Người xứ Nghệ

Nguyễn Trung Hiếu: Nhà giáo - Nhà nghiên cứu - Nghệ sĩ tài hoa và nhân cách

1. Từ những năm 50 của thế kỷ XX, ở xứ Nghệ, đặc biệt vùng Diễn Châu, người ta truyền nhau về một cái tên thật đẹp: Nguyễn Trung Hiếu. Rồi, theo thời gian, và vượt ra khỏi không gian một vùng, cái tên Nguyễn Trung Hiếu ngày càng lan xa với không ít những khơi gợi sự chú ý, ngóng chờ, nhất là trong thế giới học đường. Phải đợi đến những năm 70, 80 của thế kỷ XX, người ta mới biết nhiều hơn, rõ hơn người mang cái tên đẹp ấy với sự sắc sảo, độc đáo, tài hoa không dễ có là một nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học, một “họa sĩ tài tử”.

 

Nguyễn Trung Hiếu (Ảnh: BMĐ)

Nguyễn Trung Hiếu sinh ngày 05.5.1925, trong một gia đình nhà nho nghèo tại xã Diễn Bình, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Thân phụ là Nguyễn Trung Điền, vì “muốn san bằng đại nhục”, quyết dấn thân theo con đường cách mạng của chí sĩ Phan Bội Châu, sang Nhật (đi đợt cuối cùng, nhưng vừa đến Quảng Châu Trung Quốc thì phải quay về, vì vừa lúc nhà ái quốc Phan Bội Châu bị Nhật trục xuất). Cụ Nguyễn Trung Điền mất năm 1932, khi Nguyễn Trung Hiếu vừa bước vào tuổi thứ 8.

Chịu ảnh hưởng sâu sắc truyền thống quê hương, gia đình và tính cách con người xứ Nghệ, đặc biệt là từ người cha - một nhà nho khí tiết cuối mùa, Nguyễn Trung Hiếu sớm tham gia Cách mạng([1]), những mong Thiếtnghĩ làm xong nghĩa nước; Yên tâm cái phận làm Người([2])

Năm 1959, Nguyễn Trung Hiếu vào học đại học (Khóa 1, Ban Văn - Sử, Trường ĐHSP Vinh). Sau khi thi tốt nghiệp đại học với kết quả xuất sắc, ông được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy. Từ đây, ý thức về “phận làm Người” của Nguyễn Trung Hiếu trong môi trường mới càng ngày càng thường trực, lay thức ông hơn, cả trong đời sống và trong học thuật.

 

2. Phận làm Người”, hơn nữa là người Thầy, trong bối cảnh đầy khó khăn, thiếu thốn những năm 60, 70, 80 của thế kỷ XX gian khổ trăm bề; với người trí thức trong môi trường đại học, càng khó khăn bội phần và không phải không phức tạp. Thói thường, sự túng thiếu, đói khát dễ làm cho con người ta hư tính, tha hóa, quen thói xét nét; những ai giàu cá tính thật khó sống. Vấn đề nhân cách, phẩm giá, lòng tự trọng, với Nguyễn Trung Hiếu, dĩ nhiên, ông đặt lên hàng đầu. Điều đáng nói ở đây là, nhân cách, phẩm giá, lòng tự trọng ấy đối với người cán bộ giảng dạy đại học, ông quan niệm phải được xây dựng và thể hiện rõ trên ba loại hoạt động cơ bản: lối sống, giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Về lối sống, ông hết sức tôn trọng cá tính, sẵn sàng chấp nhận bị ghét bỏ, nhưng tuyệt đối không bao giờ hèn hạ, không để ai có thể coi thường mình. Ông đánh giá cao Văn Như Cương (CBGD khoa Toán ĐHSP Vinh lúc bấy giờ) dám nuôi lợn trên tầng cao khu chung cư, đặc biệt dám “lố lăng” để tóc, râu tự do theo sở thích/ đối nghịch với bao kẻ nhờ hình thức “tóc Lênin”, “râu Mao Chủ tịch” mà tìm cơ hội “lên lớp” người khác về đạo đức, tư cách, tác phong,... Trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, ông không ngại phê phán và dứt khoát bất hợp tác với bất cứ ai chỉ biết “ăn theo”, “nói theo” mà không có chủ kiến, không có đóng góp riêng, lười suy nghĩ, thiếu sáng tạo. Và ngược lại! Hoàng Ngọc Hiến là một trong những người được ông rất nể trọng vì ông Hiến là con người của suy nghĩ. Có lần ông “chê” (thực ra là khen) Hoàng Ngọc Hiến: “Nghe ông Hiến giảng dạy rất mệt, vì ông ấy vừa dạy vừa suy nghĩ”, nghĩa là “ông Hiến dạy những điều từ trong đầu mình sản ra chứ không phải mượn từ đầu của người khác”.

