Đất và người xứ Nghệ

Phát hiện sắc phong của vua Quang Trung cho Đinh Sỹ Nhâm và hiểu thêm về dòng họ Đinh xã Thanh Yên, Thanh Chương, Nghệ An

Vừa rồi, cha con anh Đinh Bạt Hùng ở xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương đưa đến cho Câu lạc bộ Hán Nôm nhờ dịch 3 bản sắc phong cho một nhân vật của dòng họ. Trong ba sắc phong đó có một sắc của vua Quang Trung ban cho ông Đinh Sĩ Nhâm. Chúng tôi xin giới thiệu về các sắc phong này và cung cấp thêm các tài liệu quí khác cũng như vài nét về các nhân vật dòng họ Đinh xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Sắc phong của vua Quang Trung ban cho Đinh Sĩ Nhâm nguyên văn chữ Hán như sau:

敕英都府南塘縣花塢社左弼道忠佐奇付戰丁仕壬歷從戰陣頗有勤勞特準攽中尉職子爵可加英勇將君中尉僅才子率本分君差撥若懈待不勤有君憲在欽哉故敕

光中五年十月二十五日

Phiên âm:

Sắc Anh Đô phủ, Nam Đường huyện, Hoa Ổ xã, Tả bật đạo Trung tá cơ Phó chiến Đinh Sĩ Nhâm lịch tòng chiến trận phả hữu cần lao. Đặc chuẩn ban Trung úy chức, Tử tước. Khả gia anh dũng tướng quân, Trung úy, Cận Tài tử. Suất bổn phân quân sai bát. Nhược giải đãi bất cần, hữu quân hiến tại. Khâm tai! Cố sắc.

Quang Trung ngũ niên, thập nguyệt, nhị thập ngũ nhật.

Dịch nghĩa:

Sắc cho Tả bật đạo Trung tá cơ Phó chiến Đinh Sĩ Nhâm, quê xã Hoa Ổ, huyện Nam Đường, phủ Anh Đô, từng theo chiến trận, có nhiều công lao. Đặc chuẩn ban chức Trung úy, tước Tử. Nay xứng đáng gia tặng là Trung úy, Cận Tài tử. Hãy làm tròn bổn phận cầm quân để sai phái, nếu lười biếng không chăm thì phải chịu theo phép quân. Vậy hãy tuân theo! Nay ban sắc.

Ngày 25, tháng 10, năm Quang Trung thứ 5 (1792).

Theo nội dung sắc, ông Đinh Sĩ Nhâm, quê ở xã Hoa Ổ, huyện Nam Đường, phủ Anh Đô (nay là xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) đã tham gia nghĩa quân Tây Sơn do vua Quang Trung lãnh đạo. Do có nhiều công lao trong chiến trận, nên ông được vua quang Trung đặc chuẩn thăng chức Trung úy, ban tước Cận Tài tử và tiếp tục theo phò triều Tây Sơn như sắc phong đã ban.

Trước thời Tây Sơn, ông Đinh Sĩ Nhâm từng làm tướng cho triều vua Cảnh Hưng ở trong đội quân ưu binh của triều đình. Chức tước của ông được ghi rõ trong sắc phong triều Cảnh Hưng là Phấn lực Tướng quân Hiệu lệnh Ti tráng sĩ Bách hộ, Hạ trật. Cũng như nhiều tướng sĩ cuối triều Lê chán ghét sự suy sụp của triều Lê và nội chiến nồi da nấu thịt các thế lực tranh giành quyền lực Lê - Mạc, Trịnh - Nguyễn gây bao cảnh tang thương chết chóc cho nhân dân, nên đã tình nguyện đi theo ngọn cờ Đào của Quang Trung. Đặc biệt là khi Quang Trung lên ngôi chính danh mang quân ra Bắc để đánh đuổi quân Thanh xâm lược đã được đông đảo người xứ Nghệ hưởng ứng tình nguyện gia nhập Trung quân do vua trực tiếp chỉ huy. Đến nay, xứ Nghệ là nơi các dòng họ còn lưu giữ được nhiều sắc phong thời Tây Sơn nhất nước, trong đó có sắc của vua Quang Trung cho Lê Quốc Cầu họ Lê Quốc ở Tường Sơn, Anh Sơn; cho Đào Đình Truật, họ Đào Văn (Lưu Sơn, Đô Lương); cho Nguyễn Sĩ Xung, họ Nguyễn Sĩ (Thanh Lương, Thanh Chương). Họ Nguyễn Sĩ nhờ sửa nhà thờ họ lâu năm bị hỏng, khi rút thanh xà bằng tre ra đã rơi ra ba sắc phong cuộn dấu ở trong: Cảnh Hưng, Thái Đức, Quang Trung… Các vị tướng thời Tây Sơn thường đã làm tướng hoặc trong đội ưu binh, cận vệ triều đình các vua Lê Trung Hưng. Đinh Sĩ Nhâm hay Nguyễn Sĩ Xung, Đào Đình Truật và Lê Quốc Cầu đều như vậy vì dòng họ đều giữ được cả sắc phong triều Lê cho họ. Như sau là sắc phong triều Lê cho Phấn lực Tướng quân Hiệu lệnh Đinh Sĩ Nhâm:

敕南唐縣花塢社隊長丁仕壬為以中統軍贏優兵王寅年同與內外諸軍翊戴嗣王有功已經旨准陞職壹次再欽賞壹次應百戶職可為奮力將軍號令司壯士百戶下秩故敕

景興四十四年二月二十六日

Phiên âm:

Sắc Nam Đường huyện, Hoa Ổ xã, Đội trưởng Đinh Sĩ Nhâm vi dĩ Trung thống quân dinh ưu binh. Nhâm Dần niên đồng dữ nội ngoại chư quân dực đới tự vương hữu công, dĩ kinh chỉ chuẩn thăng chức nhất thứ, tái khâm thưởng nhất thứ ưng Bách hộ chức. Khả vi Phấn lực Tướng quân hiệu lệnh Ti tráng sĩ Bách hộ. Hạ trật. Cố sắc!

Cảnh Hưng tứ thập tứ niên, nhị nguyệt, nhị thập lục nhật.

Dịch nghĩa:

Sắc cho Đội trưởng Đinh Sĩ Nhâm ở xã Hoa Ổ, huyện Nam Đường, là ưu binh trong quân dinh Trung thống. Năm Nhâm Dần vì có công cùng với các cánh quân trong ngoài tôn phù tự vương, nên đã được ra chỉ chuẩn thăng chức một lần, nay lại ban thưởng một lần nữa, là chức Bách hộ. Xứng đáng với quân hiệu Phấn lực Tướng quân, Tráng sĩ ty Hiệu lệnh, Bách hộ, Hạ trật. Vậy ban sắc!

Ngày 26 tháng 2 năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783).

Đọc gia phả họ Đinh xã Thanh Yên thì họ Đinh ở đây là di duệ của Đình nguyên Tiến sĩ Đệ nhất giáp, Đệ nhất danh Đinh Bạt Tụy quê ở thôn Bùi Ngõa, xã Bùi Khổng (nay là xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An). Đinh Bạt Tụy làm quan đến Lê triều Trung hưng Kiệt tiết tuyên lực Dực vận Tán trị công thần, Đặc tiến Kim tử vinh lộc Đại phu, Binh bộ Thượng thư kiêm Đông các Đại học sĩ, Nhập thị kinh diên, Trụ quốc Thượng trật, Thái bảo Khê Quận công, Đinh Tướng công. Ông cũng được vua Cảnh Thịnh phong sắc tôn vinh là Thượng Đẳng thần, Phúc thần để nhà nước cùng nhân dân thờ tự. Có lẽ con cháu của Đinh Bạt Tụy cũng đã có nhiều công lao cho triều Tây Sơn như tướng Đinh Sĩ Nhâm nên vua Cảnh Thịnh cũng hết sức quan tâm tôn phù Đinh Bạt Tụy. Sắc phong của vua Cảnh Thịnh cho Đinh Bạt Tụy như sau:

          敕中興竭節宣力功臣特進金子榮祿大夫兵入侍經延部尚書兼東各大學士入內經延住國上秩少保溪郡公綏文敵武經綸康濟名望大王山川英毓河海秀鍾視弗見聽弗聞盛乎其德感必通求必應赫爾厥靈既多庇民偉功盍舉依柔盛典為皇家祇承正緒禮有登秩應加封美字三字可加封中興竭節宣力功臣特進金子榮祿大夫兵入侍經延部尚書兼東各大學士入內經延住國上秩少保溪郡公綏文敵武經綸康濟名望康武並邊護國大王

