VHNA: Cách đây tròn 200 năm, ngày 16/3/1823, vị hoàng đế vĩ đại nhất của triều Nguyễn - Hoàng đế Minh Mạng đã cho đúc chiếc ấn vàng HOÀNG ĐẾ CHI BẢO. Chiếc ấn vàng lớn nhất, mang tính biểu tượng của triều Nguyễn đã tồn tại qua 12 đời vua, rồi có một số phận rất kỳ lạ... Sau 70 năm “lưu vong” ở nước ngoài, nay chiếc ấn vàng HOÀNG ĐẾ CHI BẢO lại đang trên đường trở về Đất Mẹ. Nhân sự kiện này, Văn hóa Nghệ An xin đăng lại bài viết cách đây 21 năm về bộ ấn kiếm cuối cùng của triều Nguyễn.
Những góc nhìn Văn hoá
Đôi điều về bộ ấn kiếm cuối cùng của triều Nguyễn
Bộ ấn kiếm được trao cho đại diện của chính quyền cách mạng tại Ngọ Môn, Huế vào ngày 30 tháng 8 năm 1945 (Ảnh Tư liệu)
Xưa nay đã có không ít người đặt câu hỏi về bộ ấn kiếm cuối cùng của triều Nguyễn - bộ ấn kiếm tượng trưng cho quyền lực của vương triều, đã từng được trao cho đại diện của chính quyền cách mạng tại Ngọ Môn, Huế vào ngày 30 tháng 8 năm 1945; tại sao về sau, bộ ấn kiếm trên lại trở về với cựu hoàng Bảo Đại khi ông không còn là hoàng đế Nam triều nữa? Và bây giờ, bộ ấn kiếm ấy đang lưu lạc ở chốn nào? Thực hư về chiếc ấn lớn nhất và quan trọng nhất của triều Nguyễn là như thế nào; thanh kiếm đó có phải là thanh kiếm của vua Gia Long không, v.v… cũng là những vấn đề được nhiều người quan tâm. Trong bài viết nhỏ dưới đây, chúng tôi xin cung cấp một vài thông tin xung quanh bộ ấn kiếm đặc biệt này.
1. Tản mạn về ấn kiếm triều Nguyễn
Dưới chế độ quân chủ, ấn kiếm thường là những vật tượng trưng cho quyền lực tối thượng của vua chúa. Xem phim cổ trang, chúng ta thường bắt gặp "Thượng phương bảo kiếm" đại diện cho sự có mặt của hoàng đế, khiến mọi người đều phải nhất nhất kính cẩn tuân lệnh vì "thấy kiếm như thấy vua". Còn về ấn thì có nhiều loại, đúc bằng vàng, bằng ngọc, và gọi chung là bảo/bửu tỷ (1). Dưới thời Nguyễn, bảo tỷ có hơn trăm chiếc, riêng dưới thời hai vị hoàng đế đầu triều là Gia Long (1802-1820) và Minh Mạng (1820-1841) đã có đến hơn hai chục chiếc; mỗi chiếc đều có công năng và ý nghĩa riêng. Theo sách Khâm định Đại Nam Hội điển Sự lệ, trong giai đoạn đầu, triều Nguyễn có những bảo tỷ sau:
Ấn Ngự tiền chi bảo: Dùng để đóng vào các chỉ dụ bình thường
Ấn Văn lí mật sát: Dùng để đóng vào các chỉ dụ, sớ chương đã có tẩy xóa hoặc thêm vào hoặc những chô giáp nhau của 2 tờ văn bản quan trọng.
Ấn Hoàng đế chi bảo: Ấn này sẽ nói rõ sau
Ấn Sắc mệnh chi bảo: Dùng trong việc ban cấp sắc mệnh, sắc cáo cho các quan văn võ và chiếu văn phong tặng các thần, người.
Ấn Chế cáo chi bảo: Dùng đóng các chiếu văn bảo và ban cấp chiếu lệnh sai phái quan viên.
Ấn Mệnh đức chi bảo: Dùng đóng các văn bản khen thưởng người có công trạng, có thành tích nổi bật, người trung lương.
