Những góc nhìn Văn hoá

Xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới

Những thành tựu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trong hơn 35 năm đổi mới đất nước đã cho thấy những đóng góp to lớn và đặc biệt quan trọng của văn hóa. Vì vậy, trong giai đoạn cách mạng mới, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa, phát huy cao độ năng lực tinh thần của con người Việt Nam cả về trí tuệ, đạo đức, tâm hồn, khát vọng cống hiến để góp phần đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Giá trị độc đáo của văn hóa Việt Nam

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (tháng 11/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ”, “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Nói như vậy có nghĩa là Người muốn nhấn mạnh đến giá trị đặc biệt quan trọng của văn hóa dân tộc trong định hướng, dẫn dắt, bổ sung trong phát triển kinh tế, chính trị, xã hội; văn hóa giúp mỗi cá nhân có tư duy tích cực, đạo đức và nhân văn, hài hòa với môi trường thiên nhiên, môi trường xã hội. Đảng ta khẳng định: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”[1], điều này đòi hỏi các cấp, các ngành và mỗi cán bộ, đảng viên, người dân cần nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của văn hóa, con người trong phát triển bền vững đất nước.

Lịch sử cho thấy, trong gần 1.000 năm Bắc thuộc và gần 100 năm đô hộ của thực dân Pháp, Nhân dân ta luôn vùng lên mạnh mẽ, các phong trào cách mạng nổi lên khắp cả nước để thoát khỏi ách đô hộ, cai trị của ngoại bang, để giải phóng và làm chủ đất nước… Có được sức mạnh đó là do dân tộc Việt Nam luôn gìn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo, đặc sắc của riêng mình. 

Vì vậy, giá trị văn hóa được xem là “vốn văn hóa”, là “sức mạnh mềm” rất quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc nói chung và của mỗi cộng đồng nói riêng, trong đó có Việt Nam.

Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng và phát triển văn hóa

Lễ hội đền Cuông, huyện Diễn Châu, Nghệ An. Ảnh: Trần Cảnh Yên

Đã hơn 35 năm, Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, với tinh thần hội nhập và phát triển. Đại hội VI của Đảng đã nêu ra những vấn đề về kinh tế - xã hội, văn hóa, nghệ thuật, báo chí, an ninh, quốc phòng, đối ngoại… để mở ra những hướng đi mới cho phát triển văn hóa ở nước ta. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, tình hình văn hóa, những hủ tục, mê tín dị đoan có xu hướng tăng nhanh, nhiều văn hóa phẩm độc hại xâm nhập trên thị trường; những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử không được tôn tạo, trùng tu và bị xâm lấn… Nguyên nhân chủ yếu là do công tác quản lý bị buông lỏng; thiếu những quy định, thể chế quản lý của Nhà nước; thiếu đầu tư cho lĩnh vực văn hóa. Bên cạnh đó, do chịu tác động của khủng hoảng kinh tế - xã hội ở trong nước và những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, nhất là sự tan rã của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, làm xuất hiện một số tư tưởng hữu khuynh, phủ nhận thành tựu cách mạng và văn hóa.

Hội nghị Trung ương lần thứ tư, khóa VII về một số nhiệm vụ văn hóa, văn nghệ những năm trước mắt đã khẳng định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, một động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời là một mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Văn học, nghệ thuật là một bộ phận trọng yếu của nền văn hóa dân tộc, thể hiện khát vọng của Nhân dân về chân - thiện - mỹ. Nhiệm vụ trung tâm của văn hóa, văn nghệ nước ta là góp phần xây dựng con người Việt Nam về trí tuệ, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống, có nhân cách tốt đẹp, có bản lĩnh chính trị vững vàng ngang tầm sự nghiệp đổi mới. Trong giai đoạn này, Đảng ta nêu rõ: các hoạt động văn hóa, văn nghệ phải được phát triển lành mạnh, phong phú, đa dạng, đáp ứng những nhu cầu thiết yếu về đời sống tinh thần của Nhân dân. Phát triển văn hóa dân tộc đi liền với mở rộng giao lưu văn hóa với nước ngoài, tiếp thu những tinh hoa của nhân loại, làm giàu đẹp thêm nền văn hóa Việt Nam. Ngăn chặn và đấu tranh chống sự xâm nhập của các loại văn hóa độc hại, bảo vệ nền văn hóa dân tộc. Với đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, văn hóa Việt Nam tiếp tục được phát huy, góp phần quan trọng vào những thắng lợi to lớn của Nhân dân ta trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hội nghị Trung ương lần thứ năm, khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn của văn hóa trong sự nghiệp phát triển đất nước và hội nhập quốc tế: “Phương hướng chung của sự nghiệp văn hóa nước ta là phát huy chủ nghĩa yêu nước và truyền thống đại đoàn kết dân tộc, ý thức độc lập tự chủ, tự cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại…”[2].

