Người xứ Nghệ

Chu Huy Mân - Vị Đại tướng trưởng thành từ Nghệ Tĩnh đỏ

“… Trong nước ta hàng ngàn năm nay, Nghệ An là nơi xây dựng cơ sở để chống ngoại xâm, giữ vững nước nhà. Khi nào phía Bắc mất, người ta lại vào đây để xây dựng lực lượng, gây dựng sức mạnh, giải phóng cả nước…”[1].

Đại tướng Chu Huy Mân (1913-2006)

Thật vậy, trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, những tên đất, tên người Xứ Nghệ đã góp phần tô thắm thêm trang sử vàng của dân tộc. Nghệ An tự hào là nơi ươm mầm, sản sinh nhiều anh hùng, hào kiệt, danh tướng, danh nhân lịch sử cho đất nước. Đại tướng Chu Huy Mân - nguyên Uỷ viên Bộ Chính Trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Chủ nhiệm Tổng Cục chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam là một trong những tấm gương như thế, một người con ưu tú của đất nước và quê hương Nghệ An.

Đại tướng Chu Huy Mân (1913-2006) tên thật là Chu Văn Điều, quê ở xã Yên Lưu, tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên (nay là xã Hưng Hòa, thành phố Vinh), tỉnh Nghệ An. Hưng Hòa, quê hương của Đại tướng Chu Huy Mân là một xã vùng trũng thuộc thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Trước năm khi sáp nhập vào Vinh năm 1970, Hưng Hòa thuộc huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Hưng Hòa là địa phương giàu truyền thống lịch sử văn hóa với hệ thống đình, đền, chùa khá đồ sộ như: đền Cả, đền Nhà Nam, đền Long Triều, đền Văn Thành, đền Bà Cô – Di tích Lịch sử Văn hóa quốc gia... Như bao miền quê khác, nhân dân Hưng Hòa có tinh thần hiếu học, khoa bảng và cũng rất anh dũng, kiên cường trong đấu tranh chống lại ách đô hộ của các triều đại phong kiến phương Bắc.

Phát huy cao độ truyền thống chống giặc ngoại xâm có từ lâu đời, khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam, nhân dân Hưng Hòa đã hăng hái tham gia phong trào do các sĩ phu văn thân yêu nước lãnh đạo. Khi phong trào Văn thân, Cần Vương thất bại, sang đầu thế kỷ XX, không chỉ xuất dương theo theo tiếng gọi của phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu hoặc sang "Trại Cày" của Đặng Thúc Hứa ở Thái Lan sau đó tiếp tục sang Quảng Châu - Trung Quốc, mà thế hệ Thanh niên Nghệ Tĩnh nói chung, thanh niên Yên Lưu – Hưng Hòa nói riêng còn ra sức hoạt động để gây dựng phong trào ngay tại quê nhà. Nhiều người con của Yên Lưu – Hưng Hòa đã tham gia vào các phong trào yêu nước đương thời. Những tác động của mạch nguồn quê hương và không gian chính trị trên vùng đất cư trú đã ảnh hưởng rất sớm đến lý tưởng, con đường cách mạng của người thanh niên Chu Văn Điều.

Chu Huy Mân - Chu Văn Điều là hậu duệ của dòng chọ Chu, một dòng họ lớn ở tỉnh Nghệ An. Dòng họ Chu đã đến sinh sống, lập nghiệp ở Yên Lưu vào thế kỷ XV[2]. Phụ mẫu của Chu Văn Điều là cụ Chu Văn Quý (1859 - 1914) và Trần Thị Xân (1864 - 1945)[3] - những người hiền lành, chất phác. Chu Văn Điều là con út, khi được 14 tháng tuổi, cụ Chu Văn Quý vì lao động nặng nhọc đau ốm mà qua đời ở tuổi 55. Một mình bà Trần Thị Xân phải tần tảo đủ nghề để kiếm tiền nuôi các con. Tuy gia cảnh nghèo khó nhưng người con út Chu Văn Điều luôn được mọi người trong gia đình hết mực yêu thương. Tuổi thơ của Chu Văn Điều ảnh hưởng nhiều từ người mẹ. Bà Trần Thị Xân luôn chú ý chăm lo việc đèn sách cho con, để nuôi dưỡng và phát huy truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo và đạo lý làm người.