Ấn Quốc gia tín bảo: Dùng đóng các văn bản mời các tướng súy và trưng binh, phát binh.
Ấn Hoàng đế tôn thân chi bảo: dùng đóng các văn bản kính dùng thụy hiệu
Ấn Sắc chính vạn dân chi bảo: Dùng đóng các văn bản, dạy bảo quan dân, răn dạy 4 phương, nên khen thưởng người hiếu nghĩa, trinh tiết.
Ấn Thảo tội an dân chi bảo: Dùng đóng các văn bản sai tướng ra quân đánh dẹp giặc cướp trong hoặc ngoài nước.
Ấn Khâm văn chi tỷ: Dùng đóng các văn bản chọn người tài, làm sách vở, lập nhà học, mở khoa thi, mời kẻ sĩ, cầu nói thẳng... (nói chung là các việc về văn).
Ấn Duệ võ chi tỷ: Dùng đóng các văn bản về việc võ bị như huấn luyện quân đội, kiểm tra tướng sĩ, mở khoa thi võ, chấn chỉnh việc quân.
Ấn Đại Nam hiệp kỷ lịch chi bảo: Dùng vào việc ban chính sóc
Ấn Tề gia chi bảo: Dùng đóng các dụ chỉ dạy bảo thưởng phạt ở nội bộ hoàng gia.
Toàn bộ 14 chiếc bảo tỷ trên đều đúc bằng vàng. Bảo tỷ bằng ngọc thì có 6 chiếc là:
Ấn Vạn thọ vô cương (làm bằng ngọc xanh): Dùng cho việc khánh tiết, vạn thọ, các điều khoản ban ơn
Ấn Hoàng đế chi tỷ (làm bằng ngọc trắng): Dùng cho việc trọng đại như đổi niên hiệu, đại xá thiên hạ, lễ mừng lớn...
Ấn Đại Nam hoàng đế chi tỷ (làm bằng ngọc biếc): Dùng cho việc tổ chức điển lễ lớn như tuần thú, xem xét các địa phương, ban thư sắc cho nước ngoài.
Ấn Đại Nam Thiên tử chi tỷ (làm bằng ngọc biếc).
Ấn Thần hàn chi tỷ: Dùng cho việc vua viết dụ chữ son
Ấn Hành tại chi tỷ (làm bằng ngọc trắng): Dùng vào việc vua đi tuần thú, xem xét các địa phương mà ban huấn dụ, sắc thư...
Ngoài 20 chiếc bảo tỷ trên, triều Nguyễn có 4 chiếc Ấn đúc từ thời chúa Nguyễn. Đây là những chiếc ấn được xếp vào loại "tôn tàng bảo tỷ", chỉ để cất giữ (2).
Như vậy, đầu triều Nguyễn có đến 24 chiếc bảo tỷ bằng vàng và bằng ngọc được xếp vào loại Quốc bảo (3). Số lượng này tương đương với triều Minh, triều Thanh, ở Trung Quốc (4).
Trong 20 chiếc bảo tỷ đúc giai đoạn đầu thời Nguyễn, có 6 chiếc đúc thời Gia Long và 14 chiếc đúc dưới thời Minh Mạng. Và chiếc ấn quan trọng nhất, chiếc ấn biểu tượng cho hoàng đế là ấn HOÀNG ĐẾ CHI BẢO (Ấn của hoàng đế). Đây chính là chiếc ấn vàng mà vị vua cuối cùng của triều Nguyễn đã trao cho đại diện chính quyền cách mạng tại Ngọ Môn.
Ấn Hoàng đế chi bảo được đúc bằng vàng ròng vào ngày mồng 4 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 4 (tức ngày 15/3/1823). Đây là chiếc kim bảo lớn và đẹp nhất của triều Nguyễn. Theo ảnh tư liệu mà chúng tôi hiện có, ấn đúc hình vuông, quai ấn là một con rồng uốn khúc (rồng đoanh), đầu ngẩng cao, mắt nhìn thẳng về phía trước. Đỉnh đầu rồng khắc hình chữ vương; kỳ (vây lưng) dựng đứng; đuôi cũng dựng đứng, vây đuôi uốn cong về phía trước; 4 chân rồng đúc rõ 5 móng, tư thế chống chân xuống mặt ấn rất vững vàng. Mặt dưới của ấn khắc 4 chữ triện Hoàng đế chi bảo. Mặt trên của ấn, phía 2 bên quai khắc nổi 2 dòng chữ:
- Minh Mạng tứ niên nhị nguyệt sơ tứ nhật cát thời chú tạo
(Đúc vào giờ tốt ngày mồng 4 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 4, tức là ngày 15/3/1823).
