Người xứ Nghệ

Nhớ Đoàn Tử Huyến

 Tôi quen biết Đoàn Tử Huyến từ khoảng đầu những năm 1980s. Trước biết sau quen. Thời ấy tôi vừa làm biên tập sách ở nhà xuất bản, vừa cộng tác viết báo, nên một trong những quan tâm thường ngày là xem bạn bè trong giới nói gì với nhau về các sách mới, bài báo mới, tin tức mới. Lúc ấy cái không gian văn hóa văn học bên ngoài (nước ngoài) mà giới mình có điều kiện để biết, buồn thay, chỉ là cái “không gian bạn bè” của giới lãnh đạo cấp trên! Mà các hiện tượng, “vật phẩm” biểu hiện ra, thường chỉ là bài báo cuốn sách do chính người mình dịch ra, in ra; với chỉ mỗi một nét khác biệt: tác phẩm nguyên bản là của nước ngoài, của nguồn Đông Âu, Liên Xô!

Tác phẩm của khu vực ấy được chú ý, thì đám biên tập viên xuất bản bọn tôi chăm chú tìm người trong số giảng viên mấy trường ngoại ngữ, trong số những người làm dịch thuật. Ngoài những tên tuổi đã quen như Nguyễn Thụy Ứng, Cao Xuân Hạo, Phạm Mạnh Hùng, Thúy Toàn, Lê Sơn, Phan Hồng Giang, Bằng Việt, Quang Chiến, v.v..., giới xuất bản và báo chí văn học “săn” thêm được những tay bút như Anh Trúc, Lê Khánh Trường, Phan Minh Châu, Vũ Đình Phòng, Vũ Đình Bình, Vũ Việt, Thái Bá Tân, Thái Hà, Lê Đức Mẫn, v.v… và v.v… Nơi thu hút được nhiều nhất từ nguồn nhân lực này hồi ấy chính là Nhà Xuất bản Lao động. Anh Ma Văn Kháng từ Lào Cai chuyển về tham gia ban biên tập Nhà Xuất bản Lao động, hình như đã tạo ra một sức hút đáng kể. Dạo ấy có thể kể được hàng chục nhà giáo dạy tiếng Nga trở thành cộng tác viên mảng sách dịch cho mấy nhà xuất bản ở Hà Nội; hơn nữa, còn có thể kể được dăm người bỏ nghề dạy học chuyển sang nghề làm sách!

Đoàn Tử Huyến xuất hiện trên văn đàn chính vào những năm đầu 1980s ấy. Nay tra cứu thì cuốn sách anh dịch được xuất bản đầu tiên là truyện dài “Đường ray bạc” của nhà văn Xô-viết Vladimir Chivilikhin (bản dịch, Nxb. Lao động, 1982). Nhưng bạn văn thì đánh dấu trí nhớ của mình về dịch giả Đoàn Tử Huyến bằng cuốn “Trái tim chó”, truyện vừa của nhà văn Nga Xô-viết Mikhail Bulgakov (bản dịch, Nxb. Lao động, 1988), ra mắt khá lâu trước khi anh làm xong và đưa in bản dịch kiệt tác của M. Bulgakov: “Nghệ nhân và Margarita” (Trung tâm VH-NN Đông Tây & Nxb. Lao động, 2006). Tính đến lúc in bản dịch “Trái tim chó” (1988), dịch giả này đã in đến mươi cuốn sách dịch. Còn tính đến năm 2010, theo sách ghi danh hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, dịch giả Đoàn Tử Huyến đã có chừng trên 40 cuốn sách dịch được xuất bản.

