Đất và người xứ Nghệ

Hội thảo khoa học “Đồng chí Lê Hồng Sơn với cách mạng và quê hương Nghệ An”

Ngày 15/7, Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An phối hợp UBND huyện Nam Đàn tổ chức Hội thảo khoa học “Đồng chí Lê Hồng Sơn với cách mạng và quê hương Nghệ An”. Chủ trì Hội thảo gồm: PGS.TS Lý Việt Quang - Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các Lãnh tụ của Đảng; PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia và bà Trần Thị Mỹ Hạnh, UVBCH Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao.

Tham dự Hội thảo có các vị đại biểu: Nguyễn Nam Đình - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Hoàng Văn Nhiên, Phó Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh; PGS. TS Trần Vũ Tài - Hiệu trưởng Trường Sư phạm Đại học Vinh; Nguyễn Hồng Sơn - Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, các đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao. Đặc biệt, Hội thảo lần này có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý.

Các nhà khoa học và đại biểu về dự hội thảo. Ảnh Hà Hồ

Với 26 bài tham luận tại Hội thảo, các nhà khoa học đã tập trung phân tích, đánh giá làm rõ một số vấn đề về vùng đất con người, truyền thống cách mạng của quê hương Nghệ An nói chung, Nam Đàn nói riêng; những tác động lịch sử hình thành nên nhân cách và lý tưởng của đồng chí Lê Hồng Sơn; quá trình giác ngộ và quá trình tham gia cách mạng của đồng chí Lê Hồng Sơn ở trong nước và nước ngoài; đánh giá vai trò của đồng chí Lê Hồng Sơn với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như tầm ảnh hưởng của đồng chí đối với phong trào cách mạng Việt Nam; các giải pháp, định hướng bảo tồn, phát huy giá trị di tích, địa điểm liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Lê Hồng Sơn trên quê hương Nghệ An.

Chủ trì hội thảo. Ảnh Hà Hồ

 

Đồng chí Lê Hồng Sơn có tên khai sinh Lê Văn Phơn (thường gọi là Lê Văn Phan) sinh năm 1899 trong một gia đình nhà nho nghèo tại làng Xuân Hồ, tổng Xuân Liễu, nay là xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn - vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng.

Vào những năm đầu thế kỷ XX, phong trào đấu tranh mới theo khuynh hướng dân chủ tư sản diễn ra sôi nổi khắp cả nước, Nam Đàn đã trở thành nơi quy tụ các văn thân sỹ phu yêu nước và sục sôi với phong trào Đông Du. Nối tiếp truyền thống của quê hương và các thế hệ tiền bối, Lê Văn Phan đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng và trở thành người cộng sản kiên trung. Vì vậy, năm 1920, Lê Văn Phan đã từ giã gia đình, bạn bè, quê hương lên đường sang Thái Lan bắt đầu sự nghiệp cứu nước. Tại Trại Cày - Thái Lan (một cơ sở yêu nước của người Việt Nam do cụ Phan Bội Châu và Đặng Thúc Hứa gây dựng), Lê Văn Phan đổi tên là Lê Hồng Sơn. Tiếp đó, ông được Đặng Thúc Hứa gửi sang Hải Nam (Trung Quốc) học tập. Cuối năm 1920, Lê Hồng Sơn đến Quảng Châu.

Tháng 3/1921, tại Hàng Châu (Trung Quốc), Lê Hồng Sơn gặp Phan Bội Châu và Hồ Học Lãm. Năm 1923, ông cùng Hồ Tùng Mậu và một số thanh niên yêu nước ở Quảng Châu thành lập tổ chức “Tâm Tâm xã”. Tháng 6/1924, trường Quân sự Hoàng Phố của Chính phủ cách mạng Tôn Trung Sơn được thành lập theo mẫu hình của Hồng quân Liên Xô, Lê Hồng Sơn và Trương Văn Lĩnh đã trúng tuyển vào học khóa đầu tiên của trường. Cuối năm 1924, sau khi được tiếp xúc với đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Lê Hồng Sơn đã được hiểu thêm về chủ nghĩa cộng sản. Năm 1925, Lê Hồng Sơn cùng 8 thanh niên ưu tú được Nguyễn Ái Quốc chọn vào tổ chức Thanh niênCộng sản đoàn; và anh được kết nạp đảng. Tốt nghiệp trường Quân sự Hoàng Phố, Lê Hồng Sơn gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Anh trở thành trợ thủ đắc lực của đồng chí Nguyễn Ái Quốc trong việc đào tạo, huấn luyện cán bộ để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê nin vào Việt Nam.

