Đất và người xứ Nghệ

Vai trò của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong đối với Đảng ta và cách mạng Việt Nam

Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (nguồn ảnh: nghean.gov.vn)

Trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, Lê Hồng Phong thuộc lớp chiến sĩ cách mạng tiền bối, lớp đảng viên đầu tiên của Đảng, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, chiến sĩ kiên cường trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Từ cuối năm 1924, sau khi được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Lê Hồng Phong giác ngộ theo con đường cứu nước mới, con đường cách mạng của học thuyết Mác - Lênin và tư tưởng Nguyễn Ái Quốc.

Sau cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, cách mạng Việt Nam gặp muôn vàn khó khăn, thử thách. Nhiều cơ sở đảng bị vỡ. Ngày 18-4-1931, Tổng Bí thư Trần Phú bị bắt tại Sài Gòn. Ngày 6-6-1931, đồng chí Nguyễn Ái Quốc bị bắt ở Hồng Công.

Sau thời gian học tập, trưởng thành tại các trường lý luận, quân sự tại Trung Quốc và Liên Xô (1924-1931), từ cuối năm 1931 sau khi về nước, Lê Hồng Phong thực sự bước vào con đường hoạt động cách mạng chuyên nghiệp. Với muôn trùng khó khăn trong thời kỳ thoái trào của cách mạng (1932-1935), được tinh thần của Nguyễn Ái Quốc và Quốc tế Cộng sản rọi chiếu, Lê Hồng Phong đã đứng ra đảm trách nhiệm vụ to lớn, khó khăn trước Đảng và dân tộc. Lê Hồng Phong được Quốc tế Cộng sản giao trọng trách “người chịu trách nhiệm về toàn bộ công tác của các đồng chí” và cử về Đông Dương với tư cách là cán bộ của Ban Trung ương Chấp ủy của Đảng.

Cống hiến lớn đầu tiên của Lê Hồng Phong là khôi phục lại hệ thống tổ chức của Đảng, khôi phục phong trào cách mạng, giữ vững ý chí bôn sơ vich cho đảng viên cộng sản, tinh thần chiến đấu của Nhân dân, giữ vững niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng. Lê Hồng Phong phụ trách việc tiếp nhận và tổ chức thực thi sáng tạo bản Chương trình hành động của Đảng Cộng sản Đông Dương, một văn kiện Lêninnit chân chính được Ban Bí thư Quốc tế Cộng sản thông qua trong tháng 6-1932.

Chương trình hành động của Đảng Cộng sản Đông Dương - tuy ít nhiều còn bị chi phối bởi tư tưởng “tả” khuynh, biệt phái sau Đại hội VI Quốc tế Cộng sản - là một điểm tựa vững chắc để ngay sau khi về nước, Lê Hồng Phong bắt tay ngay vào nhiệm vụ khôi phục các đường dây liên lạc, mối quan hệ công tác và các tổ chức của Đảng; làm “cầu nối” giữa Đảng Cộng sản Đông Dương và Quốc tế Cộng sản; lập ra chi bộ cộng sản ở Quảng Tây (Trung Quốc) với sự tham gia của Hoàng Văn Thụ, Hoàng Đình Giong…

Giữa năm 1933, nhận được chỉ thị của Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản về việc thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài, sau nửa năm tích cực chuẩn bị, đầu năm 1934, Ban Chỉ huy ở ngoài được thành lập[1] do Lê Hồng Phong đứng đầu. Trên thực tế, Ban Chỉ huy ở ngoài có vai trò như Ban Trung ương lâm thời của Đảng, điều hành công việc khôi phục các cơ sở Đảng, hoạch định và truyền đạt chủ trương, đường lối của Đảng trên phạm vi cả nước.

Cống hiến có tính đột phá về khôi phục tổ chức và xây dựng đường lối đúng đắn của Lê Hồng Phong trong thời kỳ cách mạng thoái trào là một trong những mốc son chói lọi trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, không chỉ ghi dấu ấn quan trọng ở thời điểm lịch sử khó khăn lúc bấy giờ, mà còn mở ra một trang mới trong toàn bộ “pho lịch sử bằng vàng” của Đảng sau này. Thực tế lúc bấy giờ cho thấy nếu không có những hoạt động tích cực, hiệu quả mà người đứng đầu là Lê Hồng Phong thì Đảng ta sẽ không đủ khả năng để khôi phục lại hệ thống tổ chức từ trên xuống dưới, phục hồi mau chóng và phát triển được lực lượng của mình.

