Văn hóa và đời sống

Lũ lụt miền Trung: “Cương” thua “nhu” hay sự lãng quên thành tố nước trong văn hóa

Lũ lụt tại xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương, Nghệ An

Lũ lụt ở miền Trung với những hậu quả nghiêm trọng đã cho chúng ta thấy rõ sự khủng khiếp của thiên tai. Những hậu quả ấy giúp chúng ta nhìn rộng hơn đến triết lí phát triển hiện nay, đồng thời nhìn lại cách ứng xử của cha ông về một yếu tố cấu thành nên văn hóa Việt Nam - nước (GS. Cao Xuân Huy gọi là “triết lý nước”).

Một buổi sáng, trời bắt đầu mưa nhỏ, người bố đưa con đến trường. Trên đường di chuyển tầm 15 phút, đến nơi, sân trường ngập băng. Nhà trường thông báo nghỉ học. Chưa xoay xở kịp, chiếc xe đã bị ngập, phải gọi cứu hộ. Toàn thành phố, các phương tiện đường bộ bị thất thủ, một số người dân kết thân chuối thành bè di chuyển giữa quốc lộ.

Nước diễn biến quá nhanh. Chưa đầy 1 giờ đồng hồ, tất cả đã thành hình hài của nước. Nhìn lại thì cha ông đã khuyên: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Nước là vậy. Nó tạo hình ra sao là do con người. Nước lên nhanh là bởi những cản trở của đường, tường, nhà cửavà vô số công trình cơ man tên gọi… Những quy hoạch phát triển đã vô hình trung ngăn vách, tạo lối để nước bị o bế thành các dòng chảy. Trên bầu trời diện tích cũng chừng ấy, mặt đất cũng diện tích chừng ấy. Bao la là nước trên trời nhưng khi đổ xuống đất thì hình thể chứa đựng nókhông còn là “biển rộng, sông dài” mà là từng đường nội ô, từng ngõ xóm với 2 bên xây tường, tạo lối. Mưa càng tiếp, nước càng dồn ứtheo hình thể. Ngập là tất yếu.

Tuy nhiên, nói ngập, là cách ta nhìn từ mặt đất. Nếu nhìn từ yếu tố nước thì phải gọi là nước lên. Nước lên cũng chính là “nước nổi” - cha ông đã dùng từ này không biết từ hàng mấy trăm năm. Cách thích ứng của cha ông, bởi vậy, là: “Nước nổi, bèo nổi” - một cách dựa theo chứ không đối kháng. Ngay cả thần thoại “Sơn Tinh, Thủy Tinh” cũng chỉ là câu chuyện gửi gắm khát vọng chấm dứt thủy tai mà cha ông biết là không bao giờ có được: dời núi theo nước dâng(cha ông cũng nói: nhất thủy, nhì hỏa). Cái niềm tin và khát vọng ấy quan hệ sâu sắc với huyền thoại về cội nguồn khi cha ông đã “chia” 50 người con xuống biển, 50 người con lên non như một nhắc nhở rằng: Chúng ta là con của văn hóa dân chài (nước) và văn hóa vùng đồng bằng (yếu tố Mã Lai kết hợp với yếu tố Tày- Thái).

Nước nổi thì bèo nổi nên giao thông của cha ông thời ấy chủ yếu bằng thuyền. Dĩ nhiên, cũng do thời ấy giao thông đường bộ lạc hậu về cả hạ tầng và phương tiện. Nhưng, cách ứng xử ấy là rất thông minh và phù hợp với địa hình. Việt Nam là đất nước bán đảo, sông nhiều, lắm kênh rạch. Địa hình miền Trung cũng lắm dốc, nhiều đèo, nhiều con sông ngắn... Vì thế, trong lịch sử, giao thông đường thủy rất phát triển và hình thành cảnh trên bến dưới thuyền rất tấp nập, thậm chí hình thành các thương cảng như: Hội An (Quảng Nam), Hội Thống (Hà Tĩnh).

Nhưng, có vẻ từ lâu, chúng ta không còn yêu thích triết lí từ “nước”, nên đã bỏ thuyền cho những dân chài, vốn càng ngày càng thu hẹp về số lượng. Bởi vậy, giao thông đường thủy trong nội địa gần như là chuyện riêng của những người yếu thế. Thậm chí, chúng ta xem phương tiện ấy như trò chơi, như một cách thưởng lãm mây trời - du lịch trên truyền. Chính vì thế, khi nước nổi, nổi đến gần khuất cả nóc nhà, người dân vùng Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), Thanh Chương (Nghệ An) chỉ còn biết kêu cứu trên các trang mạng xã hội. Vì từ lâu, con thuyền xa lạ với họ. Và, nếu có thuyền, họ cũng chẳng thể chèo lái.

