Những góc nhìn Văn hoá
Sở hữu trí tuệ, bản quyền thương mại và môi giới văn hóa
Ảnh minh hoạ (nguồn internet)
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhiều giá trị văn hóa của cộng đồng bản địa đã trở thành một nguồn lực phát triển quan trọng. Văn hóa truyền thống trở thành một nguồn vốn để người dân vận dụng vào phát triển kinh tế thị trường. Một trong những nhân tố quan trọng là hệ thống tri thức dân gian của các cộng đồng đã trở thành nền tảng cơ sở để sản xuất nhiều loại hàng hóa cung cấp ra thị trường. Điều này vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của các cộng đồng dân tộc thiểu số vốn phần lớn đang trong tình trạng đói nghèo phổ biến. Nhưng cũng từ đây, những vấn đề về tranh chấp bản quyền nẩy sinh khi các luật pháp về sở hữu trí tuệ ngày một mở rộng. Những cuộc tranh chấp bản quyền thương mại các sản phẩm từ tri thức dân gian vô cùng phức tạp mà không phải lúc nào cũng có thể xem xét trên góc độ luật pháp. Vậy nên, để tạo ra sự hài hòa trong quá trình phát triển nhằm vừa phát huy được các giá trị kinh tế của tri thức dân gian, vừa đem lại lợi ích cho hầu hết các bên liên quan, các nhà nghiên cứu không ngừng tìm kiếm các cách tiếp cận phù hợp. Và sự ra đời của môi giới văn hóa để đáp ứng nhu cầu đó.
Sở hữu trí tuệ, bản quyền thương mại và quyền lợi cộng đồng
Sở hữu trí tuệ, một khái niệm, một thuật ngữ được quan tâm nhiều trong những năm gần đây gắn với các đạo luật, chính sách liên quan đến nó. Và như một mặc định, nói đến sở hữu trí tuệ là người ta nói đến vấn đề luật. Điều đó là đúng bởi nó là một khái niệm định hình trong luật học. Nhưng cũng vì khu biệt nó vào một lĩnh vực nên nhiều khi lại hạn hẹp, dù biết rằng với pháp luật thì các thuật ngữ càng phải rõ ràng để thuận tiện cho việc xử lý. Điều đó là cần thiết, và thực tế nó cũng trở thành cách hiểu phổ biến hiện nay. Nhưng trong bài viết này, tôi muốn thảo luận thêm về vấn đề sở hữu trí tuệ từ góc nhìn văn hóa để mở rộng hơn cách hiểu về trí tuệ cũng như việc sở hữu nó trong bối cảnh đa văn hóa, liên văn hóa và xuyên văn hóa. Nếu chỉ hiểu sở hữu trí tuệ trên góc độ luật pháp thì sẽ chưa hiểu hết được nhiều vấn đề trong bối cảnh đa văn hóa. Và như một hệ quả kèm theo, sự hạn hẹp có thể trở thành nguyên nhân cho những mâu thuẫn và bộc phát thành những xung đột, thứ mà trên thế giới đã phải chứng kiến nhiều về những cuộc tranh chấp trong sở hữu trí tuệ và bản quyền thương mại.
Có những quyền sở hữu vốn được mặc định bởi tự nhiên và sau đó là bởi những định chế xã hội. Khi một người đàn ông lấy một người đàn bà và trở thành vợ chồng là một loại sở hữu, nhưng cái gọi là giấy đăng ký kết hôn mới được xuất hiện sau này. Còn trước đó, quyền sở hữu này được công nhận qua các định chế văn hóa mà các nghi lễ là sự thể hiện với sự chứng kiến của nhiều người. Hay việc một người phụ nữ sinh con thì đứa con đương nhiên thuộc sở hữu của vợ chồng họ dù giấy khai sinh trước đó còn chưa xuất hiện. Quyền sở hữu này được các định chế văn hóa thừa nhận và đảm bảo. Kể cả những nguồn của cải, tài sản quý giá như đất rừng, nhà cửa cũng được các định chế văn hóa đảm bảo mà hiệu lực cao, rất được cộng đồng tôn trọng. Một người dân tộc thiểu số như người Khơ Mú hay người Thái chẳng hạn, khi họ vào rừng tìm được một mảnh đất rừng để làm rẫy phù hợp thì họ sẽ chặt phát xung quanh và cắm một khúc nứa xuống mặt đất, chẻ thân nứa thành nhiều cánh và bẻ chéo lại cắm xuống đất tạo thành một ký hiệu đặc trưng. Những người đến sau khi thấy ký hiệu đó thì biết rằng mảnh đất này đã có chủ và họ không xâm phạm vào đó mà đi tìm mảnh đất khác. Như vậy, các định chế văn hóa có một sức mạnh trong việc đảm bảo quyền sở hữu của con người hay của cộng đồng. Và bản sắc văn hóa, trong một khía cạnh nhất định, là thuộc sở hữu chung của cộng đồng và các định chế văn hóa bảo vệ quyền đó. Chúng ta xem xét trường hợp hệ thống tri thức dân gian của một cộng đồng chẳng hạn. Nó là một nhân tố quan trọng trong bản sắc văn hóa cộng đồng, và quyền sở hữu tri thức dân gian là của cộng đồng, nó đến một cách tự nhiên và được cộng đồng họ cũng như các cộng đồng bên cạnh tôn trọng. Nhưng đặt trong bối cảnh luật pháp hiện hành, thì quyền sở hữu tri thức dân gian lại chưa có sự bảo vệ một cách chặt chẽ.
