Những góc nhìn Văn hoá

Hải Thượng lãn ông Lê Hữu Trác

Truyền thống văn hóa Việt Nam hàng trăm năm qua luôn đề cao quan niệm: “Tiến vi quan, đạt vi sư”. Nghĩa là: với người quân tử, chọn con đường làm quan hay làm thầy để lập thân đều vinh hiển như nhau. Đối với nghề làm thầy, người Á Đông ngàn đời xưa luôn đề cao 4 hạng thầy: Nho, Y, Lý, Số. Đó là thầy dạy học, thầy thuốc, thầy địa lý và thầy tướng số. Người thầy nào thông thạo cả 4 lĩnh vực này thì được mọi người coi trọng hết mực.

Ở Việt Nam, từ xưa đến nay có hàng trăm người thầy nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Thầy giáo có Chu Văn An, Lê Quý Đôn, Cao Bá Quát, Nguyễn Đức Đạt, Nguyễn Tất Thành... Thầy địa lý có Tả ao Tiên sinh, thầy tướng số có Huỳnh Liên...Riêng thầy thuốc xưa nay có 2 danh y bậc nhất về y thuật là Tuệ Tĩnh và Lê Hữu Trác. Điều đáng lưu ý là, Lê Hữu Trác là người học trò kế tục xuất sắc củaTuệ Tĩnh về phương châm hành nghề: “Dùng thuốc Nam để chữa người Việt”. Lê Hữu Trác không chỉ là thầy thuốc tài hoa, đức độ mà còn là thầy giáo đầy tâm huyết, trách nhiệm. Ông để lại cho hậu thế nhiều công trình y học vô cùng giá trị. Bài viết này tác giả xin cung cấp thêm một số tư liệu về Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác.

1. Về nguồn gốc xuất thân

Lê Hữu Trác sinh năm Giáp Thìn 1724, tại thôn Văn Xá, làng Lưu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Hương. Quê ông nay là thôn Thanh Xá, xã Hoàng Hữu Nam, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hải Dương. Tên khai sinh lúc nhỏ là Huân, Ông là con trai thứ 7 trong gia đình nên người ta thường gọi là cậu Chiêu Bảy. Thân sinh là Tiến sĩ, Thị lang Bộ Công Lê Hữu Mưu, thân mẫu là bà Bùi Thị Thưởng.

Dòng họ ông có truyền thống khoa bảng và quan trường. Thân phụ ông là người hiển đạt cả về trường thi và quan trường, lúc mất được triều đình nhà Lê phong hàm Thượng Thư. Còn ông nội, chú, bác, các anh, em đều đỗ đến học vị Tiến sĩ và làm quan to.

Vốn sinh ra và lớn lên trong một dòng tộc có bề dày về gia phong, nề nếp và đậm lễ giáo phong kiến như vậy, Lê Hữu Trác được giáo dục rất chu đáo, nghiêm khắc từ nhỏ. Nhờ vậy mà ông rèn dũa được ý chí và nối được nghiệp cha ông về con đường khoa bảng và quan trường.

Năm 1739, cụ thân sinh qua đời khi Lê Hữu Trác mới 20 tuổi. Chí lớn chưa thành đã phải chịu cảnh mồ côi cha, Lê Hữu Trác đành rời kinh thành Thăng Long để về quê chịu tang. Thời gian này, ông vừa chăm lo việc nhà, vừa tiếp tục đèn sách, chọn con đường khoa cử để tiến thân, mong nối được nghiệp cha anh.

Tuy nhiên, bối cảnh xã hội Đại Việt lúc bấy giờ hết sức rối loạn, vua Lê - chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và cả chúa Nguyễn ở Đàng Trong hết sức nhũng nhiễu, hạch sách Nhân dân. Nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân bùng nổ khắp từ Bắc chí Nam. Chính quyền chúa Trịnh không ngừng tuyển thanh niên nhập ngũ, vừa để đảm bảo an ninh quốc gia, chủ quyền lãnh thổ, vừa chống các cuộc nổi dậy. Do vậy, sang năm sau (1740), Lê Hữu Trác phải tạm gác bút nghiên, bắt đầu tập luyện võ nghệ, nghiên cứu binh thư để gia nhập quân đội. “Nghiên cứu trong vài năm cũng biết được đại khái, mới đeo gươm tòng quân để thí nghiệm sức học của mình”[1].

