Văn hóa và đời sống

Gia đình là nhân tố quan trọng hàng đầu trong hình thành nhân cách trẻ

Thời gian gần đây, hẳn chúng ta đều cảm thấy bức xúc, xót xa trước những video liên tục được chia sẻ trên mạng xã hội như: con gái đánh, chửi mẹ già thậm tệ tại Long An; bé gái 6 tuổi bị cha đánh đập tàn nhẫn tại Sóc Trăng; bé 4 tuổi bị cha mẹ bạo hành dã man ở Bình Dương;…. Những video ấy khiến không ít người bàng hoàng nhưng, đáng buồn thay, đó mới chỉ là một phần của thực trạng xã hội hiện nay với đầy rẫy tệ nạn xã hội, bạo lực học đường, bạo hành gia đình,...

Thật khó có thể tin hình ảnh con cái đánh, giết cha mẹ; bố, thậm chí là ông cưỡng bức, xâm hại con, cháu mình,… là thật trên đất nước Việt Nam này chứ không phải chi tiết rùng rợn trong một bộ phim ở đất nước xa xôi nào đó. Cùng với sự xuống cấp đạo đức, lối sống trầm trọng ấy là sự lung lay của các mối quan hệ trong gia đình. Tỉ lệ ly thân, ly hôn, đặc biệt là ở các cặp vợ chồng trẻ ngày càng tăng; những bữa cơm hàng ngày có đầy đủ thành viên trong các gia đình dần trở nên hiếm hoi,… Tất cả những gì đang diễn ra ấy đủ để chúng ta phải giật mình đặt câu hỏi: Tại sao nhiều chương trình đã được triển khai, Đề án “Tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010-2020” đã đi đến cuối chặng đường, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình được thực hiện thí điểm mà những bất cập trong vấn đề này không có dấu hiệu được khắc phục, nếu không muốn nói là ngày càng đáng buồn hơn?

Vụ con gái bạo hành mẹ ở tỉnh Long An

Có lẽ chừng ấy đủ để nói lên sự thiếu hiệu quả của các chương trình hiện nay về công tác gia đình. Nguyên nhân thì có lẽ đã rõ: hoặc nội dung không phù hợp; hoặc sai biện pháp, phương pháp; hoặc chỉ làm một cách hình thức. Điều đó, không chỉ gây ra sự tốn kém, lãng phí mà nguy hại hơn là khiến cho những vấn đề trong gia đình hiện nay không được chấn chỉnh mà còn có dấu hiệu nghiêm trọng hơn. Chính vì thế, đã đến lúc chúng ta cần nghiêm túc nhìn lại công tác gia đình, đặc biệt là giáo dục nhân cách trong gia đình để sớm có những điều chỉnh phù hợp.

Trước hết, cần để mọi người nhận thức rõ vai trò quan trọng của gia đình đối với việc hình thành nhân cách và chỉ cho họ thấy những sai lầm trong giáo dục con cái. Hiện nay, nhiều gia đình tập trung làm kinh tế, quá buông lỏng quản lý, giáo dục con; nhiều gia đình lại chiều chuộng, đáp ứng con vô điều kiện; một số thì áp đặt kiểu giáo dục khắt khe, lỗi thời; một số gia đình ly thân, ly hôn, không hạnh phúc dẫn đến để lại cho con những ảnh hưởng về mặt tâm lý, tình cảm. Đặc biệt, cha mẹ Việt ít khi lắng nghe, tìm hiểu nhu cầu tâm, sinh lý của con; đặt nặng áp lực học tập, thành công, buộc con chạy đua thành tích chỉ vì căn bệnh sĩ diện của mình,... Việc ít tâm sự, chia sẻ dẫn đến sự thiếu thấu hiểu lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình và bởi thế nên không khó hiểu khi tỉ lệ trầm cảm ngày càng có xu hướng gia tăng. Vì thế, điều quan trọng hàng đầu của chương trình tuyên truyền, giáo dục, đạo đức lối sống trong gia đình hiện nay là giúp phụ huynh nhìn nhận đúng vai trò, vị trí của mình cũng như của con trong gia đình. Phải làm sao để cha mẹ thấy được rằng những biến cố dù rất nhỏ trong gia đình cũng để lại cho trẻ rất nhiều ảnh hưởng về tâm lý; để họ thấy giáo dục con là quan trọng hàng đầu chứ không phải con và những nhu cầu của chúng là vị trí số một để từ đó tăng cường dạy con tính tự lập, chủ động và có trách nhiệm. Trong mỗi gia đình, cha mẹ là những người quan trọng nhất và con cái có nghĩa vụ phải kính trọng, chăm sóc song cũng không nên cho mình đặc quyền áp đặt, buộc con phải luôn làm theo ý mình. Xã hội luôn vận động, phát triển và nhiều thay đổi vì thế những người làm cha, làm mẹ nên cập nhật kiến thức, thay đổi tư duy nuôi dạy con, tôn trọng sự bình đẳng, cá tính và không gian riêng tư của con.

Cha mẹ, gia đình là nơi mỗi người được tiếp xúc, chịu ảnh hưởng đầu tiên và nhiều nhất trong đời. Chính vì thế, đó là nhân tố quan trọng hàng đầu trong hình thành nhân cách trẻ. Do đó, thay vì rót tiền vào những chương trình, dự án xa vời, chúng ta nên tập trung vào hướng dẫn những người sắp bước vào tuổi hôn nhân, những cặp vợ chồng cách nuôi dạy con sao cho đúng; vào gìn giữ các giá trị đạo đức trong mỗi gia đình Việt. Để làm được điều đó cần có sự nỗ lực, hành động quyết liệt, thực chất và phối hợp đồng bộ. Phải đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, làm trong sạch và lành mạnh lại môi trường sống, làm việc; tập trung giải quyết những vấn nạn của xã hội để lấy lại niềm tin trong nhân dân; xây dựng một chính quyền và xã hội nhân văn để từ đó khơi dậy những giá trị truyền thống tốt đẹp và hướng con người tới chân, thiện, mỹ.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441310

Hôm nay

227

Hôm qua

2283

Tuần này

21214

Tháng này

216484

Tháng qua

112676

Tất cả

114441310