Những góc nhìn Văn hoá
Thái phó Đinh Củng Viên - Trí thức lớn đời trần
Vương triều Đinh chỉ tồn tại 12 năm (968 - 980) rồi được thay thế bởi nhà Lê (980 - 1009). Sau khi triều Đinh sụp đổ, đương nhiên những người vốn mang họ Đinh làm quan ở các triều đại sau đó cũng không nhiều. Trong suốt triều đại Lý - Trần tồn tại gần 4 thế kỷ (1009 - 1400), người họ Đinh được sử sách ghi lại rất hiếm hoi. Trong sách Đại Việt sử kí toàn thư, chỉ ghi lại có một viên quan đại thần tên là Đinh Lộc giữ chức Điện tiền chỉ huy sứ[1] vào năm 1041. Nhưng về hành trạng, quê quán của nhân vật Đinh Lộc cho đến nay dường như rất ít tư liệu đề cập nên cũng không biết được gì hơn. Vì thế, nghiên cứu về nhân vật Điện tiền chỉ huy sứ Đinh Lộc đầu thời Lý là một vấn đề rất khó khăn. Nhưng đến thời Trần, trong chính sử lại đề cập đến một nhân vật họ Đinh có tầm ảnh hưởng tương đối lớn đó là Đinh Củng Viên.
Đinh Củng Viên sinh năm nào, quê quán ở đâu và thi đỗ năm nào vẫn là những vấn đề chưa có câu giải đáp! Đại Việt sử kí toàn thư (ĐVSKTT) chỉ cho biết mấy dòng ngắn ngủi về mốc quan trọng trên con đường hoạn lộ làm quan của ông: “Năm Nhâm ngọ [Thiên Bảo] năm thứ 4 (1282) (Chí Nguyên năm thứ 19). ... Lấy Thái úy Quang Khải làm Thượng tướng, Thái sư Đinh Củng Viên làm Hàn lâm viện học sĩ phụng chỉ”[2]. Hai năm sau (1284), ông trong coi việc ở Bắc cung Nội sát viện[3]. Đến năm 1286, Đinh Củng Viên chủ động xin thôi chức ở Nội mật viện[4] đồng thời vua ban cho tước Nội minh tự[5].
Qua những mốc được giao nhậm các chức quan trên con đường quan lộ của Đinh Củng Viên kể từ năm 1282 trở đi, đã gợi ý cho người đọc hôm nay nhiều gợi ý với nhiều câu hỏi cần giải đáp..
Trước hết, cần phải điểm qua những nhân vật từng giữ chức Hàn lâm học sĩ phụng chỉ tương đương với Đinh Củng Viên thời Trần để thấy được họ đều là những danh nhân tiều biểu và là những tài năng nổi bật. Đó là những: Lê Văn Hưu (1230 - 1322) (Hàn lâm học sĩ kiêm Giám tu Quốc tử giám) đời Trần Thánh Tông (1258 - 1279) - tác giả của Đại Việt sử kí gồm 30 quyển - Tác phẩm sử học đầu tiên của Đại Việt; Đặng Kế (?- ?) làm Hàn lâm viện học sĩ; Trương Hán Siêu làm Hàn Lâm học sĩ (đời Trần Anh Tông), tác giả của Bạch Đằng giang phú nổi tiếng và nhiều tác phẩm khác; Lê Quát giữ chức Hàn lâm học sĩ phụng chỉ năn Đại Trị thứ 2 (1359) đời Trần Dụ Tông. Lê Quát cùng với Phạm Sư Mạnh cùng nổi tiếng về tài năng văn chương và đức độ đời Trần - đều là học trò thành đạt và xuất sắc của Chu Văn An; Hay Hồ Tông Thốc (năm 1372, đời Trần Nghệ Tông), được ban Hàn lâm học sĩ và 14 năm sau (1386) được ban Hàn lâm học sĩ phụng chỉ…bản thân ông là một người hay chữ, giỏi thơ nhất trong triều, tương truyền ông đã sáng tác với số lượng thơ lên đến hàng nghìn bài…
Với những nhân vật từng giữ chức Hàn lâm học sĩ thời Trần kể trên, có thể nói, Đinh Củng Viên là người sống gần với thời của Lê Văn Hưu[6] hơn cả. Cả hai nhà sử học và văn học Đinh Củng Viên và Lê Văn Hưu đều có được may mắn sống trong những ngày tháng oanh liệt nhất của lịch sử dân tộc đều được chứng kiến toàn thể dân tộc phải trải qua ba cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên (1258 - 1287, 1288). Đây là giai đoạn thịnh trị và oai hùng nhất của vương triều Trần cũng là đỉnh cao chói lọi về hào khí dân tộc trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên gian khổ mà tự hào[7]
Tìm hiểu về quá trình làm quan của Đinh Củng Viên chỉ có thể tìm trong những ghi chép trong chính sử. Ở đây, qua các tư liệu Đại Việt sử kí toàn thư cho biết Ông từng trải qua các chức: Hàn lâm học sĩ phụng chỉ (1282); Bắc cung Nội sát viện (1284); Nội mật viện (1286), Nội Minh tự (1286); Ty hành khiển, Hàn lâm viện (1288), Thái tử thiếu bảo, thăng tước Quan nội hầu (1292), Thiếu phó (1294), Truy tặng Thái phó (1296).
