Văn hóa và đời sống
Việt Nam - Bài học thích ứng, vượt qua, chiến thắng những gì chưa có tiền lệ (Từ cuộc chiến chống giặc covid-19)
Một cuộc họp của Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19. nguồn ảnh VGP News
Lịch sử - văn hóa Việt Nam, di sản Hồ Chí Minh, trải qua cách mạng, kháng chiến và quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đến công cuộc đổi mới và cuộc chiến chống giặc covid - 19 hôm nay, tỏ cho chúng ta thấy rằng Việt Nam hoàn toàn có thể thích ứng, vượt qua và chiến thắng những gì chưa có tiền lệ.
Giặc Covid - 19 là người thầy của nhân loại
Nói giặc là người thầy - mà không cần để trong ngoặc - có vẻ lạ, sai, thậm chí là xuyên tạc, phản động. Nhưng hoàn toàn chính xác.
Từ những năm hai mươi của thế kỷ trước, khi bàn về những âm mưu, thủ đoạn của chủ nghĩa thực dân Pháp ở Đông Dương, Bác Hồ đã nói đến điều này. Xin dẫn ra đây đoạn viết của Bác. Người chỉ rõ sự đầu độc có hệ thống của bọn thực dân không thể làm tê liệt sức sống, càng không thể làm tê liệt tư tưởng cách mạng của người Đông Dương. Người Đông Dương không được học, đúng thế, bằng sách vở và bằng diễn văn, nhưng người Đông Dương nhận sự giáo dục bằng cách khác. Đau khổ, nghèo đói và sự đàn áp tàn bạo là những người thầy duy nhất của họ. Nếu những người xã hội chủ nghĩa lơ là việc giáo dục, thì giai cấp tư sản thực dân và bản xứ cứ phụ trách giáo dục bằng phương pháp của chúng. Người Đông Dương tiến bộ một cách rất mầu nhiệm và khi thời cơ cho phép họ sẽ biết tỏ ra xứng đáng với những người thầy của họ. Đằng sau sự phục tùng tiêu cực, người Đông Dương giấu một cái gì đang sục sôi, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm, khi thời cơ đến. Bộ phận ưu tú có nhiệm vụ phải thúc đẩy cho thời cơ đó mau đến. Sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất rồi: Chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi.
Ta phải hiểu đúng đoạn văn đó để vận dụng sáng tạo tư tưởng của Bác vào cuộc chiến chống giặc covid hiện nay. Một là, giặc thực dân không thể và không giống giặc covid-19, một bên có hình, một bên vô hình - nhưng đều là giặc; Hai là, các loại giặc đó không thể làm tê liệt tư tưởng cách mạng của chúng ta; Ba là, người cách mạng phải tăng cường giáo dục thì mới thắng được kiểu giáo dục của bọn giặc; Bốn là, chính sự giáo dục của thực dân đã chuẩn bị cho ta vùng dậy - tức là như cái lò xo, chứa đựng thời cơ. Vấn đề là ở chỗ người lãnh đạo, bộ phận ưu tú phải thúc đẩy cho thời cơ đó mau đến.
Hiện nay, nói giặc covid là người thầy của nhân loại là theo tinh thần trên, tức là nó giáo dục cả nhân loại nhiều điều, mà nếu không có giặc covid-19 thì có lẽ loài người vẫn sống như cũ, coi mình là duy nhất đúng và mạnh.
Nhân loại đã phải thay đổi từ nhận thức đến hành động, mà trước hết, xuyên suốt, bao trùm là thay đổi cách sống, ăn, mặc, ở, đi lại, tụ họp, nói chuyện. Loài người nhận ra rằng không phải bất cứ lúc nào, ở đâu đều có thể sống theo kiểu tự do cá nhân. Người ta ngộ ra một điều đơn giản về tự do, đó là nhận thức và hành động theo quy luật, đúng quy luật.
