Những góc nhìn Văn hoá

Mai Thúc Loan - Vị tướng đầu tiên thực hiện liên minh để chống ngoại bang

Trong hơn 1.000 năm Bắc thuộc, thời gian nhà Đường cai trị nước ta dài nhất với ngót 3 thế kỷ. Đây cũng là thời kỳ ách đô hộ của nhà Đường tác động sâu sắc nhất đến đời sống kinh tế, chính trị - xã hội Giao Châu.

 GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Chủ tịch Viện HLKHXH Việt Nam phát biểu tại Hội thảo khoa học "Khởi nghĩa Hoan Châu và vai trò của Mai Thúc Loan trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc"

Khởi nghĩa Hoan Châu do Mai Thúc Loan lãnh đạo đầu thế kỷ VIII là một trong những cuộc khởi nghĩa có tầm vóc và quy mô lớn nhất trong hơn 1.000 năm đấu tranh chống ách đô hộ của các triều đại phong kiến Trung Quốc của Nhân dân ta và là một sự kiện vĩ đại trong tiến trình lịch sử dân tộc.

Mai Thúc Loan là một vị anh hùng trẻ tuổi, xuất thân nghèo khó, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hoan Châu, không chỉ đoàn kết và huy động được Nhân dân cả nước đứng lên mà còn tập hợp được lực lượng quân đội của một số quốc gia lân bang tạo nên lực lượng hùng mạnh, làm nên chiến thắng lẫy lừng, đánh đuổi quân đô hộ nhà Đường về nước.

1. Quê hương địa linh nhân kiệt.

Đất An - Tĩnh xưa (Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay) luôn là một vùng đất đóng vai trò quan trọng trong lịch sử dân tộc, không chỉ là đất có nhiều truyền kỳ mà còn nổi tiếng trong lịch sử. Học giả người Pháp H. Le Breton từng viết:“Tôicó thể tin mà khẳng định rằng không có tỉnh nào đã đóng vai trò to lớn hơn trong lịch sử của nước Đại Việt (hay Nam Việt), ít nhất cho đến thế kỷ XV như đất An - Tĩnh”.

Nam Đàn không chỉ là quê hương của Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh mà còn là trung tâm của thành Vạn An - kinh đô của chính quyền độc lập được dựng lên từ trong cuộc khởi nghĩa Hoan Châu lẫy lừng hồi đầu thế kỷ VIII. Nhà sử học Lê Tung đầu thế kỷ XVI đã từng viết: “Mai Hắc Đế nổi lên từ Hoan Châu, căm giận chính lệnh tàn ngược của Sở Khách, cất quân tiến đánh, phía Nam giữ đất Hải Lĩnh, phía Bắc chống lại nhà Đường. Có thể gọi là bậc vua hào kiệt”.

Trong hơn 1.000 năm Bắc thuộc và chống Bắc thuộc, Nhân dân An - Tĩnh đã hòa mình vào phong trào đấu tranh chống đô hộ ngoại bang. “Hùng cứ Hoan Châu đất một phương”, lập nên một vương triều, khẳng định quyền độc lập thiêng liêng của dân tộc, Mai Thúc Loan cùng Nhân dân Hoan Diễn và Nhân dân cả nước viết lên những trang sử hào hùng, thể hiện ý chí đấu tranh kiên cường chống ngoại xâm. Ý chí ấy đã được nuôi dưỡng, bồi đắp và phát huy cao độ mỗi khi có giặc xâm lấn, trở thành tài sản tinh thần quý báu của đất và người xứ Nghệ trong dòng chảy của lịch sử dân tộc.

Từ thế kỷ VII, nước ta lại rơi vào ách thống trị của nhà Tùy (603-618), rồi nhà Đường (618-905). Kế tục chính sách bành trưng của các triều đại phong kiến Trung Hoa trước đó, nhà Tùy, đặc biệt là nhà Đường đẩy mạnh việc chinh phục, mở rộng lãnh thổ ra các phía, từ Triều Tiên tới Iran, từ lưu vực sông Ili (Trung Á) đến miền Trung nước ta ngày nay. Tình hình đó được thể hiện rất rõ trong câu nói của Đường Thái Tông: “Chinh phục Man Di ngày trước, chỉ có Tần Thủy Hoàng và Hán Vũ Đế. Ta nay thanh gươm ba thước, ta đã khuất phục hai mươi vương quốc, dẹp yên bốn biển. Bọn Ma Di ở cõi xã cũng lần lượt quy phụ”.