Còn nhớ, lần đầu tiên tôi xúc tiếp riêng với Đoàn Tử Huyến thì anh đã là chủ một trung tâm làm sách, thuê trụ sở ở 37 Hai Bà Trưng, gần đối diện nhà xổ số Hà Nội lúc ấy, lại cũng không xa trụ sở Phát hành sách Trung ương. Hôm ấy, Huyến hẹn nói chuyện một buổi với tôi, để nêu những nhận xét của anh về trạng thái sách dịch xuất bản mấy năm cuối 1980s - đầu 1990, nhất là điều mà anh cho là “hiện tượng”: sự xuất hiện loại sách dịch “tiểu thuyết Mỹ” với một số nét chung dễ nhận biết, nhiều tính giải trí hơn là tính văn học. Anh đề nghị tôi lưu ý nhận định của anh, và dùng tài liệu anh cung cấp đó viết lên báo. Thì ra, lúc ấy Huyến đã vào khá sâu trong giới làm sách rồi, đã biết khá kỹ tình hình thị trường sách của ta rồi!

Vốn là học trò Nghệ Tĩnh được đưa sang du học Liên Xô, anh Huyến học ngữ văn nên thạo cả tiếng Nga lẫn văn học Nga. Về nước được phân công dạy ngữ văn tại khoa Nga văn, Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, rồi anh lại có dịp sang Nga một vài lần nữa. Nhưng hoạt động dịch thuật lôi cuốn anh, hoạt động làm sách cũng lôi cuốn anh. Từ trường đại học, năm 1983, anh chuyển về Nhà Xuất bản Lao động. Rồi, không yên phận với công việc một biên tập viên và một dịch giả, Đoàn Tử Huyến muốn tự mình trở thành nhà xuất bản, can dự công việc tổ chức xuất bản phát hành sách. Tham vọng ấy ban đầu dường như vượt khỏi quy chế, bởi hoạt động ấy là đầu tư, là kinh doanh, mà kinh doanh tư nhân hay nhóm tư nhân ở lĩnh vực văn hóa, lúc ấy lại chưa được chấp nhận!

Dịch giả Đoàn Tử Huyến và nguyên Tổng  Biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ An Phan Văn Thắng. nguồn ảnh fb phanvanthangvhna

Để có thể hoạt động, Đoàn Tử Huyến (và những người có hoạt động tương tự) phải thiết lập sự liên kết với các đơn vị hoặc cơ sở quốc doanh. Anh và ê-kíp của anh (gồm đến hàng chục nhân viên), nhiều năm ròng, phải hoạt động “vô danh”. Họ nghĩ ra đề tài sách, tìm cộng tác viên, tiến hành biên tập thành bản thảo, đưa tới một nhà xuất bản nào đấy làm thủ tục, xin giấy phép, rồi tự mình liên hệ thuê in, ra sách, trả nhuận bút cho tác giả, đưa sách đi phát hành, nhưng vẫn là “vô danh”; trên ấn phẩm không hề có bất cứ dấu vết gì chứng tỏ đó là sản phẩm do anh và các cộng sự thực hiện! (Tôi viết điều này cho các bạn ở thế hệ sau, chứ người cùng giới xuất bản và cùng thời với tôi thì hiểu biết về các chuyện này có thể còn hơn hẳn tôi!)

Tôi còn nhớ, hồi 1992, bộ sách sưu tập 12 tập thơ mới Việt Nam 1932-1945 do tôi và nhà thơ Ý Nhi thực hiện nhân 60 năm “phong trào thơ mới”. Nhà Xuất bản Hội Nhà văn chi nhánh Tp.HCM. tổ chức in tại Tp.HCM. Sách chỉ in 1.000 bản nên không còn sách bán ra vùng ngoài. Anh Huyến đề nghị tôi biên soạn lại để in và phát hành ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc. Tôi đi thư viện lấy thêm tư liệu rồi cùng nhóm của anh làm thành 15 tập của 15 tác giả, in mỗi tập 1.500 bản; khổ in lớn bán hết, lại in khổ nhỏ bỏ túi. Sau nữa, anh Huyến đề nghị tôi soạn dồn lại thành một cuốn dày; tôi bổ sung thêm tác phẩm của chừng 50 tác giả nữa, thành sách “Thơ mới 1932-1945, tác giả và tác phẩm”, nhóm anh Huyến dàn thành cuốn sách khổ 14x20cm dày gần 1.400 trang; cuốn này in lại đến 6 lần, từ 1998 đến 2004. Điều rất rõ là ở các bản in trước 1999, không có bất cứ dấu hiệu nào để biết chắc chắn đấy là sách do nhóm anh Huyến làm. Chỉ mấy lần in sau năm 2000, ở trang signet (trang đánh dấu ấn phẩm) mới có thêm mấy dòng, cho biết ấn phẩm này do “nhà sách Đông Tây thực hiện liên kết xuất bản”!

