Người xứ Nghệ

Nhà tư tưởng canh tân Nguyễn Trường Tộ

 

Nguyễn Trường Tộ sinh năm 1828 (1) trong một gia đình theo Công giáo tại làng Bùi Chu (nay là Xóm 1, xã Hưng Trung), huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.

Cha ông là Nguyễn Quốc Thư, một thầy thuốc Đông y, mất sớm. Thuở nhỏ, ông học chữ Hán với cha và các thầy nổi tiếng ở trong vùng. Ông thông minh, học giỏi nên được truyền tụng là "Trạng Tộ".

Sau khi thôi học, Nguyễn Trường Tộ mở trường dạy chữ Hán tại nhà, rồi được mời dạy chữ Hán trong Nhà chung Xã Đoài, dân làng gọi là thầy Lân. Năm 1846, ông được Giám mục người Pháp tên là Gauthier (tên Việt Nam là Ngô Gia Hậu), dạy cho học tiếng Pháp và các môn khoa học của phương Tây. Cuối năm 1858, ông đi cùng Giám mục Gauthier vào Đà Nẵng tránh nạn kỳ thị Công giáo, rồi được sang Hương Cảng (Hồng Kông) và một số nơi khác... Tháng 2 năm 1861, ông nhận làm “Từ dịch”, phiên dịch các tài liệu chữ Hán cho Pháp với hy vong góp phần giúp triều đình hòa đàm. Năm 1861, ông xin thôi việc vì biết không thể điều đình để giành lại đất đai bị Pháp chiếm.

Nguyễn Trường Tộ đã dồn hết tâm trí vào việc thảo kế sách giúp nước. Nhờ sự hiểu biết sâu rộng về các phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật, quốc phòng, nên đến đầu tháng 5/1863 thì ông đã thảo xong ba bản điều trần gửi lên Triều đình Huế là: "Tế cấp luận", "Giáo môn luận" và "Thiên hạ phân hợp đại thế luận", song không được triều đình trả lời. Đầu năm 1864, ông lại gửi 1 bản điều trần nữa để thuyết phục Triều đình Huế nên tạm hòa với Pháp và mở rộng bang giao, canh tân đất nước. Tháng 6 /1864, ông viết "Lục lợi từ" gửi lên Triều đình, song cũng không được phúc đáp.

Trong quãng thời gian (1862-1864), Nguyễn Trường Tộ đã thiết kế và chỉ đạo việc xây cất Tu viện Dòng Thánh Phaolô Sài Gòn (nay ở Số 4, Đường Tôn Đức Thắng, Thành phố Hồ Chí Minh). Đây là một công trình kiến trúc theo kiểu châu Âu có quy mô và có giá trị bền vững cho đến tận ngày nay.Kiến trúc sư nổi tiếng Ngô Viết Thụ (người thiết kế Dinh Độc lập) nhận xét: “Một giáo đường huy hoàng với đường nét thẩm mỹ lối Gothique. Các khu vòm hình liềm cung, đua nhau vượt lên tới 20 thước, không một chút chạm trổ hoa hòe… Làm cho khách tưởng nhớ đến giáo đường “Sainte- Chapelle” (Tiêu biểu kiến trúc Gô-tich của Pháp-TG) … Cảm tưởng nhẹ nhàng vì sự thành công của vị Kiến trúc sư làm cho ai vào đó cũng cảm thấy thoát tục” (2).

Khoảng cuối năm 1864 cho đến đầu năm 1865, Nguyễn Trường Tộ đã gửi liên tiếp một số kiến nghị lên triều đình như "Góp ý về việc mua và đóng thuyền máy" (cuối 1864), "Góp ý về việc đào tạo người điều khiển và sửa chữa thuyền máy" (tháng 2/1865) và "Khai hoang từ" (tháng 2/1866). Tháng 4/1866, ông được triệu ra Huế để giải quyết vụ tàu London. Nhưng sau khi đệ trình lên cách giải quyết, thì không được thi hành nên ông chán nản và xin về Nghệ An.