- Thập thành hoàng kim, trọng nhị bách thập lạng cửu tiền nhị phân
(Đúc bằng vàng, trọng lượng 280 lạng 9 chỉ 2 phân - Nếu tính 27 chỉ tương đương 1kg, thì chiếc ấn này nặng khoảng hơn 10,7kg)
Về việc đúc chiếc kim bảo này, sách Đại Nam thực lục (tập VI, bản dịch của Viện Sử học, Nxb KHXH-1963, trang 146) có ghi khá rõ:
"Ngày Giáp thìn đúc đúc ấn Hoàng Đế chi bảo (nuốm làm rồng cuốn hai tầng, vuông 3 tấc 2 phân, dày 5 phân, làm bằng vàng 10 tuổi, nặng 180 lượng 9 đồng 2 phân". (Ở đây có lẽ do Tổ phiên dịch của Viện Sử học đọc nhầm chữ "nhị bách" thành "nhất bách" nên mới dịch thành 180 lượng 9 đồng 2 phân).
Theo quy định của triều Nguyễn, ấn Hoàng Đế chi bảo chỉ dùng khi "… gặp khánh tiết ban ơn, đại xá thiên hạ cũng là các cáo dụ thân huân, đi tuần thú các nơi để xem xét các địa phương, mọi điển lễ long trọng ấy, và ban sắc, thư cho ngoại quốc".
Như vậy, kể từ khi đúc ra đến khi buộc phải trao cho chính quyền cách mạng, chiếc ấn vàng Hoàng đế chi bảo đã có 122 tuổi.
Khác với chiếc ấn trên, thanh kiếm đi kèm với nó lại có niên đại khá muộn, kiếm làm thời Khải Định.
Theo ảnh tư liệu, thanh bảo kiếm trên được làm theo kiểu trường kiếm. Toàn bộ chiều dài, kể cả vỏ kiếm khoảng hơn một thước Tây. Chuôi kiếm nạm ngọc; lưỡi kiếm có lẽ bằng thép tốt; vỏ kiếm làm bằng vàng. Trên vỏ kiếm có khắc rõ các dùng chữ:
Khải Định niên chế (chế tạo thời Khải Định)
Trọng kim tứ lượng thất tiền ngũ phân (trọng lượng 4 lạng 75 phân vàng) (4)
Cũng như bảo tỷ, triều Nguyễn cũng có nhiều bảo kiếm nhưng không rõ vì sao hoàng đế Bảo Đại lại chọn thanh kiếm này làm vật tượng trưng cho quyền lực của mình, có thể vì đây là thanh kiếm của phụ hoàng truyền lại cho ông chăng? (5).
2. Sự lưu lạc kì lạ của bộ ấn kiếm vương triều
Chiều ngày 30/08/1945, trên nền đài lầu Ngũ Phụng cửa Ngọ Môn, trước mặt hơn 2 vạn Nhân dân thành phố Huế đang sục sôi trong khí thế cách mạng, vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn đã trao bộ ấn kiếm tượng trưng quyền lực vương triều mình cho đại diện chính quyền cách mạng. Thay mặt Chính phủ cách mạng, ông Trần Huy Liệu đã tiếp nhận ấn kiếm và gắn huy hiệu công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho cựu hoàng. Bộ ấn kiếm này ngay ngày hôm sau được đem ra Hà Nội để kịp dự lễ Độc lập vào ngày 02/9/1945. Khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược thủ đô, cuối năm 1946, đơn vị làm nhiệm vụ cất giữ bộ ấn kiếm trên đã đem giấu chúng vào vách một ngôi chùa cổ ở ngoại thành Hà Nội, trước khi rút lên Việt Bắc (6). Nhưng trớ trêu thay, sau đó, khi lính Pháp đập phá chùa để lấy gạch xây đồn bốt, chúng lại phát hiện ra bộ ấn kiếm trên. Một thông tin khác cho rằng, bộ ấn kiếm trên được cất giữ dưới nền một ngôi nhà tại làng Nghĩa Đô. Ngày 08/3/1952, thực dân Pháp đã tổ chức một lễ khá long trọng tại Hà Nội để trao lại ấn kiếm cho Bảo Đại - không phải trên cương vị "Đại Nam hoàng đế", mà là "Quốc trưởng" của một chính phủ mới được vội vã dựng nên. Hiện nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vẫn còn lưu trữ được một tập ảnh chụp lại buỗi lễ "trọng thể" này.
