Văn hóa và đời sống
Vốn văn hóa trong phát triển kinh tế thị trường vùng dân tộc thiểu số
Những người Thái đang tham gia vào phát triển du lịch cộng đồng. Những người Hmông không ngừng đẩy mạnh các mạng lưới buôn bán nông lâm sản của họ. Những người Thổ đang tìm cách để phát triển kinh tế từ tri thức dân gian về dược liệu. Những người Khơ Mú cũng đưa các mặt hàng đan lát của mình ra thị trường để nâng cao thu nhập…. Bên cạnh đó là các làng nghề thủ công truyền thống ở các vùng dân tộc thiểu số (DTTS), các doanh nghiệp nhỏ được xây dựng để vận dụng các nguồn vốn từ gia đình, cộng đồng vào phát triển. Nhìn chung, kinh tế thị trường đang ngày càng phát triển mạnh mẽ ở vùng DTTS Nghệ An. Và vốn văn hóa là nguồn lực quan trọng trong quá trình phát triển. Những cuộc khảo sát ở nhiều địa bàn vùng miền núi cung cấp nhiều tài liệu liên quan đến vấn đề đó.
Một người phụ nữ ở bản Văng Môn dệt thổ cẩm để bán
Tại bản Nưa (xã Yên Khê, huyện Con Cuông) chúng tôi đã tiếp cận với nhiều hộ gia đình tham gia vào phát triển du lịch cộng đồng. Đây là loại hình kinh tế mới xuất hiện ở đây vào khoảng cuối năm 2011, khi một số hộ gia đình được đi tập huấn về bắt đầu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và đón những vị khách đầu tiên. Cho đến trước khi đại dịch Covid-19 bùng nổ thì hoạt động du lịch cộng đồng ở đây đã khá mạnh mẽ. Ngoài các gia đình đón khách du lịch lưu trú thì còn có nhiều người trong bản tham gia vào các hoạt động liên quan. Từ các hoạt động cung cấp lương thực, thực phẩm, tham gia hoạt động văn nghệ để phục vụ du khách đến các hoạt động buôn bán hàng hóa lưu niệm hay lâm thổ sản cho du khách… Các hoạt động này đã tạo ra một nguồn thu nhập khá nhiều người. Và không chỉ bản Nưa mà hàng chục bản làng khác trong tỉnh đang được đầu tư phát triển du lịch cộng đồng. Nó trở thành một xu hướng được nhiều địa phương quan tâm.
Một người Hmông ở bản Hợp Thành đang rèn dao để bán cho khách
Bản Hợp Thành (xã Xá Lượng, huyện Tương Dương) là địa bàn sinh sống của người Hmông với sự phát triển kinh tế thị trường khá hạn chế. Người dân trong bản chủ yếu là người già và trẻ con đang đi học. Phần lớn thanh niên trong bản đều đi làm ăn xa. Nhưng trong bối cảnh đó, vẫn có một cụ già ở ngay tại bản mà có thể kiếm được hàng chục triệu một năm bằng nghề rèn. Từ kỹ năng rèn truyền thống được cha và bác ruột truyền dạy cho, người đàn ông này đã duy trì lò rèn của mình trong nhiều chục năm qua. Và hiện nay, ông không chỉ rèn để phục vụ nhu cầu trong bản, còn rèn dao bán ra ngoài thị trường. Kỹ thuật rèn của người Hmông vốn nổi tiếng nên sản phẩm của ông rèn ra cũng khá đắt khách. Và mỗi năm ông kiếm được từ 50-60 triệu, gần bằng lương của một công nhân làm ở khu công nghiệp. Ông không phải rời xa quê và cũng tạo ra thu nhập không chỉ nuôi sống hai ông bà mà còn có để giúp con cháu.