Thông thường, những người trước khi giữ chức Hàn lâm học sĩ phụng chỉ thường phải trải qua giữ chức Hàn lâm học sĩ một thời gian rồi sau mới được phong lên chức này. Đó là trường hợp Hồ Tông Thốc giữ chức Hàn lâm học sĩ năm 1372 và phải 14 năm sau (năm 1386) mới được phong chức Hàn lâm học sĩ phụng chỉ. Còn ở đây, năm 1282 đã thấy sử chép năm này ông được phong Hàn lâm học sĩ phụng chỉ. Vậy, trước đây Đinh Củng Viên cũng đã từng được phong Hàn Lâm học sĩ mà các quan chép sử đã bỏ sót không chép (?) hay do tài năng xuất chúng nên đã không phải trải qua tuần tự các bước như trên mà phong luôn Hàn lâm học sĩ phụng chỉ (?). Hay ở thời điểm này, nhà Trần không có quy định bắt buộc đối với quan ở Hàn lâm viện không nhất thiết phải trải qua Hàn lâm học sĩ rồi mới được thăng lên Hàn lâm học sĩ phụng chỉ (?)…
Theo ghi chép của ĐVSKTT, trước năm 1325, Nội mật viện bao gồm: Hành khiển ty, Nội thư hỏa cục và một số bộ phận khác. Không biết Đinh Củng Viên được bổ nhiệm việc trông coi ở Nội mật viện từ bao giờ?. Có lẽ, Ông nhậm chức này năm 1284, nhưng năm này, sách ĐVSKTT lại ghi: Sai Hàn lâm [viện] phụng chỉ Đinh Củng Viên quyền coi việc Bắc cung Nội sát viện[8]. Sách Đại Việt sử kí tiền biên (ĐVSKTB) cũng chép theo sách ĐVSKTT[9]. Có thể hiểu, thời Trần, trong Nội mật viện có nhiều bộ phận trong đó có có bộ phận Bắc cung nội sát viện (Bộ phận giám sát công việc ở Bắc cung - Cung Thánh từ - cung dành riêng cho Thái thượng hoàng), ngoài ra còn có một bộ phận khác trông coi việc ở cung Quan triều (Cung dành cho vua đương triều).
Năm 1286, Đinh Củng Viên xin thôi quyền trông coi việc Nội mật viện[10]. Vua đã bằng lòng y chuẩn cho ban tước Nội minh tự. Vậy, có lẽ Đinh Củng Viên chỉ giữ trọng trách ở Nội mật viện khoảng 2 năm (1284 - 1286) và việc vua ban tước Nội minh tự có lẽ là một danh tước có tính chất vinh danh để thể hiện công lao và sự đánh giá, ghi nhận của triều đình đối với công lao của Đinh Củng Viên. Tuy nhiên, với những thông tin trên không cho biết năm 1286, Đinh Củng Viên làm ở bộ phận nào trong Nội mật viện (?). ĐVSKTT chỉ ghi chung chung thời điểm năm 1286 thôi quyền trông coi ở Nội mật viện[11]. Nhưng ở đây, có thể hiểu công việc cụ thể, chính xác của Đinh Củng Viên là làm ở “Bắc cung Nội sát viện” mà sách ĐVSKTT và ĐVSKTB chỉ ghi vắn tắt là Nội mật viện. Đến năm 1288 thì tư liệu nói rõ Ông được giao việc ở “Ty hành khiển giao hảo với Nội mật viện”[12]. “Ty hành khiển” là bộ phận giúp việc cho nhà vua nằm trong “Nội mật viện”.
Sở dĩ giao việc cho Đinh Củng Viên giữ chức ở “Ty hành khiển giao hảo với Nội mật viện” là do ở cương vị này, Ông có nhiều lợi thế. Thứ nhất: Ông đã quen người, quen việc ở Nội mật viện vì đã có quá trình làm việc ở đây trong mấy năm; thứ hai: Ông là người giỏi chữ nghĩa, văn bản (giỏi cả Hán lẫn Nôm). Sở dĩ biết được Đinh Củng Việt giỏi chữ nghĩa là qua chi tiết được ghi trong ĐVSKTT: “Tòng Giáo (viên hoạn quan ở ty Hành khiển - TG) tuyên đọc tờ chiếu đại xá, không hiểu âm nghĩa, phải im lặng. Vua gọi Củng Viên đứng đằng sau, nhắc bảo âm nghĩa”. Ông đã được vua khen là “nhân sĩ” (người có trí tuệ, học hành - Tg). Qua một đoạn văn tường thuật trong chính sử đã cho thấy những sinh hoạt hằng ngày trong triều chính, những sự việc rất đời thường, những thói nhỏ nhen đố kỵ và mâu thuẫn vốn luôn sẵn có không chỉ trong quá khứ lịch sử của đời sống xã hội, những mối quan hệ phức tạp nơi công quyền … Qua đây, cũng thấy được phần nào một bộ phận (trung quan - hoạn quan) được sử dụng trong triều Trần với năng lực chữ nghĩa và học hành rất hạn chế đã bộc lộ rõ nét: “Mậu Tý [Trùng Hưng] năm thứ 4 (1288), (Nguyên Chí Nguyên năm thứ 25): Vua ở ty Hành khiển giao hảo với Viện hàn lâm. Lệ cũ mỗi khi tuyên đọc lời vua, thì Viện Hàn lâm lĩnh đưa bản thảo tờ chiếu cho hành khiển để giảng tập trước. Đến khi tuyên đọc, thì giảng cả âm nghĩa cho dân thường dễ hiểu, vì chức hành khiển chỉ dùng hoạn quan thôi. Bấy giờ, Lê Tòng Giáo làm Tả phụ, vốn bất hòa với Hàn lâm phụng chỉ Đinh Củng Viên. Ngày tuyên đọc lời vua đã đến rồi mà Củng Viên vẫn cố ý không đưa bản thảo. Tòng Giáo đòi nhiều lần mà vẫn không được.