Giặc vô hình covid-19 mạnh hơn giặc có hình thời Chiến tranh Thế giới. Hồi chiến tranh do bọn phát xít gây ra cũng chỉ bắt con người thay đổi một vài thứ. Còn bây giờ phải thay đổi tất cả, kể cả sống sạch hơn, ngăn nắp hơn, tử tế hơn.
Con người phải nhận thức lại chân giá trị - dù là nhỏ - như cái khẩu trang. Đến lúc này, nhiều nước phát triển trên thế giới - trong đó có cả nước Mỹ - đã nhận ra giá trị và sự cần thiết của chiếc khẩu trang mỏng manh, nhỏ bé, xinh xinh.
Không phải đến bây giờ loài người mới nhận ra sức mạnh của khoa học và công nghệ. Nhưng có lẽ đến hôm nay, sống trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, người ta mới ngộ ra rằng không phải chỉ có giàu có và khoa học - công nghệ là duy nhất, có thể điều khiển, xoay chuyển được thế giới, có thể tạo ra giá trị. Giá trị không phải chỉ từ vật chất, tiền bạc, khoa học và quyền lực.
Câu chuyện thể thao, văn nghệ, giáo dục cũng nhận được nhiều bài học quý giá từ giặc covid. Nếu không có người thầy covid -19 mở “lớp học” bắt đầu từ Vũ Hán (Trung Quốc) lan ra hơn 200 quốc gia trên thế giới, thì có lẽ khó có được những lớp học online phổ biến, nhất là ở những nước đang và kém phát triển; không bao giờ có những lớp học một mình tự học với chiếc điện thoại thông minh. Rồi những chàng trai, cô gái tập thể thao, tập hát một mình ở nhà với chất lượng cao.
Giặc covid-19 làm cho nhân loại đoàn kết, thân thiện với nhau hơn, cái bắt tay chặt hơn, chia sẻ nhiều kinh nghiệm, không phân biệt tiếng nói, màu da, chủng tộc, tôn giáo, văn hóa, đảng phái, thể chế chính trị. Tuy nhiên, vẫn còn một vài kẻ ngông cuồng cậy số đông ức hiếp người khác, như vụ tàu công vụ Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam ngay trong đỉnh cao của mùa chống dịch covid. Những loại không có tính người đó vẫn tồn tại ở bất cứ không gian, thời gian nào, nhưng là sự tồn tại lạc lõng, bị lịch sử và nhân loại tiến bộ nguyền rủa.
Một nét bản sắc văn hóa Việt Nam: khả năng ứng biến
Xét tận cùng của mọi vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, ngoại giao, v.v… thì cái gốc là văn hóa. Văn hóa không thể đứng ngoài mà phải đứng trong kinh tế và chính trị. Văn hóa hiểu rộng cũng là chính trị. Chính trị hiểu sâu cũng là văn hóa.
Một cách tiếp cận của tác giả Phan Ngọc thì văn hóa là một hiện tượng vừa phổ biến lại vừa mang tính cá biệt. Nó phổ biến với tính cách một đặc điểm chung của con người, bắt gặp ở mọi thể cộng đồng. Nhưng mặt khác nó lại mang tính cá biệt. Mỗi thể cộng đồng có một kiểu lựa chọn riêng biểu hiện thành một lối sống riêng không giống các thể cộng đồng khác.
