Văn hóa và đời sống

Nhân cách văn hóa của người đảng viên trước thêm đại hội Đảng các cấp

Bác Hồ với cán bộ, đảng viên. Ảnh tư liệu

Mấy chục năm trước có người nói “cậu ấy là đảng viên, thế mà tốt!”. Ý kiến đó bị phê phán là không có lập trường, quan điểm. Từ khi nghiên cứu tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và qua thực tiễn, chúng ta thấy câu đó đúng, vì có đảng viên tốt và đảng viên kém. Đảng ta chỉ rõ một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham danh, trục lợi, chạy chức, chạy quyền. Trước thềm đại hội Đảng các cấp năm 2020, tiến tới Đại hội XIII của Đảng, người đảng viên phải trui rèn nhân cách văn hóa, tu thân, chính tâm.

Phải có cái chất của người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam: Liêm sỉ, chính tâm, chiến thắng lòng tà trong mình

Vấn đề cán bộ, đảng viên không chỉ là “gạch nối” của hai nhiệm kỳ đại hội đảng các cấp mà là trục xuyên suốt, cái khung, rường cột của Đảng, của sự nghiệp đổi mới. Vấn đề cán bộ là một vấn đề rất trọng yếu, rất cần kíp, quyết định mọi việc, vì cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Có cán bộ tốt, việc gì cũng xong.

Cho đến nay, chúng ta đã hoàn tất các khâu về văn bản cho đại hội Đảng các cấp và một số địa phương đã và đang tiến hành đại hội Đảng cấp cơ sở và trên cơ sở. Nội dung trong các nghị quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị hướng dẫn đại hội Đảng các cấp lần này có một số điểm mới, góp phần rất quan trọng trong việc giới thiệu bầu cấp ủy các cấp, đảm bảo chất lượng của những người vào cấp ủy. Cần phải khẳng định quyết tâm chính trị cao của Bộ Chính trị trong việc chỉ đạo đảm bảo chất lượng công tác nhân sự trong đại hội đảng các cấp. Điều đó khẳng định Đảng ta đã và đang thực hiện đúng di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò, vị trí của công tác cán bộ.

Có được nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn là rất quan trọng và cần thiết, nhưng đó mới chỉ là bước đầu. Điều có ý nghĩa quyết định là nhân cách văn hóa của người đảng viên. Thực tế cho thấy trước đại hội đảng các cấp rất khó phát hiện ai chạy? Chạy ai? Ai vận động? Vận động ai? Có những việc làm xấu xa chỉ hai người biết. Có nhiều việc tiêu cực như mua chức, chạy quyền lại qua “cò chân gỗ”. Một chủ doanh nghiệp có thể dùng tiền làm tha hóa đội ngũ đảng viên. Một người đứng đầu chính quyền cấp tỉnh - núp dưới chiêu bài ủng hộ doanh nghiệp để phát triển địa phương - có thể lại chính là bệ đỡ, chống lưng cho những đảng viên tha hóa, biến chất. Những chuyện đó không dễ phát hiện trước đại hội Đảng. Có nhiều đảng viên trước và trong đại hội Đảng có những phát ngôn rất ấn tượng, thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; quyết tâm chống tham nhũng rất quyết liệt. Nhưng đó là sự lừa dối lương tâm. Những đảng viên hư hỏng vừa qua cho thấy rõ điều đó.

Xưa nay, một bộ phận không nhỏ đảng viên, có cả đảng viên giữ vị trí cao, có căn bệnh nhỡn tiền là nói một đường làm một nẻo, nói hay làm dở. Những “con lươn, con chạch” như vậy rất khó phát hiện. Pháp luật, kỷ luật, quy định là hết sức quan trọng và cần thiết. Nhưng có nhiều điều phải dùng “tòa án lương tâm” như cách nói của Bác Hồ. Tự mình phải gây ra pháp luật để trị mình. Pháp luật không trị hết được. Mỗi đảng viên đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập phải tu thân, chính tâm thì mới giải quyết được vấn đề.

Câu chuyện từ chức hay tự nguyện không tham gia cấp ủy cũng không dễ. Cho đến nay, qua gần 35 năm đổi mới, chưa có ai làm được điều này. Hay tất cả đều đủ điều kiện tham gia cấp ủy? Điều quan trọng vẫn là lương tâm, nhân cách văn hóa của người đảng viên. Như Bác Hồ chỉ bảo, trước hết lòng mình phải biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mới đi đến được chỗ chí công vô tư. Ngược lại, lòng đã vì mình, vì gia đình mình, nhóm mình, vì danh vì lợi cá nhân, tay đã nhúng chàm thì làm sao mà chí công vô tư được. Cái tâm đã xiêu vẹo, vẩn đục thì làm sao tự nguyện xin không tham gia cấp ủy. Vì vậy, cùng với các quy định của Đảng, một điều cực kỳ quan trọng là cái tâm của mỗi đảng viên phải trong sáng, vì nước, vì dân.

