Đất và người xứ Nghệ

Người giữ lửa “tầu làu” của người Mông

Mặc dù đầy đủ máy móc, nhưng ông Và Tổng Dê vẫn duy trì một số khâu truyềnthống để có được sản phẩm chất lượng nhất đáp ứng nhu cầu khách hàng

Nghề rèn của đồng bào Mông có từ lâu đời và các sản phẩm rèn của người Mông có tiếng bởi độ bền, tinh xảo. Mỗi thợ rèn có một bí quyết riêng, người Mông gọi đó là “Tầu làu”. Nhưng để đúc, rèn được, chỉ một số ít người đàn ông Mông làm được. Và ông Và Tổng Dê bản Thằm Thẩm, xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương là một trong số đó. Người dân trong bản luôn gọi ông là người giữ lửa “Tầu làu” của người Mông.

Đã 5 giờ sáng, màn sương vẫn còn giăng kín, nhưng bên sườn núi Nho Thàm Thẳm ở bản Thằm Thẩm - xã biên giới Nhôn Mai, lò rèn nhà ông Và Tổng Dê đã rực lửa. Tiếng rèn cùng với tiếng búa đập vào những thanh sắt vang lên đều đều, phá tan không gian tĩnh lặng nơi vùng cao này. Giờ này đã có gần chục khách hàng, không chỉ bà con các bản của xã biên viễn này, mà có cả khách hàng ở các huyện Kỳ Sơn, Quế Phong cũng đã có mặt, đợi nhận những cái cuốc, chiếc dao quắm theo lịch hẹn của ông. Anh Và Xái Tểnh, một trong những khách hàng ở Tri Lễ - huyện Quế Phong:“Tôi ở tận Quế Phong, nhưng thấy nhiều người nói ông Tổng Dê làm dao, cuốc bền, sắc, đẹp, dùng được lâu, giá thì cũng vừa mua, nên năm nào vào mùa rẫy tôi cũng tìm đến đây mua, mua hộ cho cả anh em họ hàng nữa”.

Mùa này, lò rèn nhà ông Tổng Dê như bận rộn hơn, bởi dịp này bà con người Mông nơi đây chuẩn bị nông cụ cho mùa rẫy. Bên ánh than hồng, gạt mồ hôi trên trán, ông Tổng Dê kể lại: Hồi còn nhỏ thấy bố làm được những con dao, cái cuốc phục vụ nhu cầu mùa vụ của bà con từ những thanh sắt dày cộm. Tổng Dê thấy khâm phục và ước mình cũng có thể tôi, mài được những đồ dùng thiết yếu trong gia đình, nhưng hồi đó Tổng Dê còn phải giúp bố mẹ việc nương rẫy. Khi bố mất đi, Tổng Dê thấy trách nhiệm là phải lưu giữ nghề truyền thống của gia đình, dân tộc mình. Từ đó dân bản thấy, chàng trai người Mông vượt bản trên, xuôi huyện dưới học nghề. Ông và Tổng Dê tâm sự: Trước ta tự đi chặt gỗ, tự đun thành than tốn lắm, máy ta cũng tự lấy tay quay. Sau có điện lưới ta mua máy hàn, máy cắt, tự liên hệ có máy, thuê xe đi mua than đá, mua thép ở Tri Lễ về làm, làm phải đặt chất lượng lên trên hết, nên người Lào cũng đến đây mua.

Tiếng lành đồn xa, khách hàng của ông Và Tổng Dê không chỉ người trong huyện mà còn có ở các huyện lân cận, thậm chí người bên Lào cũng sang tận nơi để mua sản phẩm của ông

Để làm được một sản phẩm rèn đòi hỏi sự kỳ công từ chọn vật liệu đến kỹ thuật. Trước đây, để làm được một sản phẩm rèn, tất cả các khâu đều được làm thủ công bằng tay, than cũng phải là từ các cây gỗ trong rừng. Khi đã có điện, đường thuận lợi, ông tự mua máy móc về làm, vừa đảm bảo độ sắc lẹm của từng sản phẩm, vừa giảm sức lao động. Để bảo tồn nghề rèn truyền thống của đồng bào dân tộc Mông, những năm gần đây, huyện Tương Dương đã có những chính sách ưu tiên đặc biệt. Ông Lô Thanh Long - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Tương Dương cho biết: “Huyện rất quan tâm, trước hết là tuyên truyền trong đồng bào các dân tộc trong huyện cùng chung tay bảo tồn và phát huy nghề rèn truyền thống. Ở bản Thằm Thẩm, xã Nhôn Mai có ông Dê lưu truyền được nghề này, hiện nay ông vẫn tiếp tục làm thành sản phẩm hàng hóa. Từ chỗ có 1 mẫu, nay sản phẩm rèn của ông rất đa dạng và chất lượng tốt, huyện cũng đã hỗ trợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm của ông”.

Mỗi chiếc dao làm ra có giá từ 100 - 150 ngàn đồng giúp gia đình ông có thêm thu nhập

20 năm làm nghề, ông Và Tổng Dê không còn nhớ mình đã làm được bao nhiêu sản phẩm phục vụ nhu cầu người dân trong và ngoài huyện, nguồn thu từ niềm đam mê cũng mang lại cho gia đình ông một cuộc sống đầy đủ hơn. Một điều ông luôn trăn trở là làm thế nào để con cháu người Mông ý thức được rằng, việc bảo tồn và phát triển nghề rèn truyền thống chính là góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc Mông.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528481

Hôm nay

2137

Hôm qua

2291

Tuần này

2754

Tháng này

215177

Tháng qua

0

Tất cả

114528481