Hôm ấy, xa giá sắp ra ngoài cung, Củng Viên mới đưa bản thảo. Tòng giáo tuyên đọc tờ chiếu đại xá, không hiểu âm nghĩa, phải im lặng. Vua gọi Củng Viên đứng đằng sau, nhắc bảo âm nghĩa. Tòng Giáo rất thẹn. Tiếng nhắc của Củng Viên to dần, mà tiếng đọc của Tòng Giáo lại nhỏ đi, trong triều chỉ còn nghe thấy tiếng của Củng Viên thôi. Vua về trong cung, gọi Tòng Giáo dụ bảo: “Củng Viên là sĩ nhân, ngươi là trung quan (hoạn quan - tg) sao lại bất hòa đến thế?. Ngươi là Lưu thủ Thiên Trường, dùng con rươi quả quýt đi lại, đưa tặng lẫn nhau thì có việc gì?”. Từ đó Tòng Giáo và Củng Viên giao hảo với nhau càng gắn bó”[13].
Qua đoạn sử ghi chép lại về câu chuyện Đinh Củng Viên đọc giúp Lê Tòng Giáo bài văn ở “Ty hành khiển” đã cho thấy, ông là người hiểu biết và hay chữ nổi tiếng trong triều. Cũng qua lời khuyên của vua đối với Lê Tòng Giản về việc ứng xử theo kiểu làng xã: “Ngươi là Lưu thủ Thiên Trường, dùng con rươi, quả quýt đi lại, đưa tặng lẫn nhau thì có việc gì”. Chứng kiến câu chuyện trên, nhà vua đã “dạy khéo” và rất “chân tình” theo kiểu quan hệ “làng xã” để dung hòa những mâu thuẫn giữa hai người nhằm mục đích làm tốt công việc triều đình. Về việc này, Sử thần Ngô Sĩ Liên đã phê phán: “Vua bảo kẻ hạ thần tặng biếu giao hảo với nhau, thì chẳng phải là gây cái tệ tư giao giữa người làm tôi với nhau sao?. Xin thưa, giao hảo với tư giao, thì việc giống nhau nhưng tình thì có khác. Đem tư tâm mà kết ngầm với nhau, đó là tư giao như Kinh Xuân Thu chê Thái Bá đến nước Lỗ là thế, lấy nghĩa tình giao hoan với nhau thì không phải là tư giao, như thi nhân ngâm vịnh việc tặng đưa tặng mận cho nhau là vậy. Vua bảo bề tôi giao hảo với nhau là để cùng nhau làm tốt việc của nhà vua. Nhà Trần trung hậu như thế (qua việc này) có thể thấy được. Nhưng lấy hoạn quan là không biết chữ làm Hành khiển thì cũng không phải”[14].
Đoạn văn trên đã chứng tỏ, Đinh Củng Viên, vào thời điểm năm 1288 không làm ở Nội mật viện nữa mà đã trở về Hàn lâm viện với công việc của cơ quan chuyên soạn thảo các loại giấy tờ, chiếu chỉ của nhà vua và hỗ trợ Ty Hành khiển. Cho đến năm 1292, Đinh Củng Viên đã được thăng lên chức quan đại thần: Thái tử Thiếu bảo[15], thăng tước Quan Nội hầu[16] - là quan đại triều[17]. Đinh Củng Viên không chỉ được phong chức “Thiếu bảo” mà ông còn có nhiều phẩm hàm khác được thể hiện trên văn bia viết về công trạng của công chúa Phụng Dương với chức hàm: “Kim tử vinh lộc đại phu, Thiếu bảo kiêm tri kiểm định thiên hạ tụng trạng ty”[18]. Sau khi được phong tước Thái tử thiếu bảo, Quan Nội hầu được 2 năm thì đến năm 1294, Đinh Củng Viên mất. Với tước ban “Quan nội hầu”- một tước phẩm có bổng lộc mà không thể kế thừa thế tập cho thấy Đinh Củng Viên xuất thân từ tầng lớp bình dân nhưng là thành phần xuất chúng nên đã được tuyển dụng và tin dùng. Qua chi tiết ghi chép trong ĐVSKTT cũng cho thấy, Đinh Củng Viên mất lúc ông đang tại chức chưa phải là hưu quan. Ông mất, khiến hoàng đế nhà Trần rất thương xót: “Thiếu bảo Đinh Củng Viên mất, vua tôn trọng không gọi tên ông”. Việc kiêng gọi tên mà chỉ gọi chức tước là một nét văn hóa của triều đình phong kiến đối với những người có đức nghiệp, được cả triều đình vị nể. Đinh Củng Viên không phải là người trong tôn thất nên việc “kỵ húy” không thực hiện trên các văn bản như dạng “Quốc húy” mà chỉ kiêng húy trong giao tiếp hàng ngày trong triều. Điều đó, cũng là một vinh dự lớn đối với kẻ sĩ thời Trần. Ông mất chính xác ngày nào đến nay không được biết, chỉ biết rằng trong chính sử ghi kiêm gồm 2 sự kiện: “Giáp ngọ, Long Hưng năm thứ 2 (1294) (Nguyên, Chí Nguyên năm thứ 31). Tháng 9, lấy ngày sinh làm tiết Sùng Thiên. Thiếu bảo Đinh Củng Viên mất”[19]. Một năm sau khi Ông mất, (1295), được truy tặng tước Thái phó[20].
