Người xứ Nghệ

Danh sĩ Phan Huy Ích

                

Danh sĩ Phan Huy Ích (1751-1822)

Phan Huy Ích là một người con ưu tú của quê hương xứ Nghệ, nhưng sách vở ghi chép về ông nhiều chỗ chưa thống nhất, một số đánh giá về ông cũng còn chưa thỏa đáng. Bài viết này xin cung cấp thêm một số tư liệu, hy vọng giúp bạn đọc có cái nhìn về ông khách quan và công bằng hơn...

1. Mấy nét về tiểu sử, gia đình, gia tộc

Phan Huy Ích 潘輝益 (1751-1822) tự Khiêm Thụ Phủ, hiệu Dụ Am; lại còn có tự là Chi Hòa, hiệu Đức Hiên. Thuở bé ông tên là Huy Duệ, rồi đổi là Công Huệ, sau vì kiêng tên bà Đặng Thị Huệ vợ chúa Trịnh Sâm, mới đổi là Huy Ích. Ông sinh ngày 12/12 năm Canh Ngọ, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 11 (1750), (tức ngày 9/01/1751 Dương lịch) tại làng Thu Hoạch, huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An, nay là xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là con trai cả Bình chương đô đốc Phan Huy Cận (1722-1789), anh trai Tiến sĩ Phan Huy Ôn (1755-1786). Năm 21 tuổi, (tức năm 1771) ông bắt đầu đi thi, từ thi ở huyện, ở trấn đến thi Hương đều đỗ đầu. Bốn năm sau (1775) vào thi Hội, lại đỗ Hội nguyên, thi Đình đỗ Tiến sĩ thứ 7.

Sau khi đỗ đại khoa, ông được bổ làm Hàn lâm thừa chỉ, rồi Đốc đồng Thanh Hóa, trông coi việc an ninh, xét xử án kiện. Có một câu chuyện khá thú vị xảy ra với ông được chép trong bộ tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng Hoàng Lê nhất thống chí, đại ý nói cuối năm 1786, Phan Huy Ích cùng với Mãn trung hầu Lê Trung Nghĩa, trấn thủ Thanh Hóa được Án đô vương Trịnh Bồng cử đi đánh Nguyễn Hữu Chỉnh. Lúc sắp lên đường, ông hăng hái sai người làm một chiếc trống trận thật to, bảo là sẽ bắt được Chỉnh rồi chọc thủng mặt trống nhét Chỉnh vào đó khiêng về. Kết cục ông lại bị Nguyễn Hữu Chỉnh bắt sống, may nhờ người quen xin cho, Chỉnh mới tha. Chỉnh còn bảo: “cái bộ thầy đồ nói khoác, giết cũng vô ích(1). Trước đó, năm 1777, ông được lệnh vào Quảng Nam mang ấn kiếm sắc phong tước Cung quốc công của vua Lê ban cho Nguyễn Nhạc bấy giờ thế lực còn yếu, đang tạm thời hòa hoãn với chúa Trịnh để tập trung lực lượng đánh chúa Nguyễn. Vào đến Phú Xuân, trấn thủ Phạm Ngô Cầu giữ ông lại đó, sai Nguyễn Hữu Chỉnh đi thay. Ít lâu sau ông lại được bổ làm Hiến sát sứ Thanh Hóa, trông coi việc đàn hặc, khám đoán, khảo khóa... Cuối năm 1787, quân Tây Sơn ra Bắc Hà lần thứ 2, Nguyễn Hữu Chỉnh bị giết chết, bè lũ Lê Chiêu Thống chạy sang cầu cứu nhà Thanh. Phan Huy Ích bỏ về làng Sài Sơn, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Nam (nay thuộc Hà Nội), kết thúc thời kỳ làm quan cho chính quyền Lê - Trịnh.