Con ơi mẹ dạy con này,

Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm,

Làm người đói sạch, rách thơm,

Công danh là nợ nước non phải đền…

Thông qua những lời dạy, những câu chuyện kể, của mẹ, tình yêu quê hương đất nước, tinh thần hiếu học, trượng nghĩa, nhân văn dần được hình thành, nuôi dưỡng và lớn dần lên trong Chu Văn Điều. Thời niên thiếu của Chu Văn Điều gắn bó chặt chẽ với cuộc sống nghèo khổ của gia đình ở vùng quê Yên Lưu. Chứng kiến hình ảnh người mẹ hiền và làng xóm phải chống chọi với cảnh một cổ đôi tròng áp bức để có miếng cơm, manh áo, Chu Văn Điều đã sớm hình thành nên ý chí, khao khát giải phóng dân tộc.

Một quyết định mang tính bước ngoặt đối với con đường hoạt động cách mạng của Chu Văn Điều, đó là việc bà Trần Thị Xân quyết định cho cậu đi học. Nhận thấy tư chất thông minh của người con, năm 1921, khi Chu Văn Điều lên 8 tuổi, gia đình đã xoay xở tạo điều kiện cho đi học chữ Hán ở trường làng. Từ năm 12 tuổi cho tới năm 16 tuổi, ý thức được điều kiện gia đình ngày càng khó khăn, Chu Văn Điều đã bấm chí vừa đi học, vừa làm thuê để phụ giúp gia đình. Sự nghèo khổ, cuộc sống khó khăn đã không ngăn cản được tinh thần hiếu học của người con xứ Nghệ Chu Văn Điều. Từ nền tảng ban đầu đó, Chu Văn Điều - Chu Huy Mân đã không ngừng học tập, nâng cao thêm kiến thức cho mình với mong muốn cống hiến cho quê hương, đất nước. Hiếu học, khổ học, bản lĩnh dám nghĩ, dám làm đã góp phần tạo nên trí tuệ, bản lĩnh của người cán bộ, đảng viên Đảng Cộng sản và sau này trở thành vị tướng tài năng của Quân đội nhân dân Việt Nam Chu Huy Mân.

Truyền thống yêu nước và cách mạng của quê hương, gia đình, dòng họ chính là nguồn cội góp phần nuôi dưỡng tư tưởng yêu nước, tạo nên khí phách anh hùng, tính cách độc đáo của đại tướng Chu Huy Mân. Tiếp thu ảnh hưởng đó, Chu Huy Mân - Chu Văn Điều đã sớm giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng.

Mùa đông năm 1929, khi vừa tròn 16 tuổi, Chu Văn Điều được người anh họ là Chu Văn Chín rủ đi vận động một số thanh niên trong xã. Đây là lần đầu tiên Chu Văn Điều tham gia cuộc mít tinh lớn tại quê nhà. Trong cuộc mít tinh ngày 29/10/1929, Chu Văn Điều là một trong những thanh niên tích cực đi phổ biến chủ trương của cấp trên cho mọi người dân biết và động viên mọi người tham gia cuộc mít tinh tuần hành. Từ những hoạt động yêu nước đầu tiên trên mảnh đất Yên Lưu, Chu Văn Điều đã bắt đầu chuyển từ việc học làm thơ, phú sang học lý luận cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp.

Khi phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930-1931) nổ ra, Chu Văn Điều vừa tròn 17 tuổi. Tại Yên Lưu, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh bộ Vinh, sự chỉ đạo của Chi bộ, Đội tự vệ đỏ được thành lập, Chu Văn Điều được cử làm Đội phó Đội tự vệ. Đội tự vệ có 30 người là những chiến sĩ tích cực, đi đầu trong phong trào cách mạng. Dưới sự chỉ đạo của chi bộ, Chu Văn Điều đã lãnh đạo Đội tự vệ bảo vệ thành công nhiều cuộc biểu tình của nhân dân Yên Lưu lúc bấy giờ. Đặc biệt là cuộc biểu tình kéo đến nhà bọn hào lý và tên địa chủ Võ Quý Sơ, tấn công thị uy, bắt bọn hào lý đem theo sổ sách và triện đồng ra Đình Trung nộp, chờ cách mạng xử lý[4]. Tháng 11/1930, với những đóng góp của mình cho phong trào cách mạng địa phương, Chu Văn Điều được kết nạp vào Chi bộ Đảng ở Yên Lưu. Trong gian bếp nhà của người anh Chu Văn Chín, dưới ngọn đèn dầu lạc, Chu Văn Điều đứng trước lá cờ Đảng tuyên thệ:“Tôi, Chu Văn Điều xin thề trước cờ Đảng nguyện chiến đấu trọn đời cho Đảng, cho cách mạng, nếu bị địch bắt dù cực hình tra tấn thế nào quyết không cung khai, dù phải chịu tù đày quyết không nản chí, vào sống ra chết không sờn lòng”[5].