Những đóng góp xuất sắc của Lê Hồng Phong trong thời kỳ này là cơ sở rất quan trọng để Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng được tiến hành vào tháng 3-1935. Lê Hồng Phong và các đồng chí trong Ban Chỉ huy ở ngoài đã nhận thức được yêu cầu khách quan của việc cần thiết sớm tổ chức Đại hội Đảng sau một thời gian dài bị địch khủng bố. Đây không chỉ là niềm khát khao của những người cộng sản Đông Dương, mà còn là đáp ứng nhiệm vụ cách mạng lúc bấy giờ. Cùng với các đồng chí trong Ban Chỉ huy ở ngoài, Lê Hồng Phong đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chuẩn bị Đại hội toàn quốc lần thứ nhất của Đảng. Trong một thời gian ngắn khoảng ba tháng nhưng những báo cáo cơ bản trong Đại hội như tình hình quốc tế, các vấn đề tổ chức, công tác xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, cách mạng Tàu, cuộc đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, những tư liệu trình bày trước Đại hội đều được chuẩn bị đầy đủ.

Đại hội Đảng lần thứ nhất được tổ chức là kết quả của một quá trình khẩn trương chuẩn bị về tư tưởng, đường lối, tổ chức và phương pháp của những người cộng sản Đông Dương, dưới sự chỉ đạo tích cực của đồng chí Lê Hồng Phong cùng các đồng chí trong Ban Chỉ huy ở ngoài và sự giúp đỡ tích cực, hiệu quả của Quốc tế Cộng sản. Đặt trong bối cảnh lúc bấy giờ, những kết quả đạt được trong việc chuẩn bị Đại hội dưới sự chỉ đạo của Lê Hồng Phong là hết sức to lớn. Trong quá trình chuẩn bị Đại hội, Ban Chỉ huy ở ngoài gồm Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập và Nguyễn Văn Dựt “thực hiện chức năng của Ban Trung ương và lãnh đạo toàn Đảng”[2]. Trong lịch sử Đảng ta, Lê Hồng Phong là trường hợp duy nhất được bầu làm Tổng Bí thư khi không có mặt trong Đại hội. Điều đó chứng tỏ vai trò và sự cống hiến xuất sắc của Lê Hồng Phong.

Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng (1935-1936), Lê Hồng Phong đã cống hiến trí tuệ và tâm huyết của mình cho Đảng và cách mạng Việt Nam trên nhiều phương diện, đặc biệt kiên định mục tiêu và con đường cách mạng đã chọn, phát triển lý luận và củng cố tổ chức, gắn cách mạng Việt Nam với Quốc tế Cộng sản. Để tiếp tục đưa cách mạng Việt Nam phát triển theo chiều hướng đi lên, vừa giải quyết tốt những vấn đề trong nước, vừa phù hợp với xu thế của thời đại, Lê Hồng Phong tích cực hoạt động trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Trên diễn đàn Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, Lê Hồng Phong khẳng định ý nghĩa lớn lao của sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930, nhấn mạnh Đảng Cộng sản Đông Dương là một Đảng bất chấp mọi sự khủng bố tàn bạo của đế quốc Pháp, kiên quyết thực hiện Cương lĩnh của Quốc tế Cộng sản, thực hiện đường lối cách mạng đã được khẳng định từ khi Đảng ra đời, đó là làm tư sản dân quyền, đánh đổ đế quốc và phong kiến để giải phóng dân tộc, tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật và bản lĩnh của một người cộng sản chân chính, tham luận của Lê Hồng Phong đã nêu lên những ưu, khuyết điểm của phong trào cộng sản, phong trào cách mạng Đông Dương trong cao trào 1930-1931 cho đến năm 1935. Báo cáo của Lê Hồng Phong phản ánh một tư tưởng lớn của Nguyễn Ái Quốc là phải vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và bổ sung vào kho tàng lý luận đó những cơ sở cứ liệu của xứ thuộc địa.

Là đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc, đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô, người cộng sản Việt Nam duy nhất trong Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, Lê Hồng Phong sớm trở thành một nhà hoạt động quốc tế nổi bật. Cùng với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, những hoạt động không mệt mỏi của Lê Hồng Phong đã góp phần to lớn làm cho Quốc tế Cộng sản dần dần hiểu rõ hơn phong trào cách mạng Việt Nam và Đảng Cộng sản Đông Dương, thừa nhận Đảng ta là một bộ phận của Quốc tế Cộng sản.