Luôn có chủ kiến (phần lớn là sắc sảo, độc đáo, mới mẻ) trên cơ sở của một bản lĩnh vững vàng với những nỗ lực suy ngẫm, tìm tòi, khám phá không biết mỏi và khả năng nắm bắt nhanh thần thái đối tượng, là một đặc điểm nổi bật trong phong cách giảng dạy cũng như nghiên cứu khoa học (kể cả trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo) của Nguyễn Trung Hiếu. Không phải ngẫu nhiên mà có bao nhiêu thế hệ học trò được học Thầy Nguyễn Trung Hiếu là có bấy nhiêu thế hệ có ấn tượng sâu sắc về Thầy. Bài giảng hay bài thuyết trình của Thầy bao giờ cũng gây chú ý, tò mò ngay từ đầu. Người ta háo hức chờ đợi những bí ẩn thú vị xuất hiện. Và, đúng như thế! Những “bí ẩn” về đối tượng (nhiều khuynh hướng, trào lưu, tác gia, tác phẩm văn học Việt Nam và thế giới) được khai mở, thu hút người nghe nhờ cách nhìn, những phát hiện mới và cả cách diễn đạt hấp dẫn, đích đáng của Thầy. Nguyễn Trung Hiếu giỏi “chinh phục” người nghe bằng những ý kiến sắc sảo dựa trên vốn hiểu biết sâu rộng và khả năng bao quát, nắm bắt bản chất đối tượng/ vấn đề cần chiếm lĩnh của mình. Thầy là một nhà giáo uyên thâm, cực hóm, luôn biết tạo ra quá trình tự nhận thức ở người học, biết bắt học trò động não, tự tìm chân lý từ những gợi ý thâm thúy của mình (thường là bằng những ẩn dụ “độc”, “lạ”). Nghe Thầy Hiếu giảng hay thuyết trình, học trò hệ đại học cũng như sau đại học dễ bị thôi miên, “say”, khoái, từ đó mà quên ghi hoặc chẳng biết ghi thế nào (Thực ra, điều này cũng nằm trong chủ trương của ông từ sớm: chống lối dạy bắt học trò cứ “ghi ghi, chép chép”).

Bài giảng lên lớp của Nguyễn Trung Hiếu chỉ có viết bằng tiếng Pháp, hoặc bằng chữ Hán. Văn học Pháp đã được ông viết thành giáo trình (Văn học Pháp thế kỷ XVII([3]); Nền văn học cổ điển Pháp Văn học Pháp thế kỷ XIX([4])). Rất tiếc là văn học Việt Nam (chủ yếu là ở nửa sau thế kỷ XIX) ông chưa biên soạn thành giáo trình mà chỉ có bài giảng; bài giảng lại được soạn rất phóng túng, tài tử (cũng bằng tiếng Pháp hoặc chữ Hán), và thường giảng đến đâu, ông xé làm giấy cuốn thuốc hút “tại trận” đến đó.

