Người xứ Nghệ

Đồng chí Nguyễn Côn – tấm gương cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tiêu biểu của Đảng, người con ưu tú của quê hương Thanh Chương

Đồng chí Nguyễn Côn (bí danh là Nam) sinh ngày 15/5/1916 trong một gia đình và dòng họ có truyền thống yêu nước và khoa bảng, tại thôn Liễu Nha, xã Thanh Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Quê hương Nguyễn Côn là mảnh đất địa linh nhân kiệt, với bề dày truyền thống văn hóa, truyền thống yêu nước nồng nàn và tinh thần đấu tranh bất khuất. Ngay từ thời Bắc thuộc và trong suốt tiến trình dựng nước và giữ nước, nhân dân Thanh Chương đã tham gia tích cực nhiều cuộc kháng chiến chống ngoại xâm bảo vệ độc lập dân tộc và chống áp bức, bóc lột của phong kiến địa chủ, giành quyền sống. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dưới ánh sáng soi đường của Đảng, truyền thống đấu tranh oanh liệt đó lại càng được phát huy cao độ.

Từ thuở ấu thơ, cậu bé Nguyễn Côn đã được sự giáo dục, chỉ bảo theo truyền thống yêu nước và Nho học của gia đình. Ông cố của Nguyễn Côn là cụ Nguyễn Đức Lân đậu Cử nhân năm Đinh Mão 1867, thân sinh là cụ Nguyễn Chính đỗ Giải Nguyên khoa thi Nhâm Tý 1912. Dù đỗ đạt nhưng cụ Giải Chính không thích ra làm quan mà lui về quê dạy học truyền đạt con chữ cho những người dân nghèo, bảo vệ bênh vực họ trước sự đàn áp, ức hiếp của chính quyền phong kiến. Yêu nước, thương căm, căm ghét quan trường nô lệ, nhân cách cao đẹp của cụ Giải Chính đã truyền cho cậu bé Nguyễn Côn những đức tính tốt đẹp. Nguyễn Côn là con thứ hai trong gia đình có 5 anh chị em. Chị hai Nguyễn Thị Kỳ cũng là một trong những tấm gương phụ nữ Nghệ An tiêu biểu về nhân cách và lòng yêu nước, thương dân với những đóng góp không nhỏ cho hoạt động yêu nước, cách mạng của quê hương.

Từ những truyền thống tốt đẹp của quê hương, tuổi thơ lại được cha kèm cặp chỉ dạy, lại được tắm mình trong tiếng mẹ ru về lẽ sống, đạo lý làm người với những câu ca sâu nặng nghĩa tình đã góp phần hun đúc nên trong tâm hồn Nguyễn Côn tình yêu quê hương, đất nước thiết tha.

Năm 1935, khi vừa tròn hai mươi tuổi, từ biệt quê hương Nguyễn Côn vào học trường Kỹ nghệ thực hành Huế. Ngôi trường này được thành lập ngày 12 tháng 9 năm 1899, theo Chỉ dụ của Vua Thành Thái. Đây là ngôi trường có bề dày truyền thống đào tạo nghề, đặc biệt là truyền thống cách mạng vẻ vang, được coi là cái nôi đào tạo nhiều thế hệ chiến sĩ cách mạng kiên cường. Cũng chính nơi đây đã đào tạo được nhiều cán bộ lãnh đạo của cao cấp của Đảng, Nhà nước và Quân đội và cũng không thể kể hết những người con ưu tú từ mái trường này đã ngã xuống cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước.

Trong thời gian Nguyễn Côn học tập tại Huế, hàng ngày chứng kiến sự đàn áp, bóc lột và những thủ đoàn thâm độc, mỵ dân của chính quyền thực dân, phong kiến đã khắc sâu vào tâm hồn chàng sinh viên trẻ tuổi tràn đầy nhiệt huyết lòng căm thù giặc và quyết tâm đấu tranh.

