Văn hóa và đời sống

Ghi sâu và thực hiện tốt lời dạy của Bác với ngành Tuyên giáo

Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người đã khởi xướng tổ chức, rèn luyện và có những lời căn dặn quý báu đối với đội ngũ những người làm công tác tuyên giáo.

Có thể nói, Bác Hồ là người đi tiên phong trong công tác tuyên giáo. Ngay khi mới 29 tuổi (1919), Bác đã tình nguyện xin gia nhập Đảng Xã hội Pháp và chỉ sau đó một năm (1920), chính Người đã đọc tác phẩm “Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lê-Nin, qua đó góp phần giúp Người tìm con đường cứu nước, giành độc lập tự do cho Tổ quốc, nhân dân. Tiếp đó, thông qua các hoạt động tuyên truyền và thông qua các bài báo của Người đăng trên tờ báo “Nhân đạo” (L’Humanite) của Đảng Cộng sản Pháp mà Người đã cho các bạn đọc ở Pháp thấy được tội ác man rợ của bọn thực dân Pháp đối với nhân dân Việt Nam nói riêng, nhân dân Đông Dương nói chung, qua đó, thức tỉnh lòng yêu nước của bà con Việt kiều, tranh thủ được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với nhân dân Việt Nam. Năm 1924, từ Nga, Bác đến Quảng Châu (Trung Quốc). Tại đây, Người đã mở các lớp bồi dưỡng chính trị cho một số thanh niên cốt cán, học xong, số cán bộ tương lai này về nước hoạt động, chờ thời cơ để nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền.

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Chỉ một thời gian sau đó, một số Ban của Đảng được ra đời, trong đó Ban Tuyên giáo ra đời ngày 1/8/1930.

Ngay từ khi Ban Tuyên giáo mới được thành lập, Bác Hồ đã khẳng định: “Đảng ta luôn luôn xem công tác tuyên giáo là mặt trận hàng đầu, là bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng, là lĩnh vực trọng yếu để xây dựng, bồi đắp nền tảng chính trị của Đảng” (Hồ Chí Minh toàn tập - tập 3 - trang 57). Người đã nhấn mạnh điểm xuất phát, cơ sở của công tác tuyên giáo: “Công tác tuyên giáo phải xuất phát từ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng mà xác định nhiệm vụ, nội dung, phương pháp hoạt động, phải phục vụ đắc lực cho việc hoàn thành  nhiệm vụ chính trị của Đảng (Hồ Chí Minh toàn tập - tập 4 - trang 175). Người đã nói rõ ba nguyên tắc của công tác tuyên giáo: “Ba nguyên tắc của công tác tuyên giáo là hoạt động tuyên giáo phải có tính Đảng vô sản, tính khoa học và tính chân thực. Tính Đảng vô sản là nguyên tắc đầu tiên và đồng thời tính Đảng vô sản cũng là nền tảng của công tác tuyên giáo, nó bảo đảm cho các hoạt động tuyên giáo của Đảng luôn luôn giữ vững được lập trường của giai cấp công nhân, phục vụ cho quần chúng, nhân dân lao động. Nguyên tắc thứ hai là tính khoa học, tính khoa học của công tác tuyên giáo phải luôn luôn xuất phát từ khoa học Mác - Lênin, từ thực tế khách quan, từ quy luật phát triển của xã hội, lấy đó làm cơ sở để giải thích cho quần chúng nhân dân hiểu một cách có căn cứ khoa học những vấn đề mà thực tiễn cách mạng đặt ra, để từ đó họ hành động tự giác, có hiệu quả. Nguyên tắc thứ ba là tính chân thực, quá trình tiến hành công tác tuyên giáo phải bảo đảm tính chân thực để nhân dân nhận thức đúng, hành động đúng theo đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng” (Bài nói chuyện tại Hội nghị Tuyên giáo khu vực miền núi - 31/8/1963).

Không những thế, Người còn nhiều lần căn dặn các cán bộ tuyên giáo về phương pháp làm việc: “Trước hết, mỗi đồng chí làm công tác tuyên giáo phải hiểu rõ mục đích công việc của mình là gì. Sau khi nắm chắc mục đích rồi thì phải chọn phương pháp sao cho có hiệu quả nhất. Mỗi cán bộ tuyên giáo phải biết nói và viết sao cho phổ thông, dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc để người nghe, người đọc hiểu được, nhớ được, làm được. Phải có tính nhẫn nại, chịu khó. Nếu nói một lần mà người nghe không hiểu thì phải nói hai lần, ba lần” (Hồ Chí Minh toàn tập - tập 4 - trang 110). Người còn nhắc nhở thêm: “Mỗi cán bộ tuyên giáo phải có phong cách đi sâu, đi sát cơ sở, đến những mũi nhọn của mặt trận sản xuất và chiến đấu, nơi có phong trào khá và cả những nơi có phong trào kém, phát hiện và giải đáp được những vấn đề do cuộc sống đặt ra” (Hồ Chí Minh toàn tập - tập 5 - trang 21). Rồi Người nhấn mạnh: Chỉ có đi sâu vào thực tiễn đời sống xã hội thì mới tìm hiểu, đánh giá đúng thực chất tình hình địa phương, đơn vị, mới phát hiện được những vấn đề mới, nhân tố mới, những điển hình người tốt, việc tốt để cố vũ, biểu dương, nhân rộng; đồng thời vạch ra những hiện tượng, biểu hiện sai trái để uốn nắn, phê phán, phải tôn trọng sự thật, phải nói đúng, viết đúng sự thật thì mới có nhiều người đọc, người nghe” (Hồ Chí Minh toàn tập - tập 66 - trang 203).