Có thể thấy ở Nguyễn Trung Hiếu, vừa có cái nghiêm cẩn, trách nhiệm của kiểu nhà nho chính đạo; vừa có cái buông bỏ, bất cần của kiểu nhà nho ẩn dật; lại vừa có cái phóng túng, ngang tàng của kiểu nhà nho tài tử. Không ít khi, thích thú với một phát hiện nào đó, ông cười tủm tỉm, nếu tinh ý, có thể nhận thấy ở ông có chút hóm nghịch của Yên Đổ (Nguyễn Khuyến) và cả nét trào tiếu tinh quái của Molìere,…

Trong tư cách một người thầy, ít ai thương trò được như Thầy Nguyễn Trung Hiếu. Hàng năm, sinh viên ra trường, ai lên gặp Thầy hầu như cũng đều được Thầy viết thư giới thiệu, tiến cử đến những nơi mình muốn đến. Có trường hợp, Thầy đích thân dẫn trò vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại đến gặp người có khả năng, quyền lực trong tiếp nhận, giải quyết việc làm, xin việc cho học trò (trong lúc việc riêng của Thầy, Thầy triệt để, tuyệt đối không bao giờ phiền lụy, nhờ vả ai).

 

3. Hoạt động giảng dạy ở đại học có đặc thù và yêu cầu thiết yếu là gắn liền với hoạt động nghiên cứu khoa học. Đây là điểm mạnh và là lý do cơ bản tạo nên ưu thế của Nguyễn Trung Hiếu. Do có năng lực vượt trội về chuyên môn và ngoại ngữ (nhất là tiếng Pháp), Nguyễn Trung Hiếu sớm tiếp cận được nhiều nguồn tri thức hiện đại từ phương Tây, và ông đã kịp thời dịch, giới thiệu một số công trình với bạn đọc([5]). Am hiểu khá nhiều lý thuyết nghiên cứu, phê bình văn học nghệ thuật, từ Thẩm mỹ học Mác-xít (Cosmetology Marxist), Phong cách học (Stylistics), Thuyết người đọc(Reader Theory) đến Phân tâm học (Psychoanalysis), Chủ nghĩa hiện sinh (Existentialism), Cấu trúc luận (Structuralism), Lý thuyết thông tin (Information Theory), v.v… nhưng, điều đáng chú ý là ông không gò mình, nô thuộc theo bất cứ một lý thuyết nào, vì dường như ông thấy được giới hạn của từng lý thuyết, nhất là khi vận dụng vào nghiên cứu các hiện tượng văn học cụ thể. Không phải không có cơ sở khi ông cảnh báo: “Văn học đã từng bị co đi bóp lại vì nhiều thứ lý thuyết xa lạ, khiến văn học xa dần con người”([6]).

Bằngtrực cảm, trực giác nghệ thuật tinh nhạy (trong cảm nhận, thẩm định các hiện tượng văn học) và bản lĩnh khoa học vững vàng (trong tiếp nhận tinh thần các lý thuyết ở cả hai mặt ưu thế và bất cập), Nguyễn Trung Hiếu là người ráo riết, nỗ lực kiến tạo một cái phông/ nền lý thuyết (trên cơ sở lấy lý thuyết hệ thống/ Systemic Theories ở mặt ưu thế và phù hợp làm chỗ dựa cơ bản) khả dĩ có thể giúp mình tiếp cận, khám phá các hiện tượng văn học một cách hữu hiệu. Điều ông lo ngại nhất và luôn khuyến cáo là bệnh xa rời đặc thù của văn học, từ đây mà đẻ ra bao nhiêu thứ tệ hại khác trong giảng dạy và nghiên cứu, phê bình, làm “tha hóa văn học”, “đánh lẫn văn học vào tâm lý học, nhân chủng học, xã hội học dung tục”. Cần phải “chống lại việc tha hóa văn học, chống những xu hướng méo mó của một số lý thuyết, chống xu hướng biến tác phẩm văn học thành tài liệu minh họa, biến hình tượng thành công cụ đơn giản của những luận đề”([7])