Chiếc ấn hiện nay đang ở tại Pháp, chờ ngày hồi hương.
Năm 1953, để bảo vệ cho bộ ấn kiếm trên được an toàn, ông Bảo Đại đã ủy quyền cho bà Mộng Điệp mang chúng sang Pháp, trao cho hoàng hậu Nam Phương và hoàng tử Bảo Long. Sau khi bà Nam Phương mất (năm 1963), bộ ấn kiếm này do Bảo Long quản lý và ông đã gửi chúng tại két sắt của Ngân Hàng châu Âu (Union des Banques Européennes). Sau khi cựu hoàng Bảo Đại qua đời, quyền quản lý bộ ấn kiếm trên thuộc về bà Monique Baudot, người vợ cuối cùng có hôn thú của cựu hoàng.
Lịch sử quả là trớ trêu!!!..
*
Bộ ấn kiếm cuối cùng và cũng có thể xem là bộ ấn kiếm quý giá nhất của triều Nguyễn lẽ đúng ra phải thuộc về quyền sở hữu của Nhân dân Việt Nam nhưng giờ đây lại thuộc quyền sở hữu của một người Pháp! Và không chỉ có bộ ấn kiếm trên mà còn vô số những bảo vật của người Việt Nam hiện nay vẫn đang được trưng bày công khai tại các Bảo tàng quốc gia và tư nhân tại Pháp, Nhật, Mỹ... Chiến tranh đã qua nhiều năm, kể cả những hận thù dân tộc, tuy nhiên, chúng ta không được phép quên rằng, rất nhiều tài sản vô giá của cha ông chúng ta đã bị cưỡng đoạt!
Còn chuyện làm sao để "châu về hợp phố", để các tài sản đó trở về với Tổ quốc, với người Việt Nam thì hẳn còn là một câu chuyện rất dài...
Huế, tháng 3/2002
CHÚ THÍCH
(1). Một số ý kiến rằng, Bảo (bửu) dùng để chỉ ấn bằng vàng, Tỉ dùng để chỉ ấn bằng ngọc nhưng theo cách ghi chép của Nội Các triều Nguyễn trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (chẳng hạn tại phần Bộ Hộ, quyển 225) thì bảo tỉ là từ để chỉ chung ấn của hoàng đế. Theo Khang Hy Từ Điển, mục bộ NGỌC chữ tỉ giải thích là "ấn của Thiên tử và Chư hầu" (Thiên tử Chư hầu ấn dã); ở mục chữ BẢO (BỬU) cũng giải thích là ấn của hoàng đế và chú thêm: "nhà Tần gọi ấn hoàng đế là Tỉ, nhà Đường đổi lại gọi là Bảo (bửu)". Thiều Chửu trong Hán Việt Tự Điển cũng có cách giải thích tương tự (xem các mục chữ BẢO, TỈ), ở phần chữ ẤN có giải thích thêm như sau: "Phép nhà Thanh định, ấn của các quan thân vương trở lên gọi là bảo. Từ quận vương trở xuống gọi là ấn; của các quan nhỏ gọi là kiềm kí; của các quan khâm sai gọi là quan phòng; của người thường dùng gọi là đồ chương (Thiều Chửu, Hán Việt Tự Điển. Nxb TP. Hồ Chí Minh, 1993, trang 71)
(2). Bốn chiếc ấn Tôn tàng kim bảo gồm: Ấn Truyền quốc kim bảo; ấn Truyền quốc ngọc tỷ (làm bằng ngọc trắng); ấn Tiểu lang kim bảo và ấn Tự lịch kim bảo. Xem Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, bản dịch của Viện Sử học. Nxb Thuận Hóa, Huế 1993, tập14, tr 28-30