          景盛四年五月十一日

Phiên âm:

Sắc: Trung hưng Kiệt tiết tuyên lực Dực vận Tán trị công thần Đặc tiến kim tử Vinh lộc Đại phu Binh bộ Thượng thư kiêm Đông các Đại học sĩ, Nhập thị Kinh diên, Trụ quốc thượng trật, Thiếu bảo Khê Quận công, Tuy văn, Địch võ, Kinh luân, Khang tế, Danh vọng Đại vương, Sơn xuyên anh dục, Hải hà tú chung. Thị phất kiến, thỉnh phất văn, thịnh hồ kỳ đức, cảm tất thông, cầu tất ứng, hách nhĩ quyết linh. Ký đa tỉ hộ vĩ công hạp cử y nhu thịnh điển. Vị hoàng gia chỉ thừa phi tự, lễ hữu đăng trật, ứng gia phong mĩ tự tam tự, khả phong Trung hưng Kiệt tiết tuyên lực Dực vận, Tán trị công thần, Trụ quốc thượng trật, Thái bảo Khê Quận công, Tuy văn, Địch võ, Kinh luân, Khang tế, Danh vọng, Khang võ, Tịnh biên hộ quốc Đại vương. Cố sắc.

Cảnh Thịnh tứ niên, ngũ nguyệt, thập nhất nhật.

Dịch nghĩa:

Sắc: Trung hưng Kiệt tiết tuyên lực Dực vận Tán trị công thần Đặc tiến kim tử Vinh lộc Đại phu Binh bộ Thượng thư kiêm Đông các Đại học sĩ, Nhập thị Kinh diên, Trụ quốc thượng trật, Thiếu bảo Khê Quận công, Tuy văn, Địch võ, Kinh luân, Khang tế, Danh vọng Đại vương. Sông bể gồm thâu tinh tú, n­ước non hun đúc anh linh. Nhìn mà chẳng thấy, lắng mà chẳng nghe, thị thịnh thay công đức. Cảm ắt thông, cầu ắt được, hiển hách oai linh. Đã cao ở công việc chở che, sao chẳng tặng phong theo điển. Vì hoàng gia kế truyền nghiệp lớn, theo lễ có tăng thêm cấp bậc, nên gia phong mỹ tự 3 chữ. Đáng được gia phong là: “Trung hưng Kiệt tiết tuyên lực Dực vận, Tán trị công thần, Trụ quốc thượng trật, Thái bảo Khê Quận công, Tuy văn, Địch võ, Kinh luân, Khang tế, Danh vọng, Khang võ, Tịnh biên hộ quốc Đại vương. Cho nên ban sắc!

Ngày 11 tháng 5 năm Cảnh Thịnh năm thứ 4 (1796).

Gia phả ghi Đinh Bạt Tụy là thỉ Tổ họ Đinh Thanh Yên. Từ Nhất đại Tổ là ông Đinh Bạt Lược, con ông Bạt Bản, cháu ông Bạt Sĩ, chắt ông Bạt Tuấn và là chít của Đinh Bạt Tụy. Chi họ di cư về Thanh Yên khi ông Đinh Bạt Lược làm Tri phủ. Sau khi dịch, thấy tên Đinh Sĩ Nhâm trong ba sắc phong cha con anh Hùng (người đưa sắc phong đến nhờ dịch) còn băn khoăn vì xưa nay chưa từng nghe tên ông, tra tìm trong gia phả cũng không thấy ghi tên? Điều này cũng không có gì là lạ vì Đinh Sĩ Nhâm là tướng được vua Quang Trung ân sủng nên sau khi triều Tây Sơn mất, Nguyễn Ánh thống nhất sơn hà, lên làm vua, vì hận với triều Tây sơn nhiều lần truy sát may mắn mới thoát chết, nên trả thù, cho hủy diệt tận gốc mọi sự vật liên quan đến Quang Trung và triều Tây Sơn. Các dòng họ có người làm tướng cho Tây Sơn đã phải mai danh ẩn tích, tự tiêu hủy hay giấu kĩ mọi tài liệu tiểu sử liên quan để tránh tội. Trường hợp Nguyễn Sĩ Xung ở Thanh Lương cũng ghi ông phải trốn vào Nam lập nghiệp tránh xa đất Nghệ An để khỏi liên lụy đến con cháu, phải tới khi tìm lại được sắc phong vua Thái Đức, Quang Trung cho ông, con cháu mới hiểu được nguyên do việc ẩn tích của cụ Tổ. Đinh Sĩ Nhâm cũng vậy, con cháu không dám ghi tên thật của ông trong gia phả, khiến không biết thế nào khi được nghe đọc tên ông trong sắc phong?