Chuyên luận Về tính hệ thống của văn học của ông ra đời trên tinh thần đó. Theo ông, “Khoa học hiện đại xếp đối tượng nghiên cứu thành ba phạm trù là: phạm trù cấu trúc (gồm các vật thể đối tượng của các khoa học về tự nhiên), phạm trù chức năng (gồm các sự vật do con người tạo ra để thực hiện những chức năng nhất định), phạm trù hệ thống (gồm các hiện tượng phát ra từ sự tương tác của các thành tố trong hệ thống). Tác phẩm văn học thuộc phạm trù nào? Ông xác định: “Tác phẩm là một hệ thống gồm nhiều hệ thống”; “Tính hệ thống là thuộc tính của tác phẩm, của hình tượng, của phong cách sáng tạo”([8]). Cấu trúc, sự vận hành và vai trò của nó trong nhận thức văn học với những nội dung đặc thù cũng đã được ông chỉ ra một cách xác đáng: Cấu trúc của ngôn ngữ nghệ thuật làm nẩy ra một nội dung tổng hợp, nằm ngoài ngữ nghĩa đơn tuyến của văn bản; Nội dung tổng hợp bất ngờ, mới lạ đó là từ chỉnh thể của một tập hợp; Tập hợp do cấu trúc của hình tượng tạo ra có thể gọi về với nó những tập hợp khác cùng hệ qua liên tưởng của độc giả và do đó tạo ra vận động của nhận thức tổng hợp thẩm mỹ; Tập hợp có sức làm nẩy ra nội dung nhận thức tổng hợp đó không thể tùy tiện mà phải tuân theo luật hệ thống([9]). Trong một tác phẩm hay hệ tác phẩm, “cái quan trọng chưa phải là lượng chi tiết được tập hợp mà là cái chất hệ thống xuất hiện trong tập hợp đó”([10])

 Với quan điểm hệ thống ấy, ngay từ những năm 70 (thế kỷ XX), Nguyễn Trung Hiếu đã đề cập và đi sâu vào nhiều vấn đề của văn học nghệ thuật trên cả hai phương diện lý thuyết và thực tiễn sáng tác: Văn bản nghệ thuật và văn bản của các loại nhận thức khác;Cấu trúc ngôn ngữ văn học, cấu trúc thẩm mỹ;Sự khác nhau giữa cấu trúc thẩm mỹ và các loại cấu trúc “lôgic” suy lý, cấu trúc bản tin; Cái nhìn của tác giả;Không gian, thời gian trong tác phẩm văn học;Thi pháp và Phong cách học nghệ thuật;Hình tượng và điển hình;Cái đơn nhất và cái phổ quát trong văn học;Tư tưởng chủ đạo, ý thức và nhận thức trong văn học; Vai trò của độc giả;Phương pháp tiếp cận văn học;Những ưu thế và bất cập của một số lý thuyết:Phản ánh luận, Mỹ học Mác xít, Chủ nghĩa hiện sinh, Phân tâm học, Cấu trúc luận, Lý thuyết thông tin, v.v...

Cũng theo Nguyễn Trung Hiếu, “Cái khó về con người mà các khoa học phải chừa ra, đấy là số phận của từng cá nhân. Nó vừa có quy luật lại vừa đầy tính ngẫu nhiên, bất thường”; “Xưa nay, những kiệt tác của nhân loại có sức sống trường tồn chỉ vì nó đã bấm đúng vào cái hiện thực sinh tử của những số phận, vào cái bài toán của lẽ sống ở đời vừa mang tính cá biệt thực sự của một con người lại vừa động đến cái bí quyết về nhận thức cuộc sống có tính phổ quát”([11])...  

