Những góc nhìn Văn hoá
Vấn đề tiếp cận Hồ Xuân Hương - Danh nhân và di sản
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương ( tranh của Lê Lam)
1. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương (1772 - 1822), từ con người, cuộc đời, hành trạng đến sáng tác và di sản để lại hãy còn những bí ẩn và gây tranh cãi… Nhưng giờ đây, UNESCO đã có đủ cơ sở để khẳng định bà là một danh nhân văn hóa và sẽ tổ chức vinh danh đồng thời kỉ niệm 250 năm sinh (1772 - 2022), 200 năm mất (1822 - 2022) của bà vào năm 2022. UNESCO đã không nhầm khi lựa chọn Hồ Xuân Hương - một trong những người con kiệt xuất đất Việt có khả năng truyền cảm hứng cho nhân loại hướng về sự sống, về chân - thiện - mỹ. Theo thời gian, tầm vóc một thi hào, một danh nhân văn hóa ở Hồ Xuân Hương càng ngày càng hiện rõ([1]).
Di sản Hồ Xuân Hương để lại, dĩ nhiên trước hết là thơ, nhưng không chỉ là thơ. Bao trùm cả thơ và vượt lên trên thơ là tư tưởng, tinh thần, là những giá trị văn hóa kết tinh từ nhiều ngọn nguồn qua sự thẩm thấu, tích hợp, ứng xử và tài năng sáng tạo của bà. Tuy nhiên, nói đến Hồ Xuân Hương, người ta nghĩ ngay đến bà trước hết với tư cách là một nhà thơ lớn, một thi hào. Khối lượng tác phẩm bà để lại tuy không thật đồ sộ([2]) nhưng những giá trị được kiến tạo, khởi phát từ đây mà bao trùm nhất là giá trị văn hóa, nhân văn là điều không thể chối cãi. Nhân loại càng đi đến hiện đại càng tìm đến (và tìm lại) những giá trị của quá khứ, từ đó có thể khôi phục, tái tạo, bổ sung, cải biến theo yêu cầu thiết yếu và lâu dài cần phải có.
Lịch sử tìm hiểu, nghiên cứu và tiếp nhận Hồ Xuân Hương đã có một quá trình dài. Cũng như Truyện Kiều của Nguyễn Du, thơ Hồ Xuân Hương (nhất là mảng “thơ Nôm truyền tụng”) từng được giới nghiên cứu văn học trong và ngoài nước tiếp cận bằng nhiều con đường, nhiều phương pháp khác nhau. Điều đáng mừng là phần lớn các hướng tiếp cận (từ nhiều góc nhìn khác nhau, từ lối truyền thống đến vận dụng các lý thuyết hiện đại) đều đưa đến những kết quả tiếp nhận thú vị, đáng tin cậy; ít có trường hợp rơi vào thảm hoạ([3]).
Sức hấp dẫn, cuốn hút và sự lan tỏa của thơ Hồ Xuân Hương từng tạo nên hiện tượng Parody - nhại (tựa như Nguyễn Du với Truyện Kiều tạo nên hiện tượng lẩy Kiều, tập Kiều,...) theo hướng tích cực với những chia sẻ, đối thoại, kết nối không dễ có trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Nhiều loại hình văn học nghệ thuật cũng tìm cách tiếp cận và giải mã Hồ Xuân Hương theo đặc thù loại hình, thể loại của minh, từ sáng tác văn học với khá nhiều tiểu thuyết và truyện ngắn hiện đại([4]) đến nghệ thuật sân khấu, hội họa,... Tiếp nhận và “giải mã” Hồ Xuân Hương theo hướng sáng tác (tư duy hình tượng), nhìn chung, thành tựu còn rất khiêm tốn. Được biết, sắp tới, vào dịp vinh danh và kỉ niệm 250 năm sinh, 200 năm mất Hồ Xuân Hương, sẽ có một số tác phẩm sân khấu, kịch mới, điện ảnh,... được công diễn, công chiếu không chỉ ở Việt Nam mà có thể còn ở một số nước khác thuộc châu Âu. Thành công hay thất bại, chỉ biết “hạ hồi phân giải”, vì điều này chưa diễn ra...