Người Khơ Mú ở bản Minh Tiến đang phơi thuốc để gửi cho du khách
Cách đó không xa, tại bản Minh Tiến (xã Lượng Minh, huyện Tương Dương) của người Khơ Mú cũng có những người tương tự. Trong bản cũng có những người lớn tuổi lựa chọn tìm kiếm sinh kế từ văn hóa truyền thống. Một người thì vận dụng tri thức về y dược học truyền thống để tạo ra các loại thuốc và bán cho những người có nhu cầu. Từ các bài thuốc được người cha là thầy lang truyền lại, ông này đã chịu khó lên rừng tìm các loại cây thuốc về chặt ra phơi khô và tạo ra các loại thuốc chữa các bệnh: đau dạ dày, đau đại tràng, tiểu đường, cao huyết áp…. Ban đầu chữa cho một số người, sau đem bán. Người này chữa được thì nhắn bảo người kia. Cứ vậy mà tạo ra mạng lưới xã hội và cũng mang lại cho ông một khoản thu nhập khá lớn để trang trải trong gia đình. Cách nhà người này mấy bước chân có một cụ già khác cũng sinh sống bằng việc đan lát. Trước đây, hầu hết những người đàn ông Khơ Mú đều biết đan lát. Nhưng nay cả bản chỉ còn 3 người tiếp tục đan lát. Sản phẩm chủ yếu là mâm tre, ghế, ép xôi. Theo phong tục người Khơ Mú, người sống sử dụng thì đồ nhựa, đồ sắt mua từ đâu về cũng được, nhưng khi làm lễ cúng tổ tiên, cúng cha mẹ thì phải dùng mâm, dùng ép bằng tre do người Khơ Mú đan. Nên nhà nào cũng phải có một bộ đồ đan truyền thống trong nhà để sử dụng khi thực hành các nghi lễ cúng tổ tiên, cúng cha mẹ hay các nghi lễ khác. Và không chỉ trong vùng mà khi đan được nhiều thì ông còn mang ra chợ bán khá đắt hàng. Công việc này cũng là nguồn sống chính của ông bà trong lúc phải trông cháu vì con cái đều đi làm ăn xa.
Ngoài ra còn nhiều trường hợp mà chúng tôi từng được biết đến như những người phụ nữ Thái về làm dâu người Ơ Đu ở bản Văng Môn (xã Nga My, huyện Tương Dương) vận dụng kỹ năng dệt may hay kinh nghiệm làm rượu cần vốn được truyền thụ từ cha mẹ để tạo ra các sản phẩm hàng hóa bán ra thị trường nhằm tăng thu nhập cho gia đình. Hàng chục hộ gia đình người Thái ở bản Hoa Tiến (huyện Quỳ Châu) cũng hướng đến phát triển thổ cẩm ra thị trường. Hay một số gia đình người Thổ ở Quỳ Hợp đã tận dụng tri thức dân gian về y dược học để phát triển kinh tế dược liệu. Có người vận dụng các mạng lưới xã hội để bán các sản phẩm dược liệu và tạo thu nhập đến cả trăm triệu một năm, mua được cả xe ô tô để đi lại. Nói vậy để thấy, việc vận dụng các nguồn vốn văn hóa vào phát triển kinh tế thị trường ở vùng DTTS vùng miền núi Nghệ An diễn ra khá đa dạng. Dù hiệu quả ở các mức độ khác nhau, nhưng các hình thức phát triển đó cũng đưa lại những ảnh hưởng nhất định. Nó chứng tỏ nếu biết vận dụng một cách hợp lý thì các giá trị văn hóa truyền thống cũng trở thành nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế thị trường. Và sự phát triển của kinh tế thị trường cũng mở ra cơ hội để người dân có thể vận dụng các nguồn vốn văn hóa vào phát triển kinh tế.
Văn hóa với tư cách là một loại vốn lần đầu tiên được học giả người Pháp-Piere Bourdieu bàn đến vào những năm 1960 trong các nghiên cứu xã hội học giáo dục. Sau đó được nhiều học giả khác mở rộng để vận dụng vào nghiên cứu phát triển. Khái niệm vốn văn hóa được hiểu theo nhiều mức độ khác nhau và không đồng nhất tùy vào mục tiêu và đề tài cụ thể. Trong phân tích sự phát triển kinh tế thị trường ở miền núi, khái niệm vốn văn hóa được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm cả các loại vốn khác nhau như vốn xã hội, vốn kinh tế, vốn con người, vốn tri thức, vốn biểu tượng... Điều này cũng dễ hiểu khi mà văn hóa được hiểu theo nghĩa rộng bao hàm cả kinh tế, xã hội, thể chế, biểu tượng và con người… Theo đó, vốn văn hóa được hiểu là các nguồn lực vật thể và phi vật thể, biểu hiện cá nhân hoặc cộng đồng, có thể luân chuyển và tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào các quá trình kinh tế để tạo ra lợi nhuận cho con người. Như vậy, vốn văn hóa theo nghĩa rộng có thể bao gồm 4 trạng thái cơ bản là vốn văn hóa cá nhân, vốn văn hóa cộng đồng, vốn văn hóa thể chế và mạng lưới xã hội.