Mấy nét về tác phẩm thơ văn
Là người hay chữ, lại được tin dùng ở Hàn lâm viện và Nội mật viện trong nhiều năm chắc hẳn những giấy tờ do Đinh Củng Viên soạn ra cùng các trước tác của Ông số lượng rất nhiều. Tuy nhiên, tác phẩm của ông còn lại đến nay cho hậu thế không nhiều ngoài bài thơ Cù Đường đồ 衢唐圖 và một bài văn bia: “Phụng Dương công chúa thần đạo bi minh tịnh tự” (Lời tựa và bài minh văn bia Thần đạo Công chúa Phụng Dương”[21].
Bài thơ “Cù Đường đồ”:
Phiên âm:
Sương lạc thiên nhai, điểu đạo hoang,
Giang lưu bất chuyển thị Cù Đường.
Tinh kỳ cố luỹ nhàn thu thảo,
Cổ giốc không sơn tống tịch dương.
Thiên địa hữu thùy cùng biến diệt,
Bút đoan vô khẩu ngữ hưng vương (vong).
Khả liên nhất phiến Tây Nam cảnh,
Phong vũ tiêu tiêu không họa tường.
Dịch nghĩa:
(ĐỀ) BỨC TRANH CÙ ĐƯỜNG
Sương rơi trên ngàn ngọn núi, đường chim bay hoang vu.
Dòng sông chảy mà không lưu chuyển, đó là (bức tranh) Cù Đường.
(Trên) cổ luỹ tinh kỳ chỉ thấy) cỏ nhàn nhã (mùa) thu.
Núi không một bóng người, tiếng trống, tiếng tù và trong cô tịch đưa tiễn bóng chiều tà.
Trong trời đất, có ai biết đến cùng lẽ thịnh, suy?
Ngọn bút đoan chính không lời (vẫn) bàn hưng phế.
Đáng thương quang cảnh vùng Tây Nam,
Mưa gió, thê lương trên bức họa.
Dịch thơ:
Chót vót đèo cao ướt đẫm sương,
Sông trôi chẳng chuyển, ấy Cù Đường.
Cờ bay thành cũ, thưa cây cỏ,
Trống rộn đồi hoang tiễn bóng dương.
Đời có ai tường điều biến diệt?
Bút không lời mách chuyện hưng vương.
Thương thay phong cảnh Tây Nam ấy,
Mưa gió tiêu điều một mảnh tường.
(Đào Phương Bình dịch)
Cho đến nay, nhiều vấn đề chung quanh bài thơ vẫn chưa được giải đáp. Chẳng hạn như: Tác giả làm bài thơ trong hoàn cảnh nào, thời gian nào?. Chỉ biết rằng bài thơ này đã nói nhiều đến vấn đề thế sự, chứa chất nhiều tâm sự buồn về lẽ hưng vong, về đời người. Qua bài thơ, đặc biệt là nhan đề “Cù Đường đồ” và câu thơ cuối cho biết, nhà thơ nhân ngắm một bức tranh cổ treo trên tường mà có được cảm hứng sáng tác. Không rõ bức tranh ấy đã nói hộ nỗi lòng của tác giả - người ngắm bức tranh va làm thơ hay là chính nhà thơ đã mô tả bức tranh theo hướng tả thực và theo cách hiểu của mình?.
Bài văn bia: “Phụng Dương công chúa thần đạo bi minh tính tự”
Tấm bia thần đạo được đặt trước lăng mộ Công chúa Phụng Dương (thôn Cao Đài, xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định), bia dựng năm Quý Tỵ niên hiệu Hưng Long năm đầu (1293), khắc lại năm Minh Mệnh 3 (1822). Thác bản bia 1 mặt, khổ 75 x 120 cm, gồm 28 dòng, toàn văn khoảng 1000 chữ, có hoa văn, không có chữ húy. Lê Củng Viên[22] (soạn), chức vụ: Kim tử vinh lộc đại phu, Thiếu bảo kiêm Tri kiểm định thiên hạ tụng trạng ty. Người viết bia là: Nguyễn Sĩ Liêm, chức vị: Hàn lâm thị giảng; Người khắc bia: Chu Thiện Chúng; chức vị: Hàn lâm thư lang.