Lời hứa đơn giản và thiêng liêng ấy đã, đang và luôn sống mãi với thời gian, sống mãi trong tâm trí người đảng viên Chu Văn Điều, trở thành động cơ phấn đấu và cũng là động lực giúp Chu Văn Điều vượt qua mọi thử thách, gian nguy.

Trước sự lớn mạnh của phong trào cách mạng ở Nghệ An, đầu năm 1931, thực dân Pháp bắt đầu tăng cường lực lượng đàn áp, tiến hành cuộc “Khủng bố trắng”[6]. Chúng đã lập ra hệ thống bang tá dày đặc từ tỉnh đến xã để bắt bớ, tra tấn những người bị tình nghi là cộng sản. Đầu tháng 6/1931, Bang tá Võ Quý Công cùng một số tay chân đi bắt cốt cán của phong trào ở Yên Lưu. Lần đầu chúng bắt được 50 người, đa số là cán bộ cốt cán và quần chúng nhân dân nhiệt tình ủng hộ cách mạng, trong đó có đồng chí Chu Văn Điều. Kẻ địch đã dùng nhiều thủ đoạn tra tấn như: sử dụng roi mây ngâm nước mắm, sau đem phơi nắng nhiều ngày để đánh những người bị bắt. Đây là thủ đoạn tra tấn vô cùng độc ác. Bởi vì roi mây ngâm nước mắm, phơi nắng vừa dẻo vừa sắc, đánh vào người dễ tróc da, tứa máu. Sau hai ngày, hai đêm, người chiến sỹ cộng sản trẻ tuổi Chu Văn Điều dù bị tra tấn ngất đi nhiều lần, nhưng vẫn luôn kiên trung, giữ trọn lời thề trước Đảng. Bất lực, bọn chúng đành hăm dọa, rồi thả Chu Văn Điều về.

Chính sách khủng bố trắng của chính quyền thực dân, phong kiến khiến các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương đến Xứ ủy, Tỉnh ủy đều bị tổn thất nghiêm trọng. Phong trào cách mạng ở Nghệ Tĩnh tạm thời rút lui vào hoạt động bí mật. Ở Yên Lưu, một số đảng viên cốt cán, trong đó có đồng chí Chu Văn Điều vẫn bí mật tiếp tục hoạt động, tuyên truyền giáo dục quần chúng, giữ vững và phát triển đội ngũ cốt cán, phát triển đảng viên mới, bí mật liên lạc với thượng cấp.

Mùa đông năm 1933, Chi bộ Yên Lưu liên lạc được với cấp trên. Chi bộ xã Yên Lưu do Chu Văn Điều làm Bí thư, lần thứ ba được khôi phục. Năm 1935, đồng chí Chu Văn Điều hoạt động cách mạng với tên mới là Chu Huy Mân với ý nghĩa là “ngọc sáng”. Từ đây, tên gọi Chu Huy Mân bắt đầu xuất hiện và đi liền suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí.

 

Đồng chí Chu Huy Mân trong hồ sơ lưu trữ của Mật thám Pháp .Ảnh TL

Trong cao trào cách mạng dân chủ 1936 - 1939, đồng chí Chu Huy Mân đã tiếp tục khẳng định bản lĩnh can trường, tài ứng biến linh hoạt trong việc lãnh đạo nhân dân tham gia cuộc đấu tranh đòi tự do, dân chủ, cơm áo, hòa bình cũng như duy trì lực lượng. Báo cáo của mật thám tại Yên Lưu, ngày 13 tháng 6 năm 1939 về hoạt động của đồng chí Chu Huy Mân như sau:

“… báo cáo cho ngài những điều biết ở Yên Lưu, Đảng chính trị làm một cuộc tuyên truyền... Chu Mân, Trần Tuyên… Trần Ngũ, Trần Thích, Trần Thực thường xuyên tổ chức các cuộc họp đề cùng nhau viết những cuốc sách điều hành tổ chức Đảng tại Yên Lưu. Tháng đầu tiên lịch An Nam, Chu Mân đã viết một cuốn sách về giáo dục các tầng lớp đại chúng. Dựa trên phương pháp đã đề ra, Xã bộ đã triệu tập trong cùng tháng này (tháng 3 năm 1939) tất cả mọi người trong thôn bộ được cử 2 đại biểu đến họp tại nhà Trần Đeo tại thôn Mộc...”