Dưới ánh sáng Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, tháng 7-1936, Lê Hồng Phong triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng tại Thượng Hải (Hội nghị Thượng Hải) để xác định chủ trương mới của Đảng về các vấn đề về chiến lược và sách lược của cách mạng Đông Dương. Hội nghị chỉ rõ nhiệm vụ chiến lược chống đế quốc và chống phong kiến của cách mạng Đông Dương do Đảng ta đề ra từ đầu năm 1930 là không hề thay đổi. Nhưng nhiệm vụ trước mắt của Đảng và Nhân dân Đông Dương là chống phát xít, chống chiến tranh đế quốc, chống phản động thuộc địa và tay sai, đòi tự do, dân chủ, cơm áo, hòa bình. Với Hội nghị Trung ương tháng 7-1936, Lê Hồng Phong cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta đã khắc phục những thiếu sót trong Nghị quyết Đại hội lần thứ nhất của Đảng (3-1935), làm cho tinh thần dân tộc và mối quan hệ dân tộc và giai cấp được quán triệt trong toàn đảng. Tuy còn có hạn chế, nhưng Hội nghị Thượng Hải tháng 7-1936 có những điểm mới so với các thời kỳ trước, đích thực trở về với tư tưởng đúng đắn, khoa học và cách mạng của Nguyễn Ái Quốc về đề cao chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc.

Ở cương vị cao nhất của Đảng, Lê Hồng Phong đã khẳng định được bản lĩnh và trí tuệ của mình khi nhấn mạnh tất cả các giai cấp, phải đặt lợi ích của dân tộc lên trên tất cả; lợi ích này là lợi ích của tất cả các tầng lớp, tất cả các giai cấp xã hội và đặc biệt là của quần chúng Nhân dân rộng rãi. Lê Hồng Phong nổi bật vai trò tổ chức, chèo lái con thuyền cách mạng giữ đúng hướng đích trong phong ba bão táp, tạo cơ sở để phong trào cách mạng tiếp tục giữ vững và phát triển trong thời kỳ Mặt trận dân chủ và những năm tiếp theo.

Những cống hiến xuất sắc của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong đã để lại cho những người cộng sản và các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau nhiều bài học quý giá. Đó là một tấm gương sáng mẫu mực về tinh thần học tập và rèn luyện không hề mệt mỏi. Bước chân vào con đường cách mạng, Lê Hồng Phong đã sớm nhận thức không có lý luận và tri thức cách mạng thì không thể có phong trào cách mạng thật sự. Đồng chí miệt mài học trong trường, học thầy, học bạn, học thực tiễn, học Nhân dân. Thành công và điều quý giá ở Lê Hồng Phong là luôn luôn học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn.

Lê Hồng Phong là một tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, giữ trọn lý tưởng cộng sản, quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng, tuyệt đối tin tưởng vào tinh thần, sức mạnh và trí tuệ của quần chúng Nhân dân, biết dựa vào dân để đưa cách mạng vượt qua những bước hiểm nghèo. Dù trong gian lao, thử thách và trước cái chết, Lê Hồng Phong vẫn giữ vững niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng. Lời nhắn gửi của Lê Hồng Phong với các đồng chí của mình trước lúc vĩnh biệt chúng ta thắp sáng lên ngọn lửa cho hôm nay và mai sau là dù trong bất kỳ hoàn cảnh phức tạp, khó khăn nào, Đảng và Nhân dân ta vẫn vững niềm tin, vượt qua và chiến thắng.

120 năm đã qua từ khi Lê Huy Doãn chào đời và 80 năm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong đi vào cõi vĩnh hằng. Một trái tim nóng bỏng nhiệt huyết cách mạng đã ngừng đập, nhưng tấm gương chiến đấu, bản lĩnh, trí tuệ và đạo đức cách mạng của một người cộng sản kiên cường, nhà tư tưởng lý luận xuất sắc vẫn chiếu sáng mãi về sau. Những đóng góp quan trọng và vai trò to lớn của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong mãi mãi được khắc ghi trong tim óc những người cộng sản và Nhân dân Việt Nam, tô thắm thêm trang sử vàng của Đảng Cộng sản Việt Nam, là tấm gương sáng để cán bộ, đảng viên, Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay, mai sau học tập và noi theo.

 


[1] Ban Chỉ huy ở ngoài gồm 3 người: Lítvinốp (Lê Hồng Phong) - thư ký, Xinhitrơkin (Hà Huy Tập) - Tổng biên tập Tạp chí Bônsơvích, Svan (Nguyễn Văn Dựt) - thanh tra.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.5, tr. 364.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114447283

Hôm nay

212

Hôm qua

2305

Tuần này

2921

Tháng này

213542

Tháng qua

120141

Tất cả

114447283