Những góc nhìn Văn hoá

Dịch bệnh vẫn phức tạp: Sức khỏe hay kinh tế?

Nguồn ảnh: internet

Cuộc tranh luận về sức khỏe và kinh tế - cái nào quan trọng hơn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang được nhiều người quan tâm. Trong đó có các nhà khoa học, nhà chính trị và các ông chủ doanh nghiệp là những người sốt sắng nhất bởi nó liên quan mật thiết đến công việc của họ. Từ các diễn đàn lớn trên thế giới cho đến các quốc gia, vùng miền, địa phương, thậm chí cả trong những nhóm nhỏ cũng thường xuyên lấy vấn đề này ra để bàn luận mỗi khi gặp gỡ. Cuộc tranh luận này được thể hiện một cách đa dạng trên nhiều phương diện và với nhiều cấp độ khác nhau. Nhìn chung, cho đến nay, có ba luồng quan điểm đang được đưa ra để thảo luận.

Nhóm thứ nhất là những người theo quan điểm đạo đức, lấy an toàn tính mạng của con người là trên hết. Nhóm này đề cao việc tập trung nguồn lực để phòng chống dịch bệnh và xem đây là mục tiêu quan trọng nhất hiện nay. Những người theo quan điểm này không phải cực đoan hay coi thường kinh tế. Mà thực tế, nhân loại đã tổn thất quá nhiều sinh mạng trong hơn hai năm dịch bệnh hoành hành khiến cho người ta lo sợ. Nếu như các thứ khác có thể tái tạo lại thì con người một khi đã mất đi là mất vĩnh viễn. Vậy nên họ xem tính mạng con người là tất cả. Và việc bảo vệ tính mạng con người trước dịch bệnh quan trọng hơn nhiều so với việc phát triển kinh tế. Quan điểm này cũng được tầng lớp bình dân, những người lao động hay đa phần những người dân ở các vùng nông thôn ủng hộ. Đây là tầng lớp gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, cuộc sống khá bấp bênh và khi dịch bệnh bùng nổ họ mất việc làm, thiếu thu nhập nên cũng gặp nhiều khó khăn. Có điều, với họ, nếu dính dịch bệnh còn nguy hiểm hơn cả đói nghèo. Bởi họ đã đói nghèo mà giờ còn thêm dịch bệnh thì thật khó mà vượt qua được. Quan điểm tập trung phòng chống dịch, chưa vội mở cửa và chưa vội thả lỏng quản lý dịch bệnh, thả lỏng quản lý xã hội đang khá phổ biến ở nhiều quốc gia, nhất là các nước đang phát triển.

Nhóm thứ hai là những người theo quan điểm coi trọng sự phát triển kinh tế và cho rằng đã đến lúc các chính phủ phải mở cửa kinh tế, buông lỏng quản lý đi lại và các hoạt động xã hội để mở đường cho kinh tế phát triển. Sau một thời gian dài bị ảnh hưởng của dịch bệnh, các nền kinh tế đều bị thiệt hại nặng nề. Các hoạt động kinh tế từ quốc tế, quốc gia hay địa phương đều bị ngưng trệ. Vậy nên không thể trì hoãn lâu hơn nữa mà phải chấp nhận thả lỏng quản lý dịch bệnh để phát triển kinh tế. Nhóm này cũng không quá cực đoan trong việc yêu cầu các chính phủ buông bỏ quản lý dịch bệnh mà là cần phải thả lỏng các cơ chế để kinh tế phát triển gắn với những phương pháp chống dịch từ xa. Những người ủng hộ quan điểm này là tầng lớp thượng lưu, các nhà doanh nghiệp và cả một số thuộc tầng lớp trung lưu. Theo họ, dịch bệnh đang ngày càng giảm nhẹ theo thời gian. Tỷ lệ người tiêm vaccine cũng ngày càng cao với số liều đầy đủ hơn. Vậy nên đã đến lúc phải xem dịch bệnh do Covid-19 gây ra như những cảm cúm bình thường và con người đang ngày càng tạo được miễn dịch cộng đồng nên không cần phải quá lo sợ. Trong khi đó, nếu không nới lỏng, mở cửa để phục hồi và phát triển kinh tế thì sẽ có nhiều hệ quả nghiêm trọng trong giai đoạn hậu Covid-19. Đó là các hoạt động kinh tế không gượng dậy được sẽ ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập và cũng gặp khó khăn trong việc giải quyết vấn đề an sinh xã hội. Và những người ủng hộ quan điểm này cũng lập luận rằng mở cửa để hồi phục và phát triển kinh tế cũng là con đường để tăng cường nguồn lực để giải quyết các hậu quả hậu Covid-19.

