Văn hóa và đời sống
Chào nhé, Văn hóa Nghệ An!
Ban biên tập đề xuất tôi viết về quá trình phát triển của tạp chí Văn hóa Nghệ An (VHNA) nhân kỉ nhiệm 15 năm thành lập (và cũng là lúc chấm dứt hoạt động của nó). Tôi băn khoăn không biết có nên viết vì thực ra bây giờ tôi cũng chỉ làm một bạn đọc như bao người khác mà thôi. Vả lại, những điều cần viết về Văn hóa Nghệ An tôi đã viết cách đây 5 năm, nhân dịp kỉ niệm 10 năm thành lập. Cân nhắc khá lâu và cuối cùng tôi đã nhận lời vì có nhiều gửi gắm của đồng nghiệp, bạn đọc, bạn viết; Và còn có những điều cần nói về Văn hóa Nghệ An mà chưa ai nói, chưa ai viết một cách rõ ràng.
Lịch sử củaVăn hóa Nghệ An tôi đã viết (và đọc) khá đầy đủ cách đây 5 năm, xin không nhắc lại. Những con người đã góp phần làm nên Văn hóa Nghệ An tôi cũng đã nói khá rõ và bày tỏ sự biết ơn, trân trọng trong dịp đó.
Vậy nói gì bây giờ?
Lần trước, tôi nói về sự trưởng thành của nó. Bây giờ thì Văn hóa Nghệ An hết cơ hội trưởng thành rồi! Ngày 30.11.2020 sẽ là ngày cuối cùng của nó.
Một vài năm trước không ai có thể ngờ có ngày hôm nay. Đọc lại bài vở, thư từ giao dịch với cộng tác viên, với bạn đọc và với cả các vị lãnh đạo hữu quan… thì đúng là không có gì khó đoán hơn về sự mất còn. Văn hóa không bao giờ là trò sấp ngửa nhưng số phận nó thì có. Tôi còn nhớ các vị lãnh đạo cao nhất tỉnh từng nói: Tỉnh này không thể không có một tờ VHNA. Phải hỗ trợ cho nó phát triển. Và các ông đã có những quan tâm thiết thực cho nó phát triển. Chúng tôi đã vô cùng cảm kích, biết ơn và phấn đấu để có một tạp chí văn hóa như bạn đọc và các vị lãnh đạo mong muốn. Vâng, nó đã phát triển đến tuổi 15, cái tuổi của sự trưởng thành…!
Các thế hệ cán bộ, viên chức, phóng viên Tạp chí Văn hóa Nghệ An và Văn hóa Nghệ thuật Nghệ Tĩnh cùng nguyên Giám đốc Sở văn hóa, Thông tin tỉnh Nghệ Tĩnh Trần Nhật Tiến trong dịp kỷ niệm tạp chí tròn 10 tuổi, năm 2015. Ảnh PT
Minh triết của cha ông có câu: “Cái quan định luận”. Bây giờ đã có thể luận về tạp chí VHNA, vì nó đã “cái quan”; Nó sẽ không còn tồn tại sau khi số báo này phát hành.
Có người nói tạp chí Văn Hóa Nghệ An đã hoàn thành sứ mạng của nó. Tôi không nghĩ như vậy. Văn hóa là một dòng chảy liên tục, không ngừng nghỉ, không có điểm dừng khi còn nhân loại. Sự nghiệp văn hóa cũng như vậy, sẽ dài lâu và không có điểm dừng để tạo ra những giá trị mới đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. Nghiên cứu, truyền thông về văn hóa là công việc đương nhiên, thường xuyên của bất cứ thiết chế xã hội nào. Việc tồn tại của các cơ quan nghiên cứu, truyền thông văn hóa ra đời và tồn tại là vì vậy.
Vẫn biết thời nay mọi việc đều có thể xảy ra ngoài ý muốn, thậm chí phi quy luật, ngoài sức tưởng tượng, nhưng sự chấm dứt hoạt động của tạp chí Văn hóa Nghệ An, với tôi, vẫn là bất ngờ lớn.
