Những góc nhìn Văn hoá

Lễ hội đền Vua Mai và các trò chơi dân gian

Hàng năm, cứ vào dịp rằm tháng Giêng ÂL, huyện Nam Đàn lại tổ chức Lễ hội Đền Vua Mai để tưởng nhớ, tri ân và tôn vinh công đức của người anh hùng áo vải dân tộc Mai Thúc Loan và các tướng sỹ của Ngài đã có công đánh đổ ách thống trị của nhà Đường lập ra Nhà nước Vạn An độc lập ở thế kỷ thứ VIII.

Màn múa rồng trong Lễ hội Vua Mai. 

Đến với Lễ hội đền Vua Mai, du khách không những được hòa mình trong không khí linh thiêng, trang trọng của trình thức lễ của lễ hội cổ truyền dân gian như các lkhai quang, lễ yết cáo, lễ rước, lễ dâng hương tưởng niệm Vua Mai, lễ đại tế, lễ thả đèn hoa đăng, lễ tạ mà còn được tham gia nhiều hoạt động hội mang đậm nét văn hóa dân gian truyền thống.

Các trò chơi dân gian trong Lễ hội đền Vua Mai khá đa dạng, phong phú gắn với các tích trò liên quan đến nhân vật Mai Hắc Đế và thể hiện nét văn hóa, phong tục tốt đẹp từ ngàn đời nay của người dân Nam Đàn, như: Đấu vật, chọi gà, leo núi, đua thuyền, cờ thẻ, đu tiên, hát ca trù, ví phường vải,…. Du khách được hòa mình với những trò chơi truyền thống, được trở về với những nét văn hóa xa xưa rất thú vị song đáng chú ý nhất là những trò chơi dân gian mang đậm tinh thần thượng võ như đấu vật, chọi gà, đua thuyền.

Rất đông người dân tới xem và cổ vũ cho môn đấu vật trong Lễ hội Vua Mai

Đấu vật là trò chơi được nhiều thanh niên trai tráng trong vùng đam mê. Nó bắt nguồn từ những lần tuyển quân của Mai Hắc Đế. Từ thuở thiếu thời, Mai Thúc Loan là cậu bé có sức khỏe hơn người, mười tuổi đã dùng rìu chém hổ, mười bốn tuổi đã quật ngã những tên lính Đường trong hội đấu vật. Bởi vậy, khi trở thành Hoàng đế, ông vẫn giữ được khí phách, tinh thần của người dân thượng võ. Để “kén tướng chọn quân” hàng năm vào mùa xuân, vua Mai cho các vùng tổ chức thi vật, chọn lấy những đô vật khỏe mạnh, bổ sung cho đội quân tiên phong của mình. Từ đó, đấu vật đã trở thành một tập quán trong các kỳ hội làng. Từ khi Lễ hội vua Mai được khôi phục, đấu vật đã trở thành tâm điểm của các hoạt động hội. Tìm hiểu về hội vật, anh Trần Văn Thắng, người dân xã Vân Diên cũ (nay là thị trấn Nam Đàn) khẳng định, hội vật xã Vân Diên cũ đã có trên vài chục năm nay, trước khi phục hồi lễ hội Vua Mai. Đây là trò vui nhất trong 3 ngày Tết, đô vật là những trai làng khỏe mạnh, những sinh viên và người lao động xa quê về quê ăn Tết. Ngoài Vân Diên, các xã Nam Anh, Nam Nghĩa, Nam Thanh, Xuân Hòa cũng có hội vật đầu xuân thật hào hứng. Từ phong trào của Vân Diên và các xã này mà có sới vật ở hội Vua Mai và cũng từ sới vật của hội Vua Mai, nhiều đô vật được tuyển chọn đi dự giải vật ở tỉnh. Sới vật Vua Mai là tâm điểm của hội từ nhiều năm nay, thu hút hàng vạn người tham gia, hò reo, cổ vũ. Có cổ động viên (ông Du ở thị trấn Nam Đàn) mê hội vật đến mức năm nào cũng tham gia và có thưởng cho tất cả các đô vật.

