Những góc nhìn Văn hoá
Nhận diện giá trị bản sắc văn hóa làng nghề
Một buổi học nghề của hội viên CLB dệt thổ cẩm xã Thành Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An. Ảnh: Thái Hiền
Mỗi làng nghề truyền thống là một biểu tượng văn hóa của một cộng đồng, một địa phương và nhiều khi là một vùng. Và nó là kết tinh của những giá trị văn hóa đặc sắc mà cộng đồng chủ thể văn hóa của làng đó tạo ra. Và những giá trị đặc sắc của làng nghề truyền thống thường thể hiện trên ba phương diện là giá trị đặc trưng về sản phẩm, giá trị lan tỏa ra thị trường và giá trị trao truyền trong giáo dục gia đình. Trong nền kinh tế thị trường, việc phát huy các giá trị văn hóa làng nghề này là nhân tố quan trọng để phát triển.
Giá trị đặc trưng về sản phẩm
Một làng nghề thường gắn với một sản phẩm chủ đạo và độc đáo nhất tạo nên đặc trưng của làng nghề đó. Và sản phẩm này cũng phải đạt được những giá trị nhất định gắn với văn hóa truyền thống của làng nghề.
Trước hết, sản phẩm của làng nghề truyền thống phải có chất lượng cao hơn các sản phẩm do nơi khác sản xuất. Chất lượng sản phẩm của làng nghề là điều quan trọng bởi nó khẳng định giá trị thương hiệu của làng nghề. Chất lượng đó được khẳng định không chỉ qua bí quyết sản xuất mà còn được khẳng định qua kỹ năng, kinh nghiệm của những người thợ chuyên nghiệp đã được trao truyền qua nhiều thế hệ trong làng nghề. Tức là làng nghề cũng cần một thời gian đủ dài để phát triển và khẳng định sản phẩm của mình cho người sử dụng.
Thứ hai là sản phẩm của làng nghề truyền thống phải mang giá trị văn hóa đặc trưng của làng nghề đó, của địa phương đó và đặc biệt là của cộng đồng đó. Sản phẩm làng nghề truyền thống trước hết thể hiện sự thích ứng và sáng tạo của con người với môi trường tự nhiên của làng đó. Một làng nghề làm muối thì thường thể hiện nét đặc trưng văn hóa của người dân vùng biển chứ không thể dân miền núi được bởi nguyên liệu chính để làm muối là nước biển, thứ mà vùng biển có chứ các vùng khác không có. Tương tự, một làng nghề thổ cẩm thì gắn với văn hóa tộc người ở miền núi chứ không xuất hiện ở vùng biển Nghệ An. Và các sản phẩm thổ cẩm của các tộc người cũng có những đặc trưng riêng. Với thổ cẩm người Thái thì nổi tiếng hơn vì nó có hoa văn đẹp, và hiện nay còn được sản xuất tập trung ở nhiều làng. Hay các làng nghề đan lát của người Khơ Mú ở huyện Kỳ Sơn cũng thể hiện những đặc trưng văn hóa của tộc người này.
Thứ ba, sản phẩm của một làng nghề truyền thống phải mang tính phổ biến trong làng nghề đó. Một làng nghề truyền thống được công nhận khi sản phẩm chủ yếu chiếm một tỷ lệ lớn trong đời sống sản xuất của làng nghề đó. Nghĩa là số hộ gia đình trong làng đó tham gia vào việc sản xuất sản phẩm chủ đạo này chiếm tỷ lệ lớn. Nếu chỉ một vài hộ sản xuất thì chưa thể tạo thành một làng nghề đúng nghĩa được.
Thứ tư, sản phẩm của làng nghề truyền thống phải có một vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế của làng. Đó chính là tiêu chí thu nhập. Làng nghề truyền thống thì sản phẩm truyền thống đó phải mang lại một nguồn lợi kinh tế quan trọng cho người sản xuất. Bởi có như vậy thì người ta mới có mục tiêu để trao truyền kinh nghiệm, kỹ năng, hướng đến thị trường để phát triển. Và hiệu quả sản xuất cũng là một yếu tố quyết định làng nghề phát triển hay bị lụi tàn.