Nội dung bia ghi về công đức của Phụng Dương công chúa - Con gái của Thái sư Trần Thủ Độ đồng thời bà là phu nhân của Thái sư Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải. Khi còn nhỏ, bà đã được vua Trần Thái Tông nuôi ở trong cung, nhận làm con nuôi (nghĩa vi tử) sau này bà chính là con dâu của Trần Thái Tông. Công chúa Phụng Dương là người hiền đức, học vấn thông tuệ, khi già thì quy y theo Phật. Trong công cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên lần thứ hai, bà đã góp nhiều công sức, mưu trí giúp Thái sư đánh giặc. Bài minh được dịch như sau:
“Làm thiện tất được phúc chừ, là điều thường tình,
Nói nhân tất được thọ trường, trời đâu chẳng linh.
Sống có nết na chừ, chết được lưu danh,
Làm vợ cửa tướng chừ, đời đời khen ngợi.
Nơi thôn Độc Lập chừ, xứ cao mồ xanh,
Văn chẳng phải Hàn quân chừ, cung kính viết bài minh”.
Bài văn bia cho biết, Công chúa Phụng Dương mất ngày 22 tháng 3 năm Tân Mão (Tức ngày 22 tháng 4 năm 1291) và đến ngày 11 tháng 4 năm Hưng Long năm đầu (1293) xây lăng. Người chủ tang của Công chúa đến xin bài minh để táng là Văn Túc Vương[23] (Táng chi niên nguyệt nhật dã, chủ Công chúa chi tang nhi thỉnh minh dĩ táng dã Văn Túc Vương dã 葬之年月日也主公主之丧而請銘以葬也文肅王也). Như vậy, con trai của Công chúa Phụng Dương là Văn Túc Vương đã đến xin bài văn bia và bào minh cho công chúa Phụng Dương ngay sau khi công chúa qua đời (năm 1291). Căn cứ vào lời văn của văn bản cho thấy, văn bia được soạn thảo năm 1291 nhưng phải đến 2 năm sau (năm xây lăng) thì mới được khắc văn bia[24]. Bài văn bia cũng cho biết, khi soạn, Đinh Củng Viên đã bàn bạc với Thái sư Trần Quang Khải - người chồng yêu quý của bà. Văn bia có đoạn: “Người bàn luận với Thái sư về những điều hay điều tốt của công chúa để viết bài minh là Thiếu bảo Lê (Đinh - Tg) Củng Viên.
Chúng ta đã biết, sau khi Công chúa Phụng Dương mất được 3 năm thì đến năm 1294, Thái sư Thượng Tướng Trần Quang Khải (người chồng của bà) qua đời, cũng năm này, Thiếu Bảo Đinh Củng Viên - tác giả soạn văn bia “Phụng Dương Công chúa thần đạo bi minh tính tự” cũng từ giã cõi đời!.
Có thể nói rằng, Đinh Củng Viên cùng với một số trí thức khác thời Trần như: Lê Văn Hưu, Chu Văn An, Phạm Sư Mạnh, Lê Quát, Trần Nguyên Đán… là những nhân vật kiệt xuất, lương đống của triều Trần. So với các nhân vật kể trên, hành trạng của Đinh Củng Viên được biết đến không nhiều. Nhưng chỉ qua một số sử liệu trong chính sử và qua tấm bia thời Trần do chính ông soạn ra đã đủ cho biết, ông là một người có uy tín thật lớn, từng trải nhiều chức vụ quan trọng trong triều. Đinh Củng Viên là quan đại thần và cùng triều, có điều kiện gần gũi là thân thiết với các vị vua và hoàng tộc danh nhân có công lớn trong công cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên như: Trần Thái Tông, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật… Bài văn bia do Ông soạn ra với lời lẽ uyển chuyển, văn phong điêu luyện, hấp dẫn gần gũi với thể loại truyện kí. Đây là một trong những tác phẩm văn bia ghi chép về hành trạnh nhân vật thành công nhất của loại hình văn bia thời Trần, vừa đảm bảo tính chất hoa mỹ, diễm lệ của văn học vừa bảo đảm tính chất chính xác của sử học./.