Báo cáo của mật thám tại Yên Lưu, ngày 13 tháng 6 năm 1939về hoạt động của đồng chí Chu Huy Mân. Ảnh TL

Từ năm 1937, hoạt động cách mạng năng nổ của đồng chí Chu Huy Mân đã bị mật thám Pháp lietj vào thành phần theo dõi đặc biệt. Đồng chí đã bị mật thám Pháp bắt giam nhiều lần ở nhà lao Vinh. Cái tên Chu Mân (Chu Huy Mân) được nhắc đến một cách dày đặc trong các tài liệu mật như: Báo cáo của mật thám Pháp ngày 28 tháng 6 năm 1939, Báo cáo của mật thám tại Yên Lưu, ngày 13 tháng 6 năm 1939, Thông tri mật số 1921 ngày 26 tháng 07 năm 1939 của Ủy viên cảnh sát Humbert, sở Mật thám Vinh, Báo cáo của mật thám Pháp ngày 27 tháng 10 năm 1939… 

Thông tri mật số 1921 ngày 26 tháng 07 năm 1939 của Ủy viên cảnh sát Humbert, sở Mật thám Vinh về việc bắt đồng chí Chu Huy Mân. Ảnh TL

Sau nhiều lần bị bắt và tra tấn không lấy được lời khai, tháng 5/1940, thực dân Pháp và chính quyền Nam triều tay sai đã ra quyết định số 2712 ngày 5 tháng 6 năm 1940 về việc đày đồng chí Chu Huy Mân đi Đăk Glei, Kon Tum. Với ý chí người tự vệ đỏ được tôi luyện trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, trong nhà lao, dù kẻ địch dùng nhiều thủ đoạn nhưng không thể nào khuất phục được ý chí sắt thép của Chu Huy Mân. Cùng với các đồng chí của mình, Chu Huy Mân đã biến lao tù đế quốc thành trường học cách mạng, tổ chức nhiều cuộc đấu tranh buộc kẻ thù phải nhượng bộ:

“… anh em cảm thấy cần phải cương quyết đấu tranh với nó, nhất định không nhượng bộ. Một ban đấu tranh được thành lập ngay gồm có: Nguyễn Duy Trinh, Chu Huy Mân, Lê Nhu, Nguyễn Hoàng, Lê Văn Hiến… Chúng tôi quyết định sáng mai đưa yêu sách một lần nữa, nếu nó không cấp xe nhất định sẽ biểu tình phản đối, không đi Đăk Tô và yêu cầu công sứ Kon Tum lên giải quyết … Thấy thái độ kiên quyết của chúng tôi Xê - Da - Ri - Ni không tỏ thái độ hóng hách như hôm qua nữa, hắn ra lệnh cho lính đi tìm xe bò theo yêu cầu của T.S.

Cuộc đấu tranh đầu tiên trên đường về Đăk Tô đã thắng lợi…”[7]

 

Tài liệu tiếng Pháp về việc đồng chí Chu Huy Mân bị địch đày đi Đăk Glei, Kon Tum theo Quyết định 2712 ngày 5 tháng 6 năm 1940 ( nguồn ảnh: BTXVNT)

Bên cạnh đó, với khát vọng được cống hiến cho phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, nhiều lần, đồng chí Chu Huy Mân tìm cách vượt ngục. Và lần vượt ngục thành công đó là vào đầu năm 1943:

“… Đêm mồng 3 tháng 2 năm 1943 các đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ, Nguyễn Duy Trinh, Chu Huy Mân, Hà Thế Hạnh thoát khỏi trại giam.

Như trên đã mô tả trại Đăk Tô có hai dãy nhà. Ban đêm lính dồn T.S về dãy nhà ngủ, các đồng chí trốn sau khi ăn cơm chiều liền ẩn trốn trong dãy nhà ăn, người ẩn vào góc kho, người chui vào thùng nước… Trời xẩm tối tụi lính đi lục soát nhà ăn thấy không có người bèn đóng cửa lại và lo canh gác khu nhà ngủ.

Bốn đồng chí của ta lợi dụng lúc trời thật tối ám hiệu cho nhau và lặng lẽ thoát ra ngoài trại giam…” [8]

Sau một thời gian bắt liên lạc được với tổ chức Đảng tỉnh Quảng Nam. Trong thời gian ở Quảng Nam, đồng chí Chu Huy Mân tham gia tích cực trong Ban Mặt trận Việt Minh tỉnh và được phân công làm Phó Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Quảng Nam. Tháng 8/1945, Chu Huy Mân cùng với các đồng chí nòng cốt trong Mặt trận Việt Minh tỉnh và BCH Tỉnh uỷ Quảng Nam lãnh đạo nhân dân toàn tỉnh khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.

Sau khi giành được chính quyền năm 1945, đồng chí vào quân đội và gắn bó tên tuổi của mình với những chiến công xuất sắc của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế.