Từ năm 1936, ở Thừa Thiên Huế, phong trào dân sinh, dân chủ diễn ra sôi nổi và mạnh mẽ. Đảng bộ Tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động xây dựng lại phong trào, tiến hành cuộc vận động Đông Dương Đại hội, thu thập nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân gửi lên phái đoàn điều tra của chính phủ Pháp. Trong thời gian này, Nguyễn Côn được sống trong không khí sục sôi cách mạng, anh đã hòa mình trong hàng ngũ học sinh, sinh viên, trí thức tích cực đấu tranh, biểu tình. Nguyễn Côn tích cực thâm nhập và gây dựng phong trào học sinh, tập hợp lực lượng thanh niên nâng cao nhận thức và lòng yêu nước góp phần hình thành nên một lực lượng quần chúng đông đảo sẵn sàng tham gia vào các cuộc đấu tranh. Đồng chí đã đứng lên lãnh đạo cuộc biểu tình của học sinh Huế đón Godart bất chấp sự khủng bố của kẻ thù. Hoảng sợ trước phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân và học sinh, sinh viên tại Huế, thực dân Pháp đã tăng cường đàn áp hòng dập tắt phong trào, đồng thời đuổi học Nguyễn Côn.

Rời Huế, Nguyễn Côn vào Sài Gòn xin vào làm công nhân trong các nhà máy như: nhà máy Ba Son, đồn điền Quảng Lợi, Đề pô xe lửa Dĩ An. Từ một sinh viên ngồi trên ghế nhà trường, Nguyễn Côn chính thức trở thành người thợ. Lăn lộn trong phong trào công nhân, tiếp xúc, hòa mình với nỗi khổ của những người thợ, chứng kiến sự áp bức, bóc lột nặng nề của thực dân Pháp càng tiếp thêm cho anh sức mạnh trên con đường đấu tranh thực hiện lý tưởng. Anh nhanh chóng trưởng thành và được đứng vào hàng ngũ của Đảng vào tháng 10/1937. Đồng chí đã tích cực hoạt động và liên lạc với các tổ chức Đảng và nhiều đồng chí lãnh đạo cốt cán như Phan Giá, Nguyễn Thanh Sơn, Phan Triềm, Trần Văn Quang, Nguyễn Văn Cúc (tức Nguyễn Văn Linh), đồng thời được tham dự Hội nghị Thành ủy Sài Gòn mở rộng do đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai chủ trì.

Trong các ngày 6, 7, 8-11-1939, Trung ương Đảng họp ở Bà Điểm, Hóc Môn (Gia Định) để bàn các chủ trương của Đảng trong tình hình mới, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Văn Cừ. Với sự năng động, nhiệt huyết và trình độ tri thức của mình, đồng chí Nguyễn Côn cùng các đồng chí đảng viên và quần chúng nhân dân nhanh chóng tiếp nhận và thực hiện những tư tưởng cơ bản của Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng tháng 11/1939. Bất chấp sự khủng bố dã man của kẻ thù, đồng chí Nguyễn Côn tích cực hoạt động, không quản hiểm nguy để duy trì và phát triển phong trào cách mạng.

Năm 1940, đồng chí sa vào tay giặc, tuy phải trải qua nhiều cực hình tra tấn trong các lao tù đế quốc nhưng đồng chí vẫn vững dạ kiên tâm một lòng theo Đảng. Dù bị giam ở Khám lớn Sài Gòn, nhà tù Ly Hy, Đắc Tô hay ra địa ngục trần gian Côn Đảo… ở đâu đồng chí cũng nêu cao khí tiết của người cộng sản, biến nhà tù thành trường học cách mạng, nơi rèn luyện ý chí và bản lĩnh của mình. Thời gian trong lao tù đế quốc, đồng chí tiếp tục hoạt động và trực tiếp liên lạc với nhiều chiến sỹ cách mạng tiêu biểu của Đảng như Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Nguyễn Hữu Thái, Nguyễn Duy Trinh…

Bằng một hành động thống nhất trên toàn Đông Dương, trong đêm 9/3/1945, quân Nhật đồng loạt nổ súng và căn bản nhanh chóng đè bẹp sự kháng cự của thực dân Pháp. Đến chiều ngày 10/3 thì quân Pháp đầu hàng, phát xít Nhật làm chủ các vùng đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Sài Gòn và nhiều tỉnh lỵ… Với sự kiện này, lực lượng quân sự Pháp hòan toàn tan rã, bộ máy thống trị của thực dân Pháp đầu hàng, bị cầm tù hoặc đang tâm làm tay sai cho phát xít Nhật. Nhân cơ hội này, theo chủ trương của Đảng, đồng chí Nguyễn Côn cùng hàng nghìn cán bộ cách mạng bị giam cầm trong các nhà tù đế quốc đã đồng loạt đấu tranh buộc địch phải trả tự do, trở về các địa phương tham gia các hoạt động chuẩn bị khởi nghĩa.

