Văn hóa và đời sống

Sứ mệnh của giáo dục và văn hóa trong chiến lược phát triển con người toàn diện

 

Con người là nhân tố quyết định trong lĩnh vực văn hóa mà còn trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Ảnh: Trần Hải

          Trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, vấn đề phát triển con người toàn diện được coi là mấu chốt. Đảng ta khẳng định, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Có hai lĩnh vực then chốt để phát triển con người là giáo dục và văn hóa. Vì vậy, sứ mệnh trước hết, trên hết của giáo dục là phát triển con người. Còn hiệu quả cao nhất mà văn hóa và các giá trị văn hóa mang đến chính là nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước, là nhân lên lòng yêu nước, ý chí khát vọng và tinh thần cống hiến của con người, tạo động lực để mỗi người ra sức thi đua lao động sản xuất, học tập, nghiên cứu và công tác vì sự phát triển toàn diện của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân và sự trường tồn của dân tộc. Văn hóa phải thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội. Còn văn hóa là còn tất cả, mất văn hóa là mất tất cả. Tóm lại, muốn phát triển con người toàn diện phải phát triển giáo dục và văn hóa.

          Trong “Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030”, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra 12 định hướng chiến lược, trong đó định hướng 3 là định hướng về phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; định hướng thứ 4 là định hướng phát triển về con người và xây dựng nền văn hóa.

          Văn kiện Đại hội XIII chỉ rõ: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài”[1]. Đồng thời Đại hội cũng xác định, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII là “tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện cơ bản về chất lượng giáo dục và đào tạo, gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài…”[2].

          Định hướng về phát triển con người và xây dựng nền văn hóa xác định: “phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc…”[3].

          Cả hai nhiệm vụ, lĩnh vực trên đều có chiến lược phát triển toàn diện. Để hiện thực hóa chủ trương này trong xã hội, trước hết phải hiểu thấu đáo cụm từ “phát triển con người toàn diện” theo quan điểm biện chứng và thực chứng của nó, tránh quan điểm siêu hình, giáo điều, xa rời thực tế. Thứ hai, phải tiến tới mục tiêu “toàn diện” bằng cách thực hiện những điều căn bản nhất của vấn đề để có căn cứ và thước đo giải quyết vấn đề khác. Điều đầu tiên cần phải làm là ứng xử đúng đắn với phương châm: nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật và làm theo quy luật khách quan.

          Đối với phát triển giáo dục

          Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII tập trung đề cập đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo ở mục V: Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người. Có thể thấy, lần đầu tiên trong Văn kiện Đại hội Đảng, Đảng ta gắn sứ mệnh “phát triển con người” với sứ mệnh “nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” của giáo dục và đào tạo. Văn kiện Đại hội yêu cầu xác định rõ mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong giai đoạn tới, nhằm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có sức khỏe, năng lực, trình độ, có ý thức trách nhiệm cao đối với bản thân, gia đình, xã hội và Tổ quốc; “Chú trọng hơn giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, … khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”[4]. Gắn giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Như vậy, vấn đề chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng phát triển con người đã thể hiện nhận thức sâu sắc của Đảng về vai trò, vị trí và ý nghĩa quan trọng của việc giáo dục, bồi dưỡng nhằm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, cân bằng giữa cuộc sống vật chất và tinh thần, hài hòa giữa các nhu cầu kinh tế và đời sống đạo đức, văn hóa.

          Theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, công tác giáo dục và đào tạo cần tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện và thực chất hơn. Khái niệm toàn diện trong tư duy và thực hành đều không phải là làm đồng thời các khía cạnh, các vấn đề của đối tượng. Nói về cách tiếp cận để thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo theo tinh thần của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, ông Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khẳng định, ngành Giáo dục sẽ tập trung thực hiện tốt những định hướng quan trọng mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, trong đó yêu cầu giáo dục phải bắt đầu từ việc “học thật, thi thật, nhân tài thật”[5].

          Bên cạnh đó, cần triệt để xóa bỏ suy nghĩ và thói quen “phát triển toàn diện” chủ quan, tham vọng so với thực tế tâm lý và điều kiện của đối tượng giáo dục cụ thể. Sai lầm này đã biểu hiện rõ trong việc xây dựng các chương trình giáo dục quá sức, quá nặng với nhiều môn học và kiến thức, thiên về lý thuyết ở hầu hết tất cả các cấp học, nhất là ở giáo dục phổ thông. Thực trạng này đòi hỏi ngành giáo dục phải giảm tải, tinh gọn quá trình đào tạo, nhấn mạnh vào thực chất của học, thi và đánh giá kết quả, tránh chạy theo thành tích đối phó,… Muốn làm được điều đó, trước hết, người đứng đầu ngành và các tổ chức trực thuộc không chỉ phải giỏi về chuyên môn giáo dục mà còn phải có đủ năng lực lãnh đạo, quản lý và thực sự nêu gương trước nhà trường và xã hội. Giáo dục và đào tạo không thể giữ quan điểm đào tạo kiến thức, chuyên môn là quan trọng nhất trong mục tiêu phát triển nhân cách toàn diện giữa các mặt thái độ, kiến thức, kỹ năng, trong khi sử dụng lao động đánh giá “thái độ cao hơn trình độ”. Đặc biệt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu thế hội nhập quốc tế đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, giáo dục và đào tạo phải đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