Qua những ví dụ đã đề cập đến ở trên thì có thể người dân đã bước đầu biết vận dụng vốn văn hóa vào phát triển kinh tế thị trường. Cảnh quan văn hóa làng bản, nghệ thuật biểu diễn, ẩm thực, trải nghiệm là những nguồn vốn văn hóa cộng đồng được người Thái ở Bản Nưa vận dụng vào phát triển du lịch. Năng lực cá nhân từ kiến thức về văn hóa truyền thống, năng lực xây dựng và quản trị mạng lưới xã hội là những nguồn vốn văn hóa cá nhân. Còn các chính sách, thể chế quan phương và phi quan phương đều là nhân tố quan trọng để phát triển du lịch. Hay các trường hợp những người khác phát triển các sản phẩm thủ công nghiệp để phát triển kinh tế thị trường cũng vậy. Đó là tri thức về nghề rèn truyền thống, là tri thức và kỹ năng, kinh nghiệm về dệt may, đan lát hay y dược học cổ truyền. Đó là nền tảng để họ phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên, nếu tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống hay các giá trị văn hóa khác mang tính cộng đồng, là nguồn vốn văn hóa cộng đồng thì người vận dụng được cũng cần có kỹ năng riêng, có quan hệ xã hội, có mạng lưới xã hội rộng lớn hơn, biết sử dụng các trang thiết bị hiện đại để phát triển. Đó là vốn văn hóa cá nhân. Và càng phát triển thì nguồn vốn văn hóa lại càng giữ vai trò quan trọng.
Trong nhiều năm qua, các chính sách phát triển vùng DTTS thường chú trọng đến cơ sở vật chất hạ tầng. Điều đó là cần thiết vì cơ sở vật chất hạ tầng cần đi trước. Tuy nhiên, càng ngày, sự phát triển càng cho thấy vốn văn hóa có vai trò quan trọng. Chúng ta nói rất nhiều đến việc phát huy giá trị văn hóa vào phát triển kinh tế nhưng cụ thể thế nào lại ít bàn. Và những người dân đã làm rõ hơn điều đó thông qua những lựa chọn hình thức phát triển kinh tế thị trường của mình. Nhưng người dân đang vận dụng vốn văn hóa vào phát triển một cách tự phát, đối diện với nhiều rủi ro và thiếu tính kế thừa. Ngay cả những mô hình phát triển hiệu quả thì vẫn không thu hút được người trẻ kế thừa. Bởi thanh niên chủ yếu lựa chọn đi làm ăn xa. Nhưng qua đợt dịch bệnh này người ta nhận thấy đi làm ăn xa cũng đối diện với quá nhiều rủi ro. Nên việc quay về quê phát triển các mô hình kinh tế dựa vào nguồn vốn văn hóa của mình là điều cần thiết. Muốn vậy thì cần những chiến lược phát triển phù hợp, xem trọng sự cân bằng, lấy bảo tồn, bảo vệ làm mục tiêu để phát triển, lấy văn hóa làm động lực để phát triển, và lấy chủ thể văn hóa làm đối tượng để phát triển. Khi đó, vốn văn hóa sẽ thực sự trở thành nguồn lực phát triển quan trọng./.
tin tức liên quan
Videos
Thế giới đã thay đổi thế nào trước đại dịch Covid - 19?
Nhớ lần gặp Đại tướng Chu Huy Mân
Xứ Nghệ - Điểm đến thú vị của những cuộc du xuân
Có hay không một tầng lớp quý tộc Việt
“Cần cho làng một sự tự trị thực sự để tăng cường sự đoàn kết …”
Thống kê truy cập
114503495
2217
2332
2965
220888
120308
114503495