NIÊN BIỂU ĐINH CỦNG VIÊN[25]
STT |
Năm |
Sự kiện |
Ghi chú (Nguồn) |
1 |
Năm sinh (?) |
Đinh Củng Viên Sinh |
|
2 |
Năm thi đỗ (?) |
Đinh Củng Viên thi đỗ |
|
3 |
Nhâm ngọ [ Thiên Bảo] năm thứ 4 (1282) (Chí nguyên năm thứ 19) |
Lấy Thái úy Quang Khải làm Thượng tướng thái sư, Đinh Củng Viên làm Hàn lâm viện học sĩ phụng chỉ |
(ĐVSKTT, Q5, kỷ nhà Trần, tờ 43 a; bd tập II, tr 49) |
Cho Thái úy Quang Khải làm thượng tướng, Thái sư, Đinh Củng Viên làm Hàn lâm học sĩ phụng chỉ |
ĐVSKTB, Bk, Q5, tờ 58b, bd, NxbKhxh, 1997, tr 363 |
||
4 |
Giáp thân [Thiệu Bảo] năm thứ 6 (1284) (Nguyên, Chí Nguyên năm thứ 21): |
Sai Hàn lâm [viện] phụng chỉ Đinh Củng Viên quyền coi việc Bắc cung Nội sát viện |
ĐVSKTB, Bk, Q5, tờ 60b, bd, NXBkhxh, 1997, tr 365 |
Sai Hàn lâm phụng chỉ là Đinh Củng Viên coi việc Bắc cung nội sát viện |
ĐVSKTB, Bk, Q5, tờ 60b, bd, NXBkhxh, 1997, tr 365 |
||
5 |
Bính tuất Trùng Hưng năm thứ 2 (1286) (Nguyên, Chí Nguyên năm thứ 23): |
Tháng 10 mùa đông, kiểm duyệt điểm, diễn tập quân lính điều động được. Đinh Củng Viên xin thôi quyền trông coi việc Nội mật viện. Vua y cho, ban cho [Viên] tước Nội minh tự. |
(ĐVSKTT, Q5, kỷ nhà Trần, tờ 51 b; bd tập II, tr 58). |
Ban cho Đinh Củng Viên tước Minh tự. Củng Viên xin thôi quyền nhiếp Nội mật viện. Vua y cho |
ĐVSKTB, Bk, Q5, tờ 69b,70a, bd, NXBkhxh, 1997, tr 371 |
||
6 |
Mậu tý [ Trùng Hưng] năm thứ 4 (1288)(Nguyên Chí Nguyên năm thứ 25) |
Vua ở ty Hành khiển giao hảo với Viện hàn lâm. Lệ cũ mỗi khi tuyên đọc lời vua, thì Viện Hàn lâm lĩnh đưa bản thảo tờ chiếu cho hành khiển để giảng tập trước. Đến khi tuyên đọc, thì giảng cả âm nghĩa cho dân thường dễ hiểu, vì chức hành khiển chỉ dùng hoạn quan thôi. Bấy giờ, Lê Tòng Giáo làm tả phụ, vốn bất hòa với Hàn lâm phụng chỉ Đinh Củng Viên. Ngày tuyên đọc lời vua đã đến rồi mà Củng Viên vẫn cố ý không đưa bản thảo. Tòng Giáo đòi nhiều lần mà vẫn không được. Hôm ấy, xa giá sắp ra ngoài cung, Củng Viên mới đưa bản thảo. Tòng Giáo tuyên đọc tờ chiếu đại xá, không hiểu âm nghĩa, phải im lặng. Vua gọi Củng Viên đứng đằng sau, nhắc bảo âm nghĩa. Tòng Giáo rất thẹn. Tiếng nhắc của Củng Viên to dẫn, mà tiếng đọc của Tòng Giáo lại nhỏ đi, trong triều chỉ còn nghe thấy tiếng của Củng Viên thôi. Vua về trong cung, gọi Tòng Giáo dụ bảo: “Củng Viên là sĩ nhân, ngươi là trung quan (hoạn quan - tg) sao lại bất hòa đến thế?. Người là Lưu thủ Thiên Trường, dùng con rươi quả quýt đi lại, đưa tặng lẫn nhau thì có việc gì?”. Từ đó Tòng Giáo và Củng Viên giao hảo với nhau càng gắn bó. |
ĐVSKTT, Q5, kỷ nhà Trần, tờ 55 b; bd tập II, tr 61,62 |
7 |
Nhâm thìn [Trùng Hưng năm thứ 8 (1292) (Nguyên, Chí Nguyên năm thứ 29) |
(Tháng 2...). Lấy Đinh Củng Viên làm Thái tử thiếu bảo, thăng tước Quan nội hầu. |
(ĐVSKTT, Q5, kỷ nhà Trần, tờ 61 a ; bd tập II; tr 68); |
Cho Đinh Củng Viên làm thiếu bảo, thăng tước Quan nội hầu |
(ĐVSKTB, Q5, kỷ nhà Trần, tờ 86 b ; bd 384; |
||
8 |
Quý tỵ, hiệu Hưng Long nguyên niên (1293) |
Biên soạn văn bia “Phụng Dương công chúa thần đạo bi minh tính tự”. |
Thác bản bia: No 7804, Viện NCHN, Thích Đức Thiện - Đinh Khắc Thuân (đồng chủ biên), Văn bia thời Trần Nxb Văn hóa Dân tộc, 2016, tr 66- 77 |
9 |