Từ năm 1998, Đảng và Nhà nước ta đưa ra những quan điểm chỉ đạo cơ bản đó là: văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội; nền tảng văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, trong đó đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng; văn hóa là một mặt trận, xây dựng phát triển văn hóa là một sự nghiệp cách mạng lâu dài, đòi hỏi phải có ý chí cách mạng và sự kiên trì thận trọng. Có thể khẳng định, đây là quan điểm đúng đắn, chiến lược toàn diện, phù hợp với điều kiện trong nước và hội nhập quốc tế để phát huy văn hóa thực sự là trụ cột trong phát triển kinh tế - xã hội. 

Để tiếp tục phát huy những thành tựu về văn hóa, Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội nghị Trung ương lần thứ chín, khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã đề ra mục tiêu chung: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”[3]. Trước yêu cầu xây dựng nền văn hóa và con người xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn cách mạng mới đòi hỏi phải có sự giao lưu, trao đổi, tiếp biến những giá trị văn hóa nhân loại, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đặt ra yêu cầu: “Tập trung đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Đẩy nhanh việc thể chế hóa, cụ thể hóa các quy định, đường lối của Đảng về văn hóa”[4]

Phát triển văn hóa hài hòa với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển là thể hiện rõ nhất tính ưu việt của chế độ ta. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”[5]. Nghị quyết các kỳ Đại hội của Đảng đều nhấn mạnh đến vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam; thể hiện quan điểm đúng đắn, nhất quán, kiên định, kiên trì của Đảng ta để từ đó đề ra những phương hướng, nhiệm vụ phát triển văn hóa phù hợp với từng giai đoạn lịch sử và xu hướng của thế giới. 

Thực hiện đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng; đời sống văn hóa của người dân ngày càng phong phú, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy, nhiều chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới được hoàn thiện; nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn, tôn tạo; nhiều phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số được nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng. Tính đến nay, UNESCO đã ghi danh 14 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đối với văn hóa vật thể của Việt Nam, có 08 danh thắng được UNESCO vinh danh là di sản thế giới. Những thành quả này là minh chứng cho quan điểm, đường lối, chính sách, giải pháp phù hợp của Đảng, Nhà nước ta về văn hóa; xác định xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới

Thực hiện có hiệu quả quan điểm, định hướng, chiến lược, chính sách về văn hóa của Đảng, Nhà nước ta.

Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030), Đảng ta nhấn mạnh: “Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế… Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, con người giàu lòng nhân ái; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc và di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh”[6]. Vì vậy, cần quán triệt, thực hiện có hiệu quả quan điểm, định hướng của Đảng ta về phát triển văn hóa; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về vai trò, vị trí của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế xây dựng, phát triển văn hóa ở Việt Nam.

Cần tập trung đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; đẩy nhanh thể chế hóa, cụ thể hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa, đặc biệt là tinh thần, nội dung Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong xây dựng, phát huy các giá trị văn hóa và con người Việt Nam thành các chương trình, nhiệm vụ, kế hoạch cụ thể sát với thực tiễn. Đồng thời, rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan; sửa đổi, bổ sung những nội dung không còn phù hợp với từng lĩnh vực, từng địa phương và địa bàn cụ thể; cần chấn chỉnh và quản lý tốt các hoạt động lễ hội, tín ngưỡng… phù hợp với chuẩn mực quốc tế và thực tiễn ở Việt Nam trong giai đoạn hội nhập và phát triển.

Việc ban hành thể chế quản lý văn hóa của cơ quan, đơn vị và địa phương cần đảm bảo sự thống nhất, tránh chồng chéo, trùng lặp… nhằm đảm bảo công tác quản lý nhà nước về văn hóa được thông suốt từ Trung ương tới địa phương một cách hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh kiện toàn các cơ quan, đơn vị làm công tác văn hóa, nghệ thuật về tổ chức và cán bộ; tăng cường và đầu tư xứng đáng cho các viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục, đào tạo trong lĩnh vực văn hóa.

Biểu diễn nghệ thuật quần chúng trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại huyện Con Cuông, Nghệ An. Nguồn ảnh: Báo Nghệ An

Bảo tồn, phát huy các giá trị của tri thức bản địa; các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử của các dân tộc và mỗi vùng miền trên cả nước.

Tri thức bản địa là tri thức của từng tộc người cụ thể. Các tri thức bản địa rất đa dạng, phong phú được tích lũy trong suốt chiều dài lịch sử, từ thế hệ này đến thế hệ khác, nhờ đó các tộc người thiểu số có thể làm chủ, trụ vững trong những điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Ví dụ, tri thức bản địa của người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên có các đặc trưng: về tổ chức cộng đồng (gia đình, dòng họ); về không gian sinh tồn; về sử dụng, bảo vệ và quản lý tài nguyên thiên nhiên; trong sản xuất nông nghiệp; trong chăn nuôi, đánh bắt thủy sản, hải sản; các nghề thủ công truyền thống; về y học dân gian và chăm sóc sức khỏe; về điều hành và quản lý xã hội… Do đó, cần coi tri thức bản địa của các dân tộc thiểu số là nguồn tài nguyên quan trọng trong lưu giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa độc đáo của các tộc người thiểu số. Hiện nay, Việt Nam có hơn 40.000 di tích thắng cảnh, trong đó có hơn 3.300 di tích được xếp hạng Di tích quốc gia; hơn 7.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Tuy nhiên, nhiều di tích đã được xếp hạng đang bị xâm hại nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến tính lịch sử và giá trị văn hóa. Vì vậy, cần có chế tài, biện pháp hiệu quả để bảo vệ, lưu giữ và tôn tạo những di tích lịch sử có giá trị về văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vị trí, vai trò, hệ giá trị của văn hóa; phát triển ngành công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm.