Cũng chính là trong nỗ lực tạo các điểm tựa hoạt động, Đoàn Tử Huyến và “nhà sách Đông Tây” của anh đã góp phần đắc lực vào việc thành lập tạp chí “Văn học nước ngoài”.

Hội Nhà văn Việt Nam vốn có một chuyên san về văn học nước ngoài, không rõ có từ trước hay sau mốc thời gian 1975. Khi tôi biết có chuyên san này thì nó đang do nhà thơ Đào Xuân Quý chủ trì. Các tập chuyên san ra lẻ tẻ, dưới dạng các tập in xê-len hoặc in ronéo, mỗi số chừng trên dưới 100 trang khổ A4., gồm một số tác phẩm dịch, thơ hoặc truyện, một số bài thông tin về tác phẩm, tác giả văn học một số nước ngoài, trước hết là văn học các nước xã hội chủ nghĩa anh em, Đông Âu, Cuba. Khoảng giữa năm 1985, nhà thơ Đào Xuân Quý chuyển vào Nha Trang; lãnh đạo Hội nhà văn giao chuyên san kia cho Nhà Xuất bản Tác Phẩm Mới. Các ông Vũ Tú Nam, Nguyễn Kiên chủ trương chuyển thành một loại sách chuyên đề, sách in typo chứ không in ronéo nữa. Tôi được giao chủ trì tổ chức biên tập, cuốn đầu nhắm đề tài 50 năm chiến thắng phát-xít; tôi đặt Thái Hà tìm dịch truyện vừa “Tên phát-xít mặc thường phục”, đặt thêm bài anh Trần Đình Sử, rồi bài dịch tư liệu của tôi, lấy tên truyện vừa kể trên làm tên sách; mấy chữ “sách chuyên đề” để làm phụ đề. Sau cuốn ấy là cuốn “Vũ nữ Itzu”, chuyên về văn học Nhật, sau đó là một vài cuốn khác. Nhưng rồi loại “sách chuyên đề” này mờ đi trong các dự kiến kế hoạch xuất bản.

Sau Đại hội Hội Nhà văn lần thứ tư (tháng 10&11/1989), ông Nguyên Ngọc phụ trách ban sáng tác, quyết đưa “Văn học nước ngoài” thành tạp chí. Nhưng ông Ngọc cũng chỉ dừng lại ở việc vận động, chuẩn bị. Phải đến sau Đại hội Hội Nhà văn lần thứ năm (tháng 3/1995), việc tạp chí mới thành hiện thực. Hội Nhà văn Việt Nam xuất bản tạp chí “Văn học nước ngoài” số 1 vào tháng 1&2/1996, kỳ hạn 2 tháng/số, mỗi số trên dưới 100 tr. 27x19cm, Tổng Biên tập Ma Văn Kháng, hai Phó Tổng biên tập Đặng Thái Hà, Đoàn Tử Huyến.

Tôi nhớ, hồi ấy nhà sách Đông Tây của anh Huyến thuê phòng ngay trong toàn nhà số 9 Nguyễn Đình Chiểu, các phần việc đánh máy bài vở, làm chế bản số tạp chí “Văn học nước ngoài” hầu hết do nhà sách Đông Tây đảm nhận. Chỉ vài ba năm sau, khi nhân sự tạp chí được tăng thêm, Huyến mới rút dần nhân viên khỏi công việc tạp chí.