Ứng biến, đối phó, thích ứng để tồn tại và phát triển. Xin được dẫn ra đây một số nghiên cứu của Giáo sư Trần Quốc Vượng để thấy rõ khả năng ứng biến, thích ứng của văn hóa Việt Nam. Xuất phát từ những điều kiện tự nhiên và điều kiện lịch sử, văn hóa trước hết là một sự trả lời, một sự ứng phó của một cộng đồng cư dân, trước những thách thức của những điều kiện địa lý - khí hậu, và sau đó là sự trả lời, ứng phó trước những thách thức của những điều kiện xã hội - lịch sử. Giáo sư cho rằng xuất phát từ cội nguồn bản sắc văn hóa, con người Việt Nam lại luôn biết vạn biến trên cái nền bất biến và biết bất biến giữa dòng đời vạn biến. Nền văn hóa gốc nông nghiệp cộng với lối sống trọng tình đã dẫn đến cách thức tổ chức cộng đồng theo lối linh hoạt, luôn biến báo cho thích hợp với từng hoàn cảnh cụ thể, dẫn đến triết lý sống của người Việt Nam “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Câu triết lý dân gian đó thể hiện là tính linh hoạt biện chứng. Linh hoạt của người Việt lại luôn luôn kết hợp một cách kỳ diệu với ổn định. Cách đánh giặc bằng chiến tranh du kích linh hoạt tiến hành trên cơ sở của chiến tranh nhân dân ổn định.
Theo Trần Ngọc Thêm, trong khái niệm “đất nước” thì đất chính là biểu tượng của sự ổn định, còn nước là biểu tượng của sự linh hoạt. Có nhà nghiên cứu cho rằng nếu người châu Âu nói đến chinh phục tự nhiên, thì người Việt Nam thuận với tự nhiên “chung sống với lũ”. Nước rất mềm mại, uyển chuyển, dễ chảy, dễ thấm. Nhưng nước cũng có sức mạnh ghê gớm, “tức nước, vỡ bờ”. Vì vậy, cách ứng xử của người Việt Nam vừa cương lại vừa nhu, rất uyển chuyển và linh hoạt, theo triết lý nhu đạo, “nước chảy đá mòn”. Nhu có thể thắng cương, yếu có thể chống mạnh, ít có thể địch nhiều... Chính đó là bản sắc Việt Nam. Chính đó là triết lý Việt Nam của cha mẹ tổ tiên ta qua nghiệm sinh mà rút đúc được: cần ứng biến.
Cũng là triết lý cứng - mềm, cương - nhu thuộc văn hóa cổ truyền Việt Nam, Giáo sư Trần Quốc Vượng dẫn lời một học giả Mỹ ví Việt Nam như một cây gậy nhìn bề ngoài thấy phủ một lớp sơn tây (sơn dầu) mỏng; cạo lớp sơn ấy đi vẫn thấy phủ một lớp sơn (sơn then, sơn mài), có phần dày hơn; song cạo tiếp lớp sơn tàu ấy đi thì lộ ra cốt lõi gậy tre đực Việt Nam. Theo Giáo sư Trần Quốc Vượng, cây tre và gậy tre thì quả là một biểu tượng của Việt Nam cổ truyền. Tre có thể uốn, hun làm gậy cứng, mà cũng có thể chẻ tre đan nón ba tầm, chẻ tre làm lạt. Mà “lạt mềm buộc chặt”.
Không chỉ có nước, tre mới thể hiện được triết lý Việt Nam về tính mềm mại, uyển chuyển, ứng biến mà con Rồng cũng là một minh chứng đầy tính thuyết phục. Giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng Rồng là biểu tượng của cội nguồn dân tộc. Con Rồng cháu Tiên, con Hồng cháu Lạc, con của mẹ Tiên Âu và bố Rồng Lạc. Rồng, cũng như nước, có khả năng nổi bật là khả năng ứng biến, như người Việt Nam vậy.
Việt Nam thích ứng, vượt qua, chiến thắng những gì chưa có tiền lệ
Từ giữa thế kỷ XIX, chúng ta bắt đầu một cuộc chiến mới, chống kẻ thù mới hơn chúng ta một phương thức sản xuất. Bản chất của chủ nghĩa thực dân ở một nước thuộc địa phương Đông chưa được bàn nhiều trong các công trình của Mác và Lênin. Chủ nghĩa đế quốc Pháp nhiều âm mưu, thủ đoạn nham hiểm, nhưng cuối cùng nhân dân Việt Nam đã thắng bằng một chữ “đồng” Việt Nam.