Ở môi trường quân ngũ không lâu, ông nhận thấy bản chất thực của chính quyền Đàng Ngoài tuyển quân không phải bảo vệ quốc gia, mà để đàn áp khởi nghĩa nông dân. Ông còn nhận thấy sự thối nát, bất công chốn quan trường đã đẩy xã hội rối loạn, Nhân dân vào cảnh lầm than, đổ máu để đòi quyền lợi. Xót xa, đau thương và căm phẫn, Lê Hữu Trác tìm cách rời quân ngũ bằng cớ về quê nuôi mẹ già, cháu nhỏ thay anh khi người anh qua đời năm 1746.

2. Cơ duyên đến với nghề y

Giải ngũ về quê mẹ Hà Tĩnh, sức khỏe ông ngày một yếu đi, nhưng vẫn phải gánh vác công việc rất vất vả, “Trăm việc đổ dồn vào mình, sức ngày một yếu”[2]. Ông còn sớm khuya đèn sách không chịu nghỉ ngơi để theo đuổi ước mơ từ nhỏ nên ốm nặng. Mặc dù được thân nhân đưa đi chữa trị khắp nơi nhưng bệnh tình ông vẫn không thuyên giảm. Khi được người ta mách nước, Ông cùng người thân vượt sông Lam sang Nghệ An tìm lương y Trần Độc.

Lê Hữu Trác được thầy Trần Độc chữa trị suốt gần một năm thì khỏi. Đây cũng là khoảng thời gian ông bén duyên với nghề y khi được thầy Trần Độc quý mến, tin tưởng truyền trao sở học và tay nghề. Do đó, thầy Trần Độc đã đem hết những hiểu biết về y học cổ truyền để dạy lại cho Lê Hữu Trác.

Là con người thông minh, học rộng, ham hiểu biết nên Ông nhanh chóng tiếp thu và hiểu sâu y lý, ngày thêm say mê về y thuật và quyết chí theo đuổi với nghề. Ở Hương Sơn, ông làm nhà cạnh rừng, đặt tên hiệu Hải Thượng Lãn ông với ý nghĩa: Hải Thượng là 2 chữ đầu tên quê hương ông là tỉnh Hải Dương và phủ Thượng Hồng; Lãn ông là ông lười với ngụ ý là chán công danh, quyền thế.

Suốt mấy chục năm hành nghề y, Lê Hữu Trác chữa bệnh cho hàng ngàn người khắp mọi miền với đủ thứ bệnh nặng nhẹ, lạ quen khác nhau.Tài năng và nhân đức của ông ngày một mở rộng không chỉ ở Hà Tĩnh mà khắp cả Đàng Ngoài và Đàng Trong. Nhiều người bệnh được ông chữa trị đều cảm mến và chịu ơn danh y Lê Hữu Trác. Không chỉ tâm huyết, trách nhiệm trong việc chữa bệnh cứu người, ông còn dành tâm sức, thời gian để đào tạo học trò và viết sách cho hậu thế. Lê Hữu Trác đã truyền dạy cho thế hệ sau nhiều thầy thuốc giỏi về y thuật và làm tốt y đạo.

3. Đến Thăng Long chữa bệnh cứu Chúa

Từ khi dấn thân vào nghề y, Hải Thượng Lãn ông từng ít nhất 2 lần ra Thăng Long. Cả 2 lần ông lặn lội tìm đường đến xứ kinh thành cũng đều vì nghề y. Năm Bính Tý 1756, ông ra kinh đô mong tìm được thầy thuốc giỏi để vừa học hỏi thêm, vừa trao đổi y thuật. Nhưng suốt mấy tuần ở Thăng Long, ông không tìm được vị thầy thuốc giỏi nào nên đành trở về quê mẹ, “khước từ sự giao du, đóng cửa để đọc sách”[3], chữa bệnh, cứu người.

