Người xứ Nghệ

Đôi nét về chân dung một nữ sĩ xứ Nghệ

  Tôi muốn nói đến nhà phê bình Thiếu Mai mà nhiều cộng tác viên Tuần báo Văn nghệ những năm 80, 90 thế kỷ trước thường gọi một cách thân kính là “nữ sĩ”. Họ tên khai sinh của bà là Lê Thị Ngọc Chương. Bà sinh ngày 4 - 11- 1935 tại quê hương xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.

Thiếu Mai là nhà nghiên cứu, lý luận phê bình văn học. Không kể 2 năm đầu công tác ở Bộ Giáo dục, cho đến lúc nghỉ hưu (1990), bà đã có dư 30 năm theo đuổi sự nghiệp văn học. Từ 1959-1969 bà công tác ở Viện Văn học, từ 1969-1990 bà là Trưởng ban Lý luận - phê bình tuần báo Văn nghệ, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Bà qua đời ngày 14-1-1995. Tác phẩm có: Thơ - những gương mặt (phê bình - tiểu luận), Nhà xuất bản Tác phẩm mới, 1983; Hái giữa đôi bờ (phê bình văn học), Nhà xuất bản Lao động, 1994.

Thiếu Mai viết ít, nhưng bà để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong giới nghiên cứu, phê bình văn học & cả trong bạn đọc rộng rãi. Bà là người em, người con hiếu kính của các bậc đàn anh, các bậc cha chú & là người chị thảo hiền của giới trẻ, nên rất được mọi người quý mến! Nhà phê bình Lại Nguyên Ân kể: “Ở báo Văn nghệ, chị chỉ làm công việc một biên tập viên, không phải là người quyết định đăng hay không đăng, vậy mà tên chị thường xuất hiện nơi cửa miệng các bậc cha chú như là đồng nghĩa với trang phê bình của báo. “Chỗ cô Thiếu Mai nói đặt bài, chỗ cô Thiếu Mai bảo sẽ đăng…” - tôi từng nghe hàng trăm lần những lời như thế…” (1) Say mê công việc, giàu lòng vị tha, bà luôn luôn có cái vui hồn nhiên, vô tư trước thành công của bạn bè hay khi đưa duyệt in được một bài báo hay, xem như niềm vui trước thành công của chính mình!

Thiếu Mai vừa từng là học trò, vừa từng là “lính” của các nhà văn lớn đồng hương xứ Nghệ Đặng Thai Mai (1902 - 1984), Hoài Thanh (1909 - 1982) & luôn luôn xứng đáng là một trong những học trò xuất sắc của họ. Trong bài Đặng Thai Mai với việc nghiên cứu Phan Bội Châu PGS Chương Thâu viết: “Chính nhờ sự thương yêu rèn cặp của giáo sư mà ngày nay, chúng tôi, thế hệ học trò những năm 50 dần dần trưởng thành…Các anh chị Nguyễn Đình Chú, Ninh Viết Giao, Nguyễn Huệ Chi, Thiếu Mai… đã “đứng vững” với những công trình nghiên cứu độc lập”(2)

Không rõ bút danh Thiếu Mai có liên quan gì đến một trong hai người thầy khả kính của bà không, nhưng bút pháp văn phê bình của bà rõ ràng có chịu ảnh hưởng của hai người thầy đồng hương này, nhất là ảnh hưởng của Hoài Thanh. Bước đầu sự nghiệp, Thiếu Mai chủ yếu giới thiệu, phê bình thơ. Bà thường ghi lại cảm nhận trực tiếp của mình khi đọc các tập thơ rất gần gũi với lối viết của Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam mà một số nhà nghiên cưú nhận định đó là phê bình ấn tượng “chỉ dựa vào ấn tượng, cảm xúc, rung động của mình khi đọc tác phẩm…” Là người rất yêu nghề, tâm huyết với nghề & được đào tạo bài bản, bà ý thức rất rõ trong lời Tự bạch: “Phê bình văn học tựa như một dòng sông uốn lượn giữa đôi bờ khoa học & nghệ thuật. Và trên dòng sông đó, thế hệ nối tiếp thế hệ, nhiều nhà phê bình Việt Nam đã gặt hái được những thành quả đậm hương sắc của đôi bờ…”(3) Còn với Hoài Thanh & Thi nhân Việt Nam, Thiếu Mai không tranh luận về phương pháp phê bình của tác giả, mà tinh tế chỉ ra cái “thần” của nhà phê bình: “Nét đồng điệu của tâm hồn là yếu tố tiên quyết giúp tác giả lắng lòng nghe thấy cái huyền diệu, cái tinh tế trong những hồn thơ mong manh mà người khác không cảm thấy được… …Ông đã tạo ra một điệu văn,đúng hơn, một điệu thơ - phê bình để dẫn ta vào một thế giới trong đó hồn ông & hồn thi nhân nhập hòa làm một & được biểu hiện bằng những câu thơ linh diệu”. Từ đó, bàkhẳng định giá trị tác phẩm một cách chuẩn xác: “Là một tác phẩm phê bình theo chủ nghĩa ấn tượng, mặc lòng, Thi nhân Việt Nam đạt đến độ hài hòa hoàn mỹ giữa chủ thể & khách thể, giữa cảm xúc & trí tuệ, giữa nội dung & nghệ thuật, giữa đại thể & tiểu tiết…Chỉ vậy thôi cũng đủ để nó là tác phẩm có một không hai trong phê bình văn học nửa thế kỷ nay” (4)