(3). Ngoài 24 chiếc bảo tỷ trên, triều Nguyễn còn nhiều ấn triện quý khác cũng làm bằng vàng ngọc, như ấn Tự Đức thần hàn làm bằng vàng; các ấn Khâm minh văn tứ, Thể Thiên hành kiện, Tuân triết văn minh, Khuê bích lưu quang làm bằng ngọc trắng; các ấn Thiên điện tâm, Phong cương vạn cổ, ký thọ vĩnh xương làm bằng ngọc xanh và 6 chiếc ấn bằng ngọc tốt khác. Tuy nhiên các loại ấn triện này chỉ được xếp vào loại "đồ thư văn bảo" chứ không xếp vào loại bảo tỷ. Hiện nay, tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam vẫn còn lưu giữ được 85 chiếc ấn vàng ấn ngọc (Kim bảo, ngọc tỷ) của triều Nguyễn.
(4). Theo bản Dụ năm Thiệu Trị thứ 7 (1847). Xem Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ . Sđd, tr.39
(5). Trong số 4/2001, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển có đăng bài viết về thanh kiếm của vua Gia Long tại Bảo tàng Quân Đội (Pháp) của tác giả Bửu Diên Hoàng Oanh. Chúng tôi có được xem một lô ảnh của nghệ nhân Trịnh Bách chụp về chiếc kiếm này, đặc biệt có một tấm chụp cận cảnh chuôi kiếm có thể thấy rõ tên kiếm là THÁI A KIẾM. Chúng tôi nhất trí với ý kiến với Trịnh Bách khi ông cho rằng, đây là thanh kiếm của thời Đồng Khánh chứ không phải kiếm thời Gia Long do tên gọi (nhuốm màu sắc đạo Lão), đặc điểm cấu tạo (kiếm kiểu Tây) và màu sắc (lòe loẹt) của thanh kiếm này.
(6). Về câu chuyện vì sao người Pháp tìm lại được bộ ấn kiếm này cũng như vị trí và thời điểm phát hiện ra chúng hiện vẫn có nhiều ý kiến khác nhau. Nguyễn Hữu Nhơn cho biết, lính Pháp tìm thấy ấn kiếm trong một thùng dầu hỏa bằng sắt Tây khi đào đất xây đồn tại làng Nghĩa Đô vào ngày 28/02/1952. Lúc ấy, chiếc kiếm đã bị gãy đôi do khi đào chạm vào và cả ấn kiếm đều đã bị sơn đen để ngụy trang (Báo Người Lao Động, số ra ngày 5/9/1997). Nguyễn Đắc Xuân sau khi dẫn ý kiến trên lại cho rằng, kiếm gãy là do người ta chủ động bẻ gãy để bỏ vào thùng, còn màu đen của ấn kiếm là do lâu ngày bị rỉ sét chứ không phải do sơn để ngụy trang. Ông cũng dẫn lời của Lê Văn Lân cho rằng, lính Pháp tìm thấy ấn kiếm tại "vách tường một ngôi chùa cổ ngoài Bắc" và thời điểm phát hiện sớm hơn ngày 28/02/1952 khá nhiều (Nguyễn Đắc Xuân, Hỏi đáp về triều Nguyễn và Huế xưa. Nxb Trẻ, tập 2, trang 83).
tin tức liên quan
Videos
Thế giới đã thay đổi thế nào trước đại dịch Covid - 19?
Nhớ lần gặp Đại tướng Chu Huy Mân
Xứ Nghệ - Điểm đến thú vị của những cuộc du xuân
Có hay không một tầng lớp quý tộc Việt
“Cần cho làng một sự tự trị thực sự để tăng cường sự đoàn kết …”
Thống kê truy cập
114503476
2198
2332
2946
220869
120308
114503476