Khi tra cứu, đọc gia phả chi họ Đinh Thanh Yên, chúng tôi tìm thấy dấu vết của cụ Đinh Sĩ Nhâm như sau: Ở phần ghi Lục đại Tổ: Đệ nhị nam tiền Thập Lý hầu, kiêm Văn hội Nho trưởng, đăng thượng thọ khoa Đinh quí công, tự Hoa Lĩnh… Sinh đắc nhị nam lục nữ, Đinh công kế thất Nguyễn Thị Hằng Tứ, hiệu Từ Thuận nhụ nhân, kế thất sinh hạ: Nhất nam Đinh Sĩ Thuận; Đệ tam nam: Tiền Ưu binh Đội trưởng đặc gia Anh dũng Tướng quân, chuẩn thăng Bách hộ chức, đăng thượng thọ khoa Đinh quí công, tự Tài tử Thị trung trực phủ quân.

   Như vậy là ở đời Tổ thứ 6, là con trai thứ hai, tước Thập Lý hầu, tự Hoa Lĩnh, Trưởng Văn hội bản xã cùng bà kế thất Nguyễn Thị Hằng Tứ, hiệu Từ Thuận nhụ nhân đã sinh ra 2 con trai và 6 con gái. Ông con trai thứ nhất là Đinh Sĩ Thuận, rồi đến thứ 2 là con gái, con thứ 3 là Đệ tam nam và không ghi tên thật, chỉ ghi là Ngài họ Đinh (Đinh quí công). Đồng thời phả chỉ ghi rõ các chức quan và tước phong của ông Đinh quí công này. Rõ ràng các chức quan và tước phong được ghi cho ông là trùng hợp với các chức quan và tước phong cũng như các mỹ tự (tên đẹp) mà các sắc phong của các triều Lê Cảnh Hưng, Quang Trung đã ban cho Đinh Sĩ Nhâm. Do đó, có thể khẳng định, người con thứ 3 vị tổ thứ 6 dòng họ Đinh Bạt ở xã Thanh Yên chính tên thật là Đinh Sĩ Nhâm, nhưng do phải ẩn dấu danh tính với triều Nguyễn nên không dám ghi rõ tên trong gia phả. May mắn thay khi dòng họ còn lưu giữ được các sắc phong quí mà trả lại được tên cho một danh nhân thời Tây Sơn là Đinh Sĩ Nhâm. Sắc triều Cảnh Hưng ghi ông là Đội trưởng Đinh Sĩ Nhâm, khâm thưởng ứng Bách hộ chức (phả ghi: Tiền ưu binh Đội trưởng, chuẩn thăng Bách hộ chức); còn sắc triều Quang Trung ghi: Tả bật đạo Trung tá kỳ Phó chiến Đinh Sĩ Nhâm, đặc chuẩn ban Trung úy chức, Tử tước, khả gia Anh dũng Tướng quân, Trung úy Cận Tài tử (Phả ghi: Đặc gia Anh dũng Tướng quân, tự Tài Tử). Trong cách ghi ở gia phả họ Đinh cũng đã lược ghi mà không dám ghi đủ về mĩ tự chức tước của Đinh Sĩ Nhâm có liên quan đến thời Quang Trung, như không ghi chức Tả bật đạo Trung tá, Trung úy và chữ Cận trong tước phong của vua Quang Trung là Cận Tài tử để tránh sự phiền phức liên lụy cho con cháu dòng họ.

Ngoài hai sắc phong trên cho Đinh sĩ Nhâm, dòng họ còn lưu giữ được một sắc phong cho vị Bản cảnh Thành Hoàng làng. Sắc này ghi niên hiệu vào thời Khải Định, triều Nguyễn, nên không phải là sắc cho Đinh Sĩ Nhâm. Đọc trong gia phả họ có ghi về vị Tổ thứ 3 (Tam Đại Tổ) như sau: Tiền Nho sinh tiền Thập Lý hầu đăng Thượng thọ khoa Đinh quí công tự Sĩ Đổng… Tổ thúc đồng thời tiền Ưu binh, thăng Tướng quân Tổng trận, Quỳnh Nham hầu, Kim triều sắc phong, khâm ông gia tặng, chư tôn Mĩ tự: Dực bảo Trung hưng Tĩnh hậu Trung Đẳng thần… Bản thôn lập miếu phụng tự; Hiệu là Bản cảnh thần.

