Văn hóa và đời sống
Người dân phải thực sự là chủ thể của chương trình xây dựng Nông thôn mới!
Làm đường giao thông nông thôn ở huyện Nam Đàn
Sau 10 năm triển khai, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới(NTM) đã và đang mang đến nhiều thay đổi cho đời sống nông thôn. Thành tựu rõ nét nhất chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy đó là “bộ mặt mới” với hệ thống kết cấu hạ tầng được cải thiện đáng kể tại các địa phương. Hệ thống đường, điện chiếu sáng được đảm bảo, giúp giao thông, đi lại thuận tiện; giáo dục và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đời sống khác được chú trọng hơn. Người dân được tiếp cận nhiều giá trị mới, giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết. Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng đẩy mạnh xây dựng các mô hình kinh tế; ưu tiên sản xuất nông nghiệp sạch, công nghệ cao giúp tăng thu nhập, cải thiện đời sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo,… Đời sống văn hóanông thôn cũng phát triển mạnh mẽ với nhiều hoạt động và một hệ thống thiết chế được đầu tư xây dựng đảm bảo,… Điều quan trọng hơn cả là chương trình này giúp người dân tại các vùng nông thôn cảm thấy được quan tâm, không bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển; công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tuy nhiên, có thể thấy, sau giai đoạn đầu thực hiện, cáchạn chế, bất cập đã bộc lộ rõ nét. Căn bệnh hình thức khiến cho nhiều địa phương triển khai chương trình một cách không thực chất, thiếu hiệu quả. Cùng với đó là tình trạng lãng phí, là những khoản nợ, là những công trình kém chất lượng,là ô nhiễm môi trường, là tệ nạn xã hội và sự xuống cấp đạo đức, lối sống… Thực trạng nàyđang đặt ra yêu cầu bức thiết là phải nhanh chóng cónhững điều chỉnh về tiêu chí, cách thức tiến hành trong thời gian tới. Muốn tạo ra những thay đổi căn bản, toàn diện cho đời sống nông thôn thì nội dung chương trình phải thực sự hướng đến lợi ích của nhân dân. Hẳn chúng ta đều nhận thức rõ rằng nhân dân chính là chủ thể trực tiếp, quan trọng nhất quyết định thành công của chương trình này. Bởi, không ai khác ngoài dân tiếp thu, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách; trực tiếp tham gia xây dựng, bảo vệ các thiết chế, kết cấu hạ tầng tại địa phương; xây dựng đời sống văn hóa, gìn giữ các giá trị truyền thống và đóng góp các giá trị mới. Không ai khác ngoài dân bỏ công sức, hiến đất đai để làm đường, xây nhà văn hóa,... Cũng chính họ là lực lượng lao động, sản xuất tạo ra của cải vật chất, đảm bảo an ninh lương thực cho không chỉ địa phương mình mà còn cho cả nước. Chính vì vậy, những chương trình đề ra phải được dân bàn bạc một cách kỹ lưỡng; để họ quyết định lựa chọn điều phù hợp với mình và địa phương mình chứ không phải là áp đặt máy móc từ trên xuống. Câu chuyện tiêu chí, mô hình kiểu mẫu không chỉ dẫn đến tình trạng lãng phí khi nhiều nơi đập bỏ các nhà văn hóa, chợ,... còn sử dụng tốt để xây mới nhằm đáp ứng đủ tiêu chuẩn công nhận NTM mà còn tạo ra nhiều bất cập khác khi chưa thực sự phù hợp với đặc điểm văn hóa, kinh tế - xã hội tại địa phương, khi triệt tiêu đi những nét đẹp riêng có của các làng quê, vùng miền. Chính vì vậy, thay vì áp chuẩn cụ thể từ trên xuống, cần phải biết linh hoạt, phải đặt tiêu chí đầu tiên là hướng đến đời sống người dân chứ không phải ở cảnh quan. Các thiết chế, kết cấu hạ tầng được xây dựng là để phục vụ cho dân, đảm bảo thuận lợi cho cuộc sống của họ chứ không phải là vật trang trí hay những bảo tàng cho người đến ngắm để rồi đâu đâu cũng chỉ chăm chăm xây dựng cho đúng tiêu chuẩn mà quên đi việc phát huy tối đa công năng của nó.
Người dân là lực lượng nòng cốt của công cuộc xây dựng NTM và họ chỉ có thể đồng tâm, đồng lòng thực hiện khi các chính sách đưa ra thực sự vì lợi ích và sự phát triển của họ. Chương trình NTM phải giúp họ có thu nhập cao hơn, thoát cảnh nghèo đói; phải giúp họ tiếp cận được khoa học công nghệ và các giá trị mới, tiến bộ khác; phải giúp giải quyết vấn đề việc làm trước sức ép của quá trình đô thị hóa. Xây dựng NTM là phải làm sao để không còn những cánh đồng mênh mông bỏ hoang trong khi con em nơi đây thì chẳng có cách nào ngoài tìm đường tha hương. Đặc biệt và quan trọng nhất, chương trình đó phải giúp nâng cao nhận thức của không chỉ người dân ở nông thôn mà là toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của những người dân lao động. Chúng ta phải để họ thấy được tầm quan trọng của mình, để họ không mặc cảm,tự ti, lạc lõng hay tuyệt vọng.
Nếu NTM chỉ là một mô hình để làm đẹp thành tích, ghi dấu ấn nhiệm kỳ hay như món trang sức cho chính quyền thì chắc chắn không bao giờ đạt hiệu quả và sớm muộn sẽ dấy lên trong dân những bất bình, thờ ơ hoặc thậm chỉ cả chống đối. Chính vì vậy, giai đoạn tới, chúng ta cần nhanh chóng và quyết liệt đưa ra những điều chỉnh để các hoạt động đi vào thực chất hơn. Hãy phát huy tối đa dân chủ trong chương trình xây dựng NTM. Hãy để người dân được thực sự là trung tâm, là chủ thể của chương trình này!
tin tức liên quan
Videos
Cầu đường sắt Yên Xuân
Bên khung cửa nhà Thầy
Nghệ An đạt thành tích xuất sắc tại Giải vô địch Muay trẻ quốc gia năm 2023
Hội Kiếp Bạc
Thành ngữ, tục ngữ và từ láy trong thơ Hồ Xuân Hương
Thống kê truy cập
114522547
279
2325
21321
220486
121009
114522547