Tháng 5/1788, Nguyễn Huệ ra Bắc, xuống chiếu cầu hiền, Phan Huy Ích cùng với người anh vợ Ngô Thì Nhậm và các nho sĩ Đoàn Nguyễn Tuấn (anh vợ thi hào Nguyễn Du), Nguyễn Thế Lịch, Vũ Huy Tấn ra hợp tác với Tây Sơn. Phan Huy Ích vào Phú Xuân dự lễ đăng quang của Quang Trung, được phong làm Tả thị lang bộ Hình (tương đương Thứ trưởng thứ nhất bộ Tư pháp hiện nay). Sau đại thắng quân Thanh, ông cùng với Ngô Thì Nhậm chuyên lo việc ngoại giao. Sau lần cùng Ngô Văn Sở hộ tống vua Quang Trung giả sang nhà Thanh mừng thọ vua Càn Long 80 tuổi trở về, ông được thăng Thị trung ngự sử ở Tòa nội các. Năm 1800, dưới triều vua Cảnh Thịnh, ông được thăng Thượng thư bộ Lễ, kiêm giữ Nhạc chính ty, tước Thụy Nham hầu. Khi triều Tây Sơn đổ, Gia Long lên ngôi (1802), ông bị bắt giam, bị đánh đòn trước Văn Miếu. Được tha, ông về làng Thụy Khê mở trường dạy học ở nhà riêng quan Trấn thủ Sơn Nam thượng họ Vũ và ở các làng Chiều Thôn, Thanh Mai, Cổ Nhuế, rồi được Tổng trấn Bắc Thành là Lê Chất mời ra mở lớp dạy học. Ông có giúp đỡ các vị quan lại Bắc Thành trong việc bang giao. Năm 1814, ông về lại quê hương Nghệ An dạy học mấy năm rồi lại ra Sài Sơn dưỡng già và mất ở đó vào ngày 20/2 năm Nhâm Ngọ, niên hiệu Minh Mệnh thứ 3 (tức ngày 12/3/1822), hưởng thọ 73 tuổi.

Phan Huy Ích là học trò, rồi là con rể Hoàng giáp Ngô Thì Sĩ (1726 - 1780). Bà vợ cả Ngô Thị Thục có nhiều con, trong đó Phan Huy Quýnh (1775 - 1844), Phan Huy Thực (1778 - 1844), Phan Huy Chú (1782 - 1840) đều là các tác gia xuất sắc, nhất là Phan Huy Chú.(2)

2. Một số đóng góp nổi bật

Thời gian làm quan dưới triều Lê - Trịnh, thành tích của Phan Huy Ích không có gì đáng kể. Nhưng trong số các danh sĩ Bắc Hà ra phục vụ triều Tây Sơn và có nhiều đóng góp tích cực, thì sau Ngô Thì Nhậm (1746-1803), người ta kể đến Phan Huy Ích. Trong nhiều năm trời, ông sát cánh cùng Ngô Thì Nhậm phụ trách công việc ngoại giao với nhà Thanh. Trong văn học thời Tây Sơn, sau Ngô Thì Nhậm, có lẽ ông là người viết văn chính luận xuất sắc hơn cả. Những văn kiện ngoại giao gồm đủ các thể loại như chiếu, biểu, tấu thư... về sau được tập hợp trong Dụ Am Văn tập裕庵文集  gồm 8 quyển đã phản ánh được đường lối đối ngoại khôn khéo vừa giữ được tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường vừa thể hiện được tính thiện chí, khiêm nhường, yêu chuộng tình hòa hiếu lân bang của triều Tây Sơn đối với nhà Thanh. Phan Huy Ích đã góp phần công sức đáng kể vào những thắng lợi trên mặt trận ngoại giao của triều Tây Sơn. Ông đã để lại cho chúng ta một di sản văn học ngoại giao quý giá hiện nay đang rất cần được tiếp tục khai thác.

