Văn hóa và đời sống

Một địa chỉ văn hóa trong không gian văn hóa

Tôi sinh quán tại xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, thuộc thế hệ đầu những năm 50 của thế kỷ XX. Nhưng sống/gắn bó với thị xã/thành phố Vinh từ 1955. Nay đã 65 năm đằng đẵng vẫn nặng lòng với Thành phố Đỏ, với văn hóa xứ Nghệ nói chung. Tuy giảng dạy đại học và làm công tác lý luận, phê bình văn học nhưng mới đây tôi bỗng có cảm hứng viết văn. Tuy sống ở Thủ đô hơn 50 năm nay nhưng Vinh vẫn là “cõi đi về” của tôi thường xuyên (cả trong tâm tưởng, cả trong thực tế).

 Có ba địa chỉ văn hóa thân thuộc với tôi ở Vinh: Tạp chí Văn hóa Nghệ An, Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Vinh, Tạp chí Sông Lam. Nói thân thuộc là vì có quan hệ chuyên môn, đã đành, nhưng có cả những quan hệ xã hội, riêng tư suốt nhiều năm qua. Nhưng gần đây tâm thế tôi bâng khuâng, thiếu hụt như vừa đánh mất cái gì rất đỗi quý giá. Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Vinh thì nay không còn tên nữa. Nó bị/được nhập vào Viện Sư phạm Khoa học xã hội, thuộc Đại học Vinh, chỉ còn là một bộ môn. Đành lòng vậy vì là chuyện tái cấu trúc đại học tự chủ, hay đại loại như thế. Rồi cũng nguôi ngoai dần vì đã vào tuổi 70, cũng ít vào thỉnh giảng hơn, việc đi lại cũng dần ít hơn. Nỗi nhớ nghề, nhớ đồng nghiệp, học trò thì cứ tạm để trong lòng dù cũng không ít hoài niệm, khắc khoải. Nhưng nghề viết thì đâu có chuyện “hưu” với “trí”. Nghỉ chế độ chín năm rồi nhưng ngọn bút vẫn, như ai đó nói, còn nội lực, còn muốn tung hoành. Nên cứ cần cù nhẫn nại tháng năm viết/gõ máy tính đều đều (viết báo, viết sách).

Tạp chí VHNA tổ chức giao lưu, mừng thọ nhà nghiên cứu văn hóa Thái Kim Đỉnh

Trong số các ấn phẩm báo chí trong Nam ngoài Bắc mà tôi đã, đang cộng tác thì quả thật Tạp chí Văn hóa Nghệ An nhiều năm qua đã giúp tôi có thêm nhiều kinh nghiệm làm “báo” bên cạnh kinh nghiệm làm “giáo”. Là người giảng dạy và nghiên cứu văn học hiện đại Việt Nam (thế kỷ XX), việc sống với văn học cùng thời là rất quan trọng. Có như thế bài giảng, sách vở mình viết ra mới bớt kinh viện, mới tăng thêm độ nhuần nhị của chất/hương đời. Nhất là viết phê bình văn học thì càng cần sự trải nghiệm, kinh lịch và quan trọng nhất là trải nghiệm văn hóa. Nếu chỉ co ro, bế quan thuần túy trong giới hạn của văn học thì, tôi nghĩ, sẽ khó sâu sắc, sẽ khó vươn lên trong nghề. Đã từ lâu thấm nhuần chân lý “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” (Hồ Chủ tịch), tôi và một số đồng nghiệp đã cố gắng đi vào quỹ đạo nghiên cứu/lý luận/phê bình văn học dưới ánh sáng của văn hóa. Ở đây, xin có chút riêng tư (nhưng không có chuyện “nâng đỡ không trong sáng”): chính nhà báo kỳ cựu Phan Văn Thắng (người cùng làng), nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ An, đã “níu kéo” tôi cộng tác với một thịnh tình khó cưỡng lại, hơn thế như một cơ duyên. Cái gì cũng vạn sự khởi đầu nan, đầu có xuôi đuôi mới lọt. Tôi nhận được sự cổ võ của người đồng hương cùng tên nên phấn chấn cộng tác với một tạp chí mà từ trước đó đã biết có tiếng vang, uy tín vượt ra ngoài khung khổ địa phương, có khi còn ra cả quốc tế nữa. Những năm gần đây tôi cộng tác với Tạp chí Văn hóa Nghệ An đều đặn hơn, hiệu quả hơn.

