Văn hóa và đời sống
Hẹn gặp Văn hóa Nghệ An trong hình hài khác
Trong tiến trình quy hoạch báo chí, có những cơ quan báo chí được bạn đọc yêu quý, mến mộ ngừng hoạt động. Tạp chí Văn hóa Nghệ An là một cơ quan báo chí như vậy; thay vì luyến tiếc, tôi cố gắng nhìn nhận, đánh giá 15 năm hoạt động của Tạp chí này và hi vọng “tinh thần Văn hóa Nghệ An” tiếp tục được thể hiện trong ấn phẩm khác.
“Văn hóa Nghệ An” - Ấn tượng mạnh từ một cơ quan báo chí cấp ba
Hệ thống báo chí Việt Nam hiện nay được phân chia thành ba cấp: Cấp một là những cơ quan báo chí ngang bộ, nghĩa là Tổng biên tập được xem ngang hàng bộ trưởng. Các cơ quan báo chí cấp một ở Việt Nam không nhiều, đó là Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam. Các cơ quan báo chí cấp hai (ngang cấp Cục, Vụ...) rất nhiều, đó là cơ quan ngôn luận của các bộ, ngành, tỉnh thành, các tổ chức chính trị - xã hội như Báo Đầu Tư, Tạp chí Xây dựng, Báo Lao động, Báo Phụ nữ Việt Nam, Báo Tiền Phomg, Báo Nghệ An, Báo Hà Tĩnh, Báo Sài Gòn Giải phóng, v.v... Các cơ quan báo chí cấp ba ngang cấp phòng, chúng là các cơ quan báo chí trực thuộc các sở, các tổ chức chính trị - xã hội ở các tỉnh thành như Báo Tuổi Trẻ (TP Hồ Chí Minh), Tạp chí Văn hóa Nghệ An (VHNA), Tạp chí Sông Hương, Báo Người lao động...
Về phân cấp là như vậy. Tuy nhiên, ảnh hưởng xã hội của các cơ quan báo chí không phụ thuộc vào cấp, mà phụ thuộc vào những vấn đề báo đề cập, đội ngũ tác giả, tính chiến đấu, số lượng phát hành... Vì vậy, Tạp chí VHNA là cơ quan báo chí cấp ba (cơ quan chủ quản là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, nay là Sở Văn hóa và Thể thao của tỉnh Nghệ An) nhưng gây ấn tượng mạnh mẽ bởi tạp chí này luôn luôn đề cập đến những vấn đề mà xã hội quan tâm; đội ngũ những người viết phần lớn là chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học và hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Điều quan trọng nhất là những tác giả này không chỉ hiểu sâu vấn đề mà mình là chuyên gia mà họ đủ bản lĩnh để nói thẳng, nói thật các vấn đề “sắc nhọn” trong cuộc sống và sẵn sàng chịu trách nhiệm về những gì mình viết. Chính điều này tạo nên sức hấp dẫn của Tạp chí VHNA, biến cơ quan báo chí cấp ba này thành một tờ tạp chí có sức hút với độc giả khắp mọi miền đất nước, những người Việt Nam sống ở nước ngoài, những người nước ngoài biết tiếng Việt.
Tạp chí Văn hóa Nghệ An chỉ tồn tại và phát triển trong 15 năm nhưng đã khiến nhiều độc giả yêu mến, quý trọng.Có thể nói Tạp chí VHNA đã tạo nên một kỳ tích nho nhỏ trong lĩnh vực báo chí - truyền thồng. Để có được điều đó, ngoài sự nỗ lực của đội ngũ phóng viên, biên tập viên, Tạp chí VHNA đã xây dựng được đội ngũ cộng tác viên gồm các học giả, các nhà nghiên cứu về văn hóa nổi tiếng trong và ngoài nước, khiến họ xem Tạp chí VHNA là “ngôi nhà của mình”. Với những bài viết xoay quanh đề tài văn hóa theo nghĩa rộng, Tạp chí VHNA đã khẳng định: Văn hóa xứ Nghệ nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung đã tạo dựng, nuôi dưỡng, lưu giữ sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Chính sức mạnh này đã tạo nên vị thế của đất nước Việt Nam ngày nay.
Cách thức Tạp chí VHNA chiếm được cảm tình của bạn đọc
Phải công nhận điều này: Hiện nay, văn hóa nghe nhìn đang lấn lướt văn hóa đọc. Người ta thích xem truyền hình, nghe phát thanh hơn đọc sách, báo; đơn giản là vì nghe và nhìn tiện lợi hơn, mất ít công sức hơn. Nếu có đọc thì người ta chọn loại báo có bài ngắn, nhiều hình ảnh, nhiều thông tin hấp dẫn chứ ít đọc loại tạp chí có bài dài, chi chít chữ. Tạp chí VHNA thuộc loại bài dài, chi chít chữ, có rất ít ảnh và chỉ có hai màu trắng đen. Như vậy, về hình thức, Tạp chí VHNA thuộc loại không đẹp, ít hấp dẫn. Ấy thế nhưng trên thực tế, Tạp chí VHNA có một lượng độc giả rất lớn, được phân bố khắp mọi miền đất nước và ở nước ngoài. Cái hấp dẫn bạn đọc nằm ở nội dung của Tạp chí. Cách đề cập và lý giải các vấn đề “nhạy cảm, tế nhị, gai góc” của Tạp chí VNHA nhẹ nhàng, thấm thía, có sức thuyết phục.
