văn hay sử?

“Phúc cho ai không thấy mà tin”!

Tôi không phải là một người theo đạo Thiên Chúa, tôi cũng không phải là người theo bất cứ một tôn giáo nào. Nhưng tôi tin những gì nhà văn Công giáo Trần Thị Trường viết, tin những gì bà mô tả trong “Phố Hoài”, những gì hữu hình và cả những vô hình, những gì tôi đã biết và những gì tôi chưa từng được biết. Tôi tin bởi tôi thấy được sự chân thành, mộc mạc, bình dị, tài năng, tâm huyết, những trăn trở, đớn đau,… qua từng con chữ trong tác phẩm của bà được viết ra từ một trái tim đầy nhiệt huyết và một trí tuệ uyên thâm, sâu sắc. Và trên hết, tôi cảm nhận rõ trách nhiệm xã hội của bà khi viết tác phẩm này với tư cách của một người cầm bút với lịch sử dân tộc mình, với những thế hệ của bà, sau bà và trên hết là với những “con dân nước Việt” đã đang và sẽ tiếp tục sống trên mảnh đất cha ông tổ tiên để lại!

Tại sao học sinh Việt Nam, người Việt Nam không thích đọc lịch sử Việt? Đọc “phố Hoài” của Trần Thị Trường tôi nhận rõ câu trả lời cho câu hỏi trên hơn bao giờ hết. Lịch sử không chỉ là những sự kiện vô hồn, những chiến thắng lẫy lừng, cái này chồng lên cái khác. Những thành tích, những chiến công nối tiếp nhau làm cho lịch sử có phần tẻ nhạt và mất đi sức hấp dẫn vốn có của nó. Thẳm sâu của lịch sử là số phận con người gắn với thời đại mà họ sống, gắn với những biến cố về mọi mặt của đời sống xã hội chi phối cuộc sống của họ. 2/3 thế kỷ với những biến thiên của thời cuộc: công cuộc cải tạo tư sản những năm 50 của thế kỷ XX, sự kiện 30/4/1975 và công cuộc đổi mới đất nước 1986 của Đảng Cộng sản Việt Nam là 3 điểm nhấn làm “chao đảo” cuộc sống của những người Việt Nam được thể hiện trong tác phẩm. Có những sự “đổi đời” của tầng lớp này song song với sự “lên voi xuống chó” của tầng lớp xã hội khác. Đọc “Phố Hoài”, tôi nín thở theo từng bước thăng trầm của những nhân vật được Trần Thị Trường miêu tả. Số phận của những trí thức Tây học làm trong chính quyền Pháp sau những biến thiên của thời cuộc, từ những người lao động trí tuệ, họ chuyển sang làm công nhân móc cống, làm con phe, con buôn, làm đủ nghề để mưu sinh trong nỗi khốn cùng. Đọc để thấy phận người quá mỏng, quá mong manh như chiếc lá non xoay trong vòng nước xiết. Đọc để khẳng định chắc chắn rằng dù chúng ta có hay không quan tâm đến chính trị, chính trị vẫn luôn chi phối ta, ảnh hưởng đến mỗi chúng ta một cách vô cùng khủng khiếp. Sau những biến cố chính trị, có những người được “đổi đời” lên tiên, nhưng cũng có những thân phận rớt từ thiên đường xuống địa ngục. Tính người, chất người trong những biến cố thế này thể hiện rõ hơn bao giờ hết. Vô vàn các tình tiết gắn với thân phận con người được Trần Thị Trường khai thác từ những biến cố chính trị này. Tôi đã khóc, đã cười, đã thót tim, đã nín thở, đã nhớ, đã sợ hãi,… Đó là những cảm giác rất thật khi tôi chạm tới từng câu chữ của bà trong “Phố Hoài”.

Ai đó đã nói: lịch sử là tấm gương chiếu hậu, nhìn vào đó để chúng ta tự tin tiến lên phía trước. Khía cạnh sử học trong tác phẩm “Phố Hoài” thật vô giá với những người yêu lịch sử, yêu chân lý, yêu sự thật. Bởi trong tác phẩm này, lịch sử được viết ra từ trái tim và khối óc, bởi tình yêu sự thật và chân lý chứ không được viết ra từ mong muốn chủ quan của những người cai trị, những nhà cầm quyền. Những biến cố lịch sử diễn ra theo dòng thời gian, gắn với nó là số phận những con người bằng xương bằng thịt làm nên sự cuốn hút không thể cưỡng nổi của “Phố Hoài”.

Một yếu tố làm nên nét đặc sắc và sức nặng của “Phố Hoài” theo tôi chính là như tác giả bộc bạch: “Một số nhân vật của tôi mang tên những người có thật trong đời sống”. Chính yếu tố này tạo nên sức nặng của từng con chữ. Bởi mỗi tên người, tên địa danh không chỉ là một cái tên thông thường, không chỉ là tên một nhân vật trong tác phẩm ‘Phố Hoài”. Mỗi cái tên đó, tách ra, đứng độc lập, bản thân nó đã là cả một pho sử sách. Ngay chương đầu tiên, khi bà nhắc đến nhà giáo Bùi Trân Phượng, nguyên hiệu Trưởng Đại học Hoa Sen, hàng loạt bài báo và những cuốn sách, cách tư duy của nhà giáo Bùi Trân Phượng đã ào ạt ùa về trong trí nhớ của tôi trước khi tôi có thể đọc tiếp “Phố Hoài”. Hay khi tác giả nhắc tới Hoàng nhạc vàng, những chi tiết trong tác phẩm “Cung đàn số phận - Hồi ký Lộc vàng” sống dậy tươi mới trong hồn tôi. Thủ pháp viết độc đáo này đã làm cho những câu văn của Trần Thị Trường khi nhắc đến những tên người, tên phố có sức nặng ngàn cân bởi sự cộng hưởng từ những giá trị, từ” kho tư liệu khổng lồ” mà chính “tên những người có thật” đó mang lại. Và cũng chính những tên người có thật đó làm cho từng trang viết của bà trở nên chân thật, sinh động. Các nhân vật hư cấu trong văn học cùng các nhân vật có thật trong đời sống hòa quyện, quấn quít bên nhau truyền tải cái thông điệp mà tác giả đau đáu gửi tới bạn đọc trong một tác phẩm viết trong 10 năm “Phố Hoài”. Văn học và sử học ở đây tuy hai mà là một. Văn học trở nên hiện thực hơn, hiện thực mà không khô cứng. Và sử học cũng hấp dẫn hơn, quyến rũ hơn. Hấp dẫn quyến rũ mà vẫn phản ánh chân thực, không bị biến dạng hay bóp méo.