Tháng 5/1866, Tổng đốc Nghệ An là Hoàng Tá Viêm nhận lệnh ra đào Kênh Sắt ở Hưng Nguyên. Con kênh này được đào từ thời nhà Đường đô hộ, đến địa phận huyện Hưng Nguyên (địa giới Hưng Nguyên xưa, nay là dốc Tuần, Diễn An, Diễn Châu) thì gặp địa hình phức tạp, nhiều đá lớn cản dòng, đành bỏ dở. Thời nhà Hồ, Vua cũng lệnh đào tiếp nhưng không xong. Hoàng Tá Viêm đã viết thư cậy ông Tộ đi xem địa hình, thế đất, hướng dẫn cách đào. Bức thư có câu: “Tôi ngày đêm suy nghĩ rằng phải có bậc hiểu biết hơn người mới có thể giảm bớt tốn phí và thành công được”. Ông Tộ đi xem và nói rằng: “Có một khúc vì có nhiều đá lớn, như bên Tây có mìn thì phá đi, ta không có nên phải tránh. Ông cắm nêu một buổi sớm vừa xong, dân phu cứ thế mà đào thì kênh hoàn thành”(3). Ông đã viết bài “Hạ Thiết Cảng thành bạt” (Mừng hoàn thành Kênh Sắt).

Mặc dù bị nghi kỵ vì là người Công giáo, ông vẫn không nản chí. Về tới quê, ông liền viết thư cho Triều đình để báo tin về việc Giám mục Gauthier nhận lời đi Pháp để mua thiết bị mở trường kỹ thuật ở Huế. Tháng 8/1866, ông được lệnh đi cùng Giám mục Gauthier vào Huế để chuẩn bị đi Pháp.

Ngày 17/8/1866, Nguyễn Trường Tộ cùng với Giám mục Gauthier tới Huế. Lần này, ông được Vua Tự Đức tiếp kiến ở nhà Tả Vu trong Tử Cấm thành, được hỏi han nhiều điều. Ngày 15/9 năm đó, phái đoàn Giám mục Gauthier và Nguyễn Trường Tộ đi tàu của nhà Vua vào Sài Gòn. Trong thời gian lưu lại, hai ông đã có những cuộc tiếp xúc với Đô đốc La Grandière và Lãnh sự Tây Ban Nha để nắm tình hình theo yêu cầu của Triều đình. Sau đó, ông đã có 6 bản báo cáo gởi lên.

Ngày 10/1/1867, ông Tộ cùng phái đoàn đáp tàu đi Pháp. Trong 8 tháng ở đây, họ đã mua sách vở, dụng cụ, máy móc... để lập trường học kỹ thuật ở Huế. Ngày

29/2/1868, phái đoàn Giám mục Gauthier và Nguyễn Trường Tộ về tới Huế. Sau khi xem xét các thứ mua về cho trường học và các thứ mà Bộ Hàng hải Pháp gửi tặng, Vua Tự Đức cho phép xây trường học kỹ thuật trên mảnh đất giữa nhà thờ Kim Long và Tòa Giám mục Huế. Các thành viên trong đoàn đều được nhà vua ban thưởng tiền và lụa.

Trong thời gian từ tháng 2 cho tới tháng 4/1868, Nguyễn Trường Tộ đã gửi cho Triều đình ít nhất là 9 văn bản, hầu hết các văn bản đều viết về vấn đề sứ bộ đi Pháp. Quan điểm nhất quán của ông là phải tự lực tự cường để giành lại phần đất đã bị thực dân Pháp chiếm đoạt, chứ không thể van xin mà được. Tuy nhiên, ông vẫn sẵn sàng đi theo sứ bộ và đã có những kiến nghị rất cụ thể cho chuyến đi Pháp.

Khoảng giữa tháng 3/1868, Nguyễn Trường Tộ được cấp phát ngựa và chi phí về Nghệ An thăm mẹ già trước lúc lên đường sang Pháp. Tuy nhiên, sau khi trở lại Huế, ông đổi ý, kiến nghị với Triều đình là không nên sai sứ bộ sang Pháp điều đình mà chỉ nên gởi sứ bộ vào Sài Gòn thương thuyết. Việc đi Pháp vì thế phải đình hoãn không thời hạn, ông trở về Nghệ An.

Về quê, ông đã vận động dân làng Xuân Mỹ (Nghi Lộc) thường xuyên bị úng lụt đến nơi ở mới, đồng thời xây cất Nhà chung Xã Đoài. Trong những năm này, ông vẫn đều đặn gửi lên triều đình Huế các bản kiến nghị về canh tân đất nước để giữ độc lập. Tháng 10/1870, Nguyễn Trường Tộ gửi thư lên Triều đình đề nghị lập lãnh sự Pháp ở Sài Gòn và sứ quán ta ở Pháp để nắm tình hình. Đầu tháng 11/1870, nhân lúc Pháp đang thua Phổ (Đức) và Cách mạng Pháp đang nổ ra, ông xin được vào Nam tổ chức đánh úp quân Pháp để thu hồi 6 tỉnh Nam Kỳ. Đầu năm 1871, ông nhận được lệnh cấp tốc ra Huế để bàn bạc với Vua Tự Đức về phương lược đánh quân Pháp. Nhưng Triều đình Huế do dự, bàn luận mãi mà không dám quyết, sứ bộ không được cử đi các nước, kế hoạch đánh úp Pháp để thu hồi 6 tỉnh ở Nam Kỳ cũng không thực hiện. Sau mấy tháng ở Huế, Nguyễn Trường Tộ đã xin phép trở về Xã Đoài.

