Những góc nhìn Văn hoá
Tư tưởng Hồ Chí Minh về tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho Nhân dân
Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh Tư liệu
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Dân là chủ và dân làm chủ. Cán bộ là đầy tớ của Nhân dân, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân. Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền, toàn thể cán bộ và Nhân dân sống, học tập và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Theo Người, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho Nhân dân là vấn đề phải thường xuyên đặt ra để tiến hành xây dựng ý thức, lối sống tuân theo pháp luật và kết hợp với giáo dục lối sống phù hợp đạo đức xã hội trong mỗi giai đoạn cách mạng.
Khẳng định tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “công bố đạo luật này chưa phải đã là mọi việc đều xong, mà còn phải tuyên truyền giáo dục lâu dài mới thực hiện được tốt”[1]. Theo đó, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho Nhân dân phải được quan tâm, coi trọng, vừa là nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu; vừa đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ, rộng khắp: “tuyên truyền và giáo dục một cách rộng khắp và bền bỉ cho mỗi gia đình hiểu rõ pháp luật Nhà nước và thấm nhuần đạo đức xã hội chủ nghĩa về vấn đề ấy”[2]. Bởi, theo Hồ Chí Minh, tuyên truyền, giáo dục là một khâu, một bước tiếp theo sau việc xây dựng, ban hành pháp luật, trong thực hiện pháp quyền.
Người yêu cầu, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho Nhân dân phải tạo ra ý thức tuân thủ pháp luật thành nề nếp, lối ứng xử tự nhiên, có văn hóa của con người, pháp luật chuyển hóa thành đạo đức xã hội. Pháp luật phải thấm sâu và đi vào thực tiễn đời sống xã hội, tinh thần thượng tôn pháp luật hiện hữu trong cuộc sống thường ngày của Nhân dân, có như thế tính pháp quyền của xã hội mới được đảm bảo. Người nêu rõ: “Phải vận động Nhân dân, để dân tự nguyện, tự giác, nếu bắt buộc thì chỉ có thể có kết quả ngay lúc đó thôi, còn sau thì không thấm”[3]. Vì vậy, nếu tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chỉ dừng ở mức Nhân dân thấy pháp luật là những quy định bắt buộc phải tuân theo thì theo Hồ Chí Minh, đó là trình độ thấp của pháp quyền.
Thấm nhuần quan điểm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng đến công tác lập pháp, đồng thời cũng rất chú trọng đưa pháp luật vào trong cuộc sống. Để đưa được pháp luật vào cuộc sống thì cần đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho Nhân dân. Bởi vì, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật luôn có vị trí và vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền; là một bộ phận của công tác giáo dục; là khâu then chốt, quan trọng để pháp luật của Nhà nước thực sự đi vào cuộc sống xã hội, đi vào ý thức, hành động của từng chủ thể trong xã hội. Người cho rằng, có pháp luật mới chỉ là ban đầu, mà quan trọng và cần thiết hơn là pháp luật đó phải được tuyên truyền phổ biến giáo dục lâu dài đến mọi người dân thì mới thực hiện tốt được. Điều đó có nghĩa là cần phải nâng cao sự hiểu biết và năng lực sử dụng luật của người dân, giáo dục ý thức tôn trọng, tuân thủ pháp luật trong Nhân dân và phải “làm sao cho Nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm”[4].
Người cho rằng, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật của Nhà nước cho Nhân dân là hoạt động nhằm cung cấp những thông tin chân thực, những tri thức cần thiết và truyền đạt tinh thần, nội dung pháp luật giúp các đối tượng tác động hiểu rõ vấn đề, từ đó hình thành ở mỗi người dân tri thức pháp luật phù hợp, hướng dẫn cho hành động tự giác chấp hành, thực thi không trái với yêu cầu của quy định pháp luật hiện hành, đồng thời giúp cho ý thức và tư tưởng của cán bộ, Nhân dân được thông suốt, ủng hộ và tự nguyện tiếp nhận pháp luật của Nhà nước, “tâm phục, khẩu phục”, quyết tâm, tự giác thực hiện và tuyên truyền, vận động người khác cùng thực hiện. Đồng thời, qua hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật giúp cho cán bộ, Nhân dân có được những vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh tư tưởng để chống lại những âm mưu, thủ đoạn và hành vi thâm độc của các thế lực thù địch.
Theo Hồ Chí Minh, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật bằng nhiều phương thức khác nhau, bằng nội dung pháp luật; bằng thực tiễn thực thi pháp luật nghiêm minh, công bằng, bình đẳng; bằng hoạt động kiểm tra, giám sát. Trong đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cần phải giữ bí mật của Nhà nước, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Giữ bí mật của Nhà nước là một bộ phận trong cuộc đấu tranh với địch. Đó là một vấn đề chính trị quan trọng. Chính phủ ta đã có phép luật về việc ấy. Các cơ quan và các đoàn thể cần phải xem trọng giáo dục, nghiêm chỉnh chấp hành và thường xuyên kiểm tra việc ấy. Cũng như mọi công việc khác, việc phòng gian bảo mật cần phải dựa vào lòng yêu nước và lực lượng của Nhân dân. Chúng ta phải tuyên truyền giải thích cho Nhân dân hiểu thấu, để Nhân dân giúp sức vào công việc này”[5].