Bà viết về các nhà thơ sáng tác từ trước cách mạng như Tế Hanh, Lưu Trọng Lư, Sóng Hồng, Anh Thơ, Hằng Phương, Vân Đài; về các nhà thơ nổi tiếng từ thời chống Pháp như Hoàng Trung Thông, Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn; các nhà thơ thời chống Mỹ & thời bước đầu đổi mới như Lê Anh Xuân, Bằng Việt, Phạm Tiến Duật, Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh…Bà còn có bài viết Năm năm thơ Nghệ An chống Mỹ (1965 - 1970) ngắn gọn mà cảm động (báo Văn nghệ số 374). Thiếu Mai có lối bình thơ tinh tế xuất phát từ tình cảm hết sức chân thực & ý thức đọc kỹ tác phẩm; lối nói thẳng không vòng vo lý luận chung chung, không viện dẫn ý kiến người này, người nọ. Nhờ có sự đồng cảm sâu sắc với đối tượng mà mình yêu thích, nhận xét của bà thường tỏ ra chính xác, có sức thuyết phục. Chẳng hạn nhận xét về bài Tiếng thu của Lưu Trọng Lư: “Một mùa thu xưa vàng óng, nắng rất trong như hiện lên trong tâm trí ta với cái vắng lặng hiu hiu buồn. Anh dùng những từ mà người ta gọi là từ lấp láy khá đạt (thổn thức, xào xạc, ngơ ngác). Âm thanh của từng từ tạo nên nhạc điệu. Nhạc điệu vẽ lên những hình ảnh trước mắt & gợi lên những tình cảm trong lòng…Đến bây giờ, nói đến thơ Lưu Trọng Lư người ta vẫn còn bồi hồi vì chất thơ, chất nhạc hòa quyện vào nhau của bài Tiếng thu”. Nhờ tấm lòng chân thực, nhiệt tình, nhận xét tinh tế, nên khi dũng cảm chỉ ra chỗ chưa được đây đó của thơ, bà không sợ làm mếch lòng các thi sĩ, dẫu người đó là ai. Chẳng hạn bà phê bình nhà thơ đồng hương, từng là xếp lớn của bà là Hoàng Trung Thông (1925-1993): “Anh ít say nên thơ anh ít có khả năng làm say người đọc”, hay nhận xét thơ bậc thang của nhà thơ lãnh tụ Sóng Hồng (1907 - 1988) có những khi “chỉ có giá trị như một sự liệt kê, không có sức bật tình cảm”…

Phụ trách trang Lý luận phê bình của Tuần báo Văn nghệ, Thiếu Mai còn chú ý bàn đến văn xuôi, nhất là các tác phẩm xuất sắc viết về sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của các nhà văn - chiến sĩ như bộ tiểu thuyết Vùng trời (3 tập) của Hữu Mai, tập truyện ngắn Hoa rừng của Dương Thị Xuân Quý (1941 - 1969), tập Ký sự miền đất lửa của Vũ Kỳ Lân & Nguyễn Sinh…; tiếp đến là các tiểu thuyết nổi tiếng của hai nhà văn đồng hương xứ Nghệ: Dấu chân người lính &Những người đi từ trong rừng ra của Nguyễn Minh Châu (1930 - 1989), Đất trắng của Nguyễn Trọng Oánh (1929 - 1993)…Đặc biệt, bà có hai bài viết hay: một là bài Nhà thơ thân thiết của chúng ta viết chân dung nhà thơ lớn Xuân Diệu (1916 - 1985) & hai là bài Phê bình thơ hay thơ phê bình (5) viết về nhà phê bình lỗi lạc Hoài Thanh (1909 - 1982). Có những dòng bà viết về Xuân Diệu chúng ta chỉ cần đổi đi mấy chữ là hoàn toàn có thể mượn để nói về bà: “Như con ong làm mật, con tằm nhả tơ, anh đem sức lực của trí tuệ, tâm hồn mình để sáng tạo ra những giá trị tinh thần làm đẹp cho cuộc sống…”; “… chúng ta nhớ anh Xuân Diệu là nhớ đến một người anh lớn đã dành cho các em lòng yêu thương thắm thiết & sự săn sóc chí tình…”(6)

Bà ra đi giữa lúc những trang viết đang độ chín, đạt đến sự hài hòa giữa trí tuệ & cảm xúc, giữa khoa học & nghệ thuật, xứng đáng là “những thành quả đậm hương sắc của đôi bờ”, để lại bao niềm tiếc thương cho người thân & bạn bè, nhất là bạn viết & bạn đọc quê hương xứ Nghệ trong hai chục năm nay!                                               

 

 

CHÚ THÍCH:

(1) Bàitrên trang Web: Lainguyenan: free.fr/SVVH.T/NguoiChi html.

(2)Đặng Thai Mai & văn học Nxb Nghệ An, 1994, tr.228.

(3) Nhiều tác giả:Các nhà thơ nữ Việt Nam, sáng tác & phê bình, Nxb Giáo dục. 2003, tr.487.

(4), (5) Thiếu Mai:Phê bình thơ hay thơ phê bình, trong sách Hoài Thanh về tác gia & tác phẩm, Nxb Giáo dục, 2007,  các tr. 265-266,tr 268-269.

(6)Thiếu Mai: Nhà thơ thân thiết của chúng ta trong sách Xuân Diệu, về tác gia & tác phẩm, Nxb Giáo dục, 2005,tr.376-377.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441818

Hôm nay

2218

Hôm qua

2317

Tuần này

21722

Tháng này

216992

Tháng qua

112676

Tất cả

114441818