Tạp chí VHNA tổ chức kỷ niệm 10 năm thành lập "Ký ức và khát vọng", năm 2015. nguồn ảnh baonghean.vn
Trước hết, Tạp chí VHNA được xây dựng đúng với những nguyên tắc tổ chức và hoạt động của tạp chí. Tiếp theo, Tạp chí VHNA bám sát tôn chỉ mục đích của mình, thực hiện chức năng nhiệm vụ với nhận thức sâu sắc và rộng mở. Đó là tòa soạn được tổ chức gọn nhẹ (không đông người), linh hoạt; bố cục hợp lý: Xoay quanh trục văn hóa nhưng có nhiều chuyên mục để có những cách tiếp cận khác nhau như “Văn hóa và đời sống”, “Những góc nhìn văn hóa”, “Cửa sổ văn hóa”, “Diễn đàn văn hóa”. Bên cạnh đó, những chuyên mục đặc trưng như “Đất và người xứ Nghệ”, “Xứ Nghệ ngày nay” tạo cho Tạp chí bản sắc riêng. Đặc biệt, chuyên mục “Khách mời của Tạp chí” với thể loại phỏng vấn mở ra cho Tạp chí cơ hội bàn thảo về những vấn đề thời sự nóng bỏng nhất không phải dưới dạng đưa tin mà là mổ xẻ, phân tích, đánh giá. Theo dõi chuyên mục này trong những năm qua, tôi thấy Tạp chí VHNA đã sử dụng chuyên mục “Khách mời của Tạp chí” như một diễn đàn dành cho chuyên gia nói sâu, nói thẳng về những vấn đề mà xã hội quan tâm. Điều này tạo nên sức hấp dẫn.
Và, như tất cả chúng ta đều đã biết, nhân tố con người có ý nghĩa quyết định trong thành công của một cơ quan báo chí; nhân vật quan trọng nhất, là linh hồn của bất cứ tòa soạn báo chí nào đều là Tổng biên tập. Tờ báo, tạp chí có hấp dẫn không, có uy tín với bạn đọc hay không phụ thuộc rất nhiều vào Tổng biên tập. Một Tổng biên tập tốt có thể không phải là người giỏi chuyên môn nhất nhưng phải có phông kiến thức rộng, nhạy cảm, linh hoạt, giao tiếp rộng, ham hiểu biết và đặc biệt phải có bản lĩnh, thậm chí sẵn sàng chịu kỷ luật và không có tâm lý sợ mất chức. Trên thực tế, những tờ báo được bạn đọc yêu quý và có ảnh hưởng lớn trong xã hội, Tổng Biên tập là người giỏi, người tốt thường bị kỷ luật đôi ba lần. Ví dụ, ông Lê Văn Nuôi - Nguyên Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ (TP HCM) bị kỷ luật tới 3 lần.
Tôi không biết ông Phan Văn Thắng - Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí VHNA bị kỷ luật mấy lần nhưng chắc chắn Tổng Biên tập cùng với tập thể cán bộ khoảng một chục người, biến một tờ tạp chí cấp ba thành “món ăn tinh thần” cho bạn đọc trong cả nước thì khó tránh khỏi bị kỷ luật. Vì sao ư? Vì ở đây sự việc phải tuân theo một “nguyên lý” nho nhỏ được gọi là “Đỉnh cao và vực thẳm”: Bên cạnh đỉnh cao luôn luôn là vực thẳm; những người muốn an toàn thường lùi khỏi vực thẳm 3 bước, nghĩa là họ ở cách đỉnh cao 3 bước. Còn những người có bản lĩnh thường tìm cách đứng trên đỉnh cao nên việc họ thỉnh thoảng trượt chân cũng không có gì lạ.
Ông Phan Văn Thắng - Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ An (từ 2005- 11/2018)
Có một vị nguyên là lãnh đạo trong lĩnh vực thông tin - tuyên truyền đã phân chia báo chí Việt Nam thành hai loại: Báo chí lề phải (báo chí chính thống, có giấy phép) và báo chí lề trái (báo chí không chính thống, không có giấy phép). Đây là cách chia đầy cảm tính nhưng nó cũng phần nào phản ánh thực chất tình trạng báo chí, truyền thông nước ta: Có khoảng cách khá lớn về cách đánh giá các vấn đề, sự kiện giữa báo chí và mạng xã hội. Điều này là bình thường trong điều kiện nước ta. Việc con người nhận thức khác nhau là điều bình thường. Sẽ có lợi hơn nếu báo chí và mạng xã hội soi vào nhau, nhận ra điểm mạnh, điểm yếu của nhau để hoàn thiện. Hiện tại, mạng xã hội thành người giám sát và phản biện báo chí chính thống; còn báo chí chính thống đang cố gắng uốn nắn mạng xã hội.