Trong chiều hướng cởi mở dần từ phía quản lý nhà nước, Đoàn Tử Huyến và một số anh em gần gũi bàn nhau lập “trung tâm” nâng hoạt động rộng ra ngoài phạm vi đã làm từ dăm năm trước. “Trung tâm Văn hóa - Ngôn ngữ Đông Tây” được thành lập là do nỗ lực của anh Huyến cùng một số bạn bè vốn gắn với ngôn ngữ Nga, văn hóa Nga như Thúy Toàn, Vũ Thế Khôi, v.v...; một phần đáng kể nữa là khá đông các nhà nghiên cứu quê Nghệ Tĩnh hoặc làm các đề tài văn hóa lịch sử nhân vật gắn với Nghệ Tĩnh. Cốt lõi của trung tâm này vẫn là Đoàn Tử Huyến và nhóm làm sách của anh. Có trung tâm rồi, các hoạt động trở nên chính danh hơn. Tôi nhớ đến những cuộc tọa đàm về các cuốn sách mới, nhất là những cuốn được dư luận nhiều bạn đọc chú ý, ví dụ lần tọa đàm về bản dịch truyện “Tô-tem Sói” của một tác giả Tàu, hoặc lần tọa đàm nhân ra mắt cuốn tiểu luận “Suy nghĩ về nghệ thuật” của lão họa sĩ Trần Duy. Tôi cũng nhớ những hội thảo tại các địa phương xa do Trung tâm Đông Tây phối hợp với đơn vị khác thực hiện, ví dụ năm 1995 một hội thảo về Phan Bội Châu, liên kết với Sở VH-TT Nghệ An; rồi hội thảo về quan hệ văn học Việt Nam - Thụy Điển, liên kết với các hội VHNT Nghệ An, Hà Tĩnh và sứ quán Thụy Điển, v.v…

Anh Huyến còn lập ra thư viện Đông Tây tại nhà sách Đông Tây. Một phần đáng kể sách của trung tâm là gắn với văn hóa văn học Nga. Vì lý do này, tôi đã chuyển về đây khá nhiều sách báo, tạp chí tiếng Nga mà bọn tôi có. Số là thư viện Hội Nhà văn, hồi đầu năm 1995 loại bỏ khá nhiều sách báo cũ, trong đó có mảng các tạp chí do phía Nga vẫn gửi tặng, ví dụ các tạp chí “Thế giới mới” (Novy Mir), “Các vấn đề văn học” (Voprosy literatury), “Văn học nước ngoài” (Inostrannaya literatura), v.v… Tôi và Vương Trí Nhàn xin lại rồi mang về để trong tủ ở phòng làm việc của bọn tôi tại Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ở 65 Nguyễn Du. Lúc bọn tôi nghỉ hưu, năm 2007, bọn tôi chuyển hết số tạp chí cũ này cho thư viện Đông Tây ở phố Trần Quý Kiên.

Trung tâm Đông Tây có lúc thậm chí còn mở ra hoạt động tuyển sinh du học sang Nga và các nước ngoài. Song, hoạt động chủ yếu của trung tâm đương nhiên vẫn là làm sách. Từ đây tuy các cuốn sách đều cần có các nhà xuất bản chính danh đứng tên giấy phép xuất bản, song tên đơn vị “thực hiện liên kết” đã được ghi rõ trên mỗi cuốn sách. Số sách do trung tâm Đông Tây thực hiện, từ đấy nhiều dần lên.

