Văn hóa và đời sống

Việc thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cần nhận thức sâu sắc và những giải pháp mạnh mẽ, hiệu quả hơn

                 

Nam Đàn (Nghệ An) - đang xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch . Ảnh Thanh Lê (baonghean.vn)            

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta và Nhân dân thế giới. Người đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ. Lúc còn sống Người dành tất cả lòng hiền từ ấm áp cho đồng bào, đồng chí, con cháu, già, trẻ, gái, trai, miền Bắc, miền Nam, miền xuôi, miền ngược. Khi mất đi, Người “để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”.

     Đối với quê hương Nghệ An, Người luôn dành một tình cảm thiêng liêng cao quí - “Quê hương nghĩa trọng tình cao”.

   Từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, đến khi Người vĩnh biệt chúng ta (2/9/1969), trong 24 năm với cương vị Chủ tịch nước, mặc dù rất bận nhiều công việc, nhưng Bác Hồ vẫn luôn dành riêng cho quê hương Nghệ An những tình cảm đặc biệt. Trong khoảng thời gian đó, Bác đã có 47 thư, bài viết, bài nói chuyện, (28 bức thư; 10 bài viết; 9 bài nói chuyện) cho Đảng bộ, quân và dân Nghệ An. Đặc biệt, trong đó có bức thư đầu tiên (17/9/1945) và bức thư cuối cùng (21/7/1969) gửi cho quê hương Nghệ An.

     Nội dung của tất cả các thư, bài viết, bài nói chuyện của Bác Hồ có nhiều, nhưng có thể nêu ra một số nội dung chủ yếu sau:

1. Về đối tượng: Bác gửi cho hết thảy các tổ chức, cá nhân đồng chí, đồng bào, bộ đội, các giới, già, trẻ, gái, trai, tôn giáo, các lĩnh vực, các ngành,...

2. Về nội dung, gồm:

- Những lời dặn dò, đặc biệt Bức thư cuối cùng (21/7/1969) là tâm niệm, lời chỉ dẫn, ước nguyện thiết tha, niềm tin tưởng lớn lao, tình cảm sâu đậm, nghĩa tình mà Người dành cho quê hương. Đây được coi như là bản Di chúc Người dành riêng cho quê hương.

- Khẳng định truyền thống của quê hương, cần giữ gìn và phát huy, đồng thời Bác yêu cầu phải có kế hoạch, biện pháp để không ngừng chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân;

- Bác vui mừng cổ vũ động viên tỉnh nhà giành được nhiều thắng lợi, đồng thời Bác thẳng thắn chân tình phê bình những thiếu sót, khuyết điểm mắc phải. Đặc biệt, Bác dặn dò việc tăng cường đoàn kết (bài nói chuyện Hội nghị đại biểu nhân dân Nghệ An 14/6/1957, Bác nhắc 12 lần chữ “đoàn kết”; Bài nói chuyện 15/6/1957 với cán bộ, đảng viên Hà Tĩnh, Bác nhắc chữ “đoàn kết”: 10 lần) và phải thực hiện dân chủ rộng rãi với nhân dân;

- Quan tâm sâu sắc đến sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh nhà, các cụ phụ lão...

- Không ngừng phát triển giáo dục, đào tạo và thường xuyên chăm sóc, bồi dưỡng cách mạng cho thế hệ trẻ,

- Phải chú ý thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham ô, tham nhũng;

- Mong muốn Nghệ An mau trở thành tỉnh kiểu mẫu. Bác viết: “Nghệ An là một tỉnh rộng lớn, có tài nguyên phong phú, có nhân dân cần cù lao động và rất cách mạng. Rất mong đồng bào và đồng chí tỉnh nhà ra sức phấn đấu làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất miền Bắc” (Trích Thư gửi Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Lao động Việt Nam tỉnh Nghệ An, Hà Nội 21/7/1969).