Giáp ngọ, Long Hưng năm thứ 2 (1294) (Nguyên Chí Nguyên năm thứ 31) |
Tháng 9, lấy ngày sinh làm tiết Sùng Thiên. Thiếu bảo Đinh Củng Viên mất, vua tôn trọng không gọi tên ông. |
(ĐVSKTT, Q6, kỷ nhà Trần, tờ 3a ; bd tập II; tr 73); |
Tháng 9, Thiếu bảo là Đinh Củng Viên mất được tặng chức Thiếu phó |
(ĐVSKTB, Q6, kỷ nhà Trần, tờ 2a ; bd tr 390; |
||
10 |
Ất Mùi [Long Hưng] năm thứ 3 [1295] (Nguyên thành tông Thiết Mộc nhĩ Nguyên Trinh năm thứ 1) |
Truy tặng Đinh Củng Viên làm Thái Phó |
(ĐVSKTT, Q6, kỷ nhà Trần, tờ 3b ; bd tập II; tr 74); |
[1] Đại Việt sử kí toàn thư viết: “Tháng 6, Điện tiền chỉ huy sứ Đinh Lộc và Phùng Luật mưu làm phản. Xuống chiếu bắt Lộc, Luật và bè đảng giao cho quan trị tội. Khai Hoàng Vương xét xử, bọn Lộc, Luật đều phải giết” (Đại Việt sử kí toàn thư, ĐVSKTT, BK, QII, tờ 29b, bd Tập I, tr 262); Đại Việt sử kí tiền biên (ĐVSKTB), bản kỷ, Quyển II, tờ 36a, bản dịch trang 221 có ghi về Đinh Lộc như sau: Tân tỵ năm thứ 3 (1041), (Tống Khánh Lịch năm thứ 1)(...) Tháng 6, Điện tiền chỉ huy sứ là Đinh Lộc và Phùng Luật mưu làm phản, vua ban chiếu bắt Lộc, Luật và bè đảng giao cho quan trị tội. Khai Hoàng Vương xử và quyết định bọn Lộc, Luật đều chịu tội chết (ĐVSKTB, BK, QII, tờ 36a; bd, tr 221)
[2] ĐVSKTT, Q5, kỷ nhà Trần, tờ 43 a; bd tập II, tr 49
[3] Giáp thân [Thiệu Bảo] năm thứ 6 (1284) Nguyên Chí Nguyên năm thứ 21): Sai hàm lâm [viện] phụng chỉ Đinh Củng Viên quyền coi việc bắc cung Nội sát viện (ĐVSKTT, Q5, kỷ nhà Trần, tờ 45 b; bd tập II, tr 52).
[4] Bính tuất Trùng Hưng năm thứ 2 (1286) (Nguyên Chí nguyên năm thứ 23): Tháng 10 mùa đông, kiểm duyệt điểm, diễn tập quân lính điều động được. Đinh Củng Viên xin thôi quyền trông coi việc Nội mật viện.
[5] Vua y cho, ban cho [Viên] tước Nội minh tự (ĐVSKTT, Q5, kỷ nhà Trần, tờ 51 b; bd tập II, tr 58).
[6] Lê Văn Hưu đỗ Bảng nhãn năm Thiên Ứng Chính Bình (1247) khi mới 17 tuổi, tác phẩm Đại Việt sử kí của ông hoàn thành năm 1272. Lê Văn Hưu còn là thày dạy của Thượng tướng Trần Quang Khải
[7] Vì không biết năm sinh của Đinh Củng Viên nên không biết năm kháng chiến chống quân xâm lược Mông- Nguyên lần thứ 1, thứ 2, và lần thứ 3, Ông bao nhiêu tuổi. Chỉ biết rằng năm 1282, ông được ban chức Hàn lâm học sĩ phụng chỉ. Vậy, thử ước lượng, khi đó, triều đình trao cho Ông cương vị này thì ông cỡ khoảng 30 - 40 tuổi. Vậy, ít nhất Ông sinh vào khoảng những năm thập kỷ 30, 40 của thế kỷ thứ XIII. (Đây là dự đoán của chúng tôi dùng để làm việc). Còn sự thực năm sinh của Ông thực sự là năm nào thì cần tiếp tục nghiên cứu tiếp (?). Như thế, năm sinh của Đinh Củng Viên cũng có thể vào khoảng những năm sinh của nhà sử học Lê Văn Hưu (?).
[8] ĐVSKTT, Q5, kỷ nhà Trần, tờ 45 b; bd tập II, tr 52
[9] ĐVSKTB, Bk, Q5, tờ 60b, bd, Nxb Khxh, 1997, tr 365
[10] Bính tuất Trùng Hưng năm thứ 2 (1286) (Nguyên, Chí Nguyên năm thứ 23): Tháng 10 mùa đông, kiểm duyệt điểm, diễn tập quân lính điều động được. Đinh Củng Viên xin thôi quyền trông coi việc Nội mật viện. Vua y cho, ban cho [Viên] tước Nội minh tự. (ĐVSKTT, Q5, kỷ nhà Trần, tờ 51 b; bd tập II, tr 58.
[11] ĐVSKTT, Q5, kỷ nhà Trần, tờ 51 b; bd tập II, tr 58 ; Đại Việt sử kí tiền biên cũng ghi tương tự. Xem: ĐVSKTB, Bk, Q5, tờ 69b,70a, bd, Nxb Khxh, 1997, tr 371.