Vấn đề tiếp cận, tiếp nhận và “giải mã” Hồ Xuân Hương từ con người, cuộc đời, hành trạng đến sự nghiệp, tầm ảnh hưởng, chắc chắn còn phải tiếp tục bằng nhiều con đường hay phương pháp khác nhau. Tuy nhiên có những con đường - như con đường theo “tử vi, kinh dịch, ngoại cảm” gần đây, mặc dầu người nghiên cứu đã có nhiều nỗ lực và tâm huyết với tiền nhân (điều rất đáng trân trọng), nhưng xem ra khó có sức thuyết phục([5]). Dùng cái mù mờ để giải mã cái mù mờ, thiết nghĩ, quả là siêu (thực) và lãng (mạn)!...
2. Không khó để nhận thấy chủ âm của tiếng thơ Hồ Xuân Hương là niềm khát sống, lạc quan, yêu đời; là ý thức đấu tranh đòi quyền sống, quyền yêu đương, hạnh phúc, quyền dân chủ, bình đẳng cho con người, trước hết là người phụ nữ. Con người trong cái nhìn của Hồ Xuân Hương là những thực thể tồn tại trên mặt đất với mọi nhu cầu trần thế, nhu cầu hiện sinh, phồn thực hồn nhiên nhất:
Mùa hè hây hẩy gió nồm đông,
Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng.
Lược trúc lỏng cài trên mái tóc,
Yếm đào trễ xuống dưới nương long.
Đôi gò Bồng Đảo sương còn ngậm,
Một mạch Đào Nguyên suối chửa thông.
Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt
Đi thì cũng dở ở không xong.
Trong cảm quan của Hồ Xuân Hương, con người, trước hết, cũng là một thực thể thiên nhiên (điều mà đến thời hiện đại, Gernot Böhmenỗ lực, ráo riết làm rõ: “thiên nhiên là bản thân ta”)([6]) và thiên nhiên (bao hàm cả “thiên niên thứ nhất” và “thiên nhiên thứ hai” - tức thiên nhiên khi đã có bàn tay con người chạm tới), các thực thể thiên nhiên này vừa có thể tách bạch, đối lập, hoán đổi cho nhau, vừa có thể thống nhất, ở trong nhau, hòa vào nhau, đại diện, thay thế nhau,… Ẩn dụ, hoán dụ trong thơ Hồ Xuân Hương là loại ẩn dụ, hoán dụ vào loại độc đáo nhất trong thơ ca. Đây là chỗ đắc thế ưu trội nhất, khó và không thể “bắt bẻ” được Hồ Xuân Hương khi nữ sĩ “đụng” đến vấn đề mà người đời cho là “dâm” và “tục” (thực ra đây là những vấn đề nhân bản, hiện sinh chính đáng của con người) qua hàng loạt tác phẩm: Bánh trôi nước, Thiếu nữ ngủ ngày, Đèo Ba dội, Động Hương Tích, Vịnh cái quạt, Dệt cửi, Đánh đu, v.v…). Nếu chỉ tiếp nhận hình tượng thi ca theo một lớp nghĩa “bên kia diễn ngôn” mà kết luận Hồ Xuân Hương “dâm và tục”, thì “lỗi” là do người tiếp nhận. Hồ Xuân Hương đứng ở một tầm cao văn hóa khác đẳng cấp với nhân loại “phàm phu tục tử”. Thơ bà một mặt khơi gợi, đánh thức “hoài niệm phồn thực” (chữ dùng của Đỗ Lai Thuý), khẳng định quyền được hiện diện công khai, bày tỏ cả tinh thần và thể chất của con người với tất cả những gì nguyên phiến, bản thể mà tạo hóa ban cho con người (nhất là người phụ nữ - đối tượng bị ngăn cản, cấm kỵ bởi nhiều “vòng kim cô” vô lý thời tiền hiện đại). Mặt khác, thơ bà cũng cảnh báo, phê phán không khoan nhượng những thế lực dám xúc phạm thô bạo đến sự hiện diện và tồn tại của con người, cản trở quyền sống của con người và sự tiến bộ (Thân phận người đàn bà, Không chồng mà chửa, Lấy chồng chung, Chùa Quán sứ, Sư hổ mang, Kiếp tu hành, Đồng tiền hoẻn, v.v…). Ít ai có thể nói được một cách mạnh mẽ, trào tiếu nghịch ngợm đến mức tối đa nhưng lại hết sức tinh tế và tài hoa như Hồ Xuân Hương.