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dù bận trăm công nghìn việc, Bác Hồ vẫn dành thời gian quan tâm đến công tác tuyên giáo. Trong một lần gặp đồng chí Tố Hữu (lúc bấy giờ là Ủy viên Ban Bí thư, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương (nay gọi là Ban Tuyên giáo), Bác đã nói với đồng chí Tố Hữu và các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên huấn: Công tác tuyên huấn có vai trò đặc biệt, là một lĩnh vực trọng yếu trong công tác lãnh đạo, tuyên truyền, giáo dục, động viên nhân dân và tổ chức nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ cách mạng” (Hồ Chí Minh toàn tập - tập 8 - trang 195).

Điều đặc biệt cảm động là năm 1969, dù đang ốm nặng và có thể sắp đi xa, Bác vẫn dành thời gian nghe các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên huấn Trung ương báo cáo tình hình chiến sự ở miền Nam, tình hình lũ lụt ở sông Hồng, đồng thời Người vẫn nhắc các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên huấn Trung ương phải chú ý đến việc phát hành rộng rãi loại sách “Người tốt, việc tốt”, để qua đó, phổ biến, tuyên truyền, nhân rộng những điển hình tiên tiến trên mặt trận sản xuất, chiến đấu trong cán bộ và nhân dân.

Như vậy có thể nói trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, dù rất bận việc Đảng, việc nước, Bác vẫn thường xuyên quan tâm đến công tác tuyên giáo. Trong tình hình hiện nay, để thực hiện tốt lời Bác dạy, chúng tôi nghĩ, đội ngũ những người làm công tác tuyên giáo cần thực hiện tốt những công việc sau đây:

Thứ nhất, trước và sau Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng lần thứ XIII, cần làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng một cách toàn diện (gồm 3 vấn đề: 1. Xây dựng Đảng về mặt chính trị; 2. Xây dựng Đảng về mặt tư tưởng; 3. Xây dựng Đảng về mặt đạo đức). Cần tham mưu cho lãnh đạo đúng, kịp thời, hiệu quả những vấn đề chủ yếu, cấp bách trên mặt trận tư tưởng. Tuyên truyền, cổ vũ, động viên quần chúng nhân dân thực hiện tốt, thường xuyên và tự giác phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tích cực tuyên truyền để thực hiện có hiệu quả các nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Thứ hai, cần đổi mới hơn nữa nội dung và phương pháp, tăng cường chất lượng, hiệu quả của công tác tuyên giáo. Mỗi cán bộ tuyên giáo phải phát huy tối đa trí tuệ, phẩm chất, năng lực của mình, trên cơ sở đó, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về tư tưởng, nhận thức và hành động của đảng viên và quần chúng nhân dân.

Thứ ba, thường xuyên đấu tranh kiên quyết với những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đẩy mạnh cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, đấu tranh và phản bác có hiệu quả các luận điệu sai trái, thù địch, kiên quyết bảo vệ Đảng trước sự tấn công của bọn phản động trong và ngoài nước.

Thứ tư, đứng về mặt tổ chức mà nói thì phải quyết tâm xây dựng đội ngũ, cán bộ tuyên giáo có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn cao, có phương pháp làm việc khoa học.

Chúng tôi xin kết thúc bài này bằng câu nói của Ủy viên Bộ Chính trị,Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng: “Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác, mỗi cán bộ tuyên giáo phải ra sức cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Mỗi cán bộ tuyên giáo dù ở vị trí nào cũng luôn luôn tự hào là người làm công tác tuyên giáo của Đảng với tinh thần góp phần tích cực thực hiện nghị quyết của Đảng”(1).

 

 

 

(1). Bài phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác tuyên giáo năm 2019, triển khai công tác năm 2020.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443897

Hôm nay

2148

Hôm qua

2307

Tuần này

21710

Tháng này

219071

Tháng qua

112676

Tất cả

114443897