Văn hóa và đời sống

Văn hóa Nghệ An - Nhịp cầu quê hương

Mười năm trước, trong một lần lang thang trên mạng kiếm tìm thông tin về quê hương xứ sở làm nguồn tư liệu cho trang web cá nhân, tôi gặp trang Văn hóa Nghệ An. Nhấp chuột mở trang tạp chí ra đọc qua một lượt, tôi thầm reo lên:

Quê hương đây sao ta không biết

Cứ mải trong kí ức, kiếm tìm?

Thế là từ đó, Văn hóa Nghệ An trở thành người bạn thân thiết hàng ngày của tôi.

Tạp chí Văn hóa Nghệ An tham gia Hội báo Xuân tỉnh Nghệ An

Tôi là một người con xa xứ đã hơn bốn mươi năm nay. Ngày rời quê hương ra đi lập nghiệp, tôi vừa bước sang tuổi 22. Bởi thế, quê hương với tôi chỉ còn là ký ức, với những gì thật gần gũi, thân quen gắn bó một thời con trẻ. Nào tôi có biết gì hơn khi những năm tháng học phổ thông chỉ quanh quẩn ở trường làng; lên cấp 3 thì cũng không thoát ra khỏi chu vi của cái tam giác: Nam Lâm quê tôi - Rú Dồi nơi trường tôi học và Kim Liên quê Bác. Đến khi vào Đại học Vinh, suốt bốn năm học vẫn là anh sinh viên quê mùa, tầm nhìn chưa dài hơn đoạn đường 20 cây số từ trường đại học về nhà mỗi chiều thứ Bảy. Bởi thế, quê hương in đậm trong tôi là hình ảnh về một vùng quê bên dòng sông Lam nằm lọt thỏm giữa hai dãy núi, bên trái (tả ngạn) là dãy Đại Huệ, bên phải (hữu ngạn) là dãy Thiên Nhẫn. Tuổi thơ của tôi đi qua những năm tháng chiến tranh nên những hình ảnh đó cũng gắn liền với tiếng bom rền, đạn rú…

Bây giờ đã đi qua hơn nửa cuộc đời, bỏ lại đằng sau hết thảy những âu lo, toan tính, bỗng thấy lòng nhẹ nhõm. Nhưng nhẹ được gánh đời thì lại nặng gánh tình, là cái tình đối với quê hương xứ sở. Nó thiêng liêng, nó da diết làm sao. Cái tình ấy tưởng đã gửi lại miền kí ức bởi những năm tháng bộn bề lo toan, bỗng ùa về trong mỗi chiều hoàng hôn theo cơn gió se lạnh. Nhiều lúc tôi cứ ngẩn ngơ nhớ về những năm tháng đã xa lắc xa lơ mà ngỡ như mới hôm qua. Đôi khi thèm lắm một chút giọng quê hương, một món ăn xứ sở nhưng mong ước không phải lúc nào cũng được toại nguyện. Mỗi lần về thăm quê thật ngắn ngủi, và có lẽ theo tuổi tác rồi nó cũng sẽ thưa dần. Lại ra đi, lại biền biệt. Chỉ còn mỗi cách về với quê hương trong thế giới ảo của internet, ảo mà lại rất thực. Và Văn hóa Nghệ An đã giúp tôi thỏa mãn được khát khao ấy của mình.

Tôi không nhớ rõ thời gian mình gặp trang tạp chítrên mạng cụ thể là lúc nào, ý chừng cách nay cũng ngót nghét chục năm rồi, lí do như tôi đã nói ở trên. Điều quan trọngđối với tôi lànó đã chuyển tải đến bạn đọc những thông tin bổ ích, những hiểu biết về văn hóa xứ sở. Các thông tin đó lại được các nhà nghiên cứu văn hóa, văn học có uy tín viết ra nên sức hấp dẫn của tạp chínày có thể nói là rất lớn. Tôi tâm đắc với nhận xét của anh Hà Tùng Sơn, bạn tôi và cũng là một độc giả, đăng trên blog của mình: “Văn hóa Nghệ An với nội dung vô cùng phong phú và bài vở rất có chất lượng lại mang tính học thuật cao… Tôi đã tìm thấy trong đó những bài viết về những bậc thầy của tôi, không ít tác giả các bài viết cũng là bậc thầy của tôi. Cái phông văn hóa của nó thật cao”.

Tôi yêu tờ tạp chí, nói thế có vẻ như khách sáo nhưng đó là thực lòng.

Cũng vì lòng yêu đó mà tôi mạnh dạn viết bài gửi Ban Biên tập. Tự xác định mình chỉ là một anh giáo nơi vùng sâu vùng xa, vì nặng lòng với cuộc sống mà ghi chép lại những gì mắt thấy tai nghe ở đời. Còn những vấn đề mang tính học thuật thì, xin được làm học trò của các bậc thầy mà tên tuổi đã rạng rỡ và in đậm trên trang tạp chí. Tôi vui biết bao khi bài viết đầu tiên của mình có tựa đề Chị Nông Dân, Tôi và Chúng Ta, xuất hiện trên Văn hóa Nghệ An online ngày 3-8-2012. Thế là đứa con xa đã góp thêm được tiếng nói nhỏ trên trang tạp chíquê nhà.

Văn hóa Nghệ An từ đó trở thành bạn tâm giao, thành nhịp cầu nối để những người con xa xứ như tôi có điều kiện gắn kết với quê hương. Để ân tình xứ Nghệ mãi mãi không phai trong tim mình và lan tỏa khắp mọi miền đất nước.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434987

Hôm nay

2258

Hôm qua

2349

Tuần này

21637

Tháng này

212035

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434987