Những góc nhìn Văn hoá

Hạnh phúc ở trong mỗi chúng ta!

Ngày Quốc tế Hạnh phúc được Liên Hợp quốc phát động và tổ chức lần đầu tiên vào 20/3/2013 với thông điệp được phát đi trên toàn thế giới: “Hãy hành động vì hạnh phúc”. Nguồn ảnh Internet

Hàng năm, cứ đến ngày quốc tế hạnh phúc 20/3, người ta lại có dịp bàn luận về hạnh phúc, một chủ đề luôn được quan tâm. Hàng triệu bài viết thảo luận về vấn đề này trên hầu như khắp các ngõ ngách tận cùng đến đến các đô thị phồn hoa nhất. Ấy thế mà hạnh phúc là gì mà làm thế nào để có hạnh phúc vẫn là những câu hỏi lớn không thể đồng nhất. Bởi có lẽ, hạnh phúc mang tính cá nhân của một con người, là món quà người đó dành cho bản thân mình, nên mỗi người có một hạnh phúc khác nhau.

Từ gần hai thập kỷ trước, trên một trang mạng nổi tiếng ở Việt Nam đã đưa ra một chuyên mục lớn về hạnh phúc để tạo thành một diễn đàn cho mọi người tham gia thảo luận. Những vấn đề cơ bản được đặt ra như Hạnh phúc là gì? Làm thế nào để có được hạnh phúc? Và được thảo luộn một cách cởi mở bởi các ý kiến cá nhân khác nhau. Diễn đàn này đã thu hút được rất nhiều người tham gia. Từ các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực chuyên môn khác nhau đưa ra những lập luận về khái niệm, thuật ngữ cũng như những kiến giải khoa học chuyên môn về hạnh phúc. Rồi những nhà hoạt động xã hội cũng tham gia với các quan điểm về đa phương diện và đa nhận thức trong hành động tăng cường chỉ số hạnh phúc cho con người. Hay các nhà tôn giáo học cũng tham gia bàn luận trên khí cạnh đạo đức học của hạnh phúc. Thậm chí cả những nhà doanh nghiệp cũng đưa ra những kiến giải của mình về con đường tìm kiếm hạnh phúc trong kinh tế. Những thảo luận của họ đã làm cho người đọc hiểu rõ hơn về hạnh phúc và giá trị của hạnh phúc, nhưng cũng làm cho người ta hoang mang hơn, trống trải hơn bởi càng đọc càng thấy ai cũng nói đúng và lại càng không hiểu bởi rơi vào một ma trận quá phức tạp.

Cách đây vài hôm, một cuộc tọa đàm mở được tổ chức online rộng rãi để thảo luận tiếp về hạnh phúc. Tham gia cũng có rất nhiều đối tượng ở các chuyên môn, độ tuổi, giới tính, công việc… khác nhau nên ý kiến tranh luận cũng rất đa dạng. Trong đó, tổng hợp lại có một số quan điểm như thế này: Hạnh phúc là con người phải được khỏe mạnh nên tăng cường bảo vệ sức khỏe là con đường để đảm bảo hạnh phúc. Hạnh phúc là con người được đáp ứng nhu cầu về mặt vẫn chất lẫn tinh thần nên phải có nền kinh tế dư giả thì mới đạt được hạnh phúc. Hạnh phúc là cuộc sống gia đình êm ấm, bình an nên phải luôn biết yêu thương và trân trọng là có thể đi đến hạnh phúc. Hạnh phúc là một xã hội ổn định và phát triển, nên một nền chính trị ổn định, con người không gây chiến tranh, gây chết chóc, các tệ nạn xã hội được kiểm soát là sự đảm bảo cho hạnh phúc. Hạnh phúc là khi con người ta cảm thấy đẩy đủ nên cần phải nỗ lực tìm kiếm và thực hiện những điều mình mong muốn một cách hiệu quả nhất là con đường tìm đến hạnh phúc…. Và đũng là chẳng có ý kiến nào sai cả, nhưng rút cuộc hạnh phúc là gì và làm thế nào để có hạnh phúc? Hay là những tổng kết của người tổ chức tọa đàm rằng hạnh phúc là tất cả những gì chúng ta vừa đưa ra qua thảo luận và con đường đi đến hạnh phúc cũng là những con đường chúng ta đã đưa ra!