Bản quyền thương mại hay thương hiệu là một sự thể hiện rõ nét trong pháp luật về sở hữu trí tuệ. Bản quyền thương mại là sự bảo hộ của luật pháp cho một mặt hàng được lưu hành trên thị trường của một doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cụ thể. Nhưng có nhiều sản phẩm đến từ những tri thức dân gian lại được cấp bản quyền cho các doanh nghiệp. Điều này sẽ gây ra nhiều vấn đề phức tạp và khó giải quyết. Bởi tri thức dân gian là của cải của một cộng đồng, nó thuộc sở hữu của cộng đồng. Nhưng luật về sở hữu trí tuệ chỉ cấp cho quyền sở hữu trí tuệ cho các tổ chức và cá nhân. Mà cộng đồng là một đơn vị văn hóa, nó không có tư cách pháp nhân nên đương nhiên không trở thành một chủ sở hữu theo pháp luật sở hữu trí tuệ. Nó sẽ chẳng sao nếu các doanh nghiệp không đăng ký bản quyền. Nhưng khi một doanh nghiệp đăng ký bản quyền một sản phẩm được sản xuất từ tri thức dân gian của một cộng đồng thì sẽ có nhiều vấn đề xẩy ra. Những người trong cộng đồng vẫn tiếp tục sản xuất sản phẩm đó vì nó dựa vào nguồn tri thức dân gian của họ. Còn doanh nghiệp vẫn tiếp tục sản xuất và kinh doanh sản phẩm đã đăng ký bản quyền. Như vậy hình thành các dòng sản phẩm dựa trên một nguồn tri thức dân gian nhưng có bản quyền và không có bản quyền. Từ đó có thể nẩy sinh mâu thuẫn và xung đột. Ví dụ sự xung đột liên quan đến việc sử dụng thuốc trừ sâu từ cây gỗ đào ở Ấn Độ. Người dân Ấn Độ đã sử dụng sản phẩm từ cây gỗ đào để làm thuốc trừ sâu và chống nấm từ hàng ngàn năm nay. Nhưng ở Mỹ và Châu Âu có nhiều bản quyền chứng nhận sở hữu trí tuệ về sản phẩm cây gỗ đào được cấp cho các công ty hóa chất để sản xuất và buôn bán. Tuy nhiên, việc cấp bản quyền cho các công ty này chưa ngăn cản người nông dân Ấn Độ sản xuất và sử dụng các sản phẩm từ cây gỗ đào theo cách chiết xuất truyền thống. Nhưng đến năm 1993, khi công ty P.J. Margo Private Ltd (một đối tác của công ty hóa chất W.R.Grace - công ty được cấp bản quyền về sản phẩm này ở Mỹ) đã sản xuất và tiếp thị loại thuốc trừ sâu từ gỗ đào vào Ấn Độ, đụng chạm trực tiếp đến lợi ích của một bộ phận nông dân thì nhiều cuộc biểu tình phản đối sự liên kết của hai công ty này. Năm 1995, nhiều nhóm đã liên kết lại kiện các tổ chức cấp bản quyền ở Mỹ và châu Âu vì cho rằng sản phẩm này đã được người dân sản xuất và sử dụng từ nhiều thế kỷ nay. Nó buộc tổ chức cấp bản quyền ở châu Âu phải hủy bỏ bản quyền của sản phẩm này nhưng ở Mỹ thì vẫn còn giá trị. Hay Ủy ban nghiên cứu khoa học và công nghệ ở New Delhi kiện việc cấp bản quyền bài thuốc Ayurvedic cho hai nhà khoa học thuộc Đại học Mississippi vì nó giống với tri thức địa phương của nhiều cộng đồng ở Ấn Độ về chiết xuất thuốc từ củ nghệ; Những tranh chấp từ bản quyền của gạo Basmati của một số nông dân Ấn Độ với một công ty kinh doanh gạo của Mỹ; Hay tranh chấp về loại đậu vàng “Mayacoba” của nông dân Mexico với một công ty nông nghiệp Colorado…[1]