Nhóm thứ ba có quan điểm trung tính hơn, đó là quan điểm hài hòa giữa phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế. Những người ủng hộ quan điểm này cho rằng cần có một lộ trình để chuyển đổi từ việc tập trung phòng chống dịch sang mở cửa từ từ để phát triển kinh tế. Trước tiên vẫn phải ưu tiên cho chống dịch trước, bảo vệ tính mạng con người trước. Vì họ cũng cho rằng tính mạng con người vô cùng quan trọng và không thể chủ quan được. Nhưng không thể cứ tập trung chống dịch một cách máy móc mà cần phải thường xuyên đánh giá tình hình dịch bệnh để có những quyết sách nới lỏng để tạo điều kiện phát triển kinh tế. Lộ trình mà những người ủng hộ quan điểm này đưa ra là ban đầu tập trung các nguồn lực để phòng chống dịch bệnh, trong đó trọng tâm đặt vào việc tiêm chủng vaccine toàn dân để tạo miễn dịch cộng đồng. Sau đó, xem xét tình hình diễn biến của dịch và sức miễn dịch cộng đồng để nới lỏng các chính sách nhằm phát triển kinh tế. Và khi dịch được kiểm soát tốt, tính mạng con người được đảm bảo hơn thì tháo gỡ các rào cản để phát triển kinh tế nhằm góp phần khắc phục hậu quả mà dịch bệnh gây ra. Quan điểm này được phần lớn các nhóm trong xã hội ủng hộ vì nó mềm dẻo hơn, linh hoạt hơn và giúp các nhà quản lý có được sự chủ động trong việc đánh giá tình hình để xây dựng và thay đổi chính sách linh hoạt. Và để làm được điều này thì cần sự vào cuộc của hầu hết các nhóm xã hội từ giới chính trị, doanh nhân, các nhà khoa học, giới y tế và sự ủng hộ của đa số người dân.

Việt Nam cho đến lúc này đang chưa dứt khoát lựa chọn con đường nào trong ba quan điểm trên để ứng phó với dịch bệnh. Nó cũng tương tự như nhiều nước khác. Ban đầu chúng ta tập trung hết cho việc phòng chống dịch, bảo vệ tính mạng người dân. Và nhiều khi còn làm một cách cứng nhắc, thể chế hóa một cách mạnh mẽ. Trong giai đoạn đầu thì những biện pháp cứng rắn tỏ ra hiệu quả trong việc dập dịch. Nhưng giai đoạn sau, khi dịch bệnh phức tạp hơn thì những chính sách cứng rắn cũng phải thay đổi. Và chúng ta đã khá linh hoạt trong vấn đề này. Bên cạnh đó, việc tiêm vaccine chống dịch co người dân cũng được tiến hành ráo riết. Và đến hiện nay thì độ phổ rộng của vaccine đã bao phủ được hầu hết các đối tượng có thể tiêm chủng. Nhưng hiện nay, đối diện với việc mở cửa để phát triển kinh tế hay tiếp tục ưu tiên chống dịch lại còn là vẫn đề đang được quan tâm. Từ dịp Tết Nguyên Đán, chúng ta đã nới lỏng các chính sách phòng chống dịch, và hệ quả là sau Tết thì số ca nhiễm dịch tăng lên nhanh chóng. Điều này làm cho người dân thêm lo lắng. Và hiện nay vẫn có hai luồng quan điểm trái ngược nhau là nên thắt chặt chống dịch để bảo vệ an toàn sức khỏe cho người dân và nên mở cửa, xem dịch như một dạng cảm cúm để phát triển kinh tế vì càng để lâu hậu quả càng nhiều. Những dự kiến mở cửa để thúc đẩy kinh tế sẽ được thực hiện vào đầu tháng 3, tuy nhiên, vẫn còn nhiều người dân lo lắng. Và chính quyền cũng đang theo dõi sát sao tình hình, xem xét và đánh giá để có quyết sách phù hợp.

Tóm lại, chống dịch và phát triển kinh tế đều quan trọng, nhưng tính mạng con người vẫn quan trọng nhất. Vậy nên dù lựa chọn thế nào thì con người vẫn phải tự đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình chứ không nên lệ thuộc vào chính sách Nhà nước quá nhiều. Nhà nước ra chính sách dựa vào tình hình chung, trên sự đánh giá vĩ mô, còn các cá nhân, gia đình lại cần những chiến lược vừa phát triển kinh tế vừa đảm bảo an toàn cho chính mình. Đó là điều cần thiết. Không thể đóng cửa mãi để kinh tế ngưng trệ, nhưng cũng không thể coi nhẹ tính mạng con người được khi mà mỗi ngày, chúng ta vẫn mất đi gần một trăm sinh mạng do dịch bệnh. Việc lựa chọn giữa sức khỏe và kinh tế trong lúc này là vấn đề khó mà sự cực đoan theo hướng nào cũng chỉ dẫn đến thất bại. Do vậy cần sự linh hoạt từ vi mô đến vĩ mô./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528620

Hôm nay

21

Hôm qua

2275

Tuần này

2893

Tháng này

215316

Tháng qua

0

Tất cả

114528620