Nhất quán, thủy chung với quan điểm hệ thống, cái nhìn văn hóa và ý thức kiên quyết chỉ cho ra đặc thù của văn học, Nguyễn Trung Hiếu đã khảo sát, phân tích, luận giải, đối sánh, đúc kết qua nhiều hiện tượng văn học (tác giả - tác phẩm - thể loại) cụ thể trong văn học Việt Nam (đặc biệt là Nguyễn Du với Truyện Kiều; Nguyễn Đình Chiểu với Lục Vân Tiên, Ngư Tiều y thuật vấn đáp,Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc; Trần Tế Xương với Sông lấp,Thương vợ; Nam Cao với một số tác phẩm, nhất là truyện ngắn Chí Phèo, v.v…) và văn học thế giới (tiêu biểu là: Corneille với các bi kịch Lơxit,Orax; Molière với các hài kịch Táctuyp, Lão hàtiện; Victor Hugo với các tiểu thuyết Nhà thờ Đức bà Pari, Những người khốn khổ; Stendhal với các tiểu thuyết Đỏ và đen, Tu viện thành Parma; Balzac với Cha Gôriô, Ơgiêni Grăngđê; L.N. Tolstoy với Chiến tranh và hòa bình, Anna Karenina; M.A. Sholokhovvới Sông Đông êm đềm; Số phận một con người, v.v…).

Tất cả các công trình, bài viết của Nguyễn Trung Hiếu cho thấy ông không bao giờ rơi vào cáchnói dễ dải, chung chung hay tùy hứng, “nói lấy được”; trái lại, quyết tìm cho bằng được hạt nhân, gọi cho được đặc thù của đối tượng/ vấn đề, sát, đúng với đặc thù của văn học. Các trang viết của ông tuy có chỗ hơi cầu kỳ gây cảm giác rối, nhưng được viết thực sự tài hoa, vừa rất trí tuệ, vừa giàu tính tạo hình và biểu cảm, giàu chất thơ. Thiếu cái sắc sảo trong tư duy và độ sâu của tấm lòng, thiếu sự thẩm thấu trong cảm nhận đối tượng và cái “chất hệ thống” (systémicité) trong kiến tạo - tổ chức diễn ngôn, khó có thể viết nên những trang văn đầy sức thuyết phục, say người như trong Cái Nghĩa của Nguyễn Đình Chiểu và tấm lòng ý chí Việt Nam, Để hiểu Đồ Chiểu rõ hơn về mặt nghệ thuật, Tú Xương với Sông lấp, Truyện Kiều trong yêu cầu đổi mới của khoa nghiên cứu văn học hiện nay, v.v…

Trong nhiều nội dung và vấn đề về cả lý thuyết và thực tiễn nghiên cứu, phê bình văn học (và rộng ra là cả văn hóa, nghệ thuật) mà Nguyễn Trung Hiếu đã dày công tìm hiểu, thực thi, ngày nay có một số nội dung và vấn đề đã bị lịch sử vượt qua hoặc thay đổi (nhất là những nội dung thuộc chương trình ngữ văn trong học đường trước những năm 80 của thế kỷ XX). Nhưng những phân tích, luận giải, đánh giá, đề xuất của ông ngay ở những trường hợp bị lịch sử vượt qua ấy, giờ đây, không phải không còn có ý nghĩa…

 

4. Ngoài giảng dạy, nghiên cứu khoa học, dịch thuật, Nguyễn Trung Hiếu còn say mê, hào hứng đến với sáng tạo thi ca, nhiếp ảnh và hội họa (nhất là hội họa) như một nghệ sĩ tài tử. Ông thích thú, xem đây như một trò chơi trí tuệ - tâm hồn, một trò chơi văn hóa tao nhã (những năm cuối đời, ông còn lấy lá số tử vi - cũng là một trò chơi văn hóa của ông, được nhiều người tin yêu tìm đến, tâm đắc, chia sẻ). Dõi theo sản phẩm những hoạt động này của ông, có thể thấy rõ thêm sự đa dạng và thống nhất trong phong cách tài hoa; sự tinh nhạy, độc đáo trong cái nhìn của ông về con người và cuộc đời từ thế giới thực tại đến thế giới nghệ thuật.