Dưới sự lãnh đạo của Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh, đầu tháng 6/1945, Chấp ủy Việt Minh Thanh Chương được hình thành. Trở về quê hương Thanh Chương, đồng chí Nguyễn Côn đã hăng hái tham gia xây dựng và phát triển phong trào Việt Minh tại quê nhà.

Dưới sự lãnh đạo của Việt Minh, đồng chí Nguyễn Côn đã cùng nhân dân Thanh Chương đã đứng lên đấu tranh lấy tiền lúa gạo của tổng lý ở các làng cứu đói cho dân đồng thời trấn áp trừng trị những tên tay sai phản động… Thông qua các hoạt động ấy, các đoàn thể cứu quốc của nông dân, thanh niên, phụ nữ được xây dựng và thu hút đông đảo quần chúng tham gia. Bọn tổng lý các làng xã hoang mang trước sự phát triển mạnh mẽ của Việt Minh.

Đứng trước thời cơ cách mạng, nhận được chỉ thị của Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh, ngày 16/8/1945 Việt Minh huyện Thanh Chương đã triệu tập Đại hội quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa các cấp và bàn kế hoạch lãnh đạo nhân dân nổi dậy giành chính quyền. Thực hiện chủ trương của Đại hội, Việt Minh huyện đã quyết định tổ chức cuộc tổng biểu tình toàn huyện vào ngày 18/8 để biểu dương lực lượng và chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa. Đồng chí Nguyễn Côn cùng đông đảo quần chúng nhân dân đã hăng hái tham gia cuộc biểu tình với khí thế sôi nổi, hào hùng. Bộ máy quan lại, tổng lý từ huyện đến xã bị đè bẹp trước khí thế cách mạng của quần chúng. Thời cơ cách mạng chín muồi, nhân dân các làng xã sục sôi khí thế đấu tranh giành chính quyền.

Sáng ngày 23/8/1945, theo lệnh của Ủy ban khởi nghĩa, đồng chí Nguyễn Côn cùng Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc ở cơ sở vận động quần chúng mang giáo mác, gậy tầm vông dương cao cờ đỏ sao vàng, hô vang khẩu hiệu, rầm rập kéo về huyện lỵ đấu tranh. Các ủy viên Việt Minh dẫn các đội tự vệ tiến vào chiếm Huyện đường và các cơ quan chuyên môn của chính quyền bù nhìn tay sai của Nhật với sự hậu thuẫn của đông đảo quần chúng cách mạng. Tri huyện nộp con dấu cho Việt Minh xin đầu hàng cách mạng.

10 giờ ngày 23/8/1945, trước hàng ngàn quần chúng, đồng chí Nguyễn Côn thay mặt Việt Minh huyện tuyên bố thủ tiêu bộ máy chính quyền tay sai của Nhật, thành lập Chính phủ cách mạng lâm thời huyện Thanh Chương gồm 9 ủy viên, do đồng chí Nguyễn Côn làm Chủ tịch. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện kết thúc thắng lợi. Đồng chí Nguyễn Côn cùng Chính phủ cách mạng lâm thời huyện đã lãnh đạo quần chúng cùng với lực lượng tự vệ chiếm các đồn lính bảo an trong huyện như đồn Thanh Quả, đồn Rạng, đồn Đạo Ngạn, Lương Điền. Cuộc khởi nghĩa kết thúc nhanh gọn trong hai ngày.

