Văn hóa và đời sống

Tiếc cho một thương hiệu

Từ Hà Nội, tôi chính thức được tin Tạp chí sẽ ra số cuối cùng vào cuối tháng 11/2020.

Trong cảm xúc, tôi thực sự tiếc, rất tiếc cho một thương hiệu uy tín trong làng báochícả nước và trong tình cảm mến mộ của hàng vạn độc giả.

Tôi nói Văn hóa Nghệ An là một thương hiệu, bởi trước hết nó là một sản phẩm văn hóa có giọng điệu riêng, có bản sắc và có bản lĩnh riêng.

Khoảng cuối năm 2011, tôi đưa người bạn đến tạp chí ở đường Nguyễn Đức Cảnh. Ngồi lâu rồi mà bạn tôi vẫn ngó quanh và trầm ngâm về một điều gì đó có vẻ thật xa xôi. Khi ra khỏi cổng lão ta mới nói mình không ngờ ông ạ. Tôi hỏi không ngờ chi? Lão nói bạn đọc bên Đức, Mỹ, Nga, Úc…họ có biết cái Tạp chí này phải đithuê trụ sở không nhỉ? Rồi lão lẩm bẩm phi thường, phi thường, đáng nể quá.

Tôi nói Văn hóa Nghệ An là một thương hiệu còn bởi những lẽ sau:

1. Nhạy bén và bản lĩnh khi đưa tin là đặc trưng nổi trội của Văn hóa Nghệ An.

Nhạy bén là vì có những vấn đề lớn, các báo khác không đưa, chưa đưa hoặc đưa rất dè dặt thì Văn hóa Nghệ An lên tiếng sớm, đậm đặc, thái độ rõ ràng không úp mở.

Bản lĩnh ở chỗ, phàm là những thông tin như vậy thì bên chức năng thường cho là nhạy cảm, bạn đọc cũng chưa có kênh thông tin đối chứng nên lời vào lời ra thường xuyên.

Nhiều người yêu và lo Văn hóa Nghệ An thì hỏi đăng thế không sợ bị đình bản à?

Cũng có người vì được phân công rồi cứ lảng vảng, tiếng xa tiếng gần đánh động để Văn hóa Nghệ An ý tứ mà giảm nhiệt.

Nhưng không. Văn hóa Nghệ An duy trì trạng thái đó thường xuyên nhiều năm, không giao động, không nghiêng ngả. Thậm chí mấy lần cũng sơ sẩy và phải nhờ vào những tác động siêu tưởng và thêm tý may mắn thì mới giữ lại được cái giấy phép.

Trong những chuyên đề như vậy thì đáng nói nhất là mạch bài với chủ đề Kinh  tế thị trường định hướng XHCN và mạch bài Làm thế nào để thoát Trung? Riêng mạch bài Làm thế nào để thoát Trung? khi Văn hóa Nghệ An xuất bản đã tạo cơn sốt về dư luận xã hội rất đáng chú ý. Bây giờ thì nhiều báo lên tiếng, kể cả báo Trung ương, nghĩa là nội dung này đúng/ sai đã được khẳng định. Nhưng Văn hóa Nghệ An lúc đó là một trong số rất ít các cơ quan báo chí chính thống trong cả nước đưa tin đầu tiên, đưa liên tục cả chùm bài rất đậm.

Một tạp chí chuyên ngành của một tỉnh lẻ, bé nhỏ và mỏng manh như cái thuyền nan, vậy mà đã trụ vững qua không biết bao nhiêu là giông bão. Kỳ tài thật!