Về sáng tác và phê bình thơ của Nguyễn Trung Hiếu, hiện tìm thấy 3 tác phẩm: Chào đứa con ra đời (thơ, 1975), Tặng cụ Hoàng Xuân Hãn (thơ, 1988), Thơ Đào Phương (tiểu luận phê bình)… Có thể thấy ở đây niềm xúc động trào dâng và ít nhiều quan niệm thơ của ông từ những niềm vui trong thực tại (về ngày đứa con - “thế hệ 2000” ra đời”; về một mẫu hình trí thức hiện đại nặng lòng với truyền thống, khát “Đề trí dưỡng nhân”, vấn vương“Hồn Nguyễn Thiếp vẫn vờn cao đỉnh bạc”; về một tiếng thơ “có tiếng vọng không ngắn và có tầm viễn thị”). Và, cũng ở đây, hàm chứa cả những nỗi lo xen lời cảnh báo cho tương lai người Việt (sau năm 2000) về “thế chủ”, thế nô”, về mầm tha hóa có thể mọc dậy bởi thói tật “Lượm rác đời làm giá hư vinh; Mót ti tiện bơm lên thành Nghĩa Cả”…

Về nhiếp ảnh, ông chụp và tự làm ra ảnh khá nhiều, nhưng chủ yếu để tham khảo, phục vụ cho hội họa (Trước những năm 80/ thế kỷ XX, chỉ có máy cơ, chụp bằng film đen trắng, người chụp, phần lớn phải tự mình tráng film, phóng ảnh thủ công).

Về hội họa, ông để lại khoảng 50 tác phẩm, khắc họa chân dung nhiều đối tượng khác nhau: chân dung tự họa; chân dung người thân(đặc biệt người mẹ của ông); vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong thời chiến, thời bình; vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Việt Nam (từ gợi hứng của một số tác phẩm văn học); vẻ đẹp và thần thái của các nhân vật văn học: Kiều Loan trong kịch thơ Kiều Loancủa Hoàng Cầm; Thúy Kiều, Thúy Vân, Kim Trọng trong Truyện Kiềucủa Nguyễn Du,... Đặc biệt, Kiều (của Nguyễn Du) “tài sắc ai bì” được Nguyễn Trung Hiếu dành cho nhiều bức họa thần tình (Trước đó, ông đã dành nhiều trang tiểu luận tâm huyết phân tích, luận giải số phận “tài hoa bạc mệnh” của Thúy Kiều, cái giá bất tử của Truyện Kiều, tính phổ quát và ý nghĩa “tiên tri dự báo” của mệnh đề “Tài, Mệnh tương đố”)([12])...

“Ông trời nhiều khi chơi ác” với… Người Tài. Nghiệt ngã quá!  Ngày 15 tháng 9 năm 1995, nhà giáo - nhà nghiên cứu - nghệ sĩ tài hoa Nguyễn Trung Hiếu do trọng bệnh đã ra đi mãi mãi trong sự buồn đau, tiếc thương vô hạn của bao người([13])

 Thác là thể phách còn là Tinh anh

(Kiều - Nguyễn Du, tranh/ bột màu trên giấy: Nguyễn Trung Hiếu)

5. Xưa nay, “những đấng tài hoa”, “Thác là thể phách, còn là tinh anh” (Nguyễn Du - Truyện Kiều)! Hãy còn đây, “Tinh anh” mà Nguyễn Trung Hiếu để lại cho đời - những công trình, những tác phẩm độc đáo (bao hàm cả nghiên cứu, phê bình và sáng tác nghệ thuật) giàu giá trị văn hóa, khoa học và nhân văn được tập hợp trong cuốn sách với tên gọi Về tính hệ thống và đặc trưng của văn học, nghệ thuật (do học trò của ông sưu tầm, tập hợp, biên tập; Nxb Đại học Vinh, 2020).Cuốn sách sẽ là món quà, là nguồn tư liệu thực sự quý giá đối với bạn đọc. Hy vọng cuốn sách như một nén hương thơm thành kính tưởng nhớ, là niềm tri ân sâu sắc đối với một người Thầy chân chính, một trí thức lớn, một nghệ sĩ tài hoa.