Năm 622, nhà Đường lập “Giao Châu đô hộ phủ”, tới năm 679 lại đổi thành “An Nam đô hộ phủ” với các hình thức, thủ đoạn cai trị tàn bo, xảo quyệt và ngu dân. Để chống phá và ngăn cản phong trào đấu tranh của Nhân dân ta ngày càng lên cao, bọn quan lại đô hộ còn xây đắp các thành lũy lớn, chắc chắn, tăng cường lính đóng giữ ở các châu, đặc biệt là phủ thành Tống Bình.

Cuộc đấu tranh chống ách độ hộ nước ngoài, giành lại độc lập dân tộc diễn ra liên tục trong các thế kỷ VII, VIII, IX chính là sự biểu thị thái độ của Nhân dân ta kiên quyết bác bỏ nền thống trị của nhà Đường, không chấp nhận bộ máy cai trị áp đặt từ bên ngoài.

Mục tiêu của các cuộc khởi nghĩa ở giai đoạn này luôn đặt ra yêu cầu phải đánh đổ chính quyền đô hộ nhà Đường, tiêu diệt những tên quan lại cao cấp của chính quyền địch trên đất nước ta. Vì vậy, mỗi khi nổi dậy, dù ở nhiều địa phương khác nhau của đất nước, quân khởi nghĩa đều tập trung lực lượng đánh vào tận sào huyệt, đại bản doanh của địch ở Tống Bình (Hà Nội) nhằm chiếm lấy phủ thành, bắt giết bọn quan lại đô hộ.

Mai Thúc Loan xuất thân trong một gia đình có nề nếp. Cha mẹ ông là Mai Sinh và Vương Thị đều nổi tiếng hiền đức tại đất Hoan Châu thuộc quận Nhật Nam. Ông mồ côi cả cha lẫn mẹ khi mới 10 tuổi và được Đinh Thế, một người giàu có, vốn trọng nghĩa khinh tài, người bạn của cha Mai Thúc Loan nhận làm con nuôi.

Lớn lên, ông không cam phận là một trang nam nhi chỉ quanh quẩn ở nơi quê nhà, Mai Thúc Loan đã sớm ý thức được việc phải tiến hành liên kết bạn bè các nơi để tạo thành một lực lượng hậu thuẫn nhằm hiện thực hóa tâm nguyện đánh giặc của mình. Bạn bè của ông lúc đấy cũng toàn những trang tuấn kiệt, sau này đều cùng ông khởi nghĩa và trở thành những tướng trụ cột của ông như Phòng Hậu, Thôi Thặng, Đàn Văn Du, Mao Hoành, Tùng Thụ, Tiết Anh, Hoắc Đan, Khổng Qua, Cam Hề, Sỹ Lâm, Bộ Tân...

Mai Thúc Loan cùng các bạn đều sống và trưởng thành trong giai đoạn mà chính quyền đô hộ triều Đường thi hành nhiều chính sách bóc lột kinh tế nặng nề, hà khắc đối với các địa phương Hoan Châu.

Sinh ra và lớn lên trong cảnh đất nước đang bị ngoại bang đô hộ, sống giữa cộng đồng những người nông dân lam lũ bị áp bức, bóc lột đến cùng cực, Mai Thúc Loan đã sớm có ý thức đứng lên chống lại chính quyền đô hộ, cứu nước, cứu dân, giành lại độc lập tự do cho dân tộc. Cùng chí hướng với chồng, bà Đinh Thị Ngọc Tô đã thay Mai Thúc Loan nuôi dạy con cái, chăm lo việc ruộng đồng, tích trữ sẵn lương thảo để chồng rộng đường đi tìm người đồng chí hướng.