Tạp chí Văn hóa Nghệ An tổ chức Đêm giao lưu "Trò chuyện về Trịnh Công Sơn". Ảnh Trần Hoài

2. Điểm lại những tác giả đã cộng tác trong những ngày Văn hóa Nghệ An trứng nước đến ngày cứng cáp, có GS. Phan Huy Lê, GS. Trần Quốc Vượng, GS. Trần Đình Sử, GS. Nguyễn Huệ Chi, GS. Nguyễn Đình Chú, GS. Mạch Quang Thắng, PSG. Bùi Đình Phong, NNC Đỗ Lai Thúy, NNC Phạm Xuân Nguyên, NNC Nguyễn Hùng Vỹ, TS. Đinh Hoàng Thắng, TS. Nguyễn Ngọc Chu, nhà văn, nhà giáo Bùi Việt Thắng, TS. nhà báo Hồ Bất Khuất… Tôi hiểu đó là những trí thức rất cá tính, rất chân chính và rất uyên thâm các lĩnh vực chuyên ngành. Những bài viết của những gốc đa này thường có cái nhìn khác lạ, có cách lý giải đầy ma lực và sự cuốn hút thật dữ dội. Khen cho Văn hóa Nghệ An đã có tài dùng được họ, và chính họ đã mang lại cho Văn hóa Nghệ An một chất giọng rất riêng, giúp Văn hóa Nghệ An tạo nên hàm lượng giá trị thông tấn vượt trội - điều mà không nhiều tạp có được.

3. Tôi có người bạn đồng niên gốc Vinh, sống ở Liên bang Đức tròn 45 năm. Năm ngoái lão về Hội khóa. Ngồi cà phê Star Movies (TP Vinh) lão tý toáy liên hồi cái Ipad. Lát sau lão nói bài này đọc nghiện luôn. Tôi ghé mắt trông sang mới hay đó là bài viết về nhà canh tân Nguyễn Trường Tộ trên trang điện tử của Văn hóa Nghệ An. Tò mò, tôi hỏi ông cũng vào trang này à? Bạn tôi nói ngay bên Beclin hội người Việt vào thường xuyên, nhất là mục Đất và người xứ Nghệ, đọc để hiểu thêm văn hóa quê nhà và cũng để bớt nguôi ngoai về núi Hồng sông Lam.

Có lẽ nhờ chất lượng tin bài hấp dẫn nên Văn hóa Nghệ An đã giữ chân cả hàng vạn độc giả, từ Nghệ An đến Hà Nội, vào Sài Gòn; từ trong nước vươn ra Phần Lan, Pháp, Nhật, Canada, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan...Lúc cao điểm, Văn hóa Nghệ An đã phủ sóng tới hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Bạn đọc tiếp cận Văn hóa Nghệ An trước hết để khám phá những hiểu biết về văn hóa xứ Nghệ - một xứ sở văn hóa khác biệt và kỳ thú. Văn hóa Nghệ An cũng luôn thỏa mãn nhu cầu độc giả khi muốn làm đầy thêm những thông tin thời cuộc Đông Tây mới lạ, đa chiều.

Ai đã trải qua nghề báo, thấu hiểu những hiu hắt của bạn đọc với bản báo thì mới thấm hết giá trị niềm vui và hạnh phúc của Văn hóa Nghệ An.

Tôi nghĩ âu đó cũng là một kết thúc có hậu cho một tiền vận rất long đong của Văn hóa Nghệ An.

Dành một lời cám ơn cựu Tổng Biên tập Phan Văn Thắng, người đã tạo dựng nên hồn cốt của Văn hóa Nghệ An.

Cám ơn các anh chị phóng viên, cộng tác viên, biên tập viên đã góp sức vun đắp cho Văn hóa Nghệ An luôn ngập tràn năng lượng và đạt ngưỡng thăng hoa trong nhiều năm qua.

Thời gian sẽ cuốn trôi nhiều chuyện. Nhưng tôi tin mãi mãi về sau, người đời vẫn nhớ và nhắc đến Văn hóa Nghệ An như một dấu ấn rất đáng trân trọng!

                                                                           

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434971

Hôm nay

2242

Hôm qua

2349

Tuần này

21621

Tháng này

212019

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434971