Văn hóa và đời sống

Việt Nam hậu covid-19: bảo vệ chủ quyền và mở rộng giao lưu quốc tế

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, 6/2020. nguồn quochoi.vn

Ngày 20/5/2020, Quốc hội khóa XIV nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 9 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Tại kỳ họp này, Quốc hội tổ chức kỳ họp theo hình thức họp trực tuyến kết hợp với họp tập trung và chia làm 2 đợt. Đợt 1: Quốc hội họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (từ ngày 20/5 đến ngày 29/5/2020). Đợt 2: Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội (từ ngày 08/6 đến ngày 18/6/2020).

Chống xâm phạm biển đảo

Trong bản tập hợp ý kiến cử tri gửi tới Bộ Quốc phòng để chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội nói trên, cử tri TP.HCM đề nghị Đảng, Nhà nước cần tiếp tục kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp phù hợp trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo kịp thời thông tin đến nhân dân; tăng cường tiềm lực quốc phòng nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc. Trả lời cử tri, Bộ Quốc phòng cho biết tình hình Biển Đông thời gian gần đây diễn biến theo hướng phức tạp, căng thẳng và mất ổn định hơn, đưa đến những thách thức mới đối với quốc phòng, an ninh của ta.

Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động nhằm khẳng định chủ quyền theo yêu sách phi lý trên Biển Đông. Cạnh đó, các hoạt động khẳng định chủ quyền của các nước trong khu vực, sự can dự của các nước ngoài khu vực vào Biển Đông đã làm cho tình hình Biển Đông phức tạp thêm. Tình hình Biển Đông đã tác động đến kinh tế, chính trị, an ninh khu vực và hoạt động đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Chủ trương bảo vệ chủ quyền biển, đảo của chúng ta là: Kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, giữ vững 21 đảo (33 điểm đóng quân) ở quần đảo Trường Sa. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao và pháp lý với chuẩn bị phương án quân sự, kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Trả lời câu hỏi của cử tri về vấn đề Biển Đông, Bộ Quốc phòng Việt Nam hôm 18/5 tuyên bố: Với những đầu tư nâng cao tiềm lực quốc phòng trong những năm qua, các lực lượng của Việt Nam đã sẵn sàng đấu tranh với các nhóm tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển. Nhắc lại 4 lần Trung Quốc đưa tàu khảo sát và các tàu bảo vệ xâm phạm vùng biển Việt Nam từ ngày 04/7 - 24/10/2019, Bộ Quốc phòng chỉ rõ, những hành động của Trung Quốc là sự vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam. Bộ này tái khẳng định chủ trương kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, quyết tâm bảo vệ 21 đảo ở quần đảo Trường Sa.

Trước thực tế Trung Quốc không từ bỏ tham vọng độc chiếm Biển Đông, tăng cường củng cố sự hiện diện và khả năng kiểm soát trên thực địa, Bộ Quốc phòng cho biết thường xuyên chỉ đạo các lực lượng tăng cường công tác nắm tình hình trên các vùng biển, tổ chức lực lượng kịp thời xử lý các tình huống để không bị động, bất ngờ và kịp thời báo cáo, đề xuất với Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng. Vẫn theo Bộ này, Việt Nam trong những năm qua đã gia tăng mua sắm các trang thiết bị vũ khí hiện đại, vũ khí công nghệ cao để nâng cao khả năng nắm tình hình và quản lý các vùng biển, đồng thời thường xuyên tổ chức tuần tra, diễn tập… để không bị động và xử lý tốt các tình huống diễn ra trên biển.

Nêu sự kiện Trung Quốc đưa tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 đến khu vực bãi Tư Chính vào năm ngoái, Bộ Quốc phòng Việt Nam cho rằng nhờ kiên trì xử lý bình tĩnh, đấu tranh kiên quyết với Trung Quốc, triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp đấu tranh chính trị, ngoại giao, dư luận, pháp lý và giữ vững trên thực địa, nên đã buộc Trung Quốc phải rút tàu khỏi vùng biển của Việt Nam trong khi vẫn kiểm soát tốt được tình hình an ninh và trật tự xã hội. Tuy nhiên, theo nhận định của chuyên gia về Đông Nam Á tại Đại học Tế Nam ở Quảng Châu, Zhang Mingliang, với tờ South China Morning Post, thì việc tàu Trung Quốc rút lui là do nó đã hoàn thành công việc, như tuyên bố chính thức của Bắc Kinh. Nhưng cũng có thể xem động thái rút tàu của Trung Quốc như một nỗ lực để giảm căng thẳng với Mỹ, chuyên gia Zhang Mingliang bổ sung thêm.

