Những góc nhìn Văn hoá

Đường lối văn hóa của Đảng ta: Từ Đề cương văn hóa Việt Nam 1943 đến nay

Từ khi thành lập đến nay, trải qua các giai đoạn cách mạng và các kỳ Đại hội, trên nền tảng của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, Đảng ta không ngừng kế thừa, phát triển các chủ trương, đường lối, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp để tiếp tục xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, từng bước trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Năm 1943, đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư của Đảng, bằng tầm nhìn chiến lược và tư duy sắc bén của một nhà chính trị đã vận dụng các quan điểm của Chủ nghĩa Mác và kế thừa truyền thống văn hóa của dân tộc, dưới sự chỉ đạo của Trung ương, đã soạn thảo Đề cương về Văn hóa Việt Nam (còn gọi Đề cương Văn hóa 1943). Đề cương Văn hóa Việt Nam 1943 xác định xây dựng nền văn hóa Việt Nam bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật. Văn hóa dân tộc Việt Nam sẽ do cách mạng dân chủ giải phóng thắng lợi mà được cởi mở xiềng xích và sẽ đuổi kịp văn hóa tân dân chủ thế giới; khẳng định ba nguyên tắc: “Dân tộc hóa”; “Đại chúng hóa”; “Khoa học hóa”.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công. Trong phiên họp đầu tiên của Hội Đồng chính phủ (ngày 3/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trong đó có 2 nhiệm vụ cấp bách thuộc về văn hóa: một là, cùng với diệt giặc đói phải diệt giặc dốt; hai là, phải giáo dục tinh thần cho Nhân dân. Đây là hai nhiệm vụ giản dị nhưng lại hết sức quan trọng ở tầm nhìn, tầm nắm bắt yêu cầu của cách mạng, lấy dân làm gốc.

Đường lối văn hóa kháng chiến dần được hình thành rõ nét. Trong bộn bề công việc của Nhà nước chống lại giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, dưới sự chỉ đạo của Người, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ Nhất khai mạc ngày 24/11/1946 tại Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội. Trong diễn văn khai mạc, Hồ Chí Minh khẳng định: “Nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở” và “Văn hóa liên lạc mật thiết với chính trị. Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân”. Văn hóa phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do; phải làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam, từ già đến trẻ, cả đàn ông và đàn bà ai cũng hiểu nhiệm vụ của mình và biết hạnh phúc của mình nên được hưởng. Số phận dân ta là ở trong tay dân ta. “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ”.

Tháng 7/1948, tại Việt Bắc, trong những năm tháng đầy hy sinh gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai. Thay mặt Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh trình bày báo cáo quan trọng tại Hội nghị với tên gọi “Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam”. Báo cáo hệ thống hóa, cụ thể hóa và phát triển các quan điểm, nguyên tắc, phương châm của Đề cương văn hóa 1943 của Đảng, có giá trị như là Cương lĩnh văn hóa của Đảng thời kỳ kháng chiến, kiến quốc với 7 phần quan trọng và 6 nhiệm vụ chủ yếu.

Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai, Hội nghị Văn nghệ toàn quốc được tổ chức, thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam, là sự tiếp nối tốt đẹp Hội Văn hóa cứu quốc được thành lập năm 1943. Sau Hội nghị văn nghệ toàn quốc, các văn nghệ sĩ nhiệt tình đi vào cuộc kháng chiến với khẩu hiệu “Cách mạng hóa tư tưởng, quần chúng hóa sinh hoạt”.

Từ năm 1950 trở đi, mô hình xây dựng văn hóa kháng chiến có sự điều chỉnh, hình thức “Hội nghị văn hóa toàn quốc” không tiếp tục duy trì. Nhân Triển lãm hội họa (năm 1951), trong thư gửi các họa sỹ, Hồ Chí Minh khẳng định: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Người nhấn mạnh vai trò xung kích của văn hóa, văn nghệ trong sứ mệnh giải phóng dân tộc.

Ngay sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng ta đã đề cập đến việc “đẩy mạnh cách mạng tư tưởng và văn hóa” và nhiệm vụ “xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa” đã được Đại hội lần thứ IV của Đảng đặt ra. Sau đó, Đảng ta tiếp tục xác định ngày một rõ hơn các nội hàm đặc trưng văn hóa Việt Nam và cùng với sự đổi mới tư duy chính trị, tư duy kinh tế, Đảng ta có những đổi mới quan trọng lý luận về văn hóa.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (1991), trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, Đảng ta chỉ rõ: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà Nhân dân ta xây dựng là một xã hội... có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. So với những nhận thức, quan điểm trước đây, luận điểm này là một bước phát triển về chất, cả tư duy lý luận và cả tổng kết thực tiễn. Nền văn hóa tiên tiến là nền văn hóa thấm sâu phẩm chất dân chủ, khoa học, nhân văn.

Quan điểm “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội” đã được đưa ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, năm 1996”. Đặc biệt, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) đã ra Nghị quyết về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Các quan điểm chỉ đạo và các nội dung, giải pháp của Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã được kế thừa, bổ sung và phát triển tại các kỳ Đại hội lần thứ IX, lần thứ X và lần thứ XII của Đảng.

Trên cơ sở tổng kết thực tiễn 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Hội nghị lần thứ chín, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (2021), tư duy lý luận và quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng ta về văn hóa một lần nữa được kế thừa, bổ sung và phát triển ngày càng toàn diện, sâu sắc, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Đại hội XIII của Đảng khẳng định quan điểm chỉ đạo “Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”.

Như vậy, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam về văn hóa đã thể hiện tư duy lý luận và tầm nhìn chiến lược trong xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, là yếu tố nội sinh quan trọng để đảm bảo phát triển đất nước bền vững.

Tin tưởng sâu sắc rằng, sau kỷ niệm 80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) sẽ tiếp tục mở ra những định hướng lớn cho nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong tình hình mới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và quan trọng hơn để văn hóa mãi “soi đường cho quốc dân đi”.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114442927

Hôm nay

2123

Hôm qua

2318

Tuần này

2740

Tháng này

218101

Tháng qua

112676

Tất cả

114442927