          Đối với phát triển văn hóa

          Nội dung phương hướng phát triển văn hóa được đặt ra trong báo cáo chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII nhấn mạnh yêu cầu về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đây là hai lĩnh vực có mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ với nhau. Trong đó, con người đóng vai trò chủ thể, đồng thời là mục đích của việc phát triển văn hóa. Phát triển văn hóa chính là phát triển con người và ngược lại. Cùng với chủ trương gắn kết chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, sự tăng cường và gắn kết xây dựng con người và nền văn hóa trong một thể thống nhất sẽ là cơ sở vững chắc để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển”[6], không chỉ làm cho văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần, mà còn trở thành động lực mạnh mẽ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

          “Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030” khẳng định: “Tăng cường đầu tư phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng phát triển tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, tài năng, trí tuệ phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”[7].

          Trong lĩnh vực văn hóa và con người, các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII không chỉ đặt ra vấn đề đúc kết, xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam, mà còn nhấn mạnh làm rõ yêu cầu về “xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”[8]. Trong bối cảnh hiện nay, việc gắn bó chặt chẽ mối quan hệ giữa “hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người” với “hệ gia đình Việt Nam” là vấn đề hết sức cần thiết, thể hiện nhận thức sâu sắc của Đảng ta trong việc xác định vai trò quan trọng của giáo dục gia đình với tư cách là tế bào của xã hội, là hạt nhân lưu giữ và phát huy các giá trị quốc gia, giá trị văn hóa và con người Việt Nam. Do đó, cần có sự quan tâm, có những giải pháp điều kiện tích cực hơn trong việc xây dựng và phát huy hệ giá trị gia đình Việt Nam trong điều kiện mới.

          Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng chỉ rõ: “từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”. Việc khắc phục những hạn chế phải luôn trong mối quan hệ hữu cơ không tách rời với việc giáo dục, phát huy những đức tính tốt đẹp của con người Việt Nam. Vừa khẳng định những giá trị tốt đẹp, những giá trị tích cực có ý nghĩa căn bản và quyết định làm nên bản sắc và văn hóa con người Việt Nam, vừa nhìn thẳng vào sự thật với tinh thần tự phê bình và phê bình nghiêm khắc.

          Phát triển văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là nhiệm vụ chính trị, là trách nhiệm chung của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị và mọi người dân. Phát triển văn hóa chính là giữ cái gốc của một quốc gia, dân tộc. Mặt khác, quan tâm phát triển văn hóa không đơn thuần là các hoạt động văn hóa văn nghệ, là những buổi biểu diễn, những vở kịch, bộ phim hay một ca khúc, mà văn hóa và giá trị văn hóa còn chứa đựng trong mỗi công việc, lĩnh vực của đời sống xã hội, trong hoạt động của mỗi con người, mỗi tập thể, trong giá trị của từng sản phẩm hàng hóa… Văn hóa và các giá trị văn hóa còn là nhân cách của mỗi con người, là cốt lõi để tạo nên thương hiệu quốc gia, hình ảnh đất nước. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, văn hóa và phát triển văn hóa còn là một ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần tạo dựng sự phát triển đất nước bền vững.

          Như vậy, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đưa ra chiến lược phát triển con người toàn diện trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, theo đó, cần phát triển văn hóa, giáo dục toàn diện để xây dựng và phát triển con người Việt Nam phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất và năng lực sáng tạo, có ý thức cộng đồng có lòng nhân ái, khoan dung, tôn trọng nghĩa tình, có lối sống văn hóa, quan hệ hài hòa trong gia đình, cộng đồng và xã hội. Đây là những yếu tố cốt tử để xây dựng và phát huy năng lực, phẩm chất, hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam. Đồng thời, là những điểu kiện không thể thiếu để tạo nên động lực to lớn, góp phần thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong thời gian tới.

___________________________

1. Khoa Hồ Chí Minh học, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

2. Khoa Lý luận Mác - Lênin, Trường Sĩ quan Lục quân 1

 


[1] ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, Hà Nội, tập 1, tr. 329.

[2] ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, Hà Nội, tập 1, tr. 338

[3] ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, Hà Nội, tập 21, tr. 330

[4]ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, Hà Nội, tập I, tr. 136-137.

[5]Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu giải pháp để “Học thật, thi thật, nhân tài thật” Báo Lao động, ngày 20/5/2021. https://laodong.vn/giao-duc/bo-truong-nguyen-kim-son-neu-giai-phap-de-hoc-that-thi-that-nhan-tai-that-911151.ldo

[6]ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, Hà Nội, tập I, tr. 116

[7]ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, Hà Nội, tập II, tr. 330

[8]ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, Hà Nội, tập II, tr. 143.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441643

Hôm nay

243

Hôm qua

2317

Tuần này

21547

Tháng này

216817

Tháng qua

112676

Tất cả

114441643