Sách “Việt điện u linh” chép rằng: Một hôm, 2 nghĩa sỹ của Mai Thúc Loan là Thôi Thặng và Phòng Hậu nói với ông rằng: “Nước Việt ta từ khi nội thuộc đến nay, bọn quan thú mục phương Bắc không ai bảo ai cứ sang...Nay Mai quân (Mai Thúc Loan) đi như rồng, bước như hổ, có tài dẹp loạn giúp dân. Nếu không nhân lúc này mở cánh dương vây thì còn đợi lúc nào nữa”. Phúc Trương Thủ tiếp lời: “Người Đường nghênh ngang tung hoành, ngày càng quá lắm, thuế má nhiều, hình phạt nặng, người dân không sống nổi. Ngày xưa vua Thang, vua Vũ nhân gặp thời mà hành động, đời sau gọi là thánh, là hiền. Xin nghĩ kỹ xem, không nên ngần ngại”.

Khí thiêng sông núi An - Tĩnh tự hào sinh ra Mai Thúc Loan và chính ông đã làm cho An - Tĩnh rạng rỡ hơn trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc. Từ khát vọng đánh giặc cứu nước, giúp dân lại được các nghĩa sỹ hưởng ứng, Nhân dân khắp nơi ủng hộ, Mai Thúc Loan đã “mở tiệc lớn, đem gia tài để cung phụng tân khách”, tổ chức xây dựng lực lượng, dựng thành đắp lũy, chuẩn bị binh mã chờ thời cơ tiến hành cuộc khởi nghĩa Hoan Châu- cuộc khởi nghĩa có tầm vóc và quy mô lớn nhất trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của Nhân dân ta thời kỳ Bắc thuộc.

2. Tập hợp lực lượng, xây dựng căn cứ để tiến hành khởi nghĩa.

Chính sách cai trị và bóc lột hà khắc của chính quyền đô hộ nhà Đường cùng với sự tham nhũng vô độ của các viên quan cai trị tại Giao Châu nói chung, Hoan Châu nói riêng đã khiến cho cuộc sống của Nhân dân ngày càng cùng cực và túng quẫn. Đây chính là nguyên nhân căn bản để bùng nổ nhiều cuộc phản kháng chống lại nhà Đường cuối thế kỷ VII, đầu thế kỷ VIII. Nhiều người dân đã tình nguyện tham gia quân khởi nghĩa mong muốn góp phần đánh đuổi ngoại bang, giành lại cuộc sống độc lập tự do cho dân tộc.

Mai Thúc Loan là người có đức độ, tài năng, có tầm hiểu biết sâu sắc và tinh thần yêu nước. Những phẩm chất cao quý ấy đã tạo điều kiện cho ông có uy tín và tầm ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng. Do đó, khi Mai Thúc Loan phất cờ khởi nghĩa đã lập tức nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của Nhân dân xứ Nghệ và các địa phương trên toàn quốc, từ vùng đồng bằng đến các châu, động, sách trên miền núi cao, “tập hợp dân chúng 32 châu”.

Điều này được phản ánh trong thư tịch cổ Trung Quốc. Những phát hiện gần đây về thành Vạn An, căn cứ thủy quân của bà Phạm Thị Uyển- vợ hai của Mai Thúc Loan tại Hòa Mục, Cầu Giấy - Hà Nội hay căn cứ Mai Kỳ Sơn và Mai Thị Cầu là hai con của Mai Thúc Loan tại xã Quốc Tuấn, An Dương, Hải Phòng cùng với nhiều tư liệu thần phả, truyền thuyết tại nhiều địa phương trên cả nước càng chứng tỏ quy mô to lớn cùng sức ảnh hưởng lan rộng của khởi nghĩa Hoa Châu.

Sau một thời gian tập hợp lực lượng chuẩn bị cho khởi nghĩa, chỉ tính riêng số quân thường xuyên túc trực tại gia đình Mai Thúc Loan dưới danh nghĩa là “thực khách” đã lên tới vài nghìn người. Sau khi tập hợp lực lượng tại quê hương, Mai Thúc Loan hết lòng khoản đãi những người cùng chung ý chí, quyết tâm đứng lên khởi nghĩa. Trong một thời gian ngắn, được sự ủng hộ tích cực của quần chúng nhân dân trong vùng, quân số của ông đã tăng nhanh đáng kể.