Và cuối cùng, là nhân tố con người trong làng nghề truyền thống. Sản phẩm của một làng nghề truyền thống phải được sản xuất từ những người thợ chuyên nghiệp và làng nghề. Nói cách khác, các làng nghề truyền thống phải hình thành được một đội ngũ lao động chuyên nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm đó. Nhìn chung, các làng nghề ở Nghệ An thường hướng đến các sản phẩm thể hiện sự cần cù, chịu thương, chịu khó, yêu cầu tỉ mỷ.
Giá trị lan tỏa ra thị trường
Làng nghề truyền thống mang tính chất chuyên môn hóa về một loại sản phẩm đặc trưng nên để phát triển thì sản phẩm đó phải chiếm lĩnh được thị trường. Giá trị lan tỏa ra thị trường là một nhân tố quan trọng trong sự phát triển của một làng nghề. Vậy nên làng nghề truyền thống cũng phải tự chuyển mình sang cơ chế thị trường, hướng đến thị hiếu khách hàng. Thị trường yêu cầu các sản phẩm có sự khác biệt. Nhưng thị trường cũng bị ảnh hưởng bởi thị hiếu của khách hàng. Mà khách hàng cũng thuộc nhiều nhóm đối tượng khác nhau. Điều quan trọng là người sản xuất phải vừa giữ được bản sắc văn hóa của sản phẩm làng nghề truyền thống, vừa đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.
Trong sự phát triển kinh tế thị trường, ngoài chất lượng của các sản phẩm thì còn phải có chiến lược truyền thông, quảng bá thương hiệu của làng nghề. Vậy nên, trong làng nghề, ngoài bộ phận sản xuất là những người thợ chuyên nghiệp, thì cần có những người tham gia vào kinh doanh để quảng bá sản phẩm. Nghĩa là làng nghề trong bối cảnh kinh tế thị trường cần có những thương nhân chuyên nghiệp để đưa các sản phẩm ra thị trường. Những thương nhân này gắn chặt với người sản xuất, và là cầu nối của những người sản xuất với những người tiêu dùng. Họ giữ vai trò đưa sản phẩm của làng nghề lan tỏa mạnh mẽ ra thị trường không chỉ địa phương mà của vùng, của quốc gia và thậm chí ra thị trường quốc tế. Những người thương nhân này, không nhất thiết là những người trong làng, mà nhiều khi là những doanh nghiệp từ ngoài làng nghề tham gia vào. Và với họ, sản phẩm cần đáp ứng nhu cầu của thị trường quan trọng hơn là bản sắc dù rằng họ tìm đến làng nghề chính là vì bản sắc của sản phẩm làng nghề. Vậy nên, bài toán của làng nghề là giữ được bản sắc văn hóa của làng nghề, vừa phát triển được trong bối cảnh thị trường, vừa hài hòa được lợi ích giữa người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng.
Giá trị lan tỏa trong thị trường của làng nghề truyền thống hiện nay cũng cần có những mạng lưới xã hội để duy trì và bảo vệ bản sắc của làng nghề. Đó là những mạng lưới xã hội nghề nghiệp của những người sản xuất trong làng nghề, mạng lưới xã hội của những người kinh doanh các sản phẩm làng nghề và mạng lưới xã hội của những người tiêu dùng sản phẩm làng nghề. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, cả ba nhóm xã hội này đều có những quan hệ qua lại với nhau tạo thành một mạng lưới xã hội vô cùng phức tạp. Và mạng lưới xã hội đó đang ngày càng ảnh hưởng mạnh, thậm chí chi phối sự phát triển của các làng nghề.