Đọc “Phố Hoài”, chân lý cũ được khẳng định: Văn sử bất phân. Sự sáng tạo cũng mở ra một cách vô cùng: Sử và văn, hai trong một trong “Phố Hoài” làm rung động những tâm hồn lãng mạn yêu văn học cũng như những “người nghiên cứu lịch sử khô khan” nhất.

2. “Phố Hoài” vẻ đẹp của sự giao thoa, cộng hưởng văn hóa

“Phố Hoài” gây rung chấn bởi thân phận con người được Trần Thị Trường miêu tả trong tác phẩm. Các cặp nhân vật tiêu biểu như: ông Ký - bà Ký, Nam - Thanh là sự hội tụ của nhiều nền văn hóa đã được thẩm định qua biến thiên lịch sử: Văn hóa Thiên Chúa giáo, văn hóa Hà Thành gót nghìn năm, văn hóa của giới tinh hoa trí thức. Sức mạnh của những giá trị văn hóa đã ăn vào máu, đi vào gien của những con người này làm nên một sự phi thường khó có thể lý giải. Cuộc sống đã nhấn họ xuống bùn đen, khốn khổ khốn nạn. Suốt cả những năm dài, họ không được sống như những con người. Đói khát về vật chất, bị giam hãm về tinh thần, luôn sống trong lo lắng, sợ hãi,… nhưng họ vẫn sống, vẫn bền bỉ sống, cần mẫn sống bởi họ hiểu rằng: Dù sao vẫn phải sống! Những trí thức tinh hoa “có khi chết già vẫn không biết thế nào là hôn ấy chứ” (trang 39). Những người Công giáo: “túng đói quanh năm nhưng họ chả chửi con mắng cháu, cái gì họ cũng nhẹ nhàng, họ chả bon chen, ngay từ trong ý nghĩ” (trang 38). “Noel năm ấy Nam mừng lễ bằng một bữa cơm rang với mỡ và muối trắng” (trang 62). Để mưu sinh, họ đem lọ cổ của ông cha ra để muối dưa. Từ những trí thức thời thế thay đổi, họ phải làm nghề móc cống, chui dưới cống lên, người hôi hám, họ mua ba chén trà mang ra vỉa hè, cạnh gốc cây ngồi nhìn ra hồ và bình thơ (trang 71,72),… Sẽ vô vàn những chi tiết như thế bạn có thể thấy trong “Phố Hoài”, bạn có tưởng tượng được không, cái gì đã diễn ra trên đất nước Việt Nam trong một quá khứ chưa xa vậy? Và chỉ có một tầm văn hóa, tôi không nói là cao hay thấp, chỉ có thể là một tầm văn hóa nào đó, con người mới đủ sức vượt qua và bứt lên để tồn tại qua giai đoạn lịch sử có một không hai này.

3. “Phố Hoài”, pho từ điển sống về “thời bao cấp”

4. “Phố Hoài”, hoài niệm về một Hà Nội xưa cũ, đau khổ và hào hoa

5. “Phố Hoài”, kho tư liệu ẩm thực, kiến trúc, âm nhạc, văn học, nghệ thuật, báo chí và kinh doanh.

6. “Phố Hoài”, hoài niệm của “Bên thắng cuộc”.

7. “Phố Hoài”, những đảo điên thời mở cửa.

8. “Phố Hoài”, những cuộc vượt biên.

9. “Phố Hoài” - nỗi đau đớn và vẻ đẹp của những phận người,...

Tôi đã trải qua vô vàn những cung bậc cảm xúc và tư duy khi đọc “Phố Hoài”. Chưa đủ độ lắng, tôi vẫn phải viết ra ngay và luôn từ sự thôi thúc tận đáy lòng với một tác phẩm lay động trí tuệ và xúc cảm mà tôi vừa đọc.

Biết ơn tác giả Trần Thị Trường với một tác phẩm chạm đến sâu thẳm những ngóc ngách tâm hồn tôi. Biết ơn chị Nguyễn Phan Quế Mai đã cho tôi cơ hội biết tới một tác phẩm không thể tuyệt vời hơn!

Đọc “Phố Hoài”, để ngộ ra những triết lý cuộc đời, để định vị lại mình trong cuộc đời này, để biết rằng mình phải sống ra sao giữa đời này.

Và tôi tin, tin lắm, như những gì Trần Thị Trường viết:

“Tự nhiên, con người ta, những người tốt cứ tìm đến với nhau, những cái đẹp cứ nương vào nhau mà tồn tại, y như thể có bàn tay của một đấng nhân lành” (trang 209).

Trần Thị Thu Hoài

GV Trường ĐH Kinh tế Quốc dân

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434733

Hôm nay

24

Hôm qua

2349

Tuần này

21383

Tháng này

211781

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434733