Với những hoạt động cách mạng của mình, đồng chí lê Hồng Sơn đã từng bước trở thành cán bộ cốt cán, lãnh đạo cách mạng Việt Nam trong những năm đầu thành lập Đảng. Khi Hội Việt Nam cách mạng thanh niên được thành lập (1925), đồng chí Lê Hồng Sơn là một trong những người đầu tiên tham gia Hội và được cử vào Tổng bộ. Và sau này, đồng chí Lê Hồng Sơn còn là một trong những thành viên của nhóm Cộng sản Đoàn - hạt nhân của tổ chức Đảng Cộng sản. Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Hồng Sơn tham gia viết bài, xuất bản tờ “Thanh niên”, tham gia tổ chức mở các lớp huấn luyện cán bộ; tham gia tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam. Chính những hoạt động tích cực của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đã làm cho phong trào công nhân trong nước phát triển mạnh mẽ, đến năm 1929, 3 tổ chức Cộng sản ở Việt Nam lần lượt ra đời. Đồng chí Lê Hồng Sơn giữ vai trò quyết định trong việc ra đời của tổ chức An Nam Cộng sản Đảng và tham gia vận động hợp nhất các tổ chức Cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đồng chí Lê Hồng Sơn được phân công ở lại hoạt động trong Chi hội Việt Nam của “Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông” thuộc Đông Phương Bộ của Quốc tế Cộng sản.

Trong suốt 13 năm hoạt động ở nước ngoài, đồng chí tham gia 3 vụ án hình sự: trừng trị tên phản động Phan Bá Ngọc, tên toàn quyền Méc lanh và tên tay sai chỉ điểm Kiêm Quang Ích ... Ông chính là tấm gương người cộng sản dũng cảm, kiên trung, sẵn sàng hy sinh thân mình vì độc lập của quê hương, Tổ quốc. 

25 lần thay tên đổi họ là 25 lần Lê Hồng Sơn được Đảng giao cho những nhiệm vụ khác nhau để hoạt động cách mạng. Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Hồng Sơn hai lần bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam, trục xuất khỏi Trung Quốc. Lần thứ ba, sau vụ rải truyền đơn kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động năm 1932, Lê Hồng Sơn một lần nữa bị nhà chức trách Thượng Hải bắt giam và chuyển cho nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương quản thúc và xử lý, đưa về giam ở nhà lao Vinh và bị Tòa án Nam Triều tại Nghệ An kết án tử hình. Sau ba lần bị địch bắt và dùng mọi thủ đoạn tra tấn, mua chuộc, dụ dỗ nhưng không thể nào khuất phục được bản lĩnh của người chiến sĩ cộng sản kiên trung. Ngày 20/02/1933, Lê Hồng Sơn bị xử bắn tại quê nhà - xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn.

Khu mộ đồng chí Lê Hồng Sơn nằm cạnh đường Quốc lộ 46, trong khuôn viên đẹp với diện tích 805m2 đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia cùng với đền Tán Sơn, nơi hoạt động của đồng chí thời gian trước khi xuất dương (Quyết định số 1423QĐVH ngày 23/7/1998).

Mộ đồng chí Lê Hồng Sơn tại huyện Nam Đàn, Ảnh Hà Hồ

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Hồng Sơn là một di sản quý báu trong lịch sử đấu tranh cách mạng Việt Nam thời cận, hiện đại. Nghiên cứu, lưu giữ, bảo tồn di sản liên quan đến đồng chí Lê Hồng Sơn làm tấm gương để giáo dục truyền thống mai sau là việc làm cần thiết mang nhiều ý nghĩa.

Nhà lưu niệm đồng chí Lê Hồng Sơn tại huyện Nam Đàn. Ảnh Hà Hồ

Tại tỉnh Nghệ An, hiện nay có 4 địa điểm liên quan đến cuộc đời đồng chí Lê Hồng Sơn: mộ, khu lưu niệm đồng chí Lê Hồng Sơn và đền Tán Sơn tại huyện Nam Đàn; Nhà Lao Vinh tại di tích thành cổ Vinh. Việc bảo tồn, phát huy các công trình này ngày càng được chính quyền và Nhân dân quan tâm. Tuy nhiên, quy mô và công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích liên quan vẫn chưa thực sự xứng tầm với công lao, đóng góp của danh nhân, đặc biệt là nguyện vọng của chính quyền địa phương trong việc lập hồ sơ xếp hạng di tích lịch sử quốc gia cho khu lưu niệm đồng chí Lê Hồng Sơn tại xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn.

PGS.TS Đặng Văn Bài – Phó chủ tịch Hội đồng Di sản Quốc gia phát biểu tham luận. Ảnh Hà Hồ

TS.Trần Cao Nguyên – Phó khoa Chính trị Đại học Vinh phát biểu tham luận. Ảnh Hà Hồ

Ông Nguyễn Hồng Sơn – Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn phát biểu tham luận. Hà Hồ

Đồng chí Trần Thị Mỹ Hạnh – Giám đốc Sở VHTT tổng kết hội thảo. Ảnh Hà Hồ

Kết luận Hội thảo, bà Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao đã đánh giá cao các bài tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu. Từ nhiều góc độ khác nhau, các nhà khoa học, quản lý đã tập trung phân tích, đánh giá, lý giải, đưa ra những ý kiến góp phần làm rõ hơn, sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Lê Hồng Sơn, khẳng định, tôn vinh những đóng góp to lớn của một vị tiền bối của Đảng. Đặc biệt các bài tham luận, trao đổi trong Hội thảo đã đưa ra những đề xuất, giải pháp rất cụ thể, có giá trị thực tiễn cao nhằm định hướng, áp dụng thực hiện trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích liên quan tới đồng chí Lê Hồng Sơn.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114447167

Hôm nay

2201

Hôm qua

2299

Tuần này

2805

Tháng này

213426

Tháng qua

120141

Tất cả

114447167