Tài hoa và đức độ danh y Lê Hữu Trác dần được các quan lại, quý tộc biết đến và khâm phục. Năm 1782, Lê Hữu Trác được chúa Trịnh Sâm triệu mời đến phủ để trị bệnh cho thế tử Trịnh Cán. Dù đã hơn 60 tuổi, sức khỏe đã yếu mà phải lặn lội đường xa, tuy không màng công danh nhưng vì theo đuổi nghiệp y nên ông đành nhận lời. Chuyến đi Bắc Hà lần này, ngoài việc chữa bệnh cho Trịnh Cán, Lê Hữu Trác còn nhằm mục đích lớn hơn là xin in sách.

Thời gian hơn 1 năm ở phủ Chúa trị bệnh cho thế tử Trịnh Cán và cả chúa Trịnh Sâm, Lê Hữu Trác được Trịnh Sâm đánh giá cao về y thuật, khen là hiểu sâu về y lý. Chúa ban thưởng cho nhiều bổng lộc, tước vị để giữ ông ở phủ nhưng ông đều từ chối. Sau đó, ông viện cớ sức khỏe yếu, tuổi già, mắt hoa tai điếc để xin về quê.

Năm 1783, Lê Hữu Trác viết xong cuốn Thượng kinh ký sự bằng chữ Hán mô tả quang cảnh, cuộc sống xa hoa nơi kinh đô Thăng Long và phủ Chúa. Đây là tác phẩm rất có giá trị về văn học và sử học.

Thời gian cuối đời, dù sức khỏe ngày một yếu nhưng Lê Hữu Trác dốc hết tâm sức và tài trí vì nghề y. Bên cạnh việc chữa bệnh, bốc thuốc, ông còn dạy y thuật cho học trò và biên soạn nhiều công trình y học quan trọng.

Năm Tân Hợi 1791, Hải Thượng Lãn ông qua đời tại quê mẹ ở Bầu Thượng, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, hưởng thọ 71 tuổi.

4. Di sản để lại cho hậu thế

Suốt cuộc đời hành nghề y, Lê Hữu Trác được người đương thời và cả hậu thế khâm phục, kính trọng. Bởi với đương thời, ông hết lòng cứu chữa cho họ lúc ốm đau, bệnh tật, nguy cấp hay truyền dạy cho học trò làm tốt nghề nghiệp. Còn với hậu thế, ông để lại nhiều tác phẩm y học hết sức quý giá mà thông qua đó, người ta có thể tự chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe bản thân hay chữa cho người khác.

Công trình y học nổi tiếng và công phu nhất của danh y Lê Hữu Trác được đánh giá là tác phẩm y học xuất sắc nhất Việt Nam thời trung đại là bộ “Y tông Tâm lĩnh”. Bộ sách gồm 28 tập với 66 quyển được ông trình bày đầy đủ các lĩnh vực về y lý, y thuật, y đức, y dược và dinh dưỡng. Tác phẩm có phần kế thừa quan điểm chữa bệnh của đại danh y Tuệ Tĩnh: “Nam dược trị Nam nhân”. Bộ sách này được ông bổ sung hơn 300 vị thuốc Nam và thu thập gần 3.000 bài thuốc hiệu nghiệm được lưu truyền trong dân gian. Khi viết cuốn này, Ông từng nói rõ: “Không dám truyền thụ riêng ai, chỉ muốn đem ra công bố cho mọi người cùng biết”[4].Bên cạnh đó còn có các công trình Lĩnh Nam bản thảo, Thượng kinh ký sự, Y hải cầu nguyên, Vận khí bí điển...

Về y đức, Lê Hữu Trác nhắc nhở học trò phải luôn tuân thủ 8 chữ vàng: “Nhân, Minh, Đức, Trí, Lượng, Thành, Khiêm, Cần”. Nghĩa là làm nghề thầy thuốc phải luôn cố gắng thực hành 8 tôn chỉ: Nhân ái, sáng suốt, đức độ, tốt bụng, chân thành, khiêm tốn và cần cù.