Tăng cường tuyên truyền giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Cần có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục thế hệ trẻ nhằm nuôi dưỡng trong tâm hồn mỗi người về vai trò, giá trị của văn hóa. Vì vậy, môn học Lịch sử vẫn được thống nhất là bắt buộc đối với học sinh, đây cũng là một trong những giải pháp mà nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đang áp dụng trong chương trình giáo dục phổ thông.

Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới, do đó phát triển ngành công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm là yêu cầu khách quan, là xu hướng tất yếu trong phát triển kinh tế - xã hội, đây cũng là phương thức hiệu quả để quảng bá, giới thiệu những hình ảnh, nét đặc trưng, giá trị tốt đẹp của văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế. Đảng và Nhà nước ta cần nghiên cứu xây dựng chiến lược tổng thể phát triển ngành công nghiệp văn hóa; tăng cường sự liên kết giữa các ban, ngành, địa phương; đầu tư cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, cần điều chỉnh và đổi mới hệ thống chính sách, cơ chế quản lý văn hóa đáp ứng những đặc thù của công nghiệp văn hóa và thị trường, thị hiếu văn hóa; nâng cao hiệu quả của các đơn vị hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, nhất là những hoạt động mang tính sáng tạo nghệ thuật; đồng thời cần có chiến lược để quảng bá, xuất khẩu các sản phẩm văn hóa ra thế giới. Xây dựng vùng ưu tiên trong phát triển công nghiệp văn hóa dựa vào thế mạnh về cơ sở vật chất sẵn có, cũng như những đặc điểm văn hóa nổi bật của từng vùng miền trên cả nước. 

Tăng cường giao lưu, hợp tác về văn hóa với các quốc gia trên thế giới.

Chương trình Tuần/ngày Việt Nam ở nước ngoài được Bộ Ngoại giao tổ chức tại nhiều nước với các nội dung đa dạng về hội họa, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thống... Nguồn ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ VH,TT&DL

Với những thành tựu to lớn của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự bùng nổ của công nghệ thông tin, Việt Nam cần mở rộng giao lưu văn hóa với các quốc gia trên thế giới bằng nhiều hình thức như: giới thiệu rộng rãi những giá trị văn hóa của dân tộc ta với thế giới; truyền tải những giá trị văn hóa tiên tiến, tốt đẹp của các nước phù hợp với phong tục, tập quán văn hóa của Việt Nam; mở rộng xuất nhập khẩu văn hóa phẩm, khuyến khích việc trao đổi với các nước và các đơn vị trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Cần ban hành những quy định phù hợp với thông lệ quốc tế để bảo vệ những giá trị văn hóa của dân tộc, chống xâm nhập vào nước ta những tác phẩm xấu, độc. Đồng thời, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: “Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, xây dựng Việt Nam thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế. Tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại phù hợp với thực tiễn Việt Nam, đồng thời chủ động nâng cao sức đề kháng của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên đối với các văn hóa phẩm ngoại lai độc hại, từng bước đưa văn hóa Việt Nam đến với thế giới”[7].

Trên cơ sở phát huy các giá trị đặc trưng của mỗi loại hình di sản, văn hóa của dân tộc góp phần thúc đẩy, tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội; phát triển du lịch để quảng bá, giới thiệu các đặc trưng, nét đẹp, sự phong phú của văn hóa Việt Nam. Trọng tâm là chú trọng xây dựng hệ giá trị văn hóa gia đình - nền tảng hình thành, hun đúc khát vọng, tâm hồn, ý chí ở mỗi con người; liên kết các lực lượng làm công tác văn hóa, văn nghệ trong và ngoài nước, tạo thành sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ giá trị văn hóa quốc gia theo tinh thần, nội dung Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, đòi hỏi các cấp, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị và mỗi người dân tiếp tục nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò để văn hóa thực sự “soi đường cho quốc dân đi” trong giai đoạn hội nhập và phát triển./.

__________________________

*Học viện Chính trị - BQP

** Trường Đại học Chính trị - BQP

 


[1] ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2014, tr.48.

[2]Nghị quyết số 03-NQ/TW của Hội nghị Trung ương lần thứ năm khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

[3]Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội nghị Trung ương lần thứ chín khóa XI về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

[4]ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG-ST, H.2016, tr.131.

[5]ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG-ST, H.2021, tập I, tr.143.

[6] ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG-ST, H.2021, tập I, tr.262-263.

[7] ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG-ST, H.2021, tập I, tr.147.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528580

Hôm nay

2236

Hôm qua

2291

Tuần này

2853

Tháng này

215276

Tháng qua

0

Tất cả

114528580