 

 

 

 

 

 

 

 


(*). PGS.TS, Trường Đại học Vinh.

([1]). Trước tháng 9/1945: “Tham gia công tác Việt Minh bí mật ở Tổng” với bí danh Hoàng Văn Xích; 11.11.1947: vào Đảng CSVN; 1948 - 1951: Phụ trách công tác thanh niên, mặt trận, PBT cấp ủy; 1952 - 1958, lần lượt đảm nhận các công việc: UV Ban Tuyên huấn Huyện ủy Diễn Châu; Cán sự tiểu phân đoàn, Thường vụ Công đoàn, Bí thư chi bộ liên trường, Hiệu trưởng liên trường Trung học bình dân Diễn Châu.

([2]). Lời thơ Nguyễn Trung Hiếu trong bài Chào đứa con ra đời (1975).

([3]). Lịch sử văn học phương Tây (Giáo trình dùng cho Đại học Tổng hợp và Đại học Sư phạm), Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1963, tr. 296 - 360; tái bản 1979,tập I, tr.159 – 224.

([4]). Văn học nước ngoài (Giáo trình dùng cho CĐSP), Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1993,  tập III, tr.91 – 163.

([5]). Khá nhiều tài liệu do Nguyễn Trung Hiếu dịch từ các bản tiếng Pháp, từ những năm 70 (thế kỷ XX) được Trường ĐHSP Vinh cho in roneo, đưa vào thư viện của Trường. Chẳng hạn như: Phong cách nhà văn và sự tiến triển văn học của M.B. Khrapchenko, Thẩm mỹ học Mác-xít và thực tại của A. Egorop, Thẩm mỹ học hiện đại và cơ sở triết học của nó của M. Opxian Nikop, Sáng tạo nghệ thuật và lý thuyết về sự phản ánh của K. Đongop, Hình tượng trong nghệ thuật hiện thực của A. Ziss, Tính cách điển hình của A.A. Bagienova, v.v… Ông còn có công trình mang tên Phê phán sự “Phê phán chủ nghĩa hiện sinh” của Đỗ Đức Hiểu (trong đó có kết hợp với việc giới thiệu Chủ nghĩa hiện sinh) nhưng nay chưa tìm được.

([6]). Nguyễn Trung Hiếu, Về tính hệ thống của văn học, Trường ĐHSP Vinh xb, 1983, tr.87.

([7]). Nguyễn Trung Hiếu, Về tính hệ thống của văn học, Trường ĐHSP Vinh xb, 1983, tr.87.

([8]). Nguyễn Trung Hiếu, Về tính hệ thống của văn học, Sđd, tr.6.

([9]) . Nguyễn Trung Hiếu, Về tính hệ thống của văn học, Sđd, tr.8.

([10]). Nguyễn Trung Hiếu, “Để hiểu Đồ Chiểu rõ hơn về mặt nghệ thuật”, Tạp chí Văn học, số  4/ 1982, tr.7 – 13 và  tr.22.

([11]). Nguyễn Trung Hiếu, Về tính hệ thống của văn học, Sđd, tr.22.

 

([12]). Xin xem Nguyễn Trung Hiếu: 1, Về tính hệ thống của văn học, Trường ĐHSP Vinh xuất bản, 1983, tr.57 - 70; 2, “Truyện Kiều trong yêu cầu đổi mới của khoa nghiên cứu văn học hiện nay”, Tạp chíVăn học, số 6/ 1986, tr.128 - 134.

([13]). Xin xem: Biện Minh Điền, Nhớ về một thế hệ vàng những người Thầy của tôi, http://vinhuni.edu.vn/ky-niem-60-nam-thanh-lap-truong/seo/nho-ve-mot-the-he-vang-nhung-nguoi-thay-cua-toi-93455.

 

 
 


 
 
 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114520886

Hôm nay

2254

Hôm qua

2339

Tuần này

21927

Tháng này

218825

Tháng qua

121009

Tất cả

114520886