Những tuyên bố mới nhất của Bộ Quốc phòng Việt Nam được đưa ra giữa bối cảnh Trung Quốc gần đây liên tục thực hiện các động thái gây hấn, lấn áp Việt Nam và các quốc gia láng giềng nhằm khẳng định chủ quyền trên Biển Đông, bất chấp tình hình đại dịch Covid-19 đang diễn ra trên toàn cầu. Trả lời cử tri về việc cần có biện pháp kiên quyết hơn nữa với hành động xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Việt Nam cho rằng đây là vấn đề hệ trọng, nhạy cảm, lâu dài. Do đó, quan điểm chung của ta là quán triệt tinh thần kiên quyết, kiên trì, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

Xem xét “Bộ tứ mở rộng”?  

Ngày 14/5/2020, Cổng thông tin điện tử Bộ Ngoại giao Việt Nam dẫn lời người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói: “Việt Nam tin rằng thông qua các cơ chế hợp tác, trao đổi, điện đàm với tinh thần xây dựng và có trách nhiệm, các quốc gia và cộng đồng thế giới sẽ cùng nhau sớm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh đồng thời từng bước khôi phục phát triển kinh tế - xã hội”. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay vẫn chưa rõ liệu Việt Nam có được nhận lời mời chính thức tham gia “Bộ Tứ mở rộng” (Quad Plus) hay chưa. Nhận định về cơ hội của Việt Nam khi được mời tham gia vào “Mạng lưới kinh tế thịnh vượng” do Hoa Kỳ lãnh đạo, giáo sư Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới, phát biểu với truyền thông quốc tế: “Tôi nghĩ đó là một cơ hội tốt để Việt Nam có thể tiếp nhận các chuỗi cung ứng. Trong vấn đề hiện nay với xung đột Mỹ - Trung đang căng thẳng hơn thì dường như chính phủ các nước muốn thúc đẩy mạnh hơn quan hệ này. Tuy nhiên, cũng không phải là dễ vì Việt Nam và các nước Đông Nam Á dù có một số lợi thế nhưng nhìn tổng thể thì rất khó so sánh với lợi thế của Trung Quốc. Tôi thấy đã xuất hiện một số doanh nghiệp rời Trung Quốc sang Việt Nam tuy chưa phải là nhiều. Việt Nam thì mong muốn chuyển sang càng nhiều càng tốt, nhưng vấn đề là họ có chuyển đi được không”.

Báo chí trong dẫn lời tiến sĩ Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong, nói: “Việt Nam phải nhìn thấy đây là cơ hội lớn để tham gia mạnh mẽ vào chuỗi cung ứng thế giới do lợi thế 64% dân số trong độ tuổi lao động, chi phí lao động lại thấp hơn Trung Quốc”. Trang Vietnam Finance dẫn lời tiến sĩ Bùi Ngọc Sơn, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, nhận định: “Muốn phát triển, Việt Nam phải có vị trí cao, sâu, chắc chắn trong các chuỗi cung ứng của toàn cầu. Chỉ khi độc lập về kinh tế thì mọi chuyện mới đổi khác, nếu không thì ta vẫn sẽ phụ thuộc nước này hoặc nước kia và cuối cùng thì chơi với ai, ta cũng phải chịu thiệt”. Reuters cho biết dù chưa rõ những quốc gia nào sẽ nằm trong “Mạng lưới kinh tế thịnh vượng”, song với việc chính quyền Mỹ đang hợp tác chặt chẽ với Việt Nam, Hàn Quốc, New Zealand, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản thì đây sẽ là những quốc gia được Mỹ hướng đến nhằm tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu. 

“Bộ Tứ kim cương” ra đời năm 2017 với 4 quốc gia thành viên Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ, Australia với mục đích là thiết lập một cơ chế kinh tế xuyên Thái Bình Dương với tham vọng trở thành hạt nhân của Diễn đàn kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) để đối phó với sự chi phối của khái niệm “Biên giới mềm” ngày càng tăng do Trung Quốc đề xướng. Theo các chuyên gia quốc tế, việc tham gia “Bộ tứ Kim cương” mở rộng có thể là bài toán về quan hệ quốc tế khó cho Việt Nam, nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy Ban lãnh đạo Hà Nội sẽ xem xét kỹ lưỡng để tạo điều kiện tốt nhất cho bứt phá kinh tế sau đại dịch Covid-19. Chuyên gia phân tích chính sách Derek Grossman của tập đoàn Rand viết: “Việt Nam có thể là một thành viên mới tuyệt vời cho “Bộ Tứ mở rộng”... Nhưng Việt Nam cũng khó có thể đồng hành cùng “Bộ Tứ mở rộng” trừ khi sự quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông tăng lên đột ngột, buộc Hà Nội phải ra tay”.