Để đạt được điều đó, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật phải gắn với thực tiễn, hiểu rõ đối tượng, từng bước nâng cao nhận thức, tư tưởng, tình cảm của họ. Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên và những người trực tiếp làm công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật phải biết cách nói của quần chúng, tùy từng đối tượng mà đòi hỏi việc tuyên truyền, giáo dục và tổ chức thực hiện đường lối, chính sách cũng phải có những nội dung, hình thức và bước đi phù hợp, gần gũi, giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Đặc biệt, không nên tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật theo kiểu áp đặt mà phải sử dụng đa dạng các hình thức thông tin phản hồi từ cơ sở, coi trọng ý kiến của quần chúng Nhân dân. Thông tin phản hồi được thu nhận qua nhiều hình thức như: Tọa đàm, đối thoại, trao đổi, phê bình, góp ý… Thông qua các hình thức đó giúp cho các đối tượng được tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật phải nắm vững, hiểu rõ pháp luật của Nhà nước.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh hết sức quan tâm, chú trọng đến công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật bằng tấm gương tôn trọng và việc chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên và nhân viên nhà nước, nhất là cán bộ, nhân viên tư pháp, những người trực tiếp thực thi pháp luật. Hồ Chí Minh nêu yêu cầu đối với cán bộ, nhân viên ngành tư pháp: “là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn cần phải nêu cao cái gương … cho Nhân dân noi theo”[6]. Đồng thời, Người cũng quan niệm chủ thể thực hiện hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, gồm: Cấp uỷ Đảng, chính quyền, trực tiếp cán bộ, đảng viên, nhân viên nhà nước phụ trách việc này; các tổ chức đoàn thể quần chúng, nhất là Đoàn Thanh niên và Hội Phụ nữ: “Đoàn Thanh niên Lao động cần phải phụ trách: … Việc tuyên truyền sâu rộng và chấp hành nghiêm chỉnh Luật Hôn nhân và Gia đình”[7].
Khi nói về Luật Hôn nhân và Gia đình, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến quyền của người phụ nữ: “Luật lấy vợ lấy chồng nhằm giải phóng phụ nữ, tức là giải phóng phân nửa xã hội. Giải phóng người đàn bà, đồng thời phải tiêu diệt tư tưởng phong kiến, tư tưởng tư sản trong người đàn ông”[8]. Trong Luật này có mục bảo vệ và tôn trọng phụ nữ, do đó, phụ nữ là một chủ thể trước tiên và chủ yếu có quyền và lợi ích trực tiếp. Vì vậy, Người yêu cầu: “Về phần mình, chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh”[9]. Để thực hiện được mục đích trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu các chủ thể tuyên truyền, giáo dục pháp luật, để nâng cao việc thực hiện pháp quyền, cần nâng cao tính chủ động, tích cực, nhất là ở các chủ thể có quyền và lợi ích trực tiếp từ các quy định của pháp luật.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về pháp quyền, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật luôn được Người hết sức quan tâm, đây là khâu tiếp theo sau khâu ban hành pháp luật, khâu cơ bản để đưa pháp luật vào cuộc sống và hiện thực hóa pháp quyền.
Vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, Đảng, Nhà nước ta đã thấm nhuần sâu sắc những phương pháp tuyên truyền, giáo dục có sức thuyết phục cao chính là nêu gương người tốt, việc tốt, giáo dục bằng việc làm, hành động cụ thể, nói đi đôi với làm, thông qua người thật, việc thật, những điều “tai nghe, mắt thấy”. Theo Người: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”[10]. Đây là phương pháp Đảng, Nhà nước ta đã rất quan tâm và thường xuyên sử dụng trong hoạt động tuyên truyền, giáo dục, là động lực mạnh mẽ để cán bộ, đảng viên và mỗi người dân phấn đấu, nâng cao ý thức trách nhiệm hoàn thành tốt trách nhiệm, nghĩa vụ công dân của mình.
Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong những năm tiếp theo, chúng ta cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả một số biện pháp cụ thể:
Trước hết, đẩy mạnh công tác hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra đối với hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật; nâng cao vai trò, nhận thức và tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền về vị trí, vai trò của hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phải được kết hợp chặt chẽ, đồng bộ với việc xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật.
Hai là,bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của các cơ quan, đơn vị. Tiếp tục củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức pháp chế theo Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, số 14/2012/QH13, được Quốc hội khoá XIII thông qua ngày 20/6/2012; Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế (phân công cụ thể cán bộ, công chức, viên chức thực hiện công tác này).
Ba là, tiếp tục kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả và duy trì hoạt động Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp và các cơ quan, đơn vị; tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hướng về đơn vị nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, đảng viên và toàn dân.
Bốn là, phối hợp chặt chẽ và phát huy vai trò của tổ chức quần chúng: Công đoàn, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên trong việc vận động, giáo dục quần chúng, hội viên, đoàn viên của tổ chức mình tích cực nghiên cứu tìm hiểu pháp luật và tham gia các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
Năm là, kết hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với việc thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác năm của cơ quan, đơn vị; thực hiện quy chế dân chủ, xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Sáu là, gắn công tác phổ biến giáo dục pháp luật với thi đua thực hiện đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo các nội dung tại Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị; Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Trước yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân ta luôn kiên định con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, quyết tâm đưa đất nước ngày càng phát triển bền vững trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Thấm nhuần và vận dụng, học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, với quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân luôn nâng cao ý thức trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, hiểu biết pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ và trong đời sống xã hội; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được tăng cường thường xuyên, liên tục và ở tầm cao hơn, đạt được những kết quả như mong muốn, góp phần xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc.
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tập 12, tr.301.
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tập 12, tr.706.
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tập 7, tr.448.
[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.293.
[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tập 10, tr.263.
[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.473.
[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tập 13, tr.90.
[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tập 12, tr.301.
[9] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tập 12, tr.301.
[10] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.672.
tin tức liên quan
Videos
Kiểm kê cổ vật – hành trình gian nan của các cán bộ di sản văn hóa
Thể loại phim
Phùng Khắc Khoan với miền núi Nghệ An
Phòng chống thiên tai từ tri thức cộng đồng
Giải Nobel năm 2021
Thống kê truy cập
114528573
2229
2291
2846
215269
0
114528573