Sau những đêm hoảng loạn ấy, người ta đã tặng một cơ số thuyền cho người dân. Nhưng rồi, người ta lo ngại người dân không biết cách chèo thuyền. Vậy là, ở điểm này, nhìn về cha ông, chúng ta đã dường như càng dần xa gốc rễ. Chúng ta xem vận chuyển của cha ông là lạc hậu, bởi tin vào những con đường chạy dọc sông và kết nối các vùng. Nhưng, triết lí phát triển đã thất bại trong 2 trận tấn công của lũ lần này. Nước xõa bờ, không ai có thể di chuyển bằng đường bộ, cho dù vô số gia đình đã bỏ ra 1 - 2 tỷ đồng để mua ô tô. Thời khắc ấy, vô số người khát thèm một chiếc thuyền tầm 2 - 3 triệu và có thể chèo một cách linh hoạt, không sợ sóng nước.

Thiên tai đã lấy đi của chúng ta quá nhiều sức lực, của cải vật chất và cả nhiều tính mạng. Chúng ta cần phải xem xét lại những gì chúng ta đã coi là triết lí phát triển, của cái gọi là “cải tạo tự nhiên”, khắc chế tự nhiên. Hãy nhìn về những ứng xử của cha ông với lời khuyên: Ở bầu thì tròn. Chúng ta xây dựng rất nhiều khu đô thị nhưng rồi khu đô thị bị ngập. Chúng ta làm rất nhiều con đường nhưng thực tế của quá trình xây dựng là đường lớp sau phủ định lớp trước, đường năm trước thấp hơn những đường năm sau.

Và vì thế, để giải cứu những vùng dân cư rộng lớn, chúng ta đặt ra những con đường hàng trăm tỷ đồng với tên gọi là đường cứu hộ, cứu nạn. Hãy nhìn mà xem, đường cứu hộ có mặt khắp nơi như là chuyện phát sinh sau mỗi mùa mưa lũ. Ngày xưa đâu có thế! Thực tế, những con đường ấy như những đê quai, vì bản chất của nước là lỏng, tạo thành hình do be bờ, chắn lối. Ta đi trên một con đường thì thấy hả hê vì dễ di chuyển, nhưng nhìn vào tổng thể bức tranh ngập tràn nước thì thấy thật đau xót vì xóm làng, khối phố ngập trong nước. Và, ta thấy, hình như ta đã sai ở đâu đó khi không để cho nước có cơ hội lan ra thật rộng, thoát đi thật nhanh. Dân gian gọi đó là “thoát tự nhiên”, chứ không theo thoát quy hoạch - theo cống, mương.  

Chính tình cảnh này đã làm cho những cư dân ở các phường của TP Vinh, TP Hà Tĩnh - nơi định cư sớm nhất, trở thành nơi ngập sâu nhất. Nhìn rộng hơn, trên dải đất miền Trung và cả nước, có biết bao con đường đã phủ định những con đường có trước.

Đại lộ Lê nin - TP Vinh trong ngày lũ

Ngay ở nông thôn, chúng ta cũng đã lấy yếu tố “cương” để thay “nhu” - thay cả bờ tre, hàng dậu bằng những bức tường che chắn. Nước tạo thành các dòng sông cuồn cuộn từ trong làng, không thể thoát ra một cách tự nhiên, mềm mại qua bờ tre, gốc nứa. Nguy hiểm hơn, các đội tàu vùng biển lên vùng đồng bằng bị ngập lũ để cứu hộ (như vùng Thạch Long (Thạch Hà), Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên) lên xã Tân Lâm Hương (Thạch Hà), Cẩm Duệ, Cẩm Thành (Cẩm Xuyên) của tỉnh Hà Tĩnh) cũng vấp phải những cản trở từ tường rào, cổng ngõ khi ngập nước nên rất nguy hiểm. Giả sử, đó là một lũy tre, thì tre chính là lá cờ dẫn đường. Giả sử đó là hàng dậu thì thuyền cũng lướt đi rất nhẹ. Những yếu tố “cương” của tường rào, cổng ngõ gồm sắt thép, xi măng và cọc sắt nhọn đã thua “nhu” là cây tre mềm dẻo, là hàng dậu xanh. Đó là chưa nói, trong thiên tai, tre sẽ là dụng cụ phòng chống đứng vào hạng số 1, khi cần là có ngay một chiếc gậy, vô số lạt buộc, vô số cọc chèo chống, có thể kết thành bè nếu đã được phơi khô từ trước…

Trong triết lí phát triển mới, rời xa dần con thuyền, chúng ta cũng nới lỏng sự gắn bó với nguồn cội - với phẩm chất của cha ông. Người Việt xưa nổi tiếng giỏi lặn, bơi giỏi, lái thuyền thông minh. Từ phẩm chất này mà cha ông đã dựa vào nước để đánh giặc, làm nên bao trận lẫy lừng trên sông. Ngày nay đâu còn được phẩm chất phổ biến như thế. Nhìn vào sự bất lực của người miền Trung giữa mưa lũ, có lẽ, chúng ta phải cùng nhau thực hiện nhiều điều, ít ra là luôn nhớ về cha ông với triết lí “lấy nhu thắng cương” để lập kế hoạch phát triển phù hợp và ứng phó với thiên tai.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114523598

Hôm nay

2300

Hôm qua

2284

Tuần này

2300

Tháng này

221537

Tháng qua

121009

Tất cả

114523598