Với cảm quan và “thế giới quan sinh thái”([7]) đặc biệt ấy, Hồ Xuân Hương đã tạo nên cả một thế giới biểu tượng đa dạng, phong phú, đa nghĩa, hầu hết đều khiến cho người đọc liên tưởng đến các bộ phận thân xác, tính dục và hoạt động giao hoan: “Thân em thì trắng, phận em tròn” (bánh trôi nước), “Chành ra ba góc da còn thiếu; Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa” (cái quạt), “Hai chân đạp xuống năng năng nhắc; Một suốt đâm ngang thích thích mau” (dệt cửi), “Trai đu gối hạc khom khom cật; Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng” (đánh đu),… Rồi những đồi, núi, khe, hang, lỗ, động, cửa, nước, nhựa,… ngập tràn trong thơ bà. Của thiên nhiên, tự nhiên hay của con người? Của cả hai? Tuy một mà hai hay tuy hai mà một?... Hoàn toàn có cơ sở để khẳng định Hồ Xuân Hương là người có một không hai nâng tất cả các biểu tượng về tính dục, về “cái ấy” (song hành với mặt khác: không phải “cái ấy”) thành văn hóa, thành mỹ học về cái tục (mặt khác: không phải cái tục/mà là cái thanh), tạo bước tiến mới cho văn hóa, văn học Việt Nam, đóng góp xuất sắc cho văn hóa, văn học thế giới.Thiếu tinh thần lạc quan, yêu đời, thiếu niềm khát sống mạnh mẽ, thiếu ý thức dân chủ và hướng về tự do, chắc chắn không thể tạo nên hệ thống văn hóa, mỹ học độc đáo ấy.
3. Hồ Xuân Hương là một hiện tượng văn hóa đặc biệt, vừa mang những nét riêng “độc nhất vô nhị”, vừa mang tính loại hình sâu sắc của những hiện tượng văn hóa tầm nhân loại. Giá trị văn hóa của di sản Hồ Xuân Hương vừa bao hàm, vừa vượt lên giá trị văn học/thi ca, thực sự đã vươn tới tầm phổ quát, không chỉ có ý nghĩa một thời mà nhiều thời, hơn thế, có sức sống trường tồn…
Trong bài viết Nữ sĩ Hồ Xuân Hương với thời gian và tầm vóc một danh nhân văn hóa, một thi hào (Đặc san Khoa học Xã hội & Nhân văn Nghệ An, số 12/2021) chúng tôi đã có dịp nói đến những nét riêng của Hồ Xuân Hương và đối sánh Hồ Xuân Hương (Việt Nam) với một số hiện tượng văn hóa nổi trội khác trên thế giới như François Rabelais (Văn hào, thiên tài người Pháp, 1483? - 1553, thời Phục hưng), François Villon (Thi hào Pháp, 1431 - 1463), Fyodor Dostoievski (Văn hào Nga, 1821 - 1881),… Trong số những danh nhân - thiên tài ấy, Hồ Xuân Hương có nhiều nét tương đồng, gặp gỡ nhất với François Rabelais. Dẫu rằng diễn ngôn của của Hồ Xuân Hương và François Rabelais khác nhau quá nhiều về loại hình, thể loại, nhưng cả hai thật khéo gặp nhau trong cảm quan hồn nhiên dân gian và ý thức khai thác, “tái chế” kiểu trào tiếu dân gian; trong kiến tạo tiếng cười đa trị, lưỡng trị; trong nghệ thuật hóa các yếu tố vật thể tính dục,… Và ngay cả những gì thuộc về chính thống “đạo mạo”, “nghiêm túc”, cả hai tài danh đều dám đối diện, cật vấn, thách thức. Đối diện, cật vấn, thách thức, thực chất trong sâu xa của vấn đề không phải là sự nổi loạn, đập phá “vô chính phủ” mà là khẳng định và bảo vệ chân lý (trong trường hợp này, Hồ Xuân Hương có phần trội hơn). Và đấy là biểu hiện của tinh thần đòi giải phóng những ràng buộc vô lý, đòi dân chủ và tự do chân chính cho con người. Hoàn toàn có cơ sở để nói đến sự xuất hiện một trào lưu nhân đạo chủ nghĩa trong văn hóa, văn học Việt Nam giai đoạn nửa sau thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX mang nhiều nét gần gũi tương đồng với chủ nghĩa nhân văn trong văn hóa, văn học châu Âu thời Phục hưng. Đóng góp thành tựu cho trào lưu nhân đạo chủ nghĩa này gồm nhiều nhân tài đất Việt, trong đó, Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương thực sự hiện lên như những đỉnh cao nổi trội. Năm 2015, UNESCO đã vinh danh Nguyễn Du. Năm 2022 này, UNESCO vinh danh Hồ Xuân Hương. Có phải duyên nhau thì thắm lại! Thực, khó có thể có một sự “hữu duyên” nào tuyệt vời đến thế! Người Việt có câu: “Trời có mắt”. Quả, không sai!...