Rõ ràng, có nhiều nguồn lực phát triển thuộc về các cộng đồng được các định chế văn hóa của họ bảo hộ. Còn bản quyền thương mại xuất hiện sau và là sản phẩm của một nền văn minh hiện đại. Trong bối cảnh phát triển hiện nay, việc phán xét đúng sai giữa những quyền lực này không mang lại những kết quả tốt đẹp, mà người ta tìm đến những tiếp cận phù hợp để bảo vệ lợi ích cộng đồng và tạo ra sự hợp tác phát triển hài hòa. Bởi người ta xem xung đột giữa sở hữu trí tuệ cộng đồng với bản quyền thương mại là những xung đột của các định chế văn hóa khác nhau, do vậy họ xử lý vấn đề qua những biện pháp khác nhau, trong đó đề cao vai trò của môi giới văn hóa.
Môi giới văn hóa và tìm kiếm sự tối ưu về lợi ích cộng đồng trong bối cảnh liên văn hóa
Môi giới văn hóa được hiểu là “một chiến lược can thiệp cho nghiên cứu, đào tạo và phục vụ để liên kết những cá nhân của hai hay nhiều hệ thống văn hóa xã hội thông qua một cá nhân, với mục tiêu cơ bản là làm cho các chương trình phục vụ cộng đồng được mở rộng hơn nữa, đáp ứng các nhu cầu của cộng đồng, cải thiện tiếp cận của cộng đồng với các nguồn lực”[2] (John Van Willigen 2015: trang 360-361). Ban đầu, khái niệm môi giới văn hóa được sử dụng nhiều trong lĩnh vực nghiên cứu chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Sau đó dần được mở rộng ra và được vận dụng vào nhiều lĩnh vực khác trong nghiên cứu phát triển cộng đồng. Hiện nay, môi giới văn hóa được biết đến với tư cách là một cách tiếp cận phát triển cộng đồng trong bối cảnh đa văn hóa và được nhiều người biết đến.
Chúng ta xem những mâu thuẫn có thể dẫn đến xung đột giữa cộng đồng và doanh nghiệp trong vấn đề sở hữu các nguồn lực qua các định chế văn hóa và bản quyền thương mại một sản phẩm từ các nguồn lực cộng đồng như là những sự va chạm của các nền văn hóa khác nhau. Và đó là những sự va chạm khá phổ biến trong bối cảnh đa văn hóa, đặc biệt trong quá trình toàn cầu hóa. Quá trình thương mại hóa văn hóa đã và đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, sâu rộng. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của các cộng đồng trở thành nguồn lực trực tiếp để phát triển. Nhiều sản phẩm hàng hóa được sản xuất từ chính các giá trị văn hóa truyền thống được đưa vào lưu thông trên thị trường. Mọi việc sẽ không có vấn đề gì nếu như các doanh nghiệp, các cá nhân, tổ chức hay nhóm cứ tùy theo điều kiện của mình để khai thác các nguồn lực phát triển một cách phù hợp. Nhưng trong bối cảnh toàn cầu hóa và kinh tế thị trường hiện đại, thương hiệu là một vấn đề quan trọng trong kinh doanh. Nên bản quyền thương mại lại trở thành vấn đề then chốt mà các doanh nghiệp theo đuổi. Và khi đầu tư sản xuất một loại sản phẩm hàng hóa dựa vào một giá trị văn hóa truyền thống của một cộng đồng thì doanh nghiệp cũng tiến hành đăng ký bản quyền thương mại cho sản phẩm đó. Vấn đề lúc này sẽ xuất hiện khi mà những người dân hay các tổ chức, các nhóm khác cũng sản xuất và kinh doanh các loại sản phẩm tương tự bởi nguồn tri thức văn hóa truyền thống đó là thuộc sở hữu chung của cộng đồng. Nó sẽ tạo ra tình trạng nhiều sản phẩm đồng loại giống nhau nhưng bản quyền thương hiệu lại khác nhau. Tình trạng này hiện nay khá phổ biến ở Việt Nam. Đặc biệt trong việc thương mại hóa các tri thức dân gian của các cộng đồng, tiêu biểu nhất là trong lĩnh vực dược liệu.
Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng, có nhiều loại dược phẩm được sản xuất dựa vào các bài thuốc cổ truyền của các cộng đồng đã được các doanh nghiệp đăng ký bản quyền thương mại và phổ biến trên thị trường hiện nay. Tri thức dân gian về y dược học của một cộng đồng không thuộc sở hữu của riêng ai cả. Nó là một nguồn lực phát triển thuộc sở hữu cộng đồng và được đảm bảo bởi các định chế văn hóa của họ. Trên nền tảng nguồn lực chung này, các cá nhân, tập thể trong cộng đồng có thể khai thác để chăm sóc sức khỏe hay tạo ra sinh kế cho mình mà không bị cộng đồng ngăn cản. Nhưng ngược lại, họ cũng không có quyền tư hữu hóa nguồn lực này thành sở hữu riêng và ngăn cấm những người khác vận dụng. Nhưng hiện nay, sự xuất hiện của các doanh nghiệp trong hoặc ngoài cộng đồng tham gia vào nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm để cung cấp cho thị trường. Nhiều doanh nghiệp đã đăng ký bản quyền thương mại một số sản phẩm từ tri thức dân gian của cộng đồng để phát triển. Nếu các trường hợp khác, thì những sản phẩm sản xuất tương tự như sản phẩm đã được đăng ký bản quyền sẽ bị xem là hàng nhái, hàng giả nhưng trong trường hợp này thì khác. Những cá nhân khác cũng vận dụng tri thức dân gian của cộng đồng để phát triển và doanh nghiệp đó cũng vậy. Doanh nghiệp đăng ký bản quyền nhưng không thể cấm cộng đồng, người dân sản xuất bởi doanh nghiệp không có quyền sở hữu trí tuệ đối với tri thức về dược học cổ truyền của một cộng đồng. Một ví dụ điển hình như thuốc tắm của người Dao Đỏ. Đây là một sản phẩm được sản xuất dựa trên bài thuốc cổ truyền của người Dao Đỏ, dùng để chăm sóc sức khỏe cho những người phụ nữ sau sinh, những người mới ốm dậy hay người vừa đi làm nặng nhọc về. Và bây giờ nó trở thành một sản phẩm phổ biến có thể thấy ở các khách sạn, các cơ sở xông hơi, massage và các trung tâm vật lý trị liệu. Nơi được coi là xuất phát của sản phẩm này là người Dao Đỏ ở xã Tả Phìn (thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai). Tại đây có khoảng 30 hộ gia đình sản xuất và kinh doanh thuốc tắm. Họ tự đóng chai, dán nhãn và thường lấy tên chủ nhà gắn cho loại thuốc này để thể hiện nguồn gốc cũng như sở hữu. Và có một doanh nghiệp ở địa phương cũng kinh doanh sản phẩm này bằng quy trình sản xuất công nghiệp hơn và đăng ký bản quyền sản phẩm của họ. Thậm chí, một số người Kinh, người Hmông hay người Giáy gần đó cũng sản xuất thuốc tắm theo bài thuốc của người Dao Đỏ và cũng lấy thương hiệu thuốc tắm Dao Đỏ để bán cho khách. Chưa có những xung đột bùng nổ nhưng cũng có những mâu thuẫn xuất hiện. Và về lâu dài, đây sẽ là vấn đề khó quản lý. Bởi sự xuất hiện nhiều đối tượng tham gia vào quá trình thương mại hóa tri thức dược học của người Dao Đỏ sẽ ảnh hưởng nhiều đến lợi ích của cộng đồng này.