[12] ĐVSKTT, Q5, kỷ nhà Trần, tờ 55 b; bd tập II, tr 61,62
[13] ĐVSKTT, Q5, kỷ nhà Trần, tờ 55 b; bd tập II, tr 61,62
[14] ĐVSKTT, Q5, kỷ nhà Trần, tờ 56a,b; bd tập II, tr 63
[15] Quan chế triều Lý, Trần, phỏng theo chế độ quan chế đời nhà Tống; đứng trên trăm quan, thay mặt vua giải quyết mọi việc trong triều là Tể tướng, thời Lý chân chính Tể tướng là Thái úy. Vị quan đầu triều đầu tiên của nhà Lý là Trần Cảo, được phong chức danh Tướng công dưới thời Lý Thái Tổ]. Tuy nhiên, sang thời Lý Thái Tông đặt ra chức Phụ quốc Thái úy . Sang thời Lý Nhân Tông, vị quan đầu triều được gia tăng thêm mấy chữ Bình chương quân quốc trọng sự 平章軍國重事, lại thêm các danh hiệu khác như Đồng trung thư môn hạ 同中書門下 hoặc Thượng trụ quốc 上柱國. Các vị quan Tể tướng thường được gia phong thêm các chức vụ Tam thái (Thái sư, Thái phó, Thái bảo) hoặc Tam thiếu (Thiếu sư, Thiếu phó, Thiếu bảo).
[16] Quan nội hầu 關內侯: có phẩm trật bổng lộc, nhưng không thể thừa kế thế tập.
[17] Nhâm thìn [Trùng Hưng năm thứ 8 (1292) (Nguyên Chí Nguyên năm thứ 29), (Tháng 2...). Lấy Đinh Củng Viên làm Thái tử, Thiếu bảo, thăng tước Quan nội hầu (ĐVSKTT, Q5, kỷ nhà Trần, tờ 61 a ; bd tập II; tr 68);
[18] Thác bản văn bia: Phụng Dương công chúa thần đạo bi minh tính tự, tại thôn Cao Đài, (tổng Cao Đài, huyện Mỹ Lộc, Nam Định), VNCHN, kí hiệu 7804. Chúng tôi không hiểu sao, trên tấm bia này lại viết tác giả soạn văn bia lại là Lê Củng Viên (?). Về chi tiết này, xin được tồn nghi để khảo xét sau.
[19] ĐVSKTT, Q6, kỷ nhà Trần, tờ 3a ; bd tập II; tr 73;
[20] Ất mùi [Long Hưng] năm thứ 3 [1295] (Nguyên, Thành Tông Thiết Mộc Nhĩ Nguyên Trinh năm thứ 1) Truy tặng Đinh Củng Viên làm Thái Phó (ĐVSKTT, Q6, kỷ nhà Trần, tờ 3b ; bd tập II; tr 74);
[21]. Thách bản văn bia VNCHN, No: 7804, cũng xem bản dịch của Lê Tư Lành, in trong Thích Đức Thiện - Đinh Khắc Thuân (Cb), 2016, Văn bia thời Trần, Nxb Văn hóa dân tộc, tr 66 - 77,
[22] Hiện nay, chúng tôi vẫn chưa biết nguyên nhân gì khi khắc lại vào triều Nguyễn, người ta đã khắc người soạn văn bia từ “Đinh Củng Viên” thành “Lê Củng Viên”. Nhưng xét, tác gia văn học với chức tước cụ thể như nội dung văn bia và những sử liệu liên quan như ĐVSKTT đã đề cập thì chỉ có một người mang tên là Đinh Củng Viên mà thôi. (Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu vấn đề này).
[23] Chúng tôi tán thành quan điểm của các soạn giả Văn bia thời Trần khi cước chú chi tiết về năm xây lăng cho Công chúa Phụng Dương: “Nguyên văn làng táng và bản dịch của Lê Tư Lành là táng ngày 11 tháng 4 năm 1293. Ở đây có chút khó hiểu vì Công chúa mất năm 1291 thì không thể để đến tận năm 1293 mới táng được. Do vậy, chúng tôi dịch là xây lăng (Thích Đức Thiện - Đinh Khắc Thuân (Cb), Nxb Văn hóa dân tộc, 2016, tr 77.
[24] Nguyên văn: Luận thứ kỳ sở đắc ư Thượng tướng Thái sư nhi vi chi minh giả Thiếu bảo Lê (Đinh - TG) Củng Viên dã 論次其所得於上相太師而為之銘者少保黎拱垣也.
[25] Chúng tôi bước đầu tam thời lập niên biểu Đinh Củng Viên qua các nguồn sử liệu thư tịch và văn khắc. Niên biểu này sẽ được bổ sung khi có thêm các nguồn sử liệu mới và tin cậy.
(Bia “Phụng Dương Công chúa thần đạo bi minh tịnh tự” do Đinh Củng Viên soạn, niên đại ngày 12 tháng 4 năm Quý Tỵ Hưng Long nguyên niên (1293), được khắc lại vào khoảng năm Minh Mệnh 3 (1822), kí hiệu N0: 7804, VNCH).
* Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long
tin tức liên quan
Videos
Kiểm kê cổ vật – hành trình gian nan của các cán bộ di sản văn hóa
Thể loại phim
Về bài thơ Lịch sử nước ta của Nguyễn Ái Quốc
Phòng chống thiên tai từ tri thức cộng đồng
Giải Nobel năm 2021
Thống kê truy cập
114528591
2247
2291
2864
215287
0
114528591