Nếu chấp nhận trong hệ thống truyền thông của Việt Nam có “báo chí lề phải” và “báo chí lề trái” thì Tạp chí VHNA được xem là cơ quan báo chí “trái nhất trong báo chí lề phải và phải nhất trong báo chí lề trái”, hay có thể nói Tạp chí VHNA là cầu nối giữa “báo chí lề trái” và “báo chí lề phải”. Vị trí này cho phép Tạp chí VHNA công khai, thẳng thắn nêu và bàn luận những vấn đề được xem là “tế nhị”, “nhạy cảm” như: Sai lầm và cách sửa sai trong Cải cách ruộng đất, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, lợi ích nhóm trong công tác tổ chức - cán bộ, quyền con người và tự do báo chí,... Vì thế, trong những năm qua, Tạp chí VHNA đã không ít lần làm cho một số lãnh đạo tỉnh nhà lâm vào tình huống khó chịu, khó xử. Tuy nhiên, khi họ nghỉ hưu, hoặc chuyển công tác tới nơi khác, nhắc tới Tạp chí VHNA, họ không khỏi tự hào vì rất nhiều người đánh giá cao những đóng góp của Tạp chí VHNA, xem Tạp chí này như hình mẫu cho các tạp chí trong lĩnh vực văn hóa. Có thể nói Tạp chí VHNA đã tạo ra phong cách làm tạp chí văn hóa hấp dẫn và bổ ích.
Tạp chí VHNA tổ chức giới thiệu sách của nhà nghiên cứu văn hóa, văn học Vương Trí Nhàn tại thành phố Vinh (Nghệ An). Ảnh Trang Đoan
Hi vọng “phong cách, bản lĩnh Văn hóa Nghệ An” tiếp tục được phát huy
Tạp chí VHNA ra số cuối cùng vào cuối tháng 11 năm 2020 và sẽ ngừng hoạt động. Điều này khiến bạn đọc khắp nơi luyến tiếc. Nhưng, đó là quy hoạch báo chí, là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, tạp chí Văn hóa Nghệ An phải thực hiện đúng chủ trương.
Thế là trong làng báo xứ Nghệ không còn Tạp chí VHNA nữa, nhưng người xứ Nghệ vẫn viết báo, làm báo; vẫn dùng các cơ quan báo chí để chuyển tải thông tin thời sự chính trị; để nêu ý kiến, giãi bày tâm tư, nguyện vọng; để bàn thảo những giải pháp phát triển kinh tế - xã hội; để phổ biến những giá trị văn hóa tinh thần mà các loại hình văn hóa nghệ thuật tạo ra...
Theo kế hoạch, Tạp chí VHNA sẽ được sáp nhập vào Tạp chí Sông Lam. Nếu làm đúng tinh thần “quy hoạch để phát triển” thì những gì mà Tạp chí VHNA đã tạo lập cần được tiếp tục phát huy. Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước với trên 3,2 triệu dân - là địa phương có tiềm năng và triển vọng rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới. Báo chí - truyền thông, nhất là những cơ quan báo chí được bạn đọc yêu quý và tin tưởng có vai trò rất lớn trong việc tạo ra nhịp độ nhanh, mạnh, bền vững trong sự phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Vì vậy, tôi hi vọng là “phong cách, bản lĩnh Tạp chí VHNA” sẽ tiếp tục được duy trì và phát huy trong sản phẩm mới của cơ quan báo chí mà Tạp chí VHNA được sáp nhập vào.
Để tạo ra “phong cách và bản lĩnh” Tạp chí VHNA, tập thể cán bộ, phóng viên Tạp chí VHNA, đứng đầu là nguyên tổng biên tập Phan Văn Thắng đã nỗ lực rất nhiều, thậm chí là chấp nhận một số thiệt thòi về vật chất. Vì vậy, phong cách và bản lĩnh làm báo mà Tạp chí VHNA tạo nên là một “di sản” có giá trị với những người làm báo xứ Nghệ nói riêng, những người làm báo cả nước nói chung.
Viết bài cho số cuối cùng của Tạp chí VHNA, tôi không nói lời từ biệt mà thể hiện mong muốn được tiếp tục cộng tác với các cơ quan báo chí của Nghệ An - làm tốt chức trách của một nhà báo người Nghệ dù không sống trên đất Nghệ.
tin tức liên quan
Videos
Kiểm kê cổ vật – hành trình gian nan của các cán bộ di sản văn hóa
Sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh
Thể loại phim
Phùng Khắc Khoan với miền núi Nghệ An
Giải Nobel năm 2021
Thống kê truy cập
114528488
2144
2291
2761
215184
0
114528488