Mai Thúc Loan cùng các bạn hữu tìm kiếm , xây dựng hậu phương và căn cứ quân sự ngay tại nơi “chôn rau cắt rốn”. Ông đã chú trọng thiết lập các căn cứ để chuẩn bị cho khởi nghĩa gồm có thành Vạn An, Vệ Sơn, Hùng Sơn, Ngọc Đái Sơn. Điểm nổi bật của các căn cứ khởi nghĩa này là có một hệ thống sông nước tự nhiên bao quanh tạo thành con hào chiến lược bảo vệ gồm có sông Lam chảy quanh phía Nam, hồ Nón (bàu Nón) bao quanh phía Đông, bầu Sen và bầu Lầm (thuộc xã Vân Diên ngày nay) chảy ở phía Tây.

Với địa hình tự nhiên khá thuận lợi, được bao bọc bởi những nhánh sông Lam, thành Vạn An trở thành một hòn đảo nổi lên trên một vùng sông hồ mênh mông. Thành Vạn An lại được dãy núi Thiên Nhẫn, sông Lam và cồn Vệ bao che phía Nam, nụi Đụn án ngữ phía Tây Nam, dãy núi Đại Huệ, bàu Nón....tạo thành một vòng cung bảo vệ phía Bắc, Tây Bắc và phía Đông.

3. Liên minh với một số nước lân bang để đánh đuổi ngoại bang.

Chống giặc ngoại xâm, hơn nữa lại là những thế lực xâm lược, to lớn luôn đòi hỏi phải có sự cố kết và tham gia của cộng đồng, gắn kết với cộng đồng, ý thức trách nhiệm sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ quê hương, đất nước.

Khởi nghĩa Hoan Châu là một cuộc khởi nghĩa tiêu biểu đã đoàn kết được với nhiều nước lân cận như Lâm Ấp, Chân Lạp và Kim Lân phản kháng chống lại quân đô hộ nhà Đường. Tuy sử sách không chép cụ thể số quân của từng quốc gia tham gia khởi nghĩa nhưng sự liên kết rộng rãi với các nước trong khu vực Đông Nam Á đã nâng cao vị thế và ảnh hưởng của cuộc khởi nghĩa Hoan Châu trên trường quốc tế.

Lúc bấy giờ, triều Đường là một quốc gia hùng mạnh, không chỉ đô hộ An Nam mà còn muốn dùng An Nam làm bàn đạp để tiến tới xâm lược và thiết lập ách cai trị các nước khác ở phía Nam.

Cũng từ lâu, giữa An Nam cùng các nước lân bang đã có sự giao lưu về kinh tế, giao thoa về văn hóa. Thuyền buồm của Chà Và (Indonesia) và các nước phía Nam thường xuyên buôn bán tại các cảng ở Bắc và Trung bộ Việt Nam ngày nay. Các cao tăng của An Nam trước khi đến Ấn Độ thỉnh kinh cũng ghé qua các nước vùng Nam Hải để tìm hiểu. Các nước Chà Và (còn gọi là Java, tức Indonesia ngày nay), Kim Lân (tức Malaysia ngày nay), Chân Lạp (nước Căm Pu Chia ngày nay) đều đã có những bất đồng với nhà Tùy, nhà Đường. Họ chỉ đều thần phục trên danh nghĩa, còn thực chất lại luôn muốn tìm mọi cách để thoát khỏi sự kìm tỏa này.

Năm 713, năm thứ nhất niên hiệu Khai Nguyên của vua Đường Huyền Tông, Mai Thúc Loan dựng cờ khởi nghĩa. Do được sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, từ lực lượng quân đội đến hệ thống đồn lũy, căn cứ hậu cần từ trước nên khởi nghĩa vừa nổ ra thì khắp nơi xa gần đều hưởng ứng, quân số tăng nhanh đến 10 vạn người. Đồng thời, ông cũng cử Ba Đội Hầu sang Lâm Ấp (tức Huế ngày nay) và Chân Lạp (Campuchia ngày nay) để đặt vấn đề liên minh cùng đánh bại nhà Đường. Năm 713, Mai Thúc Loan lên ngôi vua. Theo “Việt điện u linh”, vì Mai Thúc Loan có mạng thủy tượng trưng bởi màu đen nên xưng là Mai Hắc Đế, thành lập triều đình mới, đóng đô ở thành Vạn An 9 thuộc xã Vân Diên và thị trấn Nam Đàn ngày nay).

