Người xứ Nghệ

Huyến ơi!

Dịch giả Đoàn Tử Huyến. Ảnh PT

Tuy đồng lứa và cùng học văn học Nga ở Liên Xô, nhưng vì học khác nơi, nên chúng tôi không quen biết nhau. Sau này, trước khi gặp anh, tôi đã được làm quen với Nghệ nhân và Margarita của M. Bulgacov mà anh đã dũng cảm dịch sang tiếng Việt. Dũng cảm, vì đây là cuốn tiểu thuyết mà tôi xem như kinh thánh của văn học Nga hiện đại. Kinh thánh theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Chính thống giáo - vấn đề văn hóa lớn, đã và đang còn rất xa lạ với người Việt Nam. Những người dịch và nghiên cứu văn học Nga thường né tránh đề tài này. Chẳng hạn, dịch giả Việt rất yêu Esenin và say đắm thơ ông. Hầu như toàn bộ thơ thế sự của ông đã được dịch sang tiếng Việt. Có những bài có tới cả chục phiên bản dịch khác nhau. Nhưng mảng thơ tôn giáo thì ít ai động đến. Mà nếu ai đó có động đến thì những bản dịch thường không thành công. Thơ viết về một điều cao siêu bí ẩn và khó hiểu, khó tiếp thu đối với dịch giả, mà nếu muốn dịch phải bỏ công đọc và học hỏi đến thấm. Nhưng dẫu có cất công làm được như vậy, thì người đọc Việt cũng khó lòng cảm nhận. Thế nên, việc Đoàn Tử Huyến dịch thiên tiểu thuyết “kinh thánh” này chính là một hiện tượng mà không phải ai cũng đánh giá được đầy đủ. Dịch và xuất bản cuốn sách này anh thừa biết chỉ phục vụ cho nhóm bạn đọc lựa chọn. Nhưng với ông “đồ gàn” xứ Nghệ có tầm nhìn xa này, không dịch kiệt tác của văn học Nga là có lỗi với dân tộc Nga, có lỗi với các thế hệ sau này của dân tộc mình. Anh dấn thân vào việc xuất bản sách, mở Trung tâm Văn hóa Đông - Tây, cũng chính là để phục vụ cho công cuộc truyền bá văn hóa, văn học thế giới, trong đó có văn học Nga, ở Việt Nam, góp sức vào công cuộc Khai Sáng chung của đất nước. Nhìn từ góc độ này mới thấy được tầm vóc của Đoàn Tử Huyến, một con người làm nhiều, nói ít, thường nép vào một bên chụp ảnh, quan sát, lắng nghe trong các cuộc hội thảo văn chương lớn, nhỏ.

Trung Tâm Văn hóa Đông - Tây, nơi anh điều hành, từ lâu đã thu hút được giới văn nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu văn hóa, văn học, trong nước. Nơi đây thường xuyên diễn ra những event giới thiệu tác giả, tác phẩm trong và ngoài nước. Nơi đây còn là một thư viện lớn phục vụ cho mọi tầng lớp, lứa tuổi, từ nhà nghiên cứu tới các cháu sinh viên. Và hàng ngày, mặc những gì diễn ra xung quanh, ông đồ xứ Nghệ vẫn cặm cụi chúi đầu đọc, viết một cái gì đó, bên cạnh cốc nước chè tươi, món uống khoái khẩu của dân Nghệ. Khả năng tập trung, thức thâu đêm làm việc, cho phép anh thường xuyên tụ bạ với bạn bè chiến hữu thân thiết, mà vẫn ra được những cuốn sách dịch có uy tín thuộc các thể loại khác nhau của văn học Nga. Cho phép anh trách cứ, lôi cuốn những người “thiếu tính mục đích” (lời của anh), như tôi. Có lần anh bảo, tôi biết sức đọc, sức viết của chị, nhưng mà tại sao chị không chịu ra sách vậy. Dân Nga học tụi mình giờ hiếm, làm nghiên cứu cũng cần dịch sáng tác. Và rồi thúc giục, đọc bản thảo giúp, cuối cùng khi đó tôi cũng ra được 2 cuốn, một, Truyện ngắn đương đại Nga, do Trung tâm tổ chức phát hành, một, Một ngày trong đời Ivan Denisevich của Solzenitshin, bên anh Triệu Xuân phát hành. Đoàn Tử Huyến ít khi khen ai ra mặt, nhưng bằng vào ánh nhìn hồ hởi và câu đùa khi cuốn Một ngày… ra đời: “Đàn bà con gái mà dịch tiếng lóng, câu chửi của bọn phạm cũng ra trò đấy nhỉ”, tôi biết mình được khen.

Kỉ niệm ùa về. Lúc này đây bạn bè chắc đã tụ tập đông đủ viếng anh ở nhà tang lễ và tiễn anh về với quê cha. Còn tôi, vì bị đau, không đến tiễn anh được. Ngồi trước máy tính viết những dòng này, chìm trong kỉ niệm, mường tượng khuôn mặt hiền hậu, ánh mắt thân thương của người đã đi xa. Còn nhớ, lâu rồi anh có nói với tôi: “Chả hiểu cuốn Nghệ nhân… có ma lực gì, mà hễ cứ ai động vào là cũng không xong. Này nhé, tác giả thì cực khổ tới tận lúc chết. Chết rồi sách vẫn không được in. Phim Nghệ nhân… ra đời thì ông đạo diễn và ông diễn viên chính lăn ra chết. Tôi vừa dịch xong cuốn sách thì ốm thập tử nhất sinh. May lừa được thần chết, qua được”. Cách đây 4 năm anh lại làm cú lừa thần chết lần thứ 2. Nhưng tới lần này, lão thần chết khôn ngoan, lừa được anh ra đi trong giấc ngủ.

Những tưởng anh sẽ khỏe dần và trở lại với công việc yêu thích, với bạn bè, với dự định mà chúng ta vẫn ấp ủ: dịch Bạch vệ - kiệt tác tiếp theo của Bulgacov. Vậy mà không thành. Những dự định không thành, những việc làm dang dở khi sức sáng tạo tưởng chừng vẫn tràn đầy, âu cũng là vận mệnh của những người như anh. Ta tiếc nuối, xót thương họ cũng chính bởi sự dang dở này.

Nhưng trong đời làm được nhiều việc như bạn dễ có mấy ai. Vậy hãy cứ thanh thản chốn ấy nhé, Huyến ơi!

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443280

Hôm nay

2171

Hôm qua

2305

Tuần này

21093

Tháng này

218454

Tháng qua

112676

Tất cả

114443280