Giới nghiên cứu đặc biệt chú ý và đánh giá cao việc trung tâm này phối hợp với nhà xuất bản Thuận Hóa thực hiện bộ sách Toàn tập Phan Bội Châu, gồm 10 tập dày dặn. Nhà nghiên cứu Chương Thâu dành gần như cả đời nghiên cứu của mình cho việc sưu tập, dịch thuật các tác phẩm của chí sĩ Phan Sào Nam (1867-1940). Năm 1990 lần đầu tiên đã xuất bản được bộ Toàn tập Phan Bội Châu, gồm 10 tập gồm trên 6.000 trang tác phẩm, do nhà xuất bản Thuận Hóa thực hiện. Những phản hồi về bộ Toàn tập in lần đầu khiến nhà nghiên cứu Chương Thâu nghĩ tới việc chỉnh sửa bổ sung, cần có một phòng biên tập vững tay ở ngay Hà Nội. Và Trung tâm Đông Tây đã đáp ứng yêu cầu của ông. Bộ Toàn tập Phan Bội Châu đưa in lần thứ hai đã được “bổ sung tương đối đầy đủ, đánh dấu một chặng đường nghiên cứu Phan Bội Châu của soạn giả Chương Thâu cũng như của giới nghiên cứu nước nhà bước sang thiên niên kỷ mới” (trích Lời nói đầu). So với bộ toàn tập in 1990, bộ sách mới bổ sung thêm khoảng 5.000 trang bản thảo (kể cả nguyên văn chữ Hán) mới sưu tầm, chú giải, trong đó có những tác phẩm là phát hiện mới. Hiện nay, bộ toàn tập này trở thành nguồn tài liệu cơ bản cho những nghiên cứu về danh nhân Phan Bội Châu.

Có lẽ, do cung cấp được cho thị trường sách khá nhiều cuốn sách được tổ chức và biên tập đạt chất lượng tốt, cho nên, sau một thời gian, phòng biên tập của trung tâm Đông Tây trở thành “lò luyện” những biên tập viên thạo nghề. Hầu hết họ tốt nghiệp đại học, có bằng cử nhân một số ngành xã hội nhân văn hoặc một ngành nghề nào đó, lúc đi tìm việc đã đến và được nhận vào làm biên tập tại Đông Tây. Được hướng dẫn thực hiện việc biên tập các loại bản thảo khác nhau, họ dần dần biết việc, rồi trở nên thạo việc. Một số người, vài ba năm sau sẽ đến lúc rời trung tâm, do được nhận vào làm biên tập viên của một số nhà xuất bản chính ngạch.

Trong việc sưu tầm tái công bố những tác phẩm ít nhiều bị quên lãng của những tác giả khác nhau, tôi và những nhà biên khảo loại sách này có khá nhiều kỷ niệm với trung tâm Đông Tây, với Đoàn Tử Huyến.

Sưu tập tác phẩm của nhà nghiên cứu - phê bình văn học Lê Thanh (1913-1944) do tôi thực hiện rồi đưa Đông Tây tổ chức in và phát hành đầu năm 2002; hồi ấy bản dàn trang cuốn này (cũng như các cuốn “Thơ mới 1932-1945, tác giả và tác phẩm” và các cuốn khác nữa), được làm trên computer nhưng chỉ lưu bằng đĩa mềm, để ít lâu thì hỏng nên không kịp đưa lên mạng, cũng không còn giữ được trong ổ cứng! Đã tiếc công một lần, mấy năm sau còn thấy tiếc lần nữa, khi gặp nhà thơ Dương Kiều Minh, nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Tây. Anh bảo tôi: anh chú ý cuốn sưu tầm kể trên vì tác giả Lê Thanh quê tỉnh Hà Tây; anh nói “giá mà” tôi liên lạc với hội Hà Tây lúc chưa đưa in, hội đã có thể đầu tư cho người sưu tầm và chi trả việc in sách! Ôi, những cơ hội mà ta chỉ biết khi nó đã ở sau lưng!

Khi nhà xuất bản Hội Nhà văn thực hiện bộ tuyển tác phẩm Hoàng Cầm, chính tác giả viết thư cho giám đốc Nguyễn Phan Hách đề nghị giao cho tôi, Lại Nguyên Ân, làm người biên soạn bộ tuyển. Tác giả không cho sử dụng văn bản trong các cuốn sách in tác phẩm của ông thời kỳ 1954-1958, trái lại, sử dụng văn bản tác phẩm do gia đình ông cung cấp. Đối với bộ Hoàng Cầm Tác phẩm gồm 3 cuốn (in 2003), tôi và phòng biên tập của Đông Tây thực hiện theo quy ước thể hiện văn bản theo ý tác giả. Một bộ tuyển tác phẩm làm ngay trong sinh thời tác giả, tất phải như vậy!