Nội dung về nhân vật Đinh Sĩ Đổng ghi trong gia phả là người có công với triều Lê, là tướng triều Lê, được nhân dân bản xã tôn thờ là Thành Hoàng làng vì có công chiêu dân, khai hoang thêm đất đai mở rộng làng xã vùng ven bờ tả ngạn sông Lam và phù hợp với nội dung sắc phong của vua Khải Định cho ông. Sắc ghi rõ các mĩ tự tôn vinh cho vị Thành Hoàng tới Trung Đẳng thần và giao cho dân xã phụng thờ cũng giống như được ghi trong gia phả họ Đinh. Vậy, chúng ta có thể khẳng định sắc phong này là dành ban cho nhân vật Đinh Sĩ Đổng của họ Đinh Thanh Yên. Xin đọc nội dung sắc phong, nguyên văn chữ Hán, phiên âm và dịch như sau:

Nguyên văn chữ Hán:

敕乂安省清漳縣春榜社福安村從前奉事原贈墩凝翊保中興本境城皇靈應尊神護國庇民稔著靈應節蒙頒給敕封準許奉事肆今正直朕四旬大慶節經頒寶詔覃恩禮隆登秩著加贈靜厚中等神特準奉事用誌國慶而申祀典欽哉

啟定玖年柒月貳拾伍日

Phiên âm:

Sắc Nghệ An tỉnh, Thanh Chương huyện, Xuân Bảng xã, Phúc Yên thôn tòng tiền phụng sự nguyên tặng Đôn ngưng Dực bảo Trung hưng Bản cảnh Thành Hoàng linh ứng tôn thần. Hộ quốc tí dân nhẫm trước linh ứng. Tiết mông ban cấp sắc phong chuẩn hứa phụng sự. Tứ kim chính trị trẫm tứ tuần đại khánh, tiết kinh ban bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật. Trước gia tặng Tĩnh hậu Trung đẳng thần, đặc chuẩn phụng sự, dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển. Khâm tai!

Khải Định cửu niên, thất nguyệt, nhị thập ngũ nhật.

Dịch nghĩa:

Sắc cho thôn Phúc Yên, xã Xuân Bảng, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An theo như trước phụng thờ vị thần vốn được tặng mỹ tự: Đôn ngưng Dực bảo Trung hưng Bản cảnh Thành Hoàng linh ứng tôn thần. Thần bảo vệ đất nước, che chở cho dân linh ứng đã lâu. Đã được ban cấp sắc phong chuẩn cho thờ phụng. Nay, đúng dịp đại lễ mừng thọ Trẫm 40 tuổi, nên ban chiếu báu, tỏ ơn sâu, lễ long trọng nên tăng thêm cấp bậc. Gia tặng là Tĩnh hậu Trung Đẳng thần. Đặc biệt chuẩn cho thờ phụng, để ghi nhớ ngày vui của nước mà kéo dài phép thờ tự. Vậy, hãy tuân theo!

Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924). 

Qua ba bản sắc phong mà họ Đinh Bạt xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương lưu giữ được cho đến ngày nay đã cho ta biết thêm về một chi họ của vị Tổ tài năng xuất chúng là Đình nguyên, Binh bộ Thượng thư Đinh Bạt Tụy có thêm các di duệ nối tiếp được truyền thống là Đinh Bạt Lược, Đinh Sĩ Đổng, Đinh Sĩ Nhâm. Đặc biệt phát hiện thêm một danh nhân, nhân vật làm tướng thời Tây Sơn, lại được vua Quang Trung trực tiếp ban sắc phong chức tước vì có công với triều đình trong công cuộc đánh giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước, thật là một vinh dự lớn cho họ Đinh Thanh Yên, Thanh Chương; họ Đinh Hưng Trung, Hưng Nguyên - Nghệ An.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114442793

Hôm nay

2307

Hôm qua

2299

Tuần này

2606

Tháng này

217967

Tháng qua

112676

Tất cả

114442793