Con người, nhất là đảng viên phải có tính liêm sỉ. Không có tính liêm sỉ thì làm sao có thể vào cấp ủy, tự nguyện không tham gia cấp ủy. Dù khó cũng phải kêu gọi lương tâm và nhân cách văn hóa của mỗi đảng viên. Bởi vì, con người đã không tự giác, khi có một chút quyền hành trong tay, dù to hay nhỏ, mà thiếu lương tâm, không có đạo đức là dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân.

Những phi vụ móc ngoặc, “đi đêm” giữa chính trị với kinh tế - nếu không tự vấn lương tâm - thì “có trời mới biết!”. Nhưng ngược lại, cái hay “tiếng dân chính là truyền lại ý trời”. Cùng với tự chiến thắng lòng tà trong mình thì một biện pháp cực kỳ quan trọng, hiệu quả, đó là nắm bắt dư luận xã hội, dư luận của cán bộ, đảng viên hưu trí, những người có trách nhiệm, tâm huyết với nước, với dân. Nhân dân trăm tai nghìn mắt, thông minh, tài giỏi, cái gì họ cũng nghe, cũng thấy, cũng biết. Có nhiều cái họ biết mà lãnh đạo không biết. Quần chúng tinh lắm, hay so sánh, nhiều kinh nghiệm, biết phân biệt thật giả, đúng sai. Bác Hồ chỉ bảo rằng phải biết học dân, hỏi dân, hiểu dân. Công tác gì muốn làm tốt đều phải coi trọng ý kiến của nhân dân. Tiếng dân là một kênh rất quan trọng không thể thiếu trong công tác cán bộ. Theo chỉ dẫn của Bác Hồ, phải dựa theo ý kiến dân chúng mà cất nhắc cán bộ, nhất định không xảy ra việc thiên tư, thiên vị, nhất định hợp lý và công bằng. Công tác cán bộ đúng với nguyên tắc và quy định của Đảng, lại đúng với nguyện vọng nhân dân, hợp lòng dân, được nhân dân tin, đồng lòng ủng hộ, thì việc gì cũng làm được. Mất niềm tin của nhân dân là mất tất cả.

Làm được những việc nêu trên không dễ, thậm chí rất khó. Có người nói hiện nay kêu gọi lương tâm là lý thuyết, không có ai “chí công vô tư” cả (!?). Tôi nghĩ thực tế vẫn có nhiều cán bộ, đảng viên tốt. Có những người giữ chức vụ cao vẫn rất trong sạch, chính tâm, có lòng liêm sỉ; các ngành, các địa phương đều có những con người như vậy. Bác Hồ chỉ bảo rằng mọi việc đều do người làm ra. Khó dễ là tại mình. Mình nói dễ thì nó dễ. Mình nói khó thì nó khó.

Con người không phải thánh thần. Vấn đề nằm ở chỗ phải ít lòng tham muốn về vật chất. Những cán bộ, đảng viên vừa qua vào vòng lao lý là vì tham lam quá, bị cuốn vào vòng xoáy của danh lợi. Vì lòng tham không đáy, trượt dài trên con đường tham vọng danh lợi cá nhân, chức quyền, dẫn đến kết cục là sụp đổ. Phải ghi tạc vào đầu cái nguyên lý làm đảng viên cộng sản tức là làm người có trình độ cao, nhưng vẫn trên cái nền “làm người”. Đổ vỡ tư cách làm người, thiếu nhân tính là đổ vỡ tất cả. Thiếu một đức thì không thành người.

Hiện nay thủ phạm đang trà trộn với chúng ta, trong chúng ta. Cái nguy hiểm nhất là “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tự hư hỏng, hủ bại trong nội bộ Đảng, trong mỗi đảng viên, nhất là đảng viên có chức to, quyền lớn. Có một tổng kết rất có giá trị: Không là định mệnh nhưng là quy luật - ở đâu đảng cầm quyền, đảng viên có chức quyền xa rời nguyên lý tự hoàn thiện mình, tự chỉnh đốn, tự vượt lên chính bản thân mình, thì ở đó sớm hay muộn không tránh khỏi tai họa.

Mỗi đảng viên phải ghi tạc điều đó vào lòng, hằng ngày, suốt đời, đặc biệt trước thềm đại hội đảng các cấp, để tránh đi vào “vết xe đổ” đó. Chúng ta phải hiểu rằng không ai có thể xóa bỏ được chế độ xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ được vai trò lãnh đạo, vai trò cầm quyền của Đảng, ngoại trừ chúng ta tự xóa bỏ bởi sự tha hóa, biến chất, hủ bại, hủ hóa, thiếu nhân tính của một bộ phận không nhỏ đảng viên. Làm tốt công tác nhân sự ở đại hội đảng các cấp thì ta được lòng dân, không sợ gì cả, việc gì cũng làm được. Ngược lại, nếu làm không tốt công tác nhân sự là trái lòng dân, để mất niềm tin là ta tự đánh đổ ta, là mất tất cả.

Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật. Càng tự phê bình trước dân chừng nào, dân càng phục mình chừng ấy

Chúng ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế to lớn như hiện nay. Cơ đồ đó không phải trên trời sa xuống, mà đó là sự nghiệp của quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của một Đảng chân chính cách mạng, đạo đức, văn minh theo đúng đường lối của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Đảng chân chính cách mạng có một khía cạnh đặc trưng là không sợ bộc lộ khuyết điểm của mình và kiên quyết sửa chữa thì nhất định sửa chữa được. Đảng là đầy tớ dân, cần phải hoan nghênh sự phê bình của dân. Trong lãnh đạo, Đảng cũng có lúc phạm sai lầm, khuyết điểm, có những sai lầm, khuyết điểm nghiêm trọng do giáo điều, chủ quan, duy ý chí, vi phạm quy luật khách quan. Đảng đã không hề che giấu sai lầm, trái lại đã thật thà, nghiêm túc tự phê bình, sửa chữa khuyết điểm, tự đổi mới, chỉnh đốn để tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên.

Thái độ nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật của Đảng là một phần tinh túy trong di sản Hồ Chí Minh đã được đề cập từ thập kỷ bốn mươi của thế kỷ trước, ngày nay Đảng ta thấu triệt ngay khi bước vào đổi mới. Trong những bài học kinh nghiệm lãnh đạo cách mạng, phải coi thái độ của Đảng trong việc đánh giá tình hình nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật là một động lực quan trọng thúc đẩy sự tiến bộ của Đảng. Bởi vì, sức mạnh của Đảng, của mỗi đảng viên không chỉ ở ưu điểm mà còn ở chỗ nhận rõ và sửa chữa bằng được những sai lầm, khuyết điểm và tự vượt lên chính mình. Phải hiểu thấu rằng sai lầm, khuyết điểm là phản giá trị và giấu giếm sai lầm, khuyết điểm là hỏng. Nhưng có gan thừa nhận khuyết điểm và sửa chữa bằng được khuyết điểm với tinh thần cộng sản là chứa đựng biết bao giá trị. Thái độ đó sẽ làm cho Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên trong sạch, vững mạnh.

Trong đại hội đảng, đánh giá đúng sự thật tức là đánh giá đúng những thành tích đã đạt được, đồng thời chú trọng kiểm điểm những mặt yếu kém, phân tích sâu sắc những sai lầm và khuyết điểm, vạch rõ nguyên nhân, nêu ra biện pháp khắc phục. Đánh giá đúng thắng lợi nhưng không được chủ quan, say sưa, tự mãn. Vạch nguyên nhân khuyết điểm không được bỏ qua hoặc đánh giá thấp nguyên nhân khách quan, nhưng phải chú trọng nguyên nhân chủ quan theo tinh thần “tiên trách kỷ”. Nếu Đảng, đảng viên ít sai lầm, hoặc sai lầm mà có bản lĩnh kiên quyết sửa chữa thì không có kẻ thù nào, dịch họa nào có thể ngăn cản được chúng ta. Đảng chân chính cách mạng và cán bộ, đảng viên của Đảng phải có tinh thần chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng như lời dặn của Bác Hồ. Tư cách của một Đảng chân chính cách mạng là phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không thì những nghị quyết đó sẽ hóa ra lời nói suông. Phải rất chú trọng nguyên nhân chủ quan là như vậy. Không quá tập trung vào khó khăn do thiên tai, dịch họa, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, vì không gì giản đơn bằng đổ trách nhiệm cho cái đương nhiên là khách quan. Thời cách mạng giải phóng dân tộc, đấu tranh giành độc lập dân tộc, nhiều lúc chúng ta tổn thất nặng nề, nhưng không bao giờ Đảng đổ cho nguyên nhân do âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù.

Đại hội đảng các cấp là dịp tốt để các đảng bộ và mỗi đảng viên rà soát lại trong nhiệm kỳ 2015-2020 chúng ta đã đạt được những thành tích gì và có sai lầm, khuyết điểm gì. Phân tích, đánh giá thật sự nghiêm túc, khách quan, khoa học với dũng khí, bản lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam, của những đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện thì chắc chắn là một lực đẩy để có những tiến bộ vượt bậc.

Qua gần 35 năm đổi mới, đất nước đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Không thể vì một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hư hỏng trong mấy nhiệm kỳ qua mà làm mất đi bản chất tốt đẹp của Đảng Cộng sản Việt Nam, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Hơn lúc nào hết, trước thềm đại hội đảng các cấp, rất cần quyết tâm, tín tâm, đồng tâm. Mỗi đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam phải có đủ bản lĩnh, dũng khí, tu dưỡng, rèn luyện nhân cách văn hóa, đặt lợi ích của Tổ quốc và dân tộc lên trên hết, trước hết. Những điều đó là bí quyết thành công của đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng, cũng là thành công của sự nghiệp đổi mới.

B.Đ.P

 

 

  

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114522547

Hôm nay

279

Hôm qua

2325

Tuần này

21321

Tháng này

220486

Tháng qua

121009

Tất cả

114522547