Sau khi lên ngôi vua, Mai Thúc Loan cùng với những người bạn của mình tiếp tục thực hiện kế hoạch trước đó là tạo thế liên mình với các nước láng giềng. Năm 714, Tiết Anh và Hoắc Đan Phụng đi sứ sang Lâm Ấp và Chân Lạp. Đây cũng là hai quốc gia đã cùng khốn khổ bởi sự hà hiếp thường xuyên nhà Đường khi bắt họ nộp cống phẩm. Nay thấy An Nam khởi nghĩa thành công thì họ rất vui mừng hưởng ứng. Lực lượng của quân khởi nghĩa ngày càng đông đảo, mạnh mẽ, thanh thế ngày càng vang dội trong nước và lân bang.

Nghe tin Lâm Ấp và Chân Lạp đã cùng với An Nam tham gia liên minh chống lại nhà Đường, lập tức Chà Và, Kim Lân, Xảo Oa cũng đem quân tham gia liên minh chống Đường. Tổng số mà An Nam và liên minh một số nước Đông Nam Á bấy giờ đã lên đến 40 vạn quân.

Chúng ta cần hiểu rằng, một quốc gia rộng lớn và đông dân như Trung Hoa thì việc có được 40 vạn quân là điều bình thường. Nhưng nước An Nam thời đó và Đại Việt thời kỳ nhà Lý, Trần, Lê đến thời Tây Sơn, nhà Nguyễn, chưa khi nào có được quân số 40 vạn người như liên minh các nước Đông Nam Á đầu thế kỷ VIII.

Theo kết quả nghiên cứu của cố GS Phan Huy Lê thì Lâm Ấp là vương quốc đã từng bị nhà Hán đô hộ và giành lại độc lập vào cuối thế kỷ II sau cuộc khởi nghĩa Khu Liên cầm đầu ở huyện Tượng Lâm (vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định ngày nay), thuộc quận Nhật Nam (vùng đất từ Hoành Sơn đến đèo Cù Mông). Sau đó, Lâm Ấp được mở rộng ra phía Bắc và vùng biên giới phía Bắc của Lâm Ấp giáp với Giao Châu thời nhà Tùy. Năm 605, tướng Lưu Phương nhà Tùy sau khi đánh bại được nước Vạn Xuân của người Việt thì đã tiến công vào quốc đô Lâm Ấp, chiếm một phần đất phái Bắc, lập 3 châu: Đặng Châu, Nông Châu, Xung Châu, sau đổi thành 3 quận: Tỉ Cảnh, Hải Âm, Lâm Ấp. Nhưng rồi Lâm Ấp chiếm lại vùng đất này và vào thời Mai Thúc Loan khởi nghĩa, Hoành Sơn là biên giới phía Bắc. Như vậy, Hoan Châu phía Nam giáp với Lâm Ấp và trong bối cảnh giữa Lâm Ấp với nhà Đường thì Mai Thúc Loan liên kết với các nước này trong cuộc đấu tranh với nhà Đường cũng là điều có thể xảy ra và dễ hiểu.

Còn nước Chân Lạp vốn là thuộc quốc của đế chế Phù Nam. Từ thế kỷ VI-VII trở nên cường thịnh đã đánh bại Phù Nam, phát triển thành một quốc gia độc lập. Từ đầu thế kỷ VIII, Chân Lạp phân chia thành 2 vùng: Thủy Chân Lạp ở phía Nam là miền đất thấp, nhiều đầm lầy, giáp biển. Còn Lục Chân Lạp ở phía Bắc là đồi núi, thung lũng, đồng bằng. Vùng Lục Chân Lạp bao gồm cả miền hạ Lào ngày nay và có một phần giáp Hoan Châu. Do vậy, quan hệ giữa Mai Thúc Loan với Chân Lạp qua vùng biên giới phía Tây của Hoan Châu cũng là điều đễ hiểu.

Sách “Tân Đường thư” của Trung Quốc còn kể thêm, Mai Thúc Loan ngoài việc liên kết với lực lượng của Lâm Ấp và Chân Lạp, còn liên kết với quân sỹ của Kim Lân. GS Phan Huy Lê sau khi đã khảo cứu các tư liệu đã đưa ra nhận định rằng: “Kim Lân là một nước ở gần vịnh biển Kim Lân và từ Phù Nam (Nam bộ) phải vượt qua vịnh này hai nghìn dặm mới đến nước Kim Lân, rồi qua ba nghìn dặm đến các nước Biên Đẩu, Đô Côn, Câu Lợi, Tỷ Cảo. Từ đó có thể suy đoán vịnh Kim Lân là vùng biển lớn từ vịnh Thái Lan đến vùng biển phía Đông bán đảo Mã Lai hiện nay và nước Kim Lân có thể trên bán đảo Mã Lai”.