Với nhiệt huyết và bản lĩnh của người chiến sỹ cộng sản, đồng chí Nguyễn Côn cùng Việt Minh đã lãnh đạo nhân dân toàn Huyện nổi dậy đập tan bộ máy chính quyền thực dân, phong kiến, thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân. Đóng góp vào thắng lợi ấy là kết quả của quá trình đấu tranh bền bỉ, bất chấp hiểm nguy mà đồng chí Nguyễn Côn – người con ưu tú của quê hương đã sẵn sàng cống hiến, hy sinh tuổi thanh xuân cho sự nghiệp vẻ vang của Đảng, của nhân dân.

Trong thời gian làm Chủ tịch Huyện, đồng chí Nguyễn Côn đã ra sức cùng nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh của lòng yêu nước để khắc phục mọi khó khăn về kinh tế, xã hội, đấu tranh chống bọn phản động, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ.

Ngày 6/1/1946, nhân dân toàn huyện Thanh Chương nô nức tham gia cuộc tổng tuyển cử Quốc hội với niềm phấn khởi và lòng tin son sắt vào Chính phủ Hồ Chí Minh. Đồng chí Nguyễn Côn cùng 3 đồng chí khác là Đặng Thai Mai, Tôn Quang Phiệt và Tôn Thị Quế trúng cử vào đại biểu Quốc hội khóa I. Đây là niềm vinh dự lớn của đồng chí Nguyễn Côn nói riêng và quê hương Thanh Chương nói chung trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Trước những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, tháng 3/1946, đồng chí Nguyễn Côn được Trung ương Đảng điều động làm Xứ Ủy viên Xứ ủy Trung bộ, Ủy viên Thường vụ Liên khu V kiêm Bí thư Ban cán sự các tỉnh cực Nam Trung Bộ (1949).

Từ năm 1955 đến 1984, đồng chí tiếp tục được Đảng và Nhà nước giao phó nhiều trọng trách quan trọng như: Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (1955-1959); Thứ trưởng Bộ Kiến trúc (1959-1960); Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (1960-1965); Ủy viên Trung ương Đảng khóa III,IV,V (1960-1986); Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (1965-1973); Ủy viên Hội đồng Quốc phòng (1971-1976); Phó Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Trung ương Đảng khóa III (1967-1974); Bộ trưởng Bộ cơ khí luyện kim (1974-1976); Trưởng ban Kinh tế Trung ương (1976-1979); Trưởng đoàn chuyên gia dkinh tế và văn hóa của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam tại Capuchia (1979-1984); Đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VI.

Trọn cả cuộc đời với hơn 52 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Côn đã có những công lao to lớn và xuất sắc với sự nghiệp của Đảng ta, dân tộc ta. Là cán bộ lão thành Cách mạng, được tôi luyện, trưởng thành qua các cuộc kháng chiến tù đày, qua công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng chí luôn giữ vững ý chí, phẩm chất của người chiến sĩ cộng sản, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục sự nhân dân, không ngừng rèn luyện, ham học tập, trau dồi đạo đức cách mạng, nâng cao tri thức, tìm tòi sáng tạo, có bản lĩnh chính trị vững vàng, sắc sảo, quyết đoán, và hành động quyết liệt trong mọi công việc.

Là một trong các nhà lãnh đạo tiêu biểu của Đảng, dù ở cương vị nào, đồng chí Nguyễn Côn cũng mang hết nhiệt huyết đóng góp nhiều ý kiến quan trọng vào các vấn đề lớn của đất nước. Đồng chí luôn căn dặn cán bộ phải gương mẫu, làm gương cho cấp dưới, gắn bó mật thiết với nhân dân. Bản thân đồng chí không ngừng phấn đấu, rèn luyện, học tập tư tưởng, đạo đức, tác phong, lối sống theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn thể hiện rõ cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, sống giản dị khiêm tốn, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, đặt lợi ích của Đảng, tổ quốc và nhân dân lên trên hết.

Với 107 tuổi đời, 85 tuổi Đảng, đồng chí Nguyễn Côn đã trọn đời phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và Nhân dân ta. Đồng chí được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Sao vàng; Huy hiệu 85 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí là tấm gương sáng để đồng bào, đồng chí, cán bộ, chiến sĩ cả nước yêu quý, học tập và noi theo.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434787

Hôm nay

258

Hôm qua

2349

Tuần này

21437

Tháng này

211835

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434787