Vậy thì hãy nói về những bất ngờ, những bất ngờ khó ngờ nhất.
Tôi không ngờ, không hiểu, Nghệ An - xứ sở có một nền văn hóa, truyền thống văn hóa phong phú, nhiều đặc sắc, đặc thù đến vậy mà không thể có một tờ tạp chí với tư cách là công cụ để tổ chức nghiên cứu và quảng bá về nó, để làm cho các giá trị độc đáo, đặc thù ấy ngấm vào dòng chảy cuộc sống hôm nay và tương lai của người xứ Nghệ. 3,2 triệu dân xứ Nghệ đang cư trú ở quê và hàng triệu người Nghệ các thế hệ đang sinh sống ở khắp nơi trên thế giới xứng đáng có một tờ tạp chí về văn hóa của xứ sở. Sẽ làm gì để cho văn hóa thấm sâu vào đời sống nhân dân như mong muốn? Nghệ An đang phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa của vùng Bắc Trung Bộ. Có thêm một tờ tạp chí văn hóa sẽ là một động cơ góp phần thúc đẩy bước tiến của tỉnh nhà, ít nhất là về văn hóa theo nghĩa hẹp nhất của nó.
Để thúc đẩy phát triển văn hóa thì hô hào suông là không đủ mà phải hành động, phải sáng tạo mới hi vọng có được các giá trị. Muốn có sáng tạo thì phải có tri thức, có tài năng, và có phương tiện. Liệu tạp chí Văn hóa có phải là một thiết chế, một phương tiện để cộng đồng bồi bổ tri thức làm nền tảng cho quá trình sáng tạo? Hãy xem nó là một công cụ truyền dẫn cho cộng đồng trong quá trình tiếp nhận văn hóa từ các nguồn khác nhau, từ truyền thống, từ thời đại… Và là một phương tiện, một kênh truyền thông quảng bá văn hóa xứ Nghệ với thiên hạ. Nếu điều đó là đúng thì rất đáng để cho nó một cơ hội tồn tại và phát triển.
Thêm một điều nữa, tôi muốn nói. Rằng, Văn hóa Nghệ An suốt 15 năm qua chắc chắn là một tờ tạp chí được quan tâm, đón đợi và mến mộ của bạn đọc, nhất là giới trí thức trong và ngoài nước. Sở dĩ vậy vì nó có hàm lượng khoa học khá cao, có tinh thần học thuật, tinh thần phản biện, có dũng khí, có trách nhiệm với những vấn đề quan trọng của đất nước, của sự nghiệp văn hóa. Văn hóa Nghệ An là tờ tạp chí đã từng bước đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao và khắt khe của bạn đọc.Đó là điều đã được chứng thực.
Vậy thì, cớ sao lại không vì nhu cầu của đông của đảo bạn đọc mà tạo cho Văn hóa Nghệ An một cơ hội tiếp tục phục vụ bạn đọc?
Cách đây 5 năm, khi kỉ niệm 10 năm thành lập (năm 2015), chúng tôi và bạn đọc, bạn viết đã cùng nhau rạo rực hướng về “Hành trình và khát vọng” của tạp chí Văn hóa Nghệ An.
Còn hôm nay, tôi, và rất nhiều bạn đọc, nhiều người viết đã, đang và sẽ bâng khuâng, hụt hẫng về một ngày mai không có tạp chí VHNA. Sẽ không có ai chết, nhưng chắc chắn tinh thần và tâm hồn của nhiều người sẽ nghèo nàn đi không ít.
Chào nhé, Văn hóa Nghệ An!
Hẹn gặp lại vào một ngày không xa!
tin tức liên quan
Videos
Kiểm kê cổ vật – hành trình gian nan của các cán bộ di sản văn hóa
Sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh
Thể loại phim
Phùng Khắc Khoan với miền núi Nghệ An
Giải Nobel năm 2021
Thống kê truy cập
114528489
2145
2291
2762
215185
0
114528489