Ở đây, chúng ta có thể thấy rõ, bản quyền là một yếu tố văn hóa của xã hội hiện đại, của văn minh phương Tây, còn tri thức dân gian hay vận dụng các tri thức dân gian thuộc nền văn hóa của cộng đồng bản địa. Và hai vấn đề này thuộc hai nền văn hóa khác nhau lại quan hệ chặt chẽ với nhau trong một sản phẩm hàng hóa. Làm thế nào để cho quan hệ giữa hai yếu tố của hai nền văn hóa này trở nên hài hòa trở thành mối quan tâm của nhiều người. Và có nhiều cách thức để tương tác vào đó, trong đó môi giới văn hóa là một cách thức có nhiều ưu điểm.
Môi giới văn hóa được các nhà nghiên cứu thực hiện dưới hình thức thông qua quá trình nghiên cứu của mình để tạo ra một tiến trình tiếp xúc và tương tác với nhau nhằm tìm những sự phù hợp và chia sẻ những lợi ích cho nhau. Điều quan trọng là môi giới văn hóa làm cho các chủ thể giữa các nền văn hóa hiểu nhau hơn và nhận thức rõ hơn về quyền lợi và nghĩa vụ của đôi bên, tôn trọng bản sắc đối tác và tôn trọng lợi ích của nhau. Quan trọng nhất là môi giới văn hóa giúp cho cộng đồng nâng cao năng lực văn hóa của mình để tiếp cận các nguồn lực phát triển qua tiến trình tìm hiểu và thực hành các tri thức văn hóa mới cũng như để tích hợp và bảo vệ bản sắc văn hóa. Khi năng lực văn hóa của cộng đồng được nâng cao thì họ sẽ tìm được những con đường để bảo vệ lợi ích của chính mình nhưng vẫn đảm bảo được sự phát triển.
Phát triển môi giới văn hóa thành dịch vụ hỗ trợ cho doanh nghiệp và cộng đồng
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang phát triển trong bối cảnh đa văn hóa và họ có nhu cầu hiểu hơn về cộng đồng bản địa. Còn với cộng đồng, nhiều giá trị văn hóa đang trở thành nguồn lực để phát triển kinh tế. Một vấn đề đang trở nên cấp thiết khi mà các doanh nghiệp không những thâu tóm các nguồn lực phát triển của cộng đồng và thông qua đăng ký bản quyền đã tạo ra sự sở hữu của riêng mình, gây ra những thiệt hại cho sự phát triển của cộng đồng, ít nhất là về mặt giữ gìn bản sắc văn hóa cộng đồng và sử dụng các nguồn lực phát triển cộng đồng. Về lâu dài, những mâu thuẫn và xung đột sẽ xuất hiện khi mà quyền lợi cộng đồng không được bảo vệ. Nhưng nếu ngăn cản các doanh nghiệp phát triển thì cũng sẽ làm hạn chế đi một nhân tố quan trọng thúc đẩy kinh tế địa phương. Vậy nên, cần phát triển môi giới văn hóa thành một dịch vụ để giúp cộng đồng và doanh nghiệp tìm thấy và hiểu nhau trong việc cùng hợp tác phát triển.
Để phát triển môi giới văn hóa thành một dịch vụ cung cấp cho doanh nghiệp và cộng đồng thì cần có những chương trình phát triển phù hợp. Đó là những chương trình phát triển cộng đồng do các tổ chức nhà nước hay phi chính phủ thực hiện để tìm kiếm những nguồn lực cũng như sự hợp tác giữa các bên liên quan để phát triển. Những chương trình như vậy cần một đội ngũ chuyên gia nhiều lĩnh vực cùng tham gia để đánh giá tổng thể, toàn diện về một lĩnh vực, một địa bàn cần đầu tư phát triển. Qua những chương trình nghiên cứu phát triển sẽ giúp cho cộng đồng tăng cường nhận thức cũng như năng lực văn hóa cho các cá nhân trong cộng đồng. Đây là nhân tố quan trọng và cũng là giá trị mà môi giới văn hóa đưa lại cho cộng đồng trong tiến trình tham gia trải nghiệm phát triển. Các chương trình phát triển như vậy cũng cần có sự tham gia của các doanh nghiệp để một mặt họ nhận thức rõ hơn về bản chất và quyền lợi của cộng đồng đối với nguồn lực phát triển, mặt khác họ cũng hiểu rõ hơn về bản sắc của cộng đồng. Doanh nghiệp và cộng đồng chỉ chia sẻ được với nhau khi đã hiểu và tôn trọng nhau.