Trong đoàn sứ bộ nước ta gồm 159 người do Quốc vương giả là Phạm Công Trị cầm đầu sang chúc thọ Hoàng đế Càn Long 80 tuổi vào năm 1790, Phan Huy Ích là trọng thần hàng văn, bên cạnh Ngô Văn Sở là trọng thần hàng võ, Đô đốc Nguyễn Duật là tướng đi hộ vệ, văn thần trông coi văn thư là Võ Huy Tấn; ngoài ra còn có 12 nhạc công, 16 phiên dịch, 9 quản tượng và các tướng sĩ tùy tùng. Đoàn sứ bộ đã được đón tiếp long trọng, chi phí đón tiếp mỗi ngày khoảng 4000 lạng bạc, mỗi bữa yến tiệc là 1000 lạng bạc(3)... Tư liệu còn cho ta biết các nhạc công, ca sĩ của ta đã trình bày 10 bài ca vũ theo điệu Nam, tiếng Nam. Vua Càn Long rất thích, đã yêu cầu nghệ sĩ ta dạy lại cho người phương Bắc để họ biểu diễn trong cung đình. Phan Huy Ích chính là người soạn lời các bài ca đó. Cũng chính Phan Huy Ích đã họa lại bài thơ của vua Càn Long, được vua Thanh đánh giá là thơ hay, lời lẽ thỏa đáng, không chỉ giúp sứ bộ cởi được mối lo mà còn giữ được quốc thể trước vua quan nhà Thanh. Chuyến đi của đoàn sứ bộ thành công rực rỡ, vua Càn Long đã “sai thợ vẽ chân dung Quốc vương (giả), ân lễ trọng hậu”.(4) Trong lịch sử phong kiến Trung Hoa, vua Càn Long  (tức Thanh Cao Tông 清高宗,  1711-1799) được đánh giá là vị vua văn võ toàn tài, nổi tiếng hay chữvà giỏi thơ văn. Có được kết quả này, ngoài tầm nhìn chiến lược trong ngoại giao của vua Quang Trung; kế sách sắp xếp chu đáo, tài tình của danh sĩ Ngô Thì Nhậm; công sức của Đại sư mã Ngô Văn Sở, phải kể đến sự thông minh, mẫn tiệp, tháo vát và tài năng ứng đáp, xướng họa thơ của Phan Huy Ích. Ông tận tụy phục vụ nhà Tây Sơn cho đến ngày cuối cùng và cũng chịu nhiều hệ lụy, nhưng những năm tháng đó mới thực sự có ý nghĩa với ông, mới là quãng thời gian ông có dịp cống hiến tài năng của mình cho đất nước. 