Giá trị trao truyền giữa các thế hệ qua giáo dục gia đình
Yếu tố giáo dục trong làng nghề là một vấn đề rất quan trọng. Để các thế hệ nắm bắt được kỹ năng, kinh nghiệm sản xuất mặt hàng truyền thống thì cần có sự trao truyền qua các thế hệ. Và sự trao truyền đó được thực hiện trong môi trường gia đình là chủ yếu. Và nó cũng là một quá trình xã hội hóa một con người trong làng nghề.
Trong làng nghề có những nguyên tắc về sự trao truyền những bí quyết của quá trình sản xuất, tùy theo các nghề nghiệp nhất định. Và những nguyên tắc đó cũng được gìn giữ qua những thế hệ khác nhau. Thường thì, cha mẹ truyền cho con cái thông qua quá trình tham gia sản xuất trong gia đình. Ban đầu, con cái tham gia giúp cha mẹ do thiếu hụt về nhân lực trong quá trình sản xuất. Và quá trình tham gia đó giúp hình thành các kỹ năng cơ bản về nghề nghiệp. Đến một mức độ nào đó, cha mẹ sẽ quyết định dạy cho con cái những kỹ năng quan trọng của nghề truyền thống. Và sau khi nắm vững các kỹ năng quan trọng thì cha mẹ lại trao truyền tiếp những bí quyết làm nên bản sắc của làng nghề, bản sắc của sản phẩm trong gia đình. Đây là tinh hoa được đúc kết qua các thế hệ trong gia đình liên quan đến nghề truyền thống. Mỗi một thế hệ đều có những kinh nghiệm riêng của mình. Họ không chỉ tiếp thu các kỹ năng của người đi trước mà còn bổ sung, sáng tạo thêm những kỹ năng mới phù hợp hơn cho quá trình phát triển. Vậy nên, sự phát triển của các làng nghề, hay trong các gia đình nhiều khi cũng phụ thuộc vào trình độ tiếp nhận của thế hệ tiếp nối và sự thích ứng với điều kiện của từng giai đoạn khác nhau. Nhiều làng nghề bị mai một vì sự trao truyền kỹ năng, kinh nghiệm giữa các thế hệ bị đứt đoạn.
Giá trị trao truyền giữa các thế hệ của làng nghề truyền thống không chỉ là giá trị mang tính nghề nghiệp, không chỉ dừng lại ở giá trị kinh tế, mà nó còn là giá trị trao truyền bản sắc văn hóa của làng nghề. Với những người trong nghề, nó không chỉ là tiếp nhận một hệ thống kỹ năng để kiếm kế sinh nhai, mà là đang tiếp nối truyền thống văn hóa của cha ông để lại. Vậy nên, giá trị trao truyền của các thế hệ trong làng nghề trở nên quan trọng. Nhưng điều này đang bị đe dọa bởi sự thay đổi của nền tảng kinh tế xã hội. Kỹ năng nghề truyền thống thường phức tạp, cần nhiều thời gian rèn dũa và cần sự kiên trì lâu năm để học hỏi. Trong khi xã hội hiện nay có nhiều con đường để lập nghiệp. Giới trẻ thường lựa chọn những con đường đơn giản hơn. Và họ không muốn tiếp nối các nghề truyền thống của cha ông để lại. Điều này thể hiện khá rõ trong hầu hết các làng nghề. Và nó đang đe dọa sự tồn vong của các làng nghề. Và nó cũng đặt ra những yêu cầu cần có những chính sách hỗ trợ để phát triển làng nghề từ sự giáo dục gia trình cả trên phương diện truyền thống nghề nghiệp lẫn truyền thống văn hóa gia đình, văn hóa làng nghề./.
tin tức liên quan
Videos
Kiểm kê cổ vật – hành trình gian nan của các cán bộ di sản văn hóa
Thể loại phim
Phòng chống thiên tai từ tri thức cộng đồng
Về bài thơ Lịch sử nước ta của Nguyễn Ái Quốc
Liệt sĩ Lý Tự Trọng - Người truyền lửa cho mọi thế hệ Thanh niên Việt Nam
Thống kê truy cập
114528618
2274
2291
2891
215314
0
114528618