   Những mong muốn của Bác đã được các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra Nghị quyết, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Nghệ An hôm nay đã có sự phát triển tích cực, toàn diện, vượt bậc. Cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội được đầu tư phát triển mạnh (thu hút đầu tư xếp thứ 25/63 tỉnh thành). Qui mô kinh tế tăng rõ rệt. Tăng trưởng kinh tế khá, nhanh, trung bình hàng năm trên 8%; Thu nhập bình quân đầu người trên 43 triệu VNĐ/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,54%; Giáo dục - đào tạo đứng vị trí tốp đầu cả nước. Nông thôn phát triển tích cực, toàn tỉnh có 265xã (chiếm 61,48% số xã)đạt chuẩn Nông thôn mới,có 4 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và đạt chuẩn Nông thôn mới (thành phố Vinh, thị xã Thái Hòa, huyện Nam Đàn và Yên Thành), 674 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới. Kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An có bước phát triển khá; Hệ thống hạ tầng nông thôn phát triển mạnh, bộ mặt nhiều vùng nông thôn khởi sắc. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng cải thiện và nâng cao; Quốc phòng, an ninh được giữ vững; Xây dựng Đảng và Hệ thống chính trị không ngừng được củng cố và tăng cường; Cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm thực hiện việc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân, giải quyết nhiều vấn đề khiếu kiện, khiếu nại kéo dài. Lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ngày càng tăng lên, bền vững...

Tuy nhiên, Nghệ An chưa là tỉnh kiểu mẫu của miền Bắc như mong muốn của Bác, theo tôi có nhiều nguyên nhân, trong đó có:

1. Nghệ An chưa có sự phát triển đột phá về kinh tế, nhất là kinh tế đầu tư. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh;

2. Tuy có đường lối đúng, nhưng lãnh đạo, chỉ đạo chưa quyết liệt, liên tục, thường xuyên. Lãnh đạo, nhất là người đứng đầu của tỉnh thay đổi thường xuyên (trung bình một người làm chưa hết nửa nhiệm kỳ). Điều đó làm cho sự chỉ đạo, điều hành, quyết tâm thực hiện ý tưởng... bị gián đoạn dẫn đến hiệu quả không cao. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu Đại hội đề ra. Công nghiệp, xây dựng gặp nhiều khó khăn. Một số dự án triển khai còn chậm so với dự kiến.

3. Chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế về tự nhiên và con người Nghệ An trong và ngoài tỉnh. Năng lực làm việc của lãnh đạo, công, viên chức còn ở mức trung bình. Chỉ số cạnh tranh một số sản phẩm còn khiêm tốn.

4. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị còn bất cập, hạn chế;…

Để thực hiện thành công tâm nguyện của Bác, trong thời gian tới Nghệ An cần thực hiện đồng bộ những giải pháp sau:

1. Tiếp tục thực hiện những lời căn dặn của Bác Hồ qua các thư, bài viết, bài nói của Người, đặc biệt là Bức thư ngày 21/7/1969 và Thông báo 55-TB/TW của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 26 của BCT, ngày 30/7/2013, về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Nghệ An đến năm 2020;...

2. Tạo sự đột phá về kinh tế nhất là kinh tế đầu tư (như Thanh Hóa, Hà Tĩnh);

3. Chú trọng phát triển vùng sâu, vùng xa, giảm hộ nghèo... bảo đảm giảm nghèo bền vững trên địa bàn toàn tỉnh;

4. Phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh, coi trọng phát triển Doanh nghiệp, tăng cường xuất khẩu hàng hóa, xuất khẩu lao động…;

5. Kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, nhất là đối với một bộ phận cán bộ có chức có quyền, các lĩnh vực nhạy cảm: đất đai, tài chính…;

6. Xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu gắn với Nghệ An, đủ thời gian trải nghiệm (ít nhất trọn 1 khóa). Thường xuyên giáo dục viên chức, công chức thực sự có phẩm chất, năng lực, thực sự gương mẫu Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443436

Hôm nay

2327

Hôm qua

2305

Tuần này

21249

Tháng này

218610

Tháng qua

112676

Tất cả

114443436