Những góc nhìn Văn hoá
Từ sự “trở về” của hai cổ vật triều Nguyễn
Chiếc mũ quan Đại thần và áo Nhật Bình được đấu giá thành công và được Công ty Cổ phần tập đoàn Sunshine hiến tặng cho tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh TH
Tháng 10/2021, một sự kiện đấu giá cổ vật đã gây nên sự quan tâm rất lớn của báo chí và dư luận Việt Nam: Trên sàn đấu giá Auctionet của nhà đấu giá Balclis (Tây Ban Nha), một chiếc mũ được cho là của quan đại thần triều Nguyễn đã được đem ra đấu giá và đạt được mức giá kỷ lục là hơn 600.000 Euro. Chiếc mũ quan đại thần này sau đó đã được đưa về Việt Nam cùng với một hiện vật khác cũng được đấu giá thành công trong dịp này (là một chiếc áo Nhật Bình được cho là của cung tần triều Nguyễn) và được Công ty Cổ phần tập đoàn Sunshine - đơn vị đã đấu giá thành công hai hiện vật trên hiến tặng cho tỉnh Thừa Thiên Huế.
Về chiếc mũ quan đại thần triều Nguyễn, đây là chiếc mũ rất đẹp và gần như còn nguyên vẹn. Vành mũ có chu vi 59,2cm; cốt mũ làm bằng lông đuôi ngựa màu đen; trang sức trên mũ bằng vàng từ khoảng 8,5 tuổi. Mặt trước mũ có tám chi tiết trang trí, trên cùng là bác sơn chạm trổ chi tiết hai giao long chầu hoa cúc, dưới cùng là một bác sơn trang trí hai giao long hình hoa cúc, ở giữa mất chi tiết thủy tinh mài lục lăng. Trán mũ là hai hoa cúc hình tròn có đính hoa cúc nhỏ kèm viên thủy tinh mài lục lăng; riêng hoa cúc hình tròn. Mũ có hai cánh chuồn, nhưng trong tình trạng được tháo rời; đầu hai cánh chuồn hai họa tiết trang trí giao long mặt ngang cực kỳ tinh xảo; trước sau thân cánh chuồn đều có bốn con giao long. Mặt sau mũ phần trên là một hoa cúc gồm có dây cúc cuộn thành hình tròn có hai giao long chầu vào, ở giữa có viên thủy tinh mài lục lăng, dưới hoa cúc là một phù hiệu hình khánh, giữa khánh mất một chi tiết hoa cúc và thủy tinh mài lục lăng, cũng theo mô tiếp hai giao long chầu hoa cúc. Hai bên mũ là có hai kim như ý để gài cánh chuồn. Dưới cùng là kim nhiễu tuyến viền theo vành mũ. Theo các chuyên gia của Hội đồng giám định, chiếc mũ có niên đại khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Nhìn chung, đây là chiếc mũ rất quý, thuộc về hàng quan đại thần hàm trên nhất phẩm, có giá trị lịch sử, văn hóa, mỹ thuật cao; có thể xem là chiếc mũ quan hoàn chỉnh nhất trong hệ thống cổ vật mũ quan ở Việt Nam hiện nay.
Chiếc mũ quan đại thần triều Nguyễn còn khá nguyên vẹn, có thiết kế tinh xảo, bốn mặt vẽ tứ linh (long, ly, quy, phượng). Ảnh TH
Cùng với mũ là chiếc hộp đựng mũ quan đại thần triều Nguyễn; hộp hình khối chữ nhật đứng, bằng gỗ, có đế, làm theo mô típ cung đình, bốn mặt vẽ tứ linh (long, lân, quy, phụng), riêng mặt long và phụng, bốn bên tạo thành khung vẽ trang trí để làm nổi bật hai linh vật quan trọng này; đế hộp chạm trổ dây hoa lá cách điệu, bốn mặt đều như nhau tạo thế chân quỳ. Quai hộp được chạm trổ hai đầu rồng ở hai đầu. Toàn bộ hộp gỗ được sơn son thếp vàng. Hộp có niên đại khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
Về giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, có thể đánh giá đây là chiếc hộp hoàn chỉnh, mang tính mỹ thuật cao, đi kèm chiếc mũ đại thần triều Nguyễn tạo thành bộ cổ vật hoàn chỉnh.