Đua thuyền là hoạt động khá độc đáo trong Lễ hội. Đua thuyền gắn với sự tích trận thủy chiến của Hoàng hậu (vợ Mai Hắc Đế) đánh quân Đường trên sông Tô Lịch. Chính nơi đây để khỏi rơi vào tay quân địch Bà đã tuẫn tiết để giữ trọn khí tiết của mình. Đua thuyền còn có ý nghĩa gắn liền với Lễ Rước sắc từ đền Vua Mai lên mộ. Đám rước này được tiến hành khá độc đáo: Đám rước có thể đi bộ hoặc đi thuyền lên mộ. Chính vì đám rước sắc đi bằng thuyền trên sông nên còn gọi là lễ chèo bơi. Dần dần lễ này đã trở thành một tập tục đua thuyền trên sông Lam. Hội đua thuyền trong lễ hội đền Vua Mai gần đây đã thu hút được nhiều huyện, thị lân cận cùng tham gia, như: Hưng Nguyên, Thanh Chương, và thị xã Cửa Lò.

Hội chọi gà trong Lễ hội Vua Mai. Nguồn ảnh: Báo Nghệ An

Chọi gà vốn là trò chơi dân gian từ ngàn xưa của người dân làng xã. Nhưng với Hội đền Vua Mai thì chọi gà mang nhiều ý nghĩa nhân văn. Những tháng năm luyện binh và chiến đấu ngoài chiến trường những người lính xa nhà nhớ đến vợ con ở quê nhà. Vì thế, Hội chọi gà được vua Mai mở ra nhằm mua vui, động viên tinh thần quân sĩ. Từ đó, chọi gà trở thành tập tục trong Hội đền Vua Mai và thu hút khá đông người xem và cổ vũ.

Với quan điểm phát huy tối đa vai trò của Nhân dân tham gia các hoạt động, Lễ hội Đền Vua Mai hàng năm đã được Nhân dân, du khách đón nhận và tham gia với tinh thần vui tươi, phấn khởi. Các trò chơi dân gian chủ yếu do các xã, thị trấn, các đoàn thể đứng ra tổ chức và vận động Nhân dân tham gia với vai trò chủ thể. Ví như Đấu vật, trước đây, khi chưa nhập vào thị trấn Nam Đàn, xã Vân Diên đảm nhận quản lý về mặt nhà nước, còn toàn bộ công tác tổ chức, cơ cấu giải thưởng, điều lệ, kinh phí... do Nhân dân đứng ra thực hiện. Các trò chơi khác cũng vậy, chọi gà, cờ người do Hội người cao tuổi đảm nhận. Nhiều năm lại nay, nhiều hoạt động mới đã được đưa vào nhằm tăng sức hấp dẫn cho lễ hội, như: Thi hát dân ca, hội trại, thi làm cỗ xôi gà, thi người đẹp Sa Nam, thi đấu bóng đá/bóng chuyền. Có năm, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh còn phối hợp với huyện tổ chức đêm thơ Nguyên Tiêu tại sân đền, để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng khách thơ và công chúng yêu thơ... Tại lễ hội còn trưng bày, bán các sản vật của địa phương phục vụ du khách.

Mở đầu cho các lễ hội truyền thống trong tỉnh năm nay, Lễ hội Đền Vua Mai năm 2023 gắn với lễ đón Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt - Đền thờ Vua Mai Hắc Đế đang mời gọi du khách gần xa đến tham dự để được cầu cho mình may mắn an lành trong năm mới, đồng thời được tham gia trải nghiệm những trò chơi dân gian thú vị.

                                                                                                

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441190

Hôm nay

2190

Hôm qua

2287

Tuần này

21094

Tháng này

216364

Tháng qua

112676

Tất cả

114441190