Khi tôi làm sưu tập các truyện và ký của Lưu Trọng Lư (1911-1991), do thân nhân tác giả nhờ làm, mọi việc diễn ra ổn thỏa; chúng tôi căn cứ các bản in sách báo lần đầu, đều thuộc những năm trước 1945. Các biên tập viên của Đông Tây đánh máy và dàn trang khá nhanh, sách đi qua các khâu đọc duyệt, cấp giấy phép, đưa in khá nhanh.

Nhưng cũng có những việc mà bọn tôi đã cùng Đông Tây chịu đựng hậu quả của những trục trặc.

Hồi 2006, nhân nhớ về 20 năm khởi đầu cao trào đổi mới trong văn nghệ, một nhà sách trong Nam đặt tôi sưu tầm biên soạn một sưu tập ở mức khả dĩ các tư liệu về dư luận văn nghệ trong mươi năm ấy. Tôi rủ nhà giáo Nguyễn Thị Bình ở Đại học Sư phạm Hà Nội cùng thực hiện, rồi nhờ phòng biên tập của trung tâm Đông Tây tổ chức đánh máy, dàn trang. Chừng hơn một năm sau, tôi được lời nhắn từ phía Nam: do nhiều khó khăn khác nhau, công trình trên phải gác lại, dự án kết thúc. Dĩ nhiên bọn tôi được “đền công” mỗi người vài triệu đồng, nhưng tôi yêu cầu phải đền cho phòng biên tập Đông Tây nữa! Rồi một nhân viên từ trong Nam ra, tôi đưa đến tận phòng biên tập Đông Tây, lấy chính xác số trang chữ đã thực hiện để tính ra công xá! Chắc là không nhiều, nhưng đã rành mạch!

Khi tôi tự đề xuất rồi bắt tay thực hiện dự án sưu tầm tác phẩm của tác giả Phan Khôi (1887 - 1959), đến khâu biên soạn thành các tập sách đầu tiên, tôi cũng dựa vào phòng biên tập của trung tâm Đông Tây. Một trong những điều đáng lo lắng là dự kiến sẽ tốn nhiều công sức, tốn nhiều chi phí nữa, vì chưa thể biết ngay từ đầu có thể tìm ở những đâu, phí tổn đi lại, chi phí sao chụp tài liệu ra sao?

Thế rồi vợ chồng Nguyễn Nguyệt Cầm - Peter Zinoman giới thiệu cho tôi tiếp cận với Quỹ Toyota lúc đó mới vào hoạt động tại Việt Nam. Điểm mấu chốt trong thủ tục là người có đơn xin tài trợ phải được một tổ chức giới thiệu. Tôi đem việc này trình bày với lãnh đạo Hội Nhà văn thì được anh Cao Tiến Lê (ủy viên chấp hành) và sau đó là anh Hữu Thỉnh (Phó Tổng thư ký) trả lời: sưu tầm tác phẩm của một tác gia tiêu biểu trong Nhân văn - Giai phẩm như Phan Khôi thì Hội Nhà văn không thể đứng ra giới thiệu được!

 Tôi đang thất vọng thì Đoàn Tử Huyến bảo: Quỹ Toyota là cơ quan của nước ngoài hỗ trợ hoạt động văn hóa ở nước chủ nhà; đối với họ, các tổ chức ở Việt Nam, dù “quốc doanh” như Hội Nhà văn, hay “tư nhân” như Trung tâm Đông Tây của tôi, đều có tư cách pháp nhân như nhau! Anh tin cậy bọn tôi thì bọn tôi sẽ đứng ra giới thiệu! Và Huyến thêm: Nói nhỏ nữa là so với các nơi thì mức “tô” của bọn tôi rất tượng trưng, giúp cho bạn bè có điều kiện làm việc thôi!