Với chiếc áo Nhật Bình, đây cũng là một cổ vật có giá trị. Áo bằng vải màu đen (hoặc có thể là màu thiên thanh), bên trong lót màu cam (màu hỏa hoàng). Chất lượng áo không còn tốt, nhiều chỗ đã có dấu vết sờn, rách, bạc màu do thời gian và đã được sử dụng nhiều. Họa tiết trang trí chính của áo là kiểu “Đoàn loan hàm thọ” (hai chim loan bố trí trong hình tròn gắn với chữ “thọ”) được bố trí cùng với mô típ bát bửu và hoa lá khá đều đặnở trước và sau áo. Cổ áo hình chữ nhật, điển hình kiểu áo Nhật bình của thời Nguyễn; cài cổ áo là hai miếng kim loại hình chữ nhật, màu trắng đã bị ô xy hóa (khả năng cao đây là vật đã được thay thế cho chiếc cúc hình chim phượng - phượng khấu nguyên thủy). Hai bên chính giữa cổ áo thêu hoa văn thủy ba và hình bốn chim loan; xung quanh thêu hoa văn quy giáp. Tà áo thêu hoa văn thủy ba tam sơn, lý ngư theo mô thức truyền thống; phần trang trí ngũ sắc của tay áo bị xếp vào trong (15 cm). Áo có niên đại khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Nhìn chung, đây là chiếc áo của bậc cung tần bậc cao trong cung, màu sắc và trang trí độc đáo, là hiện vật quý hiếm và có giá trị.
Sự kiện hai cổ vật quý hiếm của triều Nguyễn “trở về” với cố đô Huế có ý nghĩa rất đặc biệt. Ảnh TH
Sự kiện hai cổ vật quý hiếm của triều Nguyễn “trở về” với cố đô Huế có ý nghĩa rất đặc biệt, mở ra một hướng đi mới cho công cuộc hồi hương các cổ vật quý của Việt Nam mà do nhiều lí do khác nhau đã bị thất tán ra nước ngoài. Hành động quyết liệt tham gia đấu giá cổ vật của Công ty Cổ phần Tập đoàn Sunshine và sau đó hiến tặng cho cố đô Huế rất cần được Nhà nước biểu dương, nhưng còn hơn thế, thông qua sự kiện này chúng ta cần sớm nghiên cứu, ban hành những cơ chế chính sách thỏa đáng để các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia vào công tác tìm kiếm, đấu giá và hiến tặng cổ vật cho Nhà nước.
Thừa Thiên Huế là địa phương đầu tiên tham gia đấu giá cổ vật ở nước ngoài cách đây hàng chục năm, có cả thất bại và thành công (ví dụ điển hình là thất bại trong vụ đấu giá bức tranh “Chiều tà” của Vua Hàm Nghi vào năm 2010; thành công trong vụ đấu giá chiếc xe kéo tay của Hoàng thái hậu Từ Minh vào năm 2014), nhưng đã “mở đường” cho công cuộc hồi hương cổ vật, để lại nhiều kinh nghiệm quý cho cả nước.
Trong vụ đấu giá hai cổ vật quý của triều Nguyễn lần này, mặc dù không trực tiếp tham gia nhưng lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, thông qua các mối quan hệ đã tác động, thuyết phục thành công Công ty Cổ phần Tập đoàn Sunshine tham gia đấu giá với quyết tâm rất cao, và đã giành chiến thắng. Theo kế hoạch, ngày 17/4/2022, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tổ chức lễ tiếp nhận hai cổ vật này và bàn giao cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế để tổ chức trưng bày, phát huy giá trị. Điều đáng nói nữa là, Công ty Cổ phần Tập đoàn Sunshine đã cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Thừa Thiên Huế trong việc nghiên cứu, phục chế một số hiện vật quý hiện đang trong tình trạng hư hỏng nặng mà tỉnh đang lưu giữ (tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế) để đóng góp một cách hiệu quả vào công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị di sản của cố đô.
Như vậy, Thừa Thiên Huế lại một lần nữa lại đóng vai trò tiên phong cho một hướng đi mới trong việc đấu giá và hồi hương cổ vật Việt Nam, đó là việc huy động thành công nguồn lực ngoài ngân sách cho sự nghiệp đầy ý nghĩa này. Rất có thể, đây sẽ là hướng đi chủ đạo trong giai đoạn tới ở nước ta./.
tin tức liên quan
Videos
Kiểm kê cổ vật – hành trình gian nan của các cán bộ di sản văn hóa
Thể loại phim
Thảm họa biển và điều chỉnh chiến lược du lịch
Phùng Khắc Khoan với miền núi Nghệ An
Phòng chống thiên tai từ tri thức cộng đồng
Thống kê truy cập
114528588
2244
2291
2861
215284
0
114528588