Môi giới văn hóa trở thành một dịch vụ khi xuất hiện các trung tâm nghiên cứu tư vấn phát triển. Đây là các cơ quan nghiên cứu khoa học và được sử dụng như một dịch vụ trong quá trình phát triển. Các nhà nghiên cứu trong các đơn vị nghiên cứu tư vấn này không chỉ có trình độ chuyên môn, trải nghiệm đa văn hóa mà còn phải có năng lực quản trị và đàm phán tốt để đưa các bên liên quan đến và hiểu nhau. Trong khi người dân cần hiểu về luật pháp hiện hành, về những quy định liên quan đến sở hữu trí tuệ cũng như bản quyền thương mại. Chỉ có sự hiểu biết đó mới giúp cho họ đủ năng lực bảo vệ những tài sản, nguồn lực chung của mình. Còn các doanh nghiệp, khi lựa chọn một địa phương để đầu tư họ cũng cần những hiểu biết về bản sắc văn hóa của cộng đồng bản địa, về sở hữu các nguồn lực theo các định chế văn hóa của người dân địa phương. Có như vậy họ mới biết tôn trọng cộng đồng chủ thể và chia sẻ lợi ích với các bên liên quan được. Các nhà nghiên cứu phải thực hiện môi giới văn hóa cho các dự án phát triển bằng những thủ thuật của mình giúp cho những bên liên quan của dự án gặp gỡ và hiểu nhau nhằm giải quyết được những vấn đề trên. Và họ trở thành cầu nối văn hóa giữa các đối tác phát triển thuộc các nền văn hóa khác nhau trong bối cảnh đa văn hóa.
Tóm lại, sở hữu trí tuệ là một thuật ngữ luật học thường chỉ về quyền sở hữu một sản phẩm sáng tạo của một cá nhân hay tổ chức. Còn bản quyền thương mại đảm bảo cho việc sở hữu và kinh doanh một sản phẩm hàng hóa nhất định. Nhưng trong thực tế, có những nguồn lực phát triển lại thuộc quyền sở hữu cộng đồng và được các định chế văn hóa bảo vệ. Đây là hình thức sở hữu truyền thống, xuất hiện từ xa xưa trong xã hội con người nhưng không phải vì vậy mà nó ít có giá trị trong đời sống hiện đại. Nhiều sản phẩm hàng hóa được sản xuất dựa vào các nguồn lực cộng đồng mà phổ biến là sản phẩm từ tri thức dân gian, khi được doanh nghiệp đăng ký bản quyền sẽ ảnh hưởng đến lợi ích cộng đồng và dễ gây ra mâu thuẫn, thậm chí là xung đột giữa cộng đồng và doanh nghiệp. Vậy nên, môi giới văn hóa được xem như là một cách tiếp cận có nhiều giá trị để giải quyết những vấn đề này. Đây là một tiếp cận để thu hẹp những khác biệt, mâu thuẫn giữa các nền văn hóa với nhau, giúp cho các bên liên quan trong các dự án phát triển hiểu và tôn trọng nhau hơn nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác. Môi giới văn hóa cần được phát triển để trở thành một dịch vụ nhằm giúp cho cộng đồng, doanh nghiệp và các bên liên quan tìm thấy nhau trong tiến trình phát triển trong bối cảnh đa văn hóa./.
[1] Philip Schuler (2004): Sự sử dụng bất hợp pháp các nguồn tài nguyên sinh học và việc thương mại hóa các tri thức dược thảo học. In trong “Kiến thức của người nghèo: các hoạt động thúc đẩy việc thu lợi từ tài sản trí tuệ ở các nước đang phát triển”. J Michael Finger và Philip Schuler đồng chủ biên. Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
[2] John Van Willigen (2015): Môi giới văn hóa. In trong “Nhân học phát triển: Lịch sử, lý thuyết và công cụ thực hành”. Nguyễn Văn Sửu (tuyển chọn). Nxb Tri thức, Hà Nội.
tin tức liên quan
Videos
Kiểm kê cổ vật – hành trình gian nan của các cán bộ di sản văn hóa
Sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh
Thể loại phim
Phùng Khắc Khoan với miền núi Nghệ An
Giải Nobel năm 2021
Thống kê truy cập
114528487
2143
2291
2760
215183
0
114528487