Chính sách quốc phòng “4 Không” của Việt Nam - không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế - có thể là một trở ngại cho khả năng Hà Nội tham gia vào một liên kết như thế”. Hôm 6/5/2020, theo đề nghị của phía Hoa Kỳ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh cũng điện đàm với Ngoại trưởng Mike Pompeo với kỳ vọng thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế - thương mại. Ngày 15/5/2020, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink cho biết, đã có cuộc gặp với các thành viên trong Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam. Đại sứ Hoa Kỳ Kritenbrink và Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp mặt để thảo luận về việc tăng cường quan hệ kinh tế song phương nhằm phát triển kinh tế hai nước và lan tỏa thịnh vượng. 

Việt Nam với RIMPAC-2020?

Ngày 14/5/2020, Hải quân Hoa Kỳ xác nhận với truyền thông quốc tế về việc mời Việt Nam tham gia cuộc diễn tập hải quân lớn nhất thế giới RIMPAC (Vành đai Thái Bình Dương) năm nay cùng với 25 nước. Bà Rochelle Rieger người phát ngôn của Chỉ huy Hạm đội 3, Hải quân Hoa Kỳ cho biết, tất cả 25 quốc gia đã từng cùng Hoa Kỳ tham gia diễn tập RIMPAC-2018 đã chính thức được mời trở lại tham dự RIMPAC-2020 và năm nay trong số này sẽ có hiện diện của Việt Nam. Trung Quốc, nước bị rút lời mời năm trong 2018, đến nay vẫn không có tên trong danh sách tham gia cuộc diễn tập.

Năm 2018, Trung Quốc bị loại khỏi danh sách tham dự vì hành động quân sự hóa trên Biển Đông. Trong ảnh: Tàu chiến các nước tham gia RIMPAC-2018

Cùng với Việt Nam và nhiều đồng minh của Mỹ, các nước Đông Nam Á có tên trong danh sách mời gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore. Theo VOA Việt ngữ, cho đến nay chưa rõ phía Việt Nam có nhận lời mời tham dự RIMPAC-2020 hay không. Vào năm 2018, Bộ Quốc phòng Việt Nam cử tám sỹ quan tham mưu đi dự. Bà Rieger cho biết danh sách các quốc gia xác nhận tham gia sẽ được đăng tải trên trang mạng của RIMPAC trước khi cuộc diễn tập diễn ra. Diễn tập hải quân RIMPAC được cho là cuộc diễn tập hải quân lớn nhất thế giới diễn ra hai năm một lần và năm nay diễn ra trên vùng biển khu vực Hawaii bắt đầu từ ngày 17 đến 31/8 do các quan ngại về coronavirus. Các hoạt động chính dự kiến gồm thao dượt chống tàu ngầm, đánh chặn hàng hải và diễn tập bắn đạn thật. Hải quân Mỹ cho biết đang tiếp tục ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, nên RIMPAC-2020 sẽ không có các giao lưu trên bờ.

Đô đốc Aquilino khẳng định quân đội Mỹ vẫn cam kết và có khả năng đảm bảo an toàn cho đồng minh và đối tác tại khu vực Ấn Thái Dương. “Cách tiếp cận linh động với RIMPAC -2020 thể hiện sự cân bằng giữa việc chiến đấu chống các đối thủ trong tương lai và mối đe dọa Covid-19”, ông Aquilino nói. Có 26 nước tham gia RIMPAC-2018, trong đó Việt Nam lần đầu góp mặt. Cũng trong năm đó, Mỹ loại Trung Quốc ra khỏi danh sách khách mời vì nước này không tuân thủ luật quốc tế, quân sự hóa Biển Đông. “Việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa các thực thể tranh chấp ở Biển Đông chỉ đẩy căng thẳng leo thang và gây bất ổn cho khu vực. Hành vi của Trung Quốc không phù hợp với nguyên tắc và mục đích của cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương”, tờ South China Morning Post dẫn lời phát ngôn viên Lầu Năm Góc Christopher Logan tuyên bố năm đó./.







 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441494

Hôm nay

2211

Hôm qua

2283

Tuần này

21398

Tháng này

216668

Tháng qua

112676

Tất cả

114441494