Đến ngày 22/11/1871 thì ông đột ngột từ trần, hưởng dương 43 tuổi. Thi hài ông được an táng tại làng Bùi Chu. Năm 1943, GS.Từ Ngọc - Nguyễn Lân đã dùng tiền bán sách và kêu gọi các cá nhân, tổ chức đóng góp công của để xây dựng lăng mộ cho Nguyễn Trường Tộ. Ngôi mộ được xây bằng đá cẩm thạch Thanh Hóa cùng với những họa tiết trang nhã, đã được Bộ Văn hóa Thông tin đã xếp hạng di tích cấp quốc gia (QĐ số 97/QĐ-VH, 21/01/1992). Năm 1996, huyện Hưng Nguyên đã đầu tư xây dựng, nâng cấp khu di tích với diện tích 1.062 m², gồm 2 phần: phần mộ và phần vườn mộ, xung quanh được xây hàng rào bảo vệ, bên trong trồng hoa và cây cảnh.

Tài sản vô giá mà Nguyễn Trường Tộ để lại cho hậu thế là 58 bản di thảo (4), hầu hết là những kiến nghị gửi lên Triều đình. Các kiến nghị của ông thuộc nhiều lĩnh vực: giáo dục, văn hóa, kinh tế, quốc phòng, ngoại giao, tôn giáo, quan lại,... Quan điểm xuyên suốt của ông là cái cách giáo dục, bỏ hủ nho, mở mang dân trí, đào tạo nhân tài, phát triển kinh tế, mở rông bang giao, làm cho nước giàu mạnh, đánh đuổi ngoại xâm, giữ vững nền độc lập bền vững cho đất nước. Nhiều kiến nghị xuất sắc của ông đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Tác giả Từ Ngọc - Nguyễn Lân đã từng viết cuốn sách “Nguyễn Trường Tộ” xuất bản lần đầu năm 1941, trong mục Mấy lời ngỏ trước có đoạn: “Một người có cái kiến thức sâu rộng như tiên sinh, một người có lòng yêu nước trên hết như tiên sinh, ta có bổn phận phải luôn luôn nhắc nhỏm đến tên tuổi, để tỏ lòng thành kính nhớ ơn, để treo một gương sáng giữa các anh em thanh thiếu niên ngày nay, và nhất là để bày trước mắt các bạn du học tấm hoài bão thiết tha của nhà Tây học sớm nhất nước” (5). Cũng ở sách trên, trong mục Tổng luận, tác giả viết: “Ở Á Đông hồi cuối thế kỷ thứ 19 có 3 bậc vĩ nhân là: Phúc Trạch Dụ Cát (Nhật Bản), Khang Hữu Vi (Trung Quốc) và Nguyễn Trường Tộ (Việt Nam)...” (6). Tuy nhiên chỉ có Phúc Trạch Dụ Cát là được Triều đình trọng dụng và Nhật Bản đã nhanh chóng hùng mạnh.

Hiện nay nhiều đường phố và trường học trong nước mang tên ông.                                                                                                                            

Chú thích

(1) Có tài liệu viết ông sinh 1828.

(2) Báo “Người đô thị”, thứ năm, 21/04/2016.

(3-4) Trương Bá Cần: Nguyễn Trường Tộ con người và di thảo, Trung tâm nghiên cứu Hán Nôm, 1991, tr14, 38, 39.

(5) Từ Ngọc - Nguyễn Lân: Nguyễn Trường Tộ, Nxb Nghệ An, 2008, tr 7

(6) Sđd, tr 107. Phúc Trạch Dụ Cát (Nhật Bản) ở thời kỳ Minh Trị duy tân, đã bỏ Hán học, theo Tây học, học tập Âu - Mỹ, viết sách báo, mở trường học đào tạo nhân tài, có công lớn làm cho nước Nhật trở nên hùng mạnh. Chí sỹ Khang Hữu Vi (Trung Quốc) cũng hăng hái canh tân đất nước, sau khi đỗ Tiến sỹ, liền học chữ Anh, đi học tập các nước phát triển để canh tân đất nước. Nhưng chính quyền Mãn Thanh bảo thủ không nghe theo.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434947

Hôm nay

2218

Hôm qua

2349

Tuần này

21597

Tháng này

211995

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434947