Thế là hồ sơ của tôi do Trung tâm VH-NN Đông Tây giới thiệu, cuối cùng, được Quỹ Toyota chấp nhận. Nhờ nguồn tài trợ này, tôi sắm máy ảnh, computer, laptop, tôi cũng có thể thuê nhân viên kỹ thuật làm scaner tại thư viện mỗi lần hàng vài chục trang, là các bài của Phan Khôi tìm thấy trên các trang báo xưa, và nhất là trả tiền giấy in và công in cho các cuốn “Tác phẩm đăng báo 1930”, “Tác phẩm đăng báo 1931”, “Phan Khôi viết và dịch Lỗ Tấn”.

***

Lần gần đây nhất, tháng 8/2015, tôi và Đoàn Tử Huyến cùng khá đông anh em nhà báo, nhà văn tham gia chuyến đi từ Hà Nội vào Vinh dự buổi gặp mặt nhân 10 năm ra mắt Tạp chí “Văn hóa Nghệ An”. Chủ nhà bố trí tôi và Huyến ở cùng phòng khách sạn. Dù ngồi xe đường dài khá mệt, nhưng tắm rửa xong, Huyến lên giường không phải nằm nghỉ mà lập tức mở laptop, không phải để lướt các trang mạng mà là để xem và sửa một bản thảo nào đó anh đang làm. Chừng 11 giờ khuya, Huyến gấp laptop, rủ tôi đi xuống quán cháo lươn gần sân khách sạn. Tôi bảo khuya rồi, mỗi người chỉ ăn nửa tô cho biết mùi lươn Nghệ thôi. Trở lên, tôi đi ngủ, còn Huyến vẫn mở laptop tiếp tục công việc!

Hôm sau, sau buổi gặp gỡ của tạp chí “Văn hóa Nghệ An”, bọn tôi lên xe về lại Hà Nội, còn Đoàn Tử Huyến lưu lại, hình như về nhà thăm ông cụ thân sinh.

Đầu năm 2016, qua tin tức bạn bè, tôi được tin Huyến bị tai biến, gia đình đưa đi cấp cứu rồi chuyển ra Hà Nội.

Hôm tôi vào bệnh viện Hữu Nghị thăm Huyến, tôi thấy Huyến vẫn hoạt bát nhanh nhẹn, chỉ khác là không nhận ra tôi vốn là bạn quen hàng chục năm! Hỏi có biết ai đây không? Huyến bảo trông quen lắm, nhưng không nhớ tên! Tôi nói họ tên, rồi tôi còn viết tên ra cho Huyến nhìn, nhưng chỉ thấy anh cười bảo: Không nhớ, nhưng trông quen lắm. Rồi Huyến rủ tôi cùng vợ chồng Huyến xuống nhà ăn của bệnh viện ăn trưa! Tôi tạm biệt Huyến ra về, vì lúc ấy còn bận tìm xuống khu Bách khoa để tìm thợ cứu vớt bộ dữ liệu trên 150 GB của tôi bị virus xóa khỏi ổ cứng.

Thật ngẫu nhiên, căn bệnh sau tai biến của Huyến như là đồng dạng với chuyện mất mát khối tư liệu trong ổ cứng máy tính của tôi. Nhưng trong một vài năm sau, nhờ các bạn trong giới nghiên cứu gần xa, tôi xin lại được một phần đáng kể dữ liệu vốn bị xóa trong ổ cứng, vì đó là những sưu tập sách báo đã được số hóa, bọn tôi đã từng chia sẻ với nhau. Còn Huyến, tôi ở phía đông thành phố, cách xa anh vài chục cây số, qua bạn bè, được biết tuy trí nhớ Huyến có tiến triển nhưng khá chậm. Qua trang mạng hàng ngày vẫn thấy hình ảnh Huyến với chiếc máy ảnh cầm tay; chỉ thôi không thấy kèm chiếc ba-lô và cây dù gập sẵn, như sẵn sàng lên đường du ngoạn bất cứ lúc nào muốn.

Nào ngờ, Huyến đã vội ra đi, anh đã về cõi vĩnh hằng!

Hà Nội, 26.11.2020

 

 

 

     

   

 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114442655

Hôm nay

2169

Hôm qua

2299

Tuần này

2468

Tháng này

217829

Tháng qua

112676

Tất cả

114442655