Những góc nhìn Văn hoá

Bánh ong - Món ăn dân dã độc đáo trên mâm cỗ ngày Tết

Từ những nguyên liệu sẵn có hàng ngày như bột nếp, mật mía, hạt lạc, hạt vừng, người dân đã sáng tạo ra món bánh ong (còn gọi là chè lam) ngon ngọt, dẻo thơm. Món bánh ong này là một món ăn không thể thiếu trong mâm cơm cúng tổ tiên và đãi khách ngày Tết của người dân xã Thịnh Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An.

Mâm cỗ ngày Tết tỏ lòng thành kính của con cháu đến ông bà, tổ tiên và người đã khuất. Ở mỗi vùng quê có những món ăn khác nhau trên mâm cỗ ngày Tết. Ngoài những món phổ thông từ thịt, cá thì trên mâm cúng cỗ ngày Tết của người dân xã Thịnh Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An đều xuất hiện món bánh ong.

Nguyên liệu của món bánh này cũng rất thân thuộc, lúa nếp khi chín được gặt về, tuốt lấy hạt rồi cho lên luộc. Khi lúa đã chín, bắc ra để ráo, phơi khô rồi xay lấy hạt. Sau khi xay, những hạt nếp này có màu vàng nhạt và được rang chín thơm phức rồi nghiền thành bột mịn. Chị Phạm Thị Nga trú tại xóm Hồng Thịnh, xã Thịnh Thành cho biết: “Từ khi còn bé, tôi đã thấy món bánh ong này xuất hiện trên mâm cỗ ngày Tết của gia đình. Trong rất nhiều món thịt, cá, rau thì bánh ong được xem như là món ngọt để dâng ông bà, tổ tiên thưởng thức trong ngày Tết”.

Để làm nên món bánh ong, người dân sẽ dùng mật mía, lạc đã rang chín nấu sôi lên rồi cho bột nếp đã nghiền mịn vào. Quá trình cho bột vào nồi đang sôi, người làm bánh phải đảo liên tục, đều tay để bột, mật và lạc được hòa quyện vào với nhau. Việc đảo này diễn ra khá lâu và mỏi nên thường thì những người chồng, trai tráng sẽ đảm nhiệm việc quấy bột. Khi những thứ trên đã tạo thành hỗn hợp đặc sệt, quyện chặt vào với nhau thì bắc xuống cho ra mâm để sẵn hạt vừng trắng đã rang vàng. Đến lúc này, tùy vào sở thích của từng người có thể nhào bánh thành các hình thù mình thích. Để bánh dậy mùi, người làm bánh thường cho thêm gừng tươi giã nát hoặc dừa bào sợi.

Ông Nguyễn Văn Hùng (72 tuổi), người dân xã Thịnh Thành cho biết: “Bánh ong được xem là món bánh truyền thống, trước đây khi cuộc sống còn khó khăn không có điều kiện mua nhiều loại bánh trái như bây giờ nên bánh ong được xem là thức quà đãi khách ngày Tết. Bởi nguyên liệu làm bánh rất dễ tìm lại dễ chế biến và rẻ. Ngày nay, khi cuộc sống được nâng cao người dân dễ dàng mua bánh, trái về đãi khách thì bánh ong lại được xem như là món ăn truyền thống để dâng lên tổ tiên nên trong mâm cỗ nhà nào cũng sẽ có món này để thắp hương”.

Nguyên liệu sẵn có lại dễ làm nên năm nào gia đình chị Phạm Thị Thủy cũng tự đổ bánh ong để dọn cỗ thắp hương và đãi khách. “Món này khá dễ làm, mùa đông lạnh nên bánh se lại cứng khi ăn sẽ có vị béo bùi của lạc, bột, dẻo của gạo nếp và ngọt thanh của mật nên nhiều người nghiện món này lắm. Năm nay tôi đã chuẩn bị gạo nếp để làm món bánh ong cho ngày Tết. Do làm nhiều năm nên giờ chỉ cần 15 phút đến 20 phút là tôi có thể làm xong mẻ bánh ong ngon lành rồi”.

Bánh ong đã lên khuôn

Thông thường, khi làm, người dân sẽ dùng khuôn dài để tạo hình cho bánh. Vì thế khi ăn, bánh sẽ được cắt thành miếng mỏng, nhỏ để bày lên đĩa rất đẹp mắt. Với nhiều người thì món bánh ong được xem là món ăn truyền thống gợi nhớ về những ngày Tết sum vầy. Những mong rằng món bánh ong sẽ mang đến sự ngọt ngào, may mắn cho mỗi người vào dịp Tết đến, xuân về.

Ngày nay, rất nhiều cơ sở làm sẵn những thanh bánh ong để người dân mua về và cắt ra dọn mâm rất tiện lợi nhưng nhiều nhà vẫn muốn tự tay làm bánh. Đây được xem là tấm lòng thành để gửi đến người đã khuất những mong những sự ngọt ngào, giản dị sẽ mang lại những điều may mắn cho năm mới sắp đến.

 

(Bài đã đăng VHTT Nghệ An số Tết Quý mão 2023)

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434702

Hôm nay

2322

Hôm qua

2310

Tuần này

21352

Tháng này

211750

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434702