Các nước có đem quân tham gia cùng nghĩa quân của Mai Thúc Loan trong công cuộc chống xâm lược nhà Đường như Lâm Ấp, Chân Lạp, Kim Lân đều là những quốc gia cổ đại trong khu vực Đông Nam Á. Bắt đầu từ khoảng cuối thế kỷ VII, đầu thế kỷ VIII, phần lớn các quốc gia cổ đại khu vực Đông Nam Á đã đi dần vào sự ổn định. Từ thế kỷ VII đến thế kỷ X, vương quốc Chăm Pa không ngừng lớn mạnh, trở thành một thế lực đáng kể trong vùng. Họ đã kiểm soát được việc buôn bán hồ tiêu và tơ lụa giữa Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia. Trong bối cảnh như vậy, các quốc gia lân bang phía Nam sẵn sàng chấp nhận lời đề nghị của Mai Thúc Loan, đem lực lượng tham gia khởi nghĩa Hoan Châu đánh đuổi quân Đường.

Uy tín và uy danh nổi tiếng của Mai Hắc Đế đã làm quan quân nhà Đường hoảng sợ, lo lắng. Thứ sử Hoan Châu là Tào Chân Tính phải lui về giữ Quế Sơn. Mai Hắc Đế chia 40 vạn quân liên minh tiến ra Bắc, nhanh chóng đánh bại quân nhà Đường tại Quế Sơn rồi tiến lên đánh thành Tống Bình (sau này đến nhà Lý đổi tên là thành Thăng Long), quân Đường thua chạy. Các châu ở Bắc bộ lần lượt lọt vào tay liên quân.

Lúc bấy giờ, triều Đường đang ở giai đoạn khôi phục tình trạng rối loạn bởi sự chuyên quyền, độc đoán của nữ hoàng đế Võ Tắc Thiên. Chính việc điều quân chậm trễ của triều Đường đã tạo điều kiện để Mai Thúc Loan có thể tiến hành công cuộc khởi nghĩa và xây dựng chính quyền trong gần 1 thập kỷ.

Chiếm được An Nam đô hộ phủ, Mai Thúc Loan lập tức triển khai mở rộng lực lượng, bổ sung thêm quân số, liên kết chặt chẽ với những đội quân quanh phủ thành Tống Bình và các căn cứ tại Hòa Mục (Hà Nội), Điều Yêu thượng (Hải Phòng).

Như vậy, đầu thế kỷ VIII, Mai Thúc Loan đã xây dựng thành công liên minh lực lượng ở một số nước Đông Nam Á tạo nên một khối đoàn kết, hữu nghị vững chắc, góp phần đẩy lùi mưu đồ bành trướng và đồng hóa của các thế lực phong kiến phương Bắc tại đây.

Khi nghiên cứu lịch sử Việt Nam thời Bắc thuộc, các học giả Trung Quốc đánh giá quy mô cùng sự liên kết các nước lân bang của các cuộc khởi nghĩa dưới thời Đường trị vì tại nước ta như sau: “Nhỏ thì cũng làm loạn các châu huyện, các cuộc khởi nghĩa lớn đều có sự tham gia của các lực lượng ngoại quốc”.

4. Ý nghĩa lịch sử và tầm vóc của khởi nghĩa Hoan Châu.

Cuộc khởi nghĩa Hoan Châu dưới sự lãnh đạo của Mai Thúc Loan là một cuộc khởi nghĩa dân tộc có quy mô rộng lớn, đánh đuổi được quan lại đô hộ ra khỏi vùng Hoan Châu rồi phát triển ra toàn quốc. Quân khởi nghĩa đã tiến hành vây hãm và tấn công phủ thành Tống Bình, khiến cho quan đô hộ là Quang Sở Khách phải bỏ thành, tháo chạy về nước.