Phan Huy Ích được người đời tôn vinh là một trong An Nam ngũ tuyệt  安南

(một trong 5 nhà thơ nổi tiếng nhất đương thời), bên cạnh Nguyễn Du (1765 - 1820), Nguyễn Hành (1771 - 1824), Nguyễn Huy Tự (1743 - 1790) và Ngô Thì Vị (1771 - 1821)(5). Ông sáng tác khá nhiều. Ngoài Dụ Am văn tập  裕庵文集  đã nói ở trên, còn có Cúc thu bách vịnh thi tập菊秋百詠詩集gồm 100 bài vịnh hoa cúc, là thơ xướng họa giữa ông và người anh vợ tri kỷ Ngô Thì Nhậm; Dụ Am ngâm lục 裕庵吟錄  gồm 7 quyển: 1. Dật thi lược toản 1逸詩略算(gồm 1 bài tụng, 116 bài thất ngôn, 28 bài tiểu luật, 12 bài ngũ ngôn luật, 1 điệu từ). 2. Tinh sà kỷ hành 星槎紀行 gồm 76 bài thất ngôn, 4 bài ngũ ngôn, 1bài tán, 10 bài từ khúc). 3. Dật thi lược toản 2逸詩略算(gồm 1 bài minh, 3 bài ngũ ngôn, 91 bài thất ngôn, 20 bài tiểu luật). 4. Nam trình lục tập (73 bài thất ngôn, 12 bài tiểu luật, 1 bài cổ phong, 1 bài ca , 6 bài ngũ ngôn). 5. Dật thi lược toản 3 (67 bài thất ngôn, 6 bài ngũ ngôn). 6. Vân du tùy bút (1 bài phú, 2 bài tán, 1 bài ca, 12 bài ngũ ngôn, 90 bài thất ngôn). 7. Tục Vân du tùy bút (38 bài thất ngôn, 11 bài ngũ ngôn) (6). Thơ Phan Huy Ích tinh tế, có cốt cách riêng, được nhiều người đương thời hết lời ca ngợi. Đề tựa tập Tinh sà kỷ hành Tiến sĩ Trần Bá Lãm (1757-1815) viết: “Thơ ông ôn hòa, trang nhã, âm tiết thanh cao mà đẹp đẽ, thành phong cách của một đại gia trác việt”. Đề tài trong thơ ông phong phú, giàu chất “kỷ sự” (ghi việc), lại thường có lời “nguyên dẫn” nói rõ hoàn cảnh cụ thể ra đời bài thơ, cung cấp cho ta nhiều chi tiết đời thường ít được sách vở nhắc đến. Chẳng hạn cảnh các cô gái thổ vác ống múc nước bên khe, ăn cơm nếp, uống rượu cần, ca hát tiếng thổ; kiểu quần áo phụ nữ Trung Quốc từ Quế Lâm trở xuống rất giống quần áo phụ nữ nước ta vùng Lạng Sơn; họ cũng không có tục bó chân, thích ngồi câu cá trên sông; rồi cách bài trí Văn miếu ở Phú Xuân, vị trí nhà ở Thái sư Bùi Đắc Tuyên trên sông Hương, tình hình đê vỡ ở trấn Sơn Nam... Khi Quang Trung băng hà, ông có bài thơ cảm động Thu phụng quốc tang, cảm thuật (Mùa Thu có quốc tang, cảm xúc thuật lại) giãi bày nỗi buồn thương cô quạnh của mình:

Trần hoàn bào ảnh phù sinh ảo/Hải diện bình bồng lữ mộng thôi/Sắc ngộ tự tàm khuê phận nghị/Cô tung yếu hướng cố sơn lai(Kiếp người ta khác nào bọt nước và bóng sáng/Giấc mộng nơi đất khách làm cho ta cảm thấy cảnh bềnh bồng trôi dạt trên mặt nước/Gặp gỡ không may, riêng hổ thẹn trái với tình nghĩa vua tôi/Gót chân cô đơn muốn trở lại nơi núi cũ)(7).