Lê Hữu Trác còn đề ra 9 điều để răn dạy học trò, cũng là tâm niệm làm nghề y của bản thân ông như sau:

Một là: Phải nghiên cứu, hiểu lý luận một cách thấu đáo cho nhập vào tâm để khi ứng dụng mới tránh được sai lầm

Hai là: Phải căn cứ vào bệnh nặng hay nhẹ để thăm khám trước hay sau, chớ phân biệt giàu hay nghèo, sang hay hèn.

Ba là: Khám bệnh cho phụ nữ phải đứng đắn, luôn luôn có người nhà bên cạnh.

Bốn là: Luôn luôn quan tâm đến người bệnh, không để thú vui riêng làm chểnh mảng việc chăm sóc.

Năm là: Gặp bệnh nặng phải nói rõ cho người nhà biết và cứu chữa hết sức mình đừng để oán trách.

Sáu là: Chữa bệnh phải dùng thuốc tốt, có chất lượng và có sẵn.

Bảy là: Khiêm tốn, hòa nhã với đồng nghiệp, kính người hơn tuổi, trọng người tài giỏi, nhường người kiêu ngạo, dìu dắt người kém.

Tám là: Hết sức chăm sóc người nghèo, mẹ góa con côi, con thảo vợ hiền, có thể chu cấp thuốc men và cả lương thực nếu có điều kiện, không chỉ lo cho người giàu sang.

Chín là: Chớ mưu cầu quà cáp, đạo làm thuốc là phải bảo vệ sinh mạng con người, lấy cứu sống mạng người làm nhiệmvụ, chớ nên cầu lợi kể công.

5. Sự tôn vinh và tưởng niệm Lê Hữu Trác

Để tưởng nhớ công ơn, tài năng và đức độ người thầy, danh y mẫu mực Lê Hữu Trác, người đương thời và hậu thế đã dành nhiều sự tri ân đối với ông.

Tên ông được đặt tên cho nhiều tuyến đường phố ở Việt Nam như Hà Nội, Hải Dương, Sài Gòn... Sự nghiệp của ông được đề cập ở nhiều công trình, sách báo thời trung đại, cận đại và ngày nay ở Việt Nam.

Tên ông còn được Chính phủ, Nhà nước cho đặt tên ở các bệnh viện cấp tỉnh, trung ương như Học viện Quân y Việt Nam có thêm tên mới là Trường Đại học Y - Dược Lê Hữu Trác, Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác...

Ở Hà Tĩnh, chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà và thập phương đồng tâm ủng hộ để xây dựng nên quần thể khu di tích Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác. Công trình được xây dựng tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, trải dài trên một cung đường gần 8 km, gồm: Nhà thờ Lê Hữu Trác, chùa Tượng Sơn; mộ,tượng đài và khu du lịch sinh thái Hải Thượng. Năm 1990, Quần thể di tích lịch sử văn hóa Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lê Hữu Trác, Hải Thượng Y tông tâm lĩnh, 2 tập, Nxb Y học, H. 2005.

2. Lê Hữu Trác, Thượng kinh ký sự, bản dịch của Phan Võ, hiệu đính Bùi Kỷ, Nxb Văn hóa Thông tin, H. 1989.

3. Nam Phong tạp chí, số 79, 70, 77,78 (1923 - 1924)

4. Ngô Sỹ Liên và các sử thần nhà Lê, Đại Việt sử ký Toàn thư, Nxb Khoa học Xã hội, 2010.

5. Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nxb Văn hóa, 1999.

 


[1]. Lời tựa cuốn Hải Thượng Y tông tâm lĩnh, Lê Hữu Trác.

[2]. Lời tựa cuốn Hải Thượng Y tông tâm lĩnh, Lê Hữu Trác.

[3]. Lời tựa cuốn Hải Thượng Y tông tâm lĩnh, Lê Hữu Trác.

[4]. Lời tựa cuốn Hải Thượng Y tông tâm lĩnh, Lê Hữu Trác.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114524664

Hôm nay

2138

Hôm qua

2304

Tuần này

21366

Tháng này

211360

Tháng qua

0

Tất cả

114524664