Thư tịch Trung Quốc và Việt Nam đều thống nhất chép: Mai Thúc Loan (Mai Huyền Thành, Mai Thúc Yên) đã xây dựng được một vương triều, tôn xưng Hoàng đế. Những việc làm này của Mai Thúc Loan biểu thị tinh thần độc lập, ý thức tự tôn dân tộc và tỏ ra mình không thua kém thiên triều phương Bắc “bất tốn Trung Hoa”. Trong “Việt Nam quốc sử diễn ca”, cụ Phan Bội Châu đã viết nên câu thơ ca ngợi việc xưng Đế của Mai Thúc Loan:

“Thành Nam hãy khoanh tay ngồi choán

Xưng ngôi Hoàng ngất ngưng với Đường”.

Nhà sử học Nguyễn Văn Tố cũng đã đánh giá như sau: “Tuy việc ông Mai Thúc Loan xưng Đế không được bao lâu, nhưng cũng giúp cho những đời sau là Đinh, tiền Lê, Lý, Trần, Lê. Nước ta từ khi nội thuộc nước Tàu, có mấy nhà mở cờ độc lập. Hiện sử còn chép là Hai Bà Trưng, nhà tiền Lý, Mai Hắc Đế...là những người có công với giang sơn Tổ quốc và đã có làng thờ”.

Sử nước ta cũng như của Trung Quốc đều chép cuộc khởi nghĩa này. “Đại Việt sử ký toàn thư” cho biết: “Mai Thúc Loan chiếm giữ châu, xưng là Hắc Đế, bên ngoài liên kết với Lâm Ấp, Chân Lạp, số quân nói là 30 vạn”. Còn theo “Tân Đường thư”, “Dương tư húc truyện” thì số người tham gia khởi nghĩa của Mai Thúc Loan là 40 vạn.

Khởi nghĩa Hoan Châu là bằng chứng lịch sử hùng hồn khẳng định sức sống mãnh liệt, khát vọng độc lập, tự chủ của dân tộc ta, đồng thời thể hiện khí phách anh dũng¸ không cam chịu sự áp bức ngoại bang của Nhân dân ta, mặt khác cũng minh chứng cho sự phủ định thực quyền thống trị của đế chế Đường.

Cuộc khởi nghĩa Hoan Châu tuy cuối cùng cũng bị đàn áp và thất bại, nhưng đây là màn mở đầu cho các cuộc khởi nghĩa tiếp theo do thủ lĩnh là những hào trưởng, cự tộc người Việt lãnh đạo như Phùng Hưng (766-779), Dương Thanh (819-820) và cha con Khúc Thừa Dụ- Khúc Thừa Hạo (905-917). Vì vậy, cuộc khởi nghĩa này có một vị thế vô cùng quan trọng trong lịch sử nghìn năm chống Bắc thuộc cũng như trong quá trình dựng nước, mở nước, giữ nước vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Cuộc khởi nghĩa Hoan Châu đã góp phần tạo nên một cao trào phản kháng mạnh mẽ của dân tộc trên con đường đấu tranh chống Bắc thuộc trường kỳ, bền bỉ để đi đến trận chiến lịch sử giành lại độc lập, tự chủ hoàn toàn vào thế kỷ X bằng chiến thắng Bạch Đằng vang dội của Ngô Quyền năm 938.

Có được nhận thức đy đủ và đúng đắn về khởi nghĩa Hoan Châu và sự ghiệp của Mai Thúc Loan, đặc biệt là việc liên kết các lực lượng lân bang là việc làm có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong giai đoạn lịch sử hiện nay, khi mà bối cảnh và tình hình quốc tế đang có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, đe dọa đến độc lập, chủ quyền của nhiều quốc gia dân tộc.

Từ hơn 13 thế kỷ trước, trong bối cảnh quan hệ các vương quốc ở khu vực Đông Nam Á còn rất phức tạp, trình độ phát triển và phương tiện giao thông chưa phát triển mà Mai Thúc Loan đã biết tận dụng các nước lân bang có chung mục đích và lợi ích như Lâm Ấp, Chân Lạp, Kim Lân để tạo nên sức mạnh tổng hợp cùng chống lại một kẻ thù chung là bọn xâm lược nhà Đường.