Thực ra, hạnh phúc là… hạnh phúc! Đó là một trạng thái tinh thần của con người trong một trường xã hội cụ thể gắn với cuộc đời của họ. Mà mỗi một con người là một cuộc đời riêng biệt, dù trong những bối cảnh có giống nhau, trong những hành động có thể giống nhau, nhưng mục tiêu, mong muốn, khát khao, điều kiện thực hiện, kỹ năng, nhận thức, tình cảm của mỗi người lại khác nhau. Nên trạng thái tinh thần của mỗi người trong một bối cảnh cụ thể không bao giờ giống nhau, thành ra hạnh phúc của mỗi người khác nhau. Lấy một tiêu chí nào đó để đánh giá về hạnh phúc là một điều không chính xác và không phù hợp. Ví dụ khi lấy kinh tế ra làm tiêu chí và lấy sự giàu có là đích đến của cái gọi là hạnh phúc, thì những người giàu có sống trong các khu biệt thự sang trọng ở các đô thị lớn sẽ hạnh phúc hơn những người hành khất cơ nhỡ và những người lao công vất vả? Hay những vị quan chức ngồi trong phòng lạnh với lương lậu cao ngất sẽ hạnh phúc hơn những người nông dân bán mặt cho đất bán lưng cho trời quanh năm vất vả? Chắc chắn là không? Những đại gia cũng có thể ôm những nỗi lo về công việc hay những món nợ ngân hàng đồ sộ như khối gia sản mà người ta thấy của họ. Những quan chức cao cấp cũng chịu sức ép rất nhiều từ công việc lẫn những nỗi lo sợ từ pháp chế mà nếu không may mình gặp phải. Con người ta có thật sự hạnh phúc khi sống trong những căng thẳng, lo lắng, áp lực và nhiều khi là sợ hãi không? Ở bên kia, một người ăn mày bắt gặp manh chiếu cũng là hạnh phúc. Người hành khất tìm được ngôi nhà hoang cũng rất hạnh phúc. Anh nông dân càng hạnh phúc khi vụ mùa bội thu… Đó là chưa nói kinh tế chỉ là một trong hàng trăm tiêu chí đánh giá về hạnh phúc.

Có lẽ, cách tiếp cận hạnh phúc phù hợp nhất là nhìn về hạnh phúc của mỗi một con người riêng biệt trong bối cảnh cụ thể của họ. Tôi hạnh phúc khi tôi cảm thấy mình hạnh phúc và hạnh phúc của tôi cũng chỉ mình tôi hoặc vài người biết được. Vậy nên cũng chỉ mình tôi biết làm thế nào để được hạnh phúc. Con người ta vì lẽ chung thường lập luận khi con người được đáp ứng các nhu cầu cơ bản của mình thì họ cảm thấy hạnh phúc. Mà nhu cầu cơ bản thì nhiều hay ít tùy vào các phân chia nhưng nhu cầu cũng thay đổi theo xã hội. Và hiện nay, nhu cầu của con người ngày càng trở nên vô hạn. Mỗi một vị trí, một giai đoạn và một bối cảnh người ta lại xuất hiện những nhu cầu mới. Và xã hội loại người thì luôn vận động nên nhu cầu cá nhân luôn được sản sinh một cách mạnh mẽ. Người ta đã thấy rõ rằng con người cơ bản chỉ hết nhu cầu khi họ không tồn tại nên chuyện thỏa mãn nhu cầu để đạt được hạnh phúc là điều không thể. Thế nên, để hạnh phúc thì mỗi con người vẫn phải tự tìm cho bản thân mình một ý nghĩa và một con đường đi đến mà thôi.

Nếu hạnh phúc là một trạng thái tinh thần được kiến tạo từ cơ sở vật chất, bối cảnh cụ thể và con người của chủ thế thì làm thế nào để tìm được hạnh phúc? Chỉ có một con đường là tự hiểu bản thân và tự làm cho bản thân hạnh phúc dựa trên hiểu về chính mình. Tức là xem hạnh phúc là một món quà mình tặng cho chính mình. Nhà Phật bảo con người hạnh phúc khi biết bớt, biết buông, biết bỏ. Bởi nhu cầu là vô hạn nên cần phải biết bớt nhu cầu này, buông mong muốn nọ rồi bỏ khát khao kia. Cho đến khi mình cảm thấy các chỉ cần những nhu cầu cơ bản nhằm duy trì sự sống một cách đơn giản và phù hợp với mình thì là đạt được hạnh phúc. Đức Chúa cũng bảo rằng để hạnh phúc thì con người phải không ngừng thương yêu, đùm bộc và chia sẻ cho nhau. Trong cuộc sống mỗi người luôn được tọa hóa cho một của cải riêng biệt, và để sống hạnh phúc thì con người phải biết chia sẻ những thứ mình có cho người khác. Tình yêu thương và sự đùm bộc làm cho con người ta hạnh phúc phúc bởi khi lên Thiên Đàng họ không cần phải mang theo gì cả.

Nhưng Nhà Phật hay Đức Chúa nói là những điều cao cả, ta cần lắng nghe để chiêm nghiệm cuộc đời. Để được hạnh phúc thì nhiều khi cũng cần lắng nghe chính ta nói. Mỗi một chúng ta đều có hạnh phúc riêng và muốn được hạnh phúc riêng. Và đừng bao giờ chờ người khác mang hạnh phúc đến cho mình. Điều đó có và cần thiết nhưng chỉ là một nhân tố tác động, cộng hưởng vào với hạnh phúc mình có thì mới tạo ra hạnh phúc được. Chứ không đặt hạnh phúc của mình vào nơi những người khác. Sự buông bỏ các nhu cầu quá đáng, sự thương yêu và đùm bộc lẫn nhau là điều quan trọng để tạo nên cuộc sống hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc thật sự lại từ chính mỗi con người chúng ta. Hãy làm cho mình hạnh phúc bằng việc nâng cao khám phá bản thân và tìm ra những tương tác phù hợp với xã hội để có một cuộc đời hài hòa và viên mãn, đó là món quà hạnh phúc!

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528621

Hôm nay

22

Hôm qua

2275

Tuần này

2894

Tháng này

215317

Tháng qua

0

Tất cả

114528621