Phan Huy Ích còn là 1 trong số những dịch giả Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn. Trước đây, một số học giả hiện đại như Hoàng Xuân Hãn, Lại Ngọc Cang, Nguyễn Lộc... cho rằng bản dịch thành công nhất và phổ biến hiện hành là của Phan Huy Ích chứ không phải của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. Quan điểm dịch thuật và lòng tự tin của Phan Huy Ích trong bài Tân diễn Chinh phụ ngâm khúc thành ngẫu tác (Làm khi mới dịch xong khúc Chinh phụ ngâm) rất đáng để chúng ta suy ngẫm: Vận luật hạt cùng văn mạch túy/Thiên chương tu hướng nhạc thanh tầm/Nhàn trung phiên dịch thành tân khúc/Tự tín suy minh tác giả tâm. (Lấy vần và luật không thể diễn tả hết được cái tinh túy của mạch văn/Chương mục trong khúc ngâm thì chỉ trong âm  thanh của nhạc mới tìm thấy/Trong khi thong thả dịch thành khúc mới/Tự tin mình đã suy diễn được rõ ràng ý của tác giả)(8). Có thể đồng cảm với nhận xét của PGs Nguyễn Lộc: “Quan điểm của người dịch Chinh phụ ngâm hiện hành quả đúng như vậy. Người dịch không câu nệ số câu, số chữ, mà cốt làm sao rung động và diễn đạt cho được tinh thần của nguyên tác. Đọc bản dịch Chinh phụ ngâm hiện hành có thể thấy người dịch tác phẩm rung cảm hết sức sâu sắc trước đối tượng sáng tạo của mình, và tỏ ra rất am hiểu đặc trưng của văn học(9). May mắn thay ở miền Nam, năm 1972 học giả, nhà văn Nguyễn Văn Xuân  (1921-2007) tìm được ở Huế bản nôm “Tân san chinh phụ ngâm diễn âm từ khúc刊征婦吟演音詞曲” ấn hành từ năm Gia Long 14 (1815). Bản nôm này cơ bản phù hợp với bản mà giáo sư Hoàng Xuân Hãn cho là của Phan Huy Ích, cũng có nghĩa là phù hợp với bản nhà nghiên cứu Lại Ngọc Cang đã ghi được ở Sài Sơn từ hậu duệ Phan Huy Ích. Đáng chú ý là trong đó có bài tựa của nhà xuất bản “Chính trực đường” và đặc biệt là có bài nguyên tựa của dịch giả Phan Huy Ích. Học giả Nguyễn Văn Xuân quả quyết: “dịch giả đích thực của cuốn sách là Tiến sĩ Phan Huy Ích với tên sách đầy đủ là “Tân san chinh phụ ngâm diễn âm từ khúc(10).

Ngoài sự nghiệp chính trị, ngoại giao, văn học nghệ thuật, Phan Huy Ích còn là một nhà giáo tài năng, một người cha mẫu mực. Chỉ cần nhìn vào sự nghiệp 3 người con trai thành đạt Phan Huy Quýnh, Phan Huy Thực, Phan Huy Chú đã có dịp nói đến ở trên có thể phần nào thấy được điều đó!

____________________________________________

 

(1) Ngô gia văn phái Hoàng Lê nhất thống chí, Nxb Văn học, H.1987, T1, tr.198 - 203.

(2),(4) Đinh Xuân Lâm - Trương Hữu Quýnh (cb)Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam Nxb Giáo dục, H.2005, tr318 - 321 & Trần Văn GiápTìm hiểu kho sách Hán Nôm, Nxb Văn hóa, H.1984, T1, tr 318 - 321.

(3) Nguyễn Lương Bích Lược sử ngoại giao Việt Nam các thời trước, Nxb Quân đội nhân dân, H.2000, tr 207. 

(5) Theo Phạm Trọng Chánh:Tinh Sà Kỷ Hành của Phan Huy Ích (ký sự trên thuyền đi sứ với vua Quang Trung (giả) năm 1790 (/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/tinh-sa-ky-hanh-cua-phan-huy-ich-ky-su-tren-thuyen-di-su-voi-vua-quang-trung)

(6) Lại Nguyên Ân -  Bùi Văn Trọng CườngTừ điển văn học Việt Nam Nxb Giáo dục, H.1995 tr 356.

(7), (8) Hợp tuyển thơ văn Việt Nam thế kỷ XVIII nửa đầu thế kỷ XIX, T3, Nxb Văn học, H.1978, tr.277 - 278; tr.284 - 285.

 (9) Nguyễn Lộc:Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII nửa đầu thế kỷ XIX , Nxb Đại học & Trung học chuyên nghiệp, H.1976, T1, tr242

(10) Nguồn:https://nghiepdoansinhvien.org/2018/03/04/phan-huy-ich-hay-doan-thi-diem-la-dich-gia-dien-nom-cua-chinh-phu-ngam- khuc/)

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434652

Hôm nay

2272

Hôm qua

2310

Tuần này

21302

Tháng này

211700

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434652