Từ giữa thế kỷ XX, chúng ta lại phải chiến đấu chống kẻ thù là chủ nghĩa thực dân mới, một sen đầm quốc tế, giàu nhất thế giới. Chúng ta tiến hành cuộc chiến đấu chưa có tiền lệ trong lịch sử nhân loại, đó là cùng một lúc phải tiến hành đồng thời hai chiến lược, hai quy luật cách mạng là giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cuối cùng chúng ta đã thắng.
Chúng ta chiến thắng bởi Đảng ta có đường lối độc lập, tự chủ, sáng tạo. Dân tộc ta, nhân dân ta, quân đội ta có phương thức tiến hành chiến tranh chứa đựng trong đó cái chung, cái phổ quát, nhưng lại có cái riêng, đặc thù Việt Nam. Đó là cách tổ chức Mặt trận Việt Minh, cách làm “vừa kháng chiến vừa kiến quốc”, là cuộc chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính; là bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng, Ai có gươm dùng gươm. Không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.
Chúng ta có cách đánh Việt Nam, cách làm Việt Nam thể hiện khả năng thích ứng, ứng phó tốt theo phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Tên lửa, tên tre, hầm chồng, cạm bẫy. Đánh hiện đại và đánh du kích. Gậy Trường Sơn và mũ tai bèo. Tay cày tay súng, tay búa tay súng, tay lưới tay súng, tay bút tay súng, “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”; mỗi người làm việc bằng hai. Chúng ta thay đổi cách sống, chiến đấu, lao động, làm việc, học tập thích ứng với thời chiến. Cuối cùng chúng ta đã thắng.
35 năm qua chúng ta tiến hành công cuộc đổi mới cũng chưa có tiền lệ. Trung Quốc có cải cách. Liên Xô có cải tổ. Có nước thành công. Có nước gặp khó khăn, thất bại. ĐỔI MỚI là hai từ Việt Nam và chúng ta đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Chưa bao giờ chúng ta có được cơ đồ và vị thế như ngày nay.
Cuộc chiến chống giặc covid -19 hiện nay chưa có tiền lệ. Để giành thắng lợi, chúng ta phải tiến hành bằng sức mạnh của văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam, cách làm Việt Nam mà sợi chỉ đỏ xuyên suốt là lòng yêu nước. Bác Hồ đã dạy: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.
Thích ứng của Việt Nam trong chống dịch nCoV là gì? Đó là khẩu trang Việt Nam. Khoanh vùng chống dịch kiểu Việt Nam. Hiện đại và thô sơ đều vào cuộc chiến. Người già, trẻ con, chiến sĩ áo xanh, áo trắng, tất cả có mặt trên trận tuyến bằng cách riêng của mình. Cây gạo ATM mang dấu ấn, bản sắc Việt Nam. Có những giá trị mà 4.0 hay vật chất không thể có được. Đó là tình người trong hoạn nạn, khó khăn.
Chúng ta kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, đoàn kết quốc tế theo tinh thần “bốn biển đều là anh em”. Có Đảng lãnh đạo, có sự điều hành quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo của Chính phủ, có bản chất của chủ nghĩa xã hội - tức là những bộ phận ưu tú như cách nói của Bác, có sự đồng lòng, ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân, cả hệ thống chính trị vào cuộc, có tinh thần “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết”, chúng ta tin tưởng rằng cái lò xo sẽ bật mạnh, nhất định sẽ “thành công, thành công, đại thành công”. Đó là một điều chắc chắn.
tin tức liên quan
Videos
Cầu đường sắt Yên Xuân
Bên khung cửa nhà Thầy
Nghệ An đạt thành tích xuất sắc tại Giải vô địch Muay trẻ quốc gia năm 2023
Hội Kiếp Bạc
Thành ngữ, tục ngữ và từ láy trong thơ Hồ Xuân Hương
Thống kê truy cập
114522561
293
2325
21335
220500
121009
114522561