Góc nhìn văn hóa

Giá trị của nguyên tắc “Tin vào dân, dựa vào dân, phấn đấu vì quyền lợi của Nhân dân” trong tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

g.bac ho

Bác Hồ bắt nhịp bài ca Kết đoàn. Ảnh tư liệu

Đại đoàn kết dân tộc là một tư tưởng lớn, một tư tưởng nổi bật, xuyên suốt, nhất quán, nhằm xây dựng, củng cố, tăng cường lực lượng cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng loài người. Để thực hiện được mục đích đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng bốn nguyên tắc cơ bản để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, một trong những nguyên tắc rường cột, cơ bản, có tính quyết định thành bại của cách mạng là nguyên tắc “Tin vào dân, dựa vào dân, phấn đấu vì quyền lợi của Nhân dân”.

“Tin dân, dựa vào dân, phấn đấu vì quyền lợi của Nhân dân” trong tư tưởng đại đoàn kết của Hồ Chí Minh là sự kế thừa và phát triển tư tưởng chính trị truyền thống của dân tộc: “nước lấy dân làm gốc”, “chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”. Đồng thời đó là sự tiếp thu sâu sắc trong nhận thức, tình cảm và hành động theo nguyên lý chủ nghĩa Mác - Lê nin: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”.

Khác với những tư tưởng đoàn kết của giai cấp phong kiến, giai cấp tư sản, coi đoàn kết là một sách lược tạm thời, một phương thức tìm đồng minh chớp nhoáng hay... một thủ đoạn chính trị..., Hồ Chí Minh coi đoàn kết là một chiến lược, nhân tố cơ bản và là nhiệm vụ hàng đầu của đảng cách mạng. Từ khi truyền bá chủ nghĩa Mác Lênin về nước đến cuối đời, mọi suy nghĩ, hành động của Người xoay quanh những vấn đề cơ bản liên quan đến Nhân dân: dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc, dân trí nâng cao, dân chủ thực hành; quan hệ của Nhân dân đối với hệ thống chính trị, chế độ chính trị, sự nghiệp chính trị... Chính Nhân dân là cơ sở, động lực, đồng thời cung cấp phương hướng để giải quyết những vấn đề mà cách mạng đang đặt ra.

Theo Người, điều đầu tiên khi xây dựng lực lượng đại đoàn kết dân tộc là phải: Tin vào dân, dựa vào dân.

Hồ Chí Minh cho rằng dân là gốc rễ, là nền tảng của khối đại đoàn kết. Do đó khi trở thành người lãnh đạo, Người đặt niềm tin tuyệt đối vào Nhân dân, ngay cả khi cách mạng đang trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc, Người vẫn một lòng tin tưởng vào Nhân dân, Người tin rằng “có dân sẽ có tất cả”, “có dân việc gì cũng làm được” và Người thường động viên, nhắc nhở “Chúng ta phải ghi tạc vào đầu cái chân lý này: dân rất tốt. Lúc họ đã hiểu thì việc khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ”(2).

Vì tin dân, nên khi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ ở giai đoạn cam go, khốc liệt nhất Người đã động viên Nhân dân “Còn non, còn nước, còn người. Thắng giặc Mỹ ta xây dựng lại hơn mười ngày nay”. Nhân dân ta đã tin tưởng vào tình cảm đặc biệt mà vị lãnh tụ tối cao dành cho mình và họ đã tự hứa: “Còn non còn nước còn Người, còn dân ta nước Việt còn nhớ những lời Bác răn”.

Với kinh nghiệm hoạt động cách mạng phong phú, Người nhận thấy rằng dân chúng tai mắt họ nhiều, việc gì họ cũng nghe, cũng thấy. “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”(3). Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Kinh nghiệm trong nước và các nước cho chúng ta biết: có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong”(4). Người nói: Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân, trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân”. Đặc biệt, Người luôn nhắc lại câu ca dao từng được lưu truyền ở Quảng Bình trong kháng chiến chống Mỹ khi nói đến vai trò của Nhân dân: “Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong”.

 Thứ hai, để đạt mục tiêu của đại đoàn kết thì nắm vững nguyên tắc: Phấn đấu vì quyền lợi của Nhân dân

Trước khi cách mạng thành công, điều Người luôn trăn trở, băn khoăn là làm thế nào để đưa dân lên địa vị làm chủ chế độ chính trị? Làm thế nào để xây dựng một nhà nước của dân, do dân, vì dân?... Hồ Chí Minh không nhìn lên trời để tìm cách thức từ những đấng siêu nhiên, không nhìn vào kinh đô tráng lệ để trông cậy vương quyền, không ỷ vào lực lượng bên ngoài nước để cầu mong cứu viện... mà Người nhìn vào đời sống, mong ước của Nhân dân để tìm phương thức giải quyết vấn đề do chính Nhân dân đặt ra, phương thức đó chính là tập hợp, đoàn kết, phát huy vai trò, sức mạnh của Nhân dân. Mặt trận phản đế ra đời ngày 18/11/1930, Hiến pháp năm 1946 ra đời ngay khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa... đã minh chứng cho quan điểm phấn đấu vì quyền lợi của Nhân dân của Người.

Sau khi đã giành được độc lập rồi thì vấn đề quan trọng là hạnh phúc tự do của Nhân dân. Với nhận thức đó, đi đôi với chỉ đạo kháng chiến, Hồ Chí Minh tập trung vào nhiệm vụ kiến quốc. Muốn kháng chiến thành công thì phải có sức dân, lòng dân, muốn có sức dân, lòng dân thì phải chăm lo đời sống của dân. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ. Chúng ta phải thực hiện ngay: 1/. Làm cho dân có ăn; 2/. Làm cho dân có mặc; 3/. Làm cho dân có chỗ ở; 4/. Làm cho dân có học hành. Cái mục đích chúng ta đi đến là bốn điều đó. Đi đến để dân nước ta xứng đáng với tự do độc lập và giúp sức được cho tự do độc lập”.

Có thể thấy, quan điểm “Tin dân, dựa vào dân, phấn đấu vì quyền lợi của Nhân dân” không chỉ là động lực hình thành mà còn là điều kiện, nguyên tắc đảm bảo cho tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh đúng đắn, đi vào thực tiễn, khẳng định trong thực tiễn. Đây được xem là nguyên tắc tối cao trong tư duy và hoạt động thực tiễn của Người.

Tìm hiểu, soi chiếu tư tưởng vì dân mà cụ thể là quan điểm “Tin dân, dựa vào dân, phấn đấu vì quyền lợi của Nhân dân” trong tư tưởng của Hồ Chí Minh với thực tiễn phong trào giải phóng dân tộc đương đại để chúng ta thấy rõ bản chất, tính ưu việt, tiến bộ của tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh có những khác biệt cơ bản với những nhà lãnh đạo, chính khách trên thế giới. Không ít nhà lãnh đạo, giới cầm quyền hiện nay, lấy điểm xuất phát từ mục đích, lợi ích của cá nhân, giai cấp, nhóm, tập đoàn thống trị... mà xa rời mong muốn, nhu cầu của quần chúng nhân dân nên khi đưa ra tư tưởng, quan điểm, mục tiêu, con đường, phương cách... không đủ sức mạnh, sự thuyết phục, đồng lòng của cả dân tộc trong công cuộc giải phóng dân tộc, ổn định và phát triển đất nước, đem lại tự do, dân chủ, no ấm, tiến bộ cho người dân. Những thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong hơn 90 năm qua đã chứng minh trên thực tế nguyên tắc “Tin dân, dựa vào dân, phấn đấu vì quyền lợi của Nhân dân” là cội nguồn sức mạnh của Đảng.

Thực hiện nguyên tắc này của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An đã có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng và lịch sử hào hùng của dân tộc, của tỉnh nhà trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước.

Hòa bình lập lại, hậu quả chiến tranh hết sức nặng nề. Phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Tổ quốc các cấp ở Nghệ An tiếp tục vận động Nhân dân xây dựng khối đại đoàn kết, một lòng quyết tâm xóa nghèo nàn, lạc hậu. Đặc biệt sau 30 thực hiện công cuộc đổi mới, Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Nghệ An luôn chú trọng việc củng cố, xây dựng và tăng cường sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh của vùng đất địa linh, nhân kiệt, giàu truyền thống cách mạng, từng bước khẳng định vị thế của mình trong công cuộc đổi mới.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo tư tưởng của Người, các cấp ủy đảng Nghệ An đã quan tâm đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác mặt trận sát với tình hình thực tiễn của địa phương trong từng thời điểm. Công tác đoàn kết của Đảng nói riêng và công tác đại đoàn kết của hệ thống chính trị nói chung đã phản ánh được tâm tư, nguyện vọng, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Có thể nói, dù còn nhiều khó khăn, còn nhiều việc phải làm, nhưng các chủ trương, chính sách kinh tế, xã hội hướng đến chăm lo cuộc sống của Nhân dân trong thời gian qua đã được tỉnh đặc biệt quan tâm và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Trong điều kiện ngày nay, để hoàn thành nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội, yêu cầu mỗi cá bộ, đảng viên phải nhận thức đúng, đủ tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đó vận dụng vào thực tiễn công tác của mình. Luôn xác định mình là cầu nối giữa Đảng với Nhân dân nên phải hướng về cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cơ sở, từ đó mới tổ chức họ, hướng dẫn họ, đoàn kết họ, phát huy năng lực sáng tạo của họ, huy động đức tài của họ vào xây dựng đường lối, chính sách, bảo vệ và xây dựng đất nước. Luôn trăn trở, ghi nhớ làm thế nào để đưa cuộc sống vào đường lối, chính sách?. Và khi đã xây dựng được chính sách, chủ trương, đường lối đúng đắn, phù hợp rồi thì làm thế nào để đưa chính sách, đường lối vào cuộc sống? cả hai mặt đó phải bổ trợ, tiền đề cho nhau thì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mới dần hiện thực hóa trong quá trình phát triển đất nước./.

                                                                                             T.T.B.T.

 

(1) Hồ Chí Minh. Toàn tập. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, T 4, Tr.161-162.

(2) Sđd t.5, tr.286.

(3) Sđd, t.5, tr.333.

(4) Sđd, t.5, tr.335.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114442854

Hôm nay

250

Hôm qua

2318

Tuần này

2667

Tháng này

218028

Tháng qua

112676

Tất cả

114442854