Tạp chí Văn hóa Nghệ An đã trở thành ký ức văn hóa, trong tôi (và chắc chắn là đông đảo độc giả) nhờ đâu? Trước hết, Văn hóa Nghệ An đúng nghĩa là một tạp chí chuyên sâu văn hóa. Ai đó ví von rất hay: Văn hóa là tay phanh, kinh tế là tay ga trên một cỗ xe có động cơ. Văn hóa là sự điều hòa, điều chỉnh theo quy luật âm dương hài hòa. Văn hóa là mục tiêu cuối cùng của một xã hội phát triển bền vững. Thời buổi thị trường con người mải miết lao vào kiếm tiền, nhiều khi tối tăm mặt mũi nên có thể lãng quên (vô tình hay cố ý) văn hóa. Nhưng khi sực tỉnh chắc chắn sẽ hối hận và phục thiện. Các lĩnh vực văn hóa mà Tạp chí Văn hóa Nghệ An quan tâm thể hiện, xây dựng có biên độ lớn: từ văn hóa giao tiếp ứng xử, văn hóa học đường, văn hóa công sở, văn hóa thời trang, văn hóa ẩm thực đến văn hóa truyền thống, văn hóa giáo dục, văn hóa lãnh đạo, văn hóa chủ quyền lãnh thổ, văn hóa tôn giáo, văn hóa chính trị, văn hóa văn học,… Đặc biệt, Tạp chí Văn hóa Nghệ An thường xuyên quan tâm sát sườn là “Văn hóa xứ Nghệ”. Trong đó trọng lực hướng đến chiến lược văn hóa con người. Trong quá trình tổ chức bài vở theo những chủ đề, những đường hướng lớn có tính chiến lược, Tạp chí Văn hóa Nghệ An được coi là tiên phong đổi mới trong đối thoại, phản biện xã hội với tinh thần dân chủ, cầu thị, vì lợi ích chung của cộng đồng, nhưng không xa rời những nguyên tắc có tính chất điều lệ, chính cương. Cũng có lúc chạm phải những vấn đề vẫn được coi là “nhạy cảm” nhưng lòng trung thành với tôn chỉ/mục đích của Tạp chí, nên Văn hóa Nghệ An, tôi biết, đã vượt qua được những “ba-ri-e” một cách ngoạn mục.

Một ấn phẩm báo chí, muốn tồn tại và phát triển tốt, tôi nghĩ, cần biết cách tập hợp đội ngũ cộng tác viên có chất lượng, có uy tín chuyên môn. Cứ đọc Tạp chí Văn hóa Nghệ An (tạp chí in giấy và online) thì sẽ thấy trùng trùng đội ngũ từ các giảng viên các trường đại học danh tiếng, các nghiên cứu viên các viện nghiên cứu, các nhà văn tài năng, những nhà hoạt động xã hội, văn hóa, chính trị,… có uy tín tích cực tham gia viết bài. Vì thế, Tạp chí Văn hóa Nghệ An được đón đợi (đọc), như là một hiện tượng hiếm thấy trong làng báo chí hiện nay.

 Người ta nói “hữu xạ tự nhiên hương”. Câu ấy có phần đúng, có phần không đúng. Không căn cơ xây đắp thì làm gì có “hương” để mà “hữu xạ”. Nhưng có “hương” rồi mà không biết cáchgìn giữ, phát huy,quảng bá, nhân rộng thì giỏi lắm “hương” cũng chỉ quanh quất đâu đó, làm sao mở rộng được biên độ/không gian tồn tại và phát huy như Tạp chí Văn hóa Nghệ An đã có, đang có. Về phương diện này, tôi nghĩ, tất cả những người tham gia làm việc ở Tạp chí Văn hóa Nghệ An (từ cán bộ lãnh đạo đến phóng viên, nhân viên) quả thực đã hành xử và lao động theo tinh thần tuẫn tiết cho sự tồn tại của Tạp chí suốt nhiều năm qua. Niềm vui và nỗi buồn, thuận lợi và khó khăn, thăng và trầm,… đủ cả các cung bậc. Không riêng tôi mà rất nhiều người đồng cảm sâu sắc với các anh chị làm việc ở Tạp chí Văn hóa Nghệ An.

Tạp chí Văn hóa Nghệ An, sẽ không còn tên trong làng báo chí Việt Nam (xét về mặt vật chất). Nghĩa là nó sẽ được xếp vào một cái “ô” nào đó theo tinh thần của Đề án tái cấu trúc Báo chí của cơ quan chức năng. Đó là chuyện thuộc về tổ chức nên tôi không dám lạm bàn. Chỉ biết, từ khi nghe tin (từ không chính thức đến chính thức), trong lòng thực sự dấy lên, neo lại một nỗi buồn (tôi tự trấn an đó là một “nỗi buồn đẹp”). Rồi một bận ngân nga câu thơ được chế: “Em ơi buồn làm chi/Anh đưa em về bên kia sông Lam/Nơi có những đồi thông xanh thẳm” của thi sỹ dân gian. Chợt nghĩ, có khi chẳng ăn nhập gì với chuyện sáp nhập hay chia tách vốn như “chuyện thường ngày ở huyện” diễn ra ở xứ ta. Lại có bận nghĩ vẩn vơ “Giá như đừng sáp với nhập thì hay hơn nhiều”. Nhưng mà người Pháp có câu thấm thía: “Vì hai chữ giá như/nếu như lịch sử còn có thể thay đổi”. Huống hồ là báo chí. Huống hồ là văn chương.

Có lẽ, tôi nghĩ, cái gì vuột khỏi tay mình thường trở nên đáng yêu, đáng quý, mới thành hoài niệm, thành ký ức - một ký ức văn hóa. Tôi không có ý nói Tạp chí Văn hóa Nghệ An đã “vuột” khỏi tay mình, theo nghĩa đen của từ. Cái tốt, cái đẹp, cái đúng mà Tạp chí Văn hóa Nghệ An dày công xây đắp, gìn giữ và phát huy dù không còn hiện hữu, nhưng vẫn hiện hình trong tâm khảm rộng rãi bạn đọc. Tôi tin tưởng như thế và tin rằng nhiều người tin như tôi. Tin tưởng, tại sao không (!?).

                                                                                                             

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443525

Hôm nay

283

Hôm qua

2333

Tuần này

21338

Tháng này

218699

Tháng qua

112676

Tất cả

114443525