1945-1951: Chủ tịch Ban quân khu C (gồm 4 tỉnh Trung bộ), Chính trị viên Mặt trận Đường 9, Tham mưu Chủ nhiệm Liên khu 4, Trung đoàn trưởng, Chính ủy trung đoàn.

1951-1954: Đồng chí là Phó Chính ủy, Chính ủy Đại đoàn 316.

1954-1963: Đồng chí là Đoàn trưởng Đoàn 100 (đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào); Chính ủy Quân khu 4, Chính ủy Quân khu Tây Bắc; Tổng Cố vấn Việt Nam cho Chính phủ Liên hiệp Lào của Thủ tướng Xuvana Phuma.

1964-1965: Đồng chí là Chính ủy Quân khu 5.

1965-1967: Đồng chí là Tư lệnh kiêm Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên, chỉ huy các chiến dịch: Plây Me (1965), Sa Thầy (1966).

1967-1976: Đồng chí là Tư lệnh, kiêm Chính ủy Quân khu 5 (1975); Chính ủy Chiến dịch Đà Nẵng (28-29/3/1975).

1977-1986: Đồng chí là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân uỷ Trung ương).

1981-1986: Đồng chí là Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa II-V; Ủy viên Bộ Chính trị khóa IV-V; Đại biểu Quốc hội khóa II, IV, VII.

Trên cương vị được giao, người chiến sỹ cộng sản của quê hương Nghệ An đã luôn phát huy được bản lĩnh của mình, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần vào công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước. Với những thành tích đã đạt được qua hai cuộc kháng chiến của dân tộc, đồng chí Chu Huy Mân được Chủ tịch Hồ Chí Minh phong quân hàm Thiếu tướng năm 1958, vượt cấp lên Thượng tướng năm 1974, được Chủ tịch Tôn Đức Thắng phong hàm Đại tướng năm 1980.

Hơn 75 năm đứng trong hàng ngũ của đảng, hơn 50 năm hoạt động trong Nhà nước và trong quân đội, truyền thống lịch sử, cách mạng của quê hương, tinh thần yêu nước, hiếu học của dòng họ đã góp phần bồi dưỡng, nuôi mầm tài năng, nhân cách đại tướng Chu Huy Mân. Từ mạch nguồn Nghệ Tĩnh đỏ, trưởng thành trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, Đại tướng Chu Huy Mân đã thể hiện được bản lĩnh chính trị, quân sự song toàn, luôn luôn phấn đấu và vượt lên mọi khó khăn trong cuộc sống. Trong quá trình hoạt động, Đại tướng Chu Huy Mân đã đảm nhận nhiều nhiệm vụ và cương vị quan trọng trên lĩnh vực quân sự cũng như dân sự. Nhiệm vụ nào, cương vị nào Đại tướng cũng hoàn thành xuất sắc, được Đảng, Nhà nước và quân dân tin yêu, cảm phục. Với công lao to lớn đó, Đảng và Nhà nước đã trao tặng Đại tướng: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, và nhiều huân chương cao quý khác.

* Đặng Huyền Trang - Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh 

[1] Trở lại KonTum – Hồi ký Lê Văn Hiến, Ban Quản lý di tích tỉnh Kon Tum, 2013, tr.50 

[2] Trở lại KonTum – Hồi ký Lê Văn Hiến, Ban Quản lý di tích tỉnh Kon Tum, 2013, tr.43-44 


[3]. Đảng ủy, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân xã Hưng Hòa: Lịch sử xã Hưng Hòa, Nxb. Nghệ An, 2002, tr.16.

[4]. Theo gia phả họ Chu, tiểu chi tổ khảo Chu Văn Quý ở xã Hưng Hòa, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

[5]. Đại tướng Chu Huy Mân: Thời sôi động (Hồi ký), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.17-18; Đảng bộ xã Hưng Hòa: Lịch sử Đảng bộ xã Hưng Hòa, Nxb. Nghệ An, 2002, tr.39; Tỉnh ủy Nghệ An, Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Đồng chí Chu Huy Mân với cách mạng Việt Nam và quê hương Nghệ An, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.571.

[6]. Đại tướng Chu Huy Mân: Thời sôi động (Hồi ký), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.18.

[7]. Đại tướng Chu Huy Mân - Nhà quân sự - chính trị song toàn, người cộng sản kiên trung, mẫu mực, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.632.


[8] Lịch sử Đảng bộ Nghệ An (1930-1954) Tập 1, Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh Nghệ An, Nxb. Nghệ An, 2018, tr.25

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114487757

Hôm nay

2171

Hôm qua

2337

Tuần này

22111

Tháng này

215069

Tháng qua

120271

Tất cả

114487757