Được UNESCO vinh danh và tham gia kỉ niệm năm sinh/năm mất là chuyện không dễ và là niềm tự hào lớn. Nhưng điều quan trọng hơn nhiều là từ đây, cơ hội và những đường hướng mới trong tiếp cận danh nhân và giá trị di sản họ để lại (cụ thể ở đây là trường hợp Hồ Xuân Hương) chắc chắn được mở ra, không chỉ cho người Việt mà cho mọi con người trên trái đất…
([1]). Xin xem Biện Minh Điền: Nữ sĩ Hồ Xuân Hương với thời gian và tầm vóc một danh nhân văn hóa, một thi hào, Đặc san Khoa học Xã hội & Nhân văn Nghệ An, số 12/2021, tr.38 - tr.44.
([2]). Thơ Hồ Xuân Hương, gồm Thơ Nôm (mảng thơ viết bằng chữ Nôm, được truyền tụng phổ biến trong dân gian, thường được gọi là “Thơ Nôm truyền tụng”, khoảng trên dưới 100 bài), Lưu hương ký (gồm 24 bài thơ chữ Hán và 28 bài thơ Nôm), Hương đình cổ nguyệt thi tập (gồm 9 bài thơ chữ Hán), Đồ Sơn bát vịnh (gồm 8 bài thơ chữ Hán), Đề Vịnh Hạ Long (gồm 5 bài thơ chữ Hán),…
([3]). Xin xem tài liệu đã dẫn ở (1).
([4]). Giai nhân di mặc (sự tích và thơ từ Hồ Xuân Hương) (1917) của Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến; Trong rừng Nho (1942) của Ngô Tất Tố; Tình sử Hồ Xuân Hương (2001) của Bùi Bội Tỉnh; Ẩn ức Hồ Xuân Hương (2018) của Hoàng Khôi; Một thoáng Xuân Hương (gồm 3 truyện ngắn, 1985) của Nguyễn Huy Thiệp;…
([5]). Xin xem Nghiêm Thị Hằng, Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2021.
([6]). Gernot Böhme - nhà triết học Đức (1937 - 2022): “thiên nhiên là bản thân ta”: “Những điều ta không lựa chọn được, vì thiên nhiên đã quyết định những điều đó, đóng một vai trò rất quan trọng trong đời ta”; “Thiên nhiên là bản thân ta” này bao gồm, “trước hết là cơ thể và khí chất của từng cá nhân”…(xin xem thêm http://gpquinhon.org/q/thuong-huan/triet-hoc-thien-nhien-va-thong-diep-laudato-si-3650.html).
([7]). Khái niệm “thế giới quan sinh thái” do Croll và Parkin đưa ra từ 1992 (Bush base: Forest farm - Culture, Environment and Development, Routledge, July 2, 1992).
tin tức liên quan
Videos
Kiểm kê cổ vật – hành trình gian nan của các cán bộ di sản văn hóa
Thể loại phim
Phùng Khắc Khoan với miền núi Nghệ An
Phòng chống thiên tai từ tri thức cộng đồng
Giải Nobel năm 2021
Thống kê truy cập
114528574
2230
2291
2847
215270
0
114528574