Điều này không chỉ góp phần quan trọng làm nên sức mạnh của khởi nghĩa Hoan Châu mà nó còn là một biểu hiện về mối quan hệ liên minh khu vực, là cơ sở ban đầu cho sự hợp tác sau này của Cộng đồng Asean. Nếu xét về góc độ này, khởi nghĩa Hoan Châu cùng chính sách ngoại giao của Mai Thúc Loan không chỉ có ý nghĩa lịch sử về giai đoạn đó mà còn có giá trị thời sự sâu sắc.

Trong quan hệ của các quốc gia là thành viên của ASEAN hiện nay cũng đang đứng trước nhiều thử thách trước nhiều vấn đề phức tạp. Các thế lực bên ngoài khu vực đang cố tình chia rẽ khối đoàn kết trong nội bộ của các nước ASEAN, tìm cách lôi cuốn, mua chuộc Lào và Căm Pu Chia nhằm mưu cầu lợi ích cho mình, trong đó có 2 vấn đề quan trọng là vấn đề sông Mê Kong và Biển Đông.

Vì vậy, việc nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử của cha ông để chúng ta hiểu, rút ra những bài học lịch sử để luôn tỉnh táo trong hành xử, thắt chặt các mối quan hệ đoàn kết, liên minh với các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là các nước trên bán đảo Đông Dương trong quá trình bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

5. Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt - Một sự đánh giá và ghi nhận xứng đáng vai trò, đóng góp của Mai Thúc Loan trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc

Đền thờ vua Mai Hắc Đế ở Thị trấn Nam Đàn, tình Nghệ An - Di tích quốc gia đặc biệt. Ảnh: Huy Thư

Ngày 19 tháng 12 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Bằng xếp hạng “Di tích quốc gia đặc biệt” đối với Đền thờ vua Mai Hắc Đế (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Đền thờ vua Mai Hắc Đế ở Thị trấn Nam Đàn, tình Nghệ An là nơi duy nhất trên địa bàn cả nước tôn thờ, tưởng niệm Mai Hắc Đế - vị Hoàng đế thứ 2 (sau Lý Nam Đế) trong lịch sử hơn nghìn năm Bắc thuộc dám xưng “Đế” ngang hàng với các vị Hoàng đế phương Bắc.

Mai Hắc Đế tên thật là Mai Thúc Loan là người đầu tiên trong lịch sử Việt Nam có ý tưởng và thực hiện thành công chủ trương liên minh với các nước láng giềng trong cuộc chiến chống xâm lược, bảo vệ chủ quyền đất nước, tạo nên bước ngoặt to lớn trong lịch sử hơn một ngàn năm Bắc thuộc.

Như vậy, đến hết năm 2022, toàn tỉnh Nghệ An đã có 6 Di tích quốc gia đặc biệt gồm: Khu di tích Kim Liên, Khu Lưu niệm Phan Bội Châu, Đình Hoành Sơn, Đền thờ Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí, Km 0 và Đền thờ vua Mai Hắc Đế.

Theo kế hoạch, Lễ Kỷ niệm 1310 năm Khởi nghĩa Hoan Châu (713-2023), đón Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ vua Mai Hắc Đế và Lễ hội đền vua Mai sẽ được tổ chức vào tối ngày 03/02/2023 (tức ngày 13 tháng Giêng âm lịch ) tại Sân hành lễ Khu lăng mộ vua Mai Hắc Đế ở Thị trấn Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Đây là sự kiện lớn góp phần tôn vinh và khẳng định giá trị của của Di tích lịch sử Đền thờ vua Mai Hắc Đế gắn với công lao của anh hùng dân tộc Mai Thúc Loan và khởi nghĩa chống xâm lược nhà Đường đầu thế kỷ VIII.

TÀI LIỆU THAM KHẢO.

1. Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia Mai Thúc Loan với Khi nghĩa Hoan Châu, 2013.

2.Đại Việt sử ký toàn thư”, Tập 1, Nxb KHXH, Hà Nội, 1993.

3. Ngô Thì Sĩ: Đại Việt sử ký tiền biên, Nxb KHXH, Hà Nội, 1997.

4. Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An: “Khởi nghĩa Mai Thúc Loan (713-722)”, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2013.

5. Lý Tế Xuyên: “Việt điện u linh”, Nxb Văn học, Hà Nội, 2001.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434982

Hôm nay